Hà Tĩnh: Người dân huyện nghèo miền núi “máu chảy ruột mềm” với đồng bào miền Nam

Tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách luôn được dân ta hun đúc và phát huy mỗi khi gặp phải khó khăn. Những ngày này, TP.HCM đang oằn mình trước cơn đại dịch, hai chữ “đồng bào” lại trỗi dậy đầy thân thương và kiêu hãnh.

Những chuyến xe nghĩa tình muối mặn gừng cay

Ngày 21/7, những chiếc xe đầu kéo bắt đầu lăn bánh rời phố huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) lên đường “cứu trợ” miền Nam. Trên xe là nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm được đóng gói cẩn thận. Nhưng trên tất cả, đây là niềm tin yêu, lo lắng, sự cảm thông, tin tưởng TP.HCM sẽ chiến thắng dịch bệnh. Tinh thần không ai bị bỏ rơi phía sau, chúng ta luôn sát cánh bên nhau để chiến đấu chiến thắng dịch bệnh.

Mỗi khi miền Trung gặp thiên tai, bão lũ, TP.HCM hay miền Nam lại hướng về khúc ruột ấy. Nay Sài Gòn “bịnh”, đồng bào miền Trung lại hướng về. Đó là cái nghĩa cái tình mà bà con xứ Nghệ thường nói “muối mặn gừng cay”.

clip1ht1-1626923095.jpg
Những chuyến xe nghĩa tình với hai tiếng “đồng bào”.

“Khi nghe thông tin chương trình ủng hộ phòng, chống dịch Covid bà con đều vui vẻ hưởng ứng. Thực tếnhiều người đang rất mong muốn gửi quà vào miền Nam nhưng chưa biết bằng cách nào. Người Việ Nam ta có tấm lòng yêu thương đùm bọc nhau, nay “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, làm sao không lo, không thương cho được”, ông Hồ Sĩ Đức, nguyên bí thư Đảng ủy xã Sơn Trường cho biết.

Tại huyện Hương Sơn, sau 3 ngày phát động, đến chiều 20/7, UBMTTQ huyện đã tiếp nhận hơn 250 triệu tiền mặt và  152,103 tấn hàng hóa (quy ra hơn 1,3 tỷ đồng) gồm: 53.162 tấn gạo; 68.941 tấn rau củ quả; 2.585 thùng mì tôm; 1.027 lít nước mắm; các nhu yếu phẩm khác như cá khô, tép khô, lạc, muối vừng, lạc,  miến, nhút mít, trứng…

Ông Nguyễn Thành Đồng, chủ tịch MTTQ huyện Hương Sơn cho biết: “Vừa qua, Hương Sơn là tâm dịch của Hà Tĩnh, nơi đặt bệnh viện Cầu Treo điều trị bệnh nhân cho toàn tỉnh. Bà con nhân dân mới trải qua đợt dịch căng thẳng, địa bàn bị cách ly, phong tỏa nhiều khu vực, kinh tế dịch vụ phải đóng cửa. Khi đời sống mới bắt đầu trở lại ổn định, địa phương lại xảy ra trân lốc xoáy, nhà cửa, hoa màu người dân bị hư hỏng thiệt hại lớn. Tuy nhiên, khi TP.HCM bị dịch nặng, người dân đã phát huy tốt tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách”.

Ông Đồng cho biết, các tổ chức tôn giáo, nhân dân các xã rất tích cực ủng hộ tiền, hàng hóa, rau củ, lương thực, thực phẩm. Ngoài ra lực lượng cán bộ công nhân viên chức qua công đoàn huyện cũng đã quyên góp, ủng hộ gần 160 triệu. Đặc biệt, nhiều địa bàn mới cách ly, phong tỏa xong cũng đến quyên góp”.

Theo đó, số hàng quyên góp được UB MTTQ huyện bố trí 3 xe tải lớn vận chuyển vào TP.HCM: “Xe chuyên chở được cấp mã QR lưu thống trên luồng xanh Quốc gia, tài xế đã xét nghiệm Covid âm tính nên mong hàng sẽ đến TP.HCM thuận lợi, sớm nhất”, ông Đồng nói.

clip1h2-1626922981.jpg
Người dân nhiệt tình mang hàng đến quyên góp.

Qua cơn hoạn nạn mới hiểu lòng nhau

Sơn Trường là một xã miền núi của huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, đời sống nhân dân nơi còn nhiều khó khăn bởi đặc thù là xã miền núi, kinh tế nông nghiệp, xã từng thuộc diện hỗ trợ của chương trình 135.

Cách đây không lâu, xã Sơn Trường ghi nhận một số ca dương tính Covid – 19. Thời điểm đó, thông tin trên như “sét đánh ngang tai”. Bởi một xã miền núi, kinh tế thương mại, dịch vụ, du lịch chưa phát triển, người dân quanh năm úp mặt vào ruộng đồng mà đột nhiên có dịch Covid.

Sau cơn địa chấn ấy, chính quyền và người dân hợp sức, đồng lòng cùng nhau vượt qua cơn hoạn nạn. Hiện nay, cuộc sống sinh hoạt của người dân đã trở lại bình thường.

Nói về những ngày tháng cùng nhân dân chống dịch, ông Lê Đức Thuận, Chủ tịch UBND xã Sơn Trường xúc động nói: "Nhân dân xã Sơn Trường vốn có tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Khi xảy ra dịch bệnh cũng như những tai ương không muốn, bà con sẵn sàng tương thân tương ái, một lòng giúp nhau không đắn đo”.

Được biết, thời điểm xảy ra dịch bệnh cuối tháng Sáu vừa qua, xã Sơn Trường có 4 cụm dân cư gồm 51 hộ gia đình, 188 nhân khẩu bị phong tỏa và 149 trường hợp F1 phải cách ly tập trung.

clip1ht3-1626923311.jpg
Người dân, lãnh đạo xã Sơn Trường một lòng hướng về miền Nam.

“Thời điểm đó người dân từ miền Nam và những vùng miền khác đã ủng hộ, lo lắng cho chúng tôi. Nay TP.HCM bùng dịch, chúng tôi cũng lo lắng đứng ngồi không yên. Hi vọng những phần quả nhỏ nhưng nặng nghĩa tình sẽ đến tay người dân và giúp họ sớm vượt qua cơn dịch bệnh”, ông Thuận xúc động nói.

Theo thống kê, hiện người dân xã Sơn Trường đã quyên góp được 17 triệu đồng tiền mặt, 900 kg gạo, hơn 1 tấn rau, củ, quả và nhiều loại nhu yếu phẩm khác như lạc, vừng, mì tôm, phở ăn liền, dầu ăn, nước mắm.

Ông Trần Văn Viện, cán bộ hưu trí sống tại thôn 3, xã Sơn Trường bày tỏ: “Mặc dù nhân dân Sơn Trường vừa trải qua 1 tháng chống dịch quyết liệt, nhưng với tình cảm "thương người như thể thương thân", “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, sau 2 ngày phát động, bà con đã quyên góp ủng hô đồng bào ở TP.HCM đang phải cách ly, chống dich một số mặt hàng thiết yếu. Của ít nhưng tình cảm sâu lắng, mong bà con trong đó vui lòng nhận cho. Kính chúc cán bộ và nhân dân TP.HCM chống dịch thắng lợi”.