Bánh trôi là lễ vật không thể thiếu được trong tất cả các kỳ lễ tại đền Hát Môn và trở thành bản sắc riêng của lễ hội đền Hát Môn. Tương truyền, trước khi quyên sinh trên dòng sông Hát vào ngày 6/3 âm lịch, Hai Bà đã ăn bánh trôi của bà bán hàng nước ở đây.
Lễ hội truyền thống đền Hát Môn đã được công nhận là Di sản Văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia năm 2016. Hằng năm, để tưởng nhớ công lao của Hai Bà, nhân dân Hát Môn đều tổ chức ba kỳ lễ hội tại khu đền (ngày 6/3 ÂL – ngày hoá của Hai Bà, ngày 4/9 ÂL – khao quân tế cờ khởi nghĩa và 24/12 ÂL – kỷ niệm chiến thắng), trong đó, lễ hội được tổ chức vào ngày 6/3 (ngày hoá của Hai Bà) được tổ chức tế lễ long trọng và dài ngày nhất trong năm. Điểm độc đáo trong lễ hội truyền thống đền Hát Môn là nghi thức rước bánh trôi vô cùng đặc biệt.
Ngược dòng thời gian, theo dòng chảy hào hùng của dân tộc, vào buổi đầu thời kỳ đấu tranh giành lại nền tự chủ của dân tộc, Hai Bà Trưng đã kêu gọi nhân dân đứng lên đánh đuổi quân Đông Hán xâm lược. Cuộc khởi nghĩa thắng lợi, nước ta giành quyền tự chủ trong 3 năm (40- 43). Tuy nhiên, đến năm 42, vua Hán cử tướng Mã Viện đem hàng vạn binh lính sang tái xâm lược nước ta. Do tương quan lực lượng quá chênh lệch, đến năm 43 quân của Hai Bà Trưng không đủ sức kháng cự quân
xâm lược.
Tương truyền, trên đường rút quân, Hai Bà đã dừng chân gần dòng sông Hát và ăn bánh trôi, sau đó gieo mình xuống dòng Hát giang để tránh xa vào tay giặc, hôm đó là ngày 6/3 âm lịch. Tục dâng cúng bánh trôi tại lễ hội đền Hát Môn cũng từ đó mà ra. Theo lệ này, người dân Hát Môn dù ở quê hay xa quê đều từ sau tết Nguyên Đán đều không ăn bánh trôi, chỉ đến ngày 6/3, sau khi làng đã dâng bánh cúng Hai Bà, các gia đình mới mở tiệc bánh trôi như thể hiện sự tôn kính Hai Bà.
Bánh trôi trong hội đền Hát Môn khác hẳn với bánh trôi được làm ở những nơi khác. Bánh được làm cầu kỳ theo quy tắc nghiêm ngặt. Bánh lễ phải do các cụ trong ban tu lễ (chuẩn bị lễ vật) làm. Bột làm bánh là
bột gạo nếp cái hoa vàng, được giã tay bằng chày gỗ lim trên cối đá trứng (loại cối đá dùng lâu lõm lòng xuống như vỏ quả trứng), và phải là bột giã lần hai. Bột lần hai là loại bột tốt nhất vì được lấy từ thịt gạo (lần một là vỏ gạo). Bột phải được nhào với nước mưa đã thanh lọc (nước mưa được lọc qua lớp vải trắng sạch để loại bỏ hết tạp chất). Viên bánh trôi lễ lớn gấp ba, bốn lần so với viên bánh thông thường.
Sau đó là trùng bánh (luộc bánh) phải đủ 3 sôi 2 lạnh. Tức là bánh thả vào nước sôi, khi nổi lên lần thứ nhất thì cho thêm một gáo nước lạnh để bánh lặn xuống. Tiếp tục làm như thế đến khi bánh nổi lần thứ ba thì khám bánh. Khám bánh phải do một cụ cao tuổi, có kinh nghiệm thực hiện. Bánh chín được vớt, thả vào nước lạnh để bánh săn lại rồi xếp ra bát, đổ nước mật vào. Nước mật được làm từ đường mía, hoa hồi, quế chi, thảo quả cho mùi thơm vô cùng đặc biệt.
Ngoài mâm bánh lễ của đền, các gia đình trong thôn đều làm bánh trôi dâng Hai Bà. Trước kia, mỗi gia đình một mâm nhưng nay thì mỗi cụm dân cư đều được cấp gạo làm bánh dâng lên Hai Bà. Đặc biệt, khác với năm 2022, năm nay để kỷ niệm 1980 năm ngày giỗ Hai Bà (43- 2023) huyện Phúc Thọ tổ chức lễ dâng hương vào chính hội ngày 25/4 (6/03 âm lịch)