Hà Nội xây dựng nông thôn mới bền vững gắn với thể mạnh từng địa phương

Trung Thành

30/07/2022 10:13

Theo dõi trên

Theo đó, ngành nông nghiệp cần những bước đi táo bạo và có tầm nhìn để chuyển đổi nông nghiệp xanh và bền vững. Phải hành động ngay trong việc thay đổi mô hình phát triển nông nghiệp nhằm đảm bảo tính bền vững, cạnh tranh và khả năng phục hồi khi đối mặt với nhiều thách thức ảnh hưởng đến nông nghiệp.

Trao đổi về nội dung này, ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội, sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, khu vực nông thôn Hà Nội đã có những chuyển biến rõ nét trên hầu hết mọi lĩnh vực phát triển, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, cải thiện đời sống của nông dân.

Để xây dựng nên những vùng quê đáng sống, nông thôn hiện đại, văn minh, nông dân sáng tạo, thông minh…, mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn tiếp theo đề cao vấn đề chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, dịch vụ. Với mục tiêu đó, ngày 28.7.2021, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 25/2021/QH15 phê duyệt chủ trương đầu tư cho Chương trình giai đoạn 2021 - 2025, với mục tiêu đi vào chiều sâu xây dựng nông thôn kiểu mẫu, nâng cao.

Cụ thể, tại huyện Sóc Sơn, thông qua Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã phối hợp các đoàn thể chính trị - xã hội xây dựng, nhân rộng những mô hình, cách làm hay trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan. Đến nay, huyện Sóc Sơn có 112 HTXNN. Theo quy mô có: 15 HTX toàn xã; 58 HTX thôn, liên thôn và 30 HTX chuyên ngành. Theo loại ngành, nghề có: 85 HTX tổng hợp, 24 HTX trồng trọt, 03 HTX chăn nuôi.

xa-song-phuong-1670808819.jpg

Nông thôn mới Hà Nội gắn với bản sắc văn hóa

Các HTX nông nghiệp đã thực hiện tốt nhiệm vụ dịch vụ công ích thuỷ lợi, từng bước tạo sự chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn, tạo nền tảng thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thực hiện hoàn thành các tiêu chí trong Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới như: Tiêu chí số 10 (thu nhập), tiêu chí số 13 (hình thức tổ chức sản xuất). 

Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện có 06 HTX tham gia liên kết chuỗi trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 05 HTX ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; 11 HTX với 45 sản phẩm OCOP được Thành phố đánh giá, phân hạng. Nhiều huyện nông thôn của Hà Nội cũng đẩy mạnh phong trào sản xuất “xanh”, môi trường “xanh” trong tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Về nội dung này, ông Chu Văn Khang - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chương Mỹ (Hà Nội), từ đầu năm đến nay, nông dân trên địa bàn đã xây dựng được 40 mô hình bảo vệ môi trường trong đó có những mô hình hàng cây nông dân, những tuyến đường nở hoa, những hồ ao không rác thải, nước thải đổ xuống. Hội đã phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chương Mỹ khảo sát, thí điểm triển khai mô hình "Cánh đồng không khói" trên địa bàn các xã Đồng Phú, Hòa Chính, Văn Võ, Thượng Vực…

Cũng tương tự như thế là mô hình trại gà thuộc xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ, cách trung tâm Hà Nội khoảng 30 km, một đàn gà lên tới 5.000 con được con người chăm sóc "tận răng", với tiêu chuẩn ăn uống, ngủ nghỉ còn cao hơn con người. Thậm chí, đàn gà còn có tiêu chuẩn giải trí bằng cách nghe nhạc của các nhà soạn nhạc nổi tiếng.

ga111-1670813923.jpeg

Hà Nội xây dựng nông thôn mới bền vững gắn với thể mạnh từng địa phương và những đột phá từ nhiều mô hình sáng tạo

Anh Phan Trung Kiên, chủ của trang trại gà đặc biệt này cho biết: Mô hình nuôi gà chất lượng cao không lạ trên thế giới, sản phẩm làm ra thường chỉ dành cho giới thượng lưu, nhưng khá mới tại Việt Nam. Tại trang trại này, anh Kiên áp dụng 4 tiêu chí có phần "kỳ lạ", khác biệt với truyền thống chăn nuôi. Nhiều người không biết, nghĩ rằng anh Kiên chơi "trội" khi chăn nuôi theo kiểu chẳng giống ai.

Thứ nhất, trang trạng luôn phải trong tình trạng mát mẻ, sạch sẽ. Toàn trang trại sẽ được lắp đặt hệ thống điều hòa, để giữ nhiệt độ nằm trong ngưỡng 25 - 32 độ C. 

Thứ hai, về khẩu phần ăn uống. Gà trong trại sẽ được ăn thực phẩm sạch, nhiều loại thảo dược được chọn lọc, như ngô tẻ đỏ Sơn La, cám gạo tươi miền Bắc, đậu tương rang; tỏi tươi, đinh lăng, khôi đốm, hoàn ngọc, quế, diếp cá, trà xanh, mật nhân, đương quy, nghệ;....

Bên cạnh đó, gà còn được uống nước lọc RO, khử bằng tia UV, tiêu chuẩn còn cao hơn nước uống của con người hàng ngày. Đặc biệt nhất, trong khẩu phần ăn của gà, anh Kiên còn cho thêm cà gai leo, một loại thảo dược rất tốt được dùng để tăng cường chức năng gan cho người, loại dược liệu này đã làm quả trứng của trang trại anh có chất lượng vượt trội với các phương pháp chăn nuôi thông thường.

anh-18-1671505950.jpg
Chú thích ảnh

Hay ở xã Thọ An huyện Đan Phượng đang xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, phấn đấu đảm bảo tiêu chí môi trường bằng những mô hình xử lý chất thải sau khi thu hoạch làm phân hữu cơ, tuyên truyền cho dân không còn đốt rơm rạ, gây ra hiện tượng ngạt khói như trước nữa. Ngoài ra Hội Nông dân ở đây cũng đã phát động phong trào “Nông dân tham gia bảo vệ môi trường” gắn với nông thôn mới bằng nhiều mô hình như tuyến đường nông dân tự quản, đoạn đường nông dân kiểu mẫu, cánh đồng sạch, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học…

"Việc triển khai 6 đề án/chương trình chuyên đề trọng tâm nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn và giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn tại trong xây dựng nông thôn mới nổi lên sau 10 năm thực hiện, gồm: Chương trình khoa học - công nghệ phục vụ xây dựng NTM; Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP); Đề án về phát triển du lịch nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới; Đề án môi trường, vệ sinh, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn; Đề án chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh; Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới...", ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội chia sẻ thêm thông tin.

---

BÀI VIẾT VỚI SỰ HỖ TRỢ CỦA VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI NÔNG THÔN MỚI HÀ NỘI

Bạn đang đọc bài viết "Hà Nội xây dựng nông thôn mới bền vững gắn với thể mạnh từng địa phương" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn