Với vị trí địa lý tương đối thuận lợi, có dòng sông Đáy chảy qua, có đường thành lộ 429 chạy theo hướng Bắc Ba Thá - Mía Môn tạo nên hệ thống giao thông khá thuận lợi. Có thể khẳng định, Cao Dương là vùng đất địa linh nhân kiệt với thế đất ngũ nhạc huyết hậu thủy lôi tâm. Trung tâm của xã hiện nay ở thế đại phong sơn thủy hữu tình “long chầu hổ phục” hướng thẳng về Thăng Long Hà Nội. Đầm làng Mục Xá và các đình, chùa, miếu đã minh chứng cho điều này. Ngoài đầm Mục Xá, xã Cao Dương còn có 4 đình, chùa và nhà thờ.
Theo Cụ Vũ Đảo - Chi hội trưởng người cao tuổi thôn Mục Xá thì: “Đình làng Mục Xá là nơi thờ em trai thứ 32 của vua Hùng Vương thức 17 có hiệu là Luy Lý. Khi đến đất Cao Dương, ngài thấy phong cảnh hữu tình bên bờ sông Đáy nên đã dừng chân xây làng lập ấp, dạy dỗ cách làm ăn sinh sống và bảo vệ dân lành. Nhớ ơn công đức ngài, nhân dân đã lập miếu thờ suy tôn ngài là Thành Hoàng làng. Vào khoảng năm 1923 thuộc thế kỷ 20, ngôi miếu thờ ngài do một trận phong thủy đã nhấn chìm toàn bộ và cuốn trôi bài vị theo dòng sông xuống một xã giáp danh thuộc huyện Ứng Hòa.
Sau đó, hai thôn Mục Xá (Cao Dương) và Viên Ngoại (Viên An, Ứng Hòa) đã cùng thờ chung một vị thần là vua Hùng Vương thứ 32. Hằng năm, nhân dân hai làng có mối giao hảo cùng luân phiên nhau cứ vào ngày 10/3 âm lịch là ngày giỗ tổ của vua Hùng là làm giỗ tế lễ ghi ân công đức”. Trước ngày diễn ra lễ hội, theo ghi nhận từ ông Trần Thế Anh - Chủ tịch UBND xã Cao Dương - Trưởng Ban tổ chức Lễ hội thì “đến nay công tác chuẩn bị đang được Ban tổ chức cũng như chính quyền và người dân khẩn trương hoàn thiện đặc biệt là các điều kiện về cơ sở vật chất tổ chức phần Lễ, phần Hội; công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, chỉnh trang, tôn tạo cảnh quan các tuyến đường ra, vào khu vực tổ chức Lễ hội; các phương án đảm bảo an ninh, trật tự; phòng, chống cháy nổ, xử lí các tình huống liên quan đến sự cố cháy nổ tại khu vực diễn ra các hoạt động của Lễ hội; công tác tổ chức thực hiện Chương trình nghệ thuật trong Lễ Khai mạc; công tác đảm bảo phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm… nhằm đảm bảo công tác tổ chức Lễ hội thành công tốt đẹp, an toàn, ấn tượng, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cổ vũ, động viên người dân các thôn thi đua lao động sản xuất thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương năm 2023”.
Các hoạt động Lễ hội gồm 2 phần là phần lễ và phần hội. Phần Lễ gồm: Lễ mở cửa đền, Lễ rước bách thần (Lễ rước kiệu qua hai làng), Lễ dâng hương, Lễ Tế Yên vị, Lễ tạ. Phần hội gồm các hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian truyền thống và hiện đại tại không gian lễ hội gồm: biểu diễn múa lân, múa rồng (Lồng ghép trong Chương trình Lễ rước nước, Lễ rước kiệu); tổ chức các trò chơi dân gian (Cờ người, Cây đu, Kéo co, bắt cá…); hoạt động thể thao, văn nghệ, ca múa nhạc…
Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương là một hình thức biểu hiện tình yêu nước nồng nàn của người dân địa phương gắn với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, thể hiện sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, là điểm hội tụ của văn hoá tâm linh của người Việt Nam nói chung và nhân dân xã Cao Dương nói riêng từ bao đời nay. Đây cũng là một tín ngưỡng độc đáo, minh chứng cho nếp sống đầy bản sắc và bản lĩnh, trở thành biểu tượng cho ý chí và tinh thần của dân tộc trên chặng đường dựng nước và giữ nước trong suốt hàng nghìn năm lịch sử.