83 triệu đồng là số tiền thu được từ hai cuốn sách Nghệ nhân và Margarita phiên bản đặc biệt, một cuốn có giá 33 triệu đồng và một cuốn có giá 50 triệu đồng. Sinh thời, Đoàn Tử Huyến là người dám nghĩ dám làm.
Đoàn Tử Huyến (1952-1920) sinh ra tại xã Đức Lạc, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là dịch giả, người sáng lập ra Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, trong lĩnh vực văn hóa, xuất bản phát hành sách.
Đoàn Tử Huyến tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Voronezh ở Liên Xô, về nước giảng dạy văn học Nga tại Đại học Sư phạm Hà Nội, rồi làm biên tập viên Nhà xuất bản Lao Động. Sau đó, ông làm Phó Tổng biên tập tạp chí Văn học nước ngoài.
Ông từng là ủy viên Hội đồng Văn học dịch của Hội Nhà văn Việt Nam. Trước khi qua đời, ông là Chủ tịch Hội đồng Văn học nước ngoài của Hội Nhà văn Hà Nội.
Ông sống hào sảng, trọng nghĩa trọng tình. Ông nhiều bạn bè, thích đi đây đi đó, tung hoành ngang dọc. Ông ra đi để lại những trang sách dịch nổi tiếng như: Nghệ nhân và Margarita, Trái tim chó, Những quả trứng định mệnh…
Đoàn Tử Huyến là một trong những người tiên phong truyền cảm hứng và đưa văn học Nga Xô Viết về Việt Nam. Những giá trị mà ông mang lại cho ngành dịch thuật, cho văn học nước nhà còn đó.
Hôm nay ông tròn 71 tuổi, có lẽ ông đã đi đến một chân trời đủ rộng hơn để đắm chìm vào đó, để thỏa sức vùng vẫy, thỏa sức sáng tạo. Hiểu về ông qua vài dòng chữ thì đâu có khó, nhưng hiểu con người và những tư tưởng của ông đâu có dễ. Trên tấm phông kỷ niệm sinh nhật Đoàn Tử Huyến có những dòng thơ của Phạm Lưu Vũ.
Đông Tây riêng một góc trời
Có ông Đoàn Tử vốn người quên Choa
Hành trang một cõi trời Nga
Núp trong râu tóc ngó ra cuộc đời.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên là người dẫn chương trình, cũng là người bạn thân thiết của Đoàn Tử Huyến đã có những chia sẻ về tài năng và cống hiến của Đoàn Tử Huyến với văn học và văn hoá nước nhà.
Nhà nghiên cứu Vũ Thế Khôi, dịch giả Thúy Toàn, dịch giả Thụy Anh, họa sĩ Văn Thao... cũng đã có những chia sẻ đầy xúc động tại buổi kỷ niệm sinh nhật “vắng bóng” Đoàn Tử Huyến.