Hai lối đi

Tổ dân phố họp, trong lúc chờ đông đủ, ai đó khơi ra vấn đề thời sự của xã hội, họ tranh luận sôi nổi. Ông Sưng xừng cồ chửi: Mẹ cái thằng “ráo xư” ấy láo, cải cách cái con mẹ nó cái gì chứ?!
chuy-qu3z-1632363530.jpg
Ảnh minh họa do tác giả sưu tầm từ internet. Người và cảnh trong ảnh không liên quan nội dung bài.

 

Ông Toàn chỉ thủ thỉ nhắc:

- Này, ông, ngày trước ông cạy cục mãi mà không được phong phó giáo sư đấy, hơn nữa tuổi họ còn là bậc đàn anh của mình.

- Ông lại bênh vực hả?

- Không, tôi không phải chuyên gia về lĩnh vực ấy, không dám lạm bàn ạ. Phản biện là tốt, để tìm ra hướng đi đúng, nhưng nên xử sự văn minh, không chụp mũ, không lộng ngôn, không xúc phạm cá nhân. Văn hóa phản biện cần xây dựng, cái thời “mười rằm cũng ư, mười tư cũng gật” một cách thiếu trách nhiệm với việc chung của xã hội cần chấm dứt, nên tỉnh táo theo đường mới.

- Ông nói thế, ở Mỹ cũng chẳng có, chính trị gia vẫn lôi đời tư của nhau ra công luận đấy.

- Ừ, cũng có người công kích đời tư của đối thủ, nhưng chẳng ai chửi bới, thóa mạ cả. Cũng phải hiểu vấn đề mới bàn chứ, cái gì cũng ầm lên, theo số đông ào ào không đúng đâu.

- Nói như ông có mà người ta muốn làm gì cũng được à?

- Không, tôi có quan điểm rõ ràng, nhưng không lạm bàn về những vấn đề mình không phải chuyên gia ạ.

Ông Toàn nhớ lại chuyện ngày xưa ...

Thời học trò, Toàn hơi dụt rè, đó là nhược điểm, cô giáo gọi mới phát biểu, thường đúng và sáng tạo. Cô giáo động viên:

- Ý kiến em rất hay, cách nghĩ, phương pháp khác lạ, hãy mạnh dạn phát biểu nhé, đúng là rất tốt, nếu sai cô và các bạn có đánh giá em dốt đâu, hơn thế sẽ phân tích để em hiểu rõ vấn đề hơn.

- Vâng. Em sẽ cố gắng ạ.

Sưng thì khác, nó biết thì giơ tay sôi nổi để được cô gọi, nhằm ghi điểm, bao giờ cũng “đúng sách giáo khoa”, nếu không biết, nó giả đò cắm cúi viết bài hay lắng nghe để ... khỏi bị cô gọi.

Rồi hai đứa lớn lên, không ai hơn ai, nhưng họ đi khác đường nhau, chẳng hiểu sao về già lại đồng quy ở cùng tổ dân phố này.

Thời tại chức, Sưng là công chức mẫn cán, một cán bộ cao cấp, ông cứ đúng nguyên tắc, không mềm dẻo gì.

Có lần, cô phó phòng chứng minh giải pháp cho đoàn công tác đi bằng máy bay có lợi hơn, tiết kiệm 5,5 triệu đồng cho nhà nước so với đi tàu, ngoài ra, quan trọng nhất là cả đoàn công tác đi làm thêm được hai buổi, lợi một ngày làm việc, ông kiên quyết:

- Nguyên tắc quy định thế, cán bộ cấp ấy chỉ được đi và thanh toán vé tàu, tôi chỉ là người áp dụng, sai do người lập ra quy định chịu trách nhiệm. Việc sửa nguyên tắc cũng có người, cơ quan chuyên trách làm, không phải tôi.

Cô phó phòng lại đề nghị:

- Anh cho họ đi bằng máy bay nhưng thanh toán bằng vé tàu.

- Không được phép gian dối với cấp trên.

- Thế để em báo cáo thẳng cấp trên nhé.

- Không được báo cáo vượt cấp. Cô muốn làm hay muốn nghỉ việc đây, hả?

Ông kết luận và ông đúng, lợi ích chung thua vì đi máy bay khuyến mại rẻ hơn, sát giờ mới đi, tiết kiệm một ngày làm việc của mấy chục người.

Quả thực ông Sưng mẫn cán và liêm khiết nên khó bắt bẻ được. Các con ông đều học hành khá, vào đại học cả, đều trở thành công chức như ông và vợ ông, đúng định hướng.

Toàn khác, học xong đại học với bằng đẹp, ông được tuyển vào công ty viễn thông danh tiếng, phụ trách kỹ thuật xây dựng tổng đài lớn, quan trọng.

Cấp trên của Toàn là những người đã từng bảo đảm thông tin cho chiến tranh, mẫn cán nhưng nguyên tắc cứng nhắc. Thiết kế tổng đài mà ông chịu trách nhiệm xây dựng dựa trên công nghệ cũ, chuyển mạch cơ học của Liên Xô. Ở thời ấy, công nghệ chuyển mạch điện tử và dựa trên công nghệ số đã được thế giới ứng dụng nhưng người thiết kế học ở Nga về, chưa tiếp cận được với công nghệ mới của thế giới.

Công nghệ mới thì thiết bị đắt hơn nhưng hiệu quả cao hơn nhiều. Sau nhiều lần nhóm kỹ sư trẻ do Toàn dẫn đầu đề xuất điều chỉnh thiết kế theo công nghệ mới, cấp trên vẫn không chấp nhận, hơn thế anh còn bị kỷ luật vì “phá rối, gây mất đoàn kết trong cơ quan”. Thậm chí có người nghi ngờ anh là điệp viên do địch gài vào để phá hoại một công trình quan trọng có ý nghĩa chiến lược trong an ninh quốc gia.

Không chịu nổi áp lực từ phía phe vừa bảo thủ vừa dốt nát về công nghệ, Toàn xin nghỉ việc. Sau khi tổng đài khánh thành ít lâu thì ... bỏ vì phải thay thiết bị công nghệ số, nhưng không ai mời Toàn trở lại. Nếu người cầm trịch hiểu biết đã đỡ tốn kém một nguồn vốn rất lớn, khi đất nước đang còn vật lộn với những khó khăn chồng chất.

Một kỹ sư giỏi bỏ việc nhà nước về làm thợ sửa TV, radio kiếm ăn, đương nhiên bị rèm pha, chê cười, coi thường. Anh còn suýt tan vỡ gia đình vì những tranh cãi ấy.

Nhưng sông có khúc, người có lúc, một công ty viễn thông non trẻ đã phát hiện ra “kẻ phá rối”, tuyển dụng và trả lương cao cho Toàn. Đời lại phơi phới khi những kiến thức và ý tưởng táo bạo được trọng dụng, anh đã góp phần đưa công ty ấy vươn lên một cách kỳ diệu. Trong khi đó, những công ty nhà nước có số vốn khổng lồ gấp hàng ngàn lần nhưng bảo thủ về quản trị, không tiếp cận công nghệ mới đã nằm chết gí.

Theo con đường của bố, con nhà Toàn, đứa học công nghệ, đứa theo kinh doanh nhưng đều thích nghi nhanh với thời thế.

Hai ông về hưu cùng năm, chẳng hiểu ai sắp đặt mà cùng tổ dân phố. Ông Sưng ở chung cư tập thể được phân phối cho cán bộ cao cấp, ông Toàn ở biệt thự tự mua của công ty bất động sản, cách nhau con đường.

Con ông Sưng mặc đồng phục, đi xe máy đến công sở, con ông Toàn lái ô tô đến công ty. Họ đi ngược hướng nhau

Một ông nguyên tắc rắn như đinh, một ông uyển chuyển luôn theo cái mới, hiện đại.

Hy vọng hai con đường sẽ gặp nhau ở đâu đó.

Theo Chuyện làng quê