“Nghề truyền thống từ rất lâu… không rõ nguồn gốc”
Sáng sớm Hà Nội se lạnh, tôi chạy xe đến ghé thăm làng nghề làm tăm hương truyền thống. Nhìn từ xa, làng Quảng Phú Cầu giống những bãi biển rực rỡ sắc màu. Đi dọc bờ đê vào làng, dưới những ánh nắng dịu nhẹ của đầu đông là hàng vạn những bó vầu, bó tăm hương đỏ rực như những “bó hoa khổng lồ” được xếp xòe ra khắp các bãi đất trống, sân đình…trông rất bắt mắt.
Càng đi sâu vào trong, tôi thấy không khí lao động bên trong làng rất nhộn nhịp. Tiếng lạch cạch chẻ vầu, bó tăm, tiếng máy xẻ và tiếng cười nói của người dân trong làng, tạo nên khung cảnh rất đặc trưng của làng nghề Quảng Phú Cầu. Mỗi nhà, mỗi người một việc, dường như đã trở thành thói quen của những người làm nghề nơi đây.
Tôi ghé vào một xưởng nhỏ của nghệ nhân Trần Thị Loan, trong đây là công đoạn giũ tăm, trà chân hương. Tôi thủ thỉ hỏi bà, bà Loan tâm sự: “Nghề truyền thống này diễn ra từ xa xưa, không xác định được nguồn cội từ năm nào nữa. Tôi nối nghiệp gia đình làm tăm hương, năm nay 72 tuổi vẫn bám trụ với nghề để truyền lại cho con cháu sau này”.
Có lẽ vì thế mà những đôi tay thoăn thoắt chẻ vầu, bó tăm, nhuộm phẩm, se hương đều rất thành thạo. Để làm được những thành phẩm đến tay người tiêu dùng, mỗi nghệ nhân đều đặt trọn tâm huyết, sự yêu nghề cùng sự tỉ mỉ vào mỗi bó hương. Từ những khâu chọn những cây vầu, cho đến vót tăm, nhuộm chân, phơi chân hương đều được chọn lọc và gia công cẩn thận đòi hỏi sự cẩn thận và tỉ mỉ.
Với thâm niên hơn 40 năm làm tăm hương truyền thống, gia đình ông Nguyễn Hữu Long là một trong số ít những gia đình còn lưu giữ lại nghề làm chân hương bằng phương pháp thủ công.
“Nghề này làm lâu rồi, đời tôi cũng hơn 40 năm. Xưởng nhà tôi có đầu tiên ở làng nghề này, khi đó chưa có máy móc, phải làm thủ công. Xưởng nhà tôi tự sản xuất được đầy đủ công đoạn từ khâu sản xuất, khâu làm về kỹ thuật, làm màu rồi xuất đi các tỉnh. Nguyên liệu dùng toàn là các thanh vần nhập từ trên rừng về để bán cho các xưởng”, ông Nguyễn Hữu Long hào hứng chia sẻ về nguyên liệu làm ra chân hương.
Mỗi năm, cứ đến độ tháng 10 âm lịch là xưởng hương tăm của gia đình ông Long cũng như các hộ gia đình khác đều gấp rút chuẩn bị mọi công đoạn để chạy nước rút cho những dịp lễ Tết, xuân về. Với 10 công nhân mỗi ngày, mọi người thay nhau ở mọi công đoạn. Trung bình mỗi ngày xưởng nhà ông Long sản xuất hương tăm lên đến gần chục tấn. Tăm hương được bó tròn sau khi được trà và lọc sạch, mỗi bó chân hương khoảng 6kg sẽ được mang đi nhuộm màu, khi nhuộm xong sẽ được chở ra bãi trống có đủ nắng để phơi.
“Yêu nghề, nghề không phụ người”
Đến với làng nghề, tôi được quan sát tăm hương đủ loại sắc màu, không chỉ có màu hồng như những loại hương phổ biến mà người dân Việt Nam hay dùng. Ở đây còn có hương tăm màu đỏ tía, màu vàng,… tùy thuộc vào nhu cầu khách hàng với mỗi mục đích sử dụng là những gam khác nhau. Mỗi mẻ chân hương đều được phơi dưới trời nắng to khoảng 1 ngày, sau đó đóng gói thành phẩm và vận chuyển đi khắp các tỉnh thành.
Bà Trần Thị Lập, công nhân trong xưởng của ông Long chia sẻ: “Tôi là công nhân làm ở xưởng đã gần chục năm, công việc đem đến cho tôi thu nhập khoảng 10 triệu/tháng. Dịp cận tết, hay những ngày lễ hội do nhu cầu cao, tăng ca nhiều. Số giờ tăng ca như thế là 60 nghìn một giờ, có những ngày phải làm đến tận 10 giờ tối mới nghỉ”.
Công nhân Phạm Thị Dịu bày tỏ: “Vất vả chứ, mỗi ngày ôm mấy tạ tăm rất mệt. Làm thì có tiền, có việc gia đình quan trọng lắm mới xin nghỉ, không thì tôi đi làm suốt. Với yêu nghề thì nghề không phụ mình thôi”. Tôi hỏi chị tại sao chị lại không lên thành phố làm? Chị cười nói: “Tại làm nghề quen rồi, với con nhỏ nữa không muốn xa nhà”.
Những năm gần đây, làng nghề ở Quảng Phú Cầu không chỉ biết đến là làng làm chân hương truyền thống, mà nơi đây còn thu hút rất nhiều bạn trẻ cũng như khách du lịch về đây chụp hình và tham quan. Trải qua gần một thế kỷ, nghề làm chân hương ở Quảng Phú Cầu không chỉ là nghề tạo công ăn việc làm cho bà con mà còn trở thành nét đẹp rất riêng biệt của vùng đất nơi đây.
Tạm biệt làng nghề tăm hương truyền thống khi hoàng hôn xuống, nhịp thở của làng vẫn cứ nhộn nhịp và gấp gáp…Với quan niệm “Người yêu nghề, nghề không phụ công người”, vì thế những năm trở lại đây làng nghề lại đổi thay, thêm nhiều trải nghiệm mới, sản phẩm tốt và độc đáo hơn. Đến với làng nghề, tôi cảm nhận được người dân ở đây không chỉ thân thiện với khách du lịch mà họ còn có tình yêu với nghề, tình yêu đó lớn dần theo năm tháng và rực đỏ như những đóa tăm hương.