Hai năm và một tháng: Phần 1 – Nhập Ngũ

Vũ Quang Trần

19/12/2021 09:35

Theo dõi trên

Quyển tiếng Nga của tôi là Giáo trình dùng trong trường Đại học. Khi đang còn sinh viên tôi chỉ học tiếng Nga đối phó, đến lúc đi làm mới thấy ngoại ngữ thật sự cần thiết cho người kỹ sư Thiết kế. Bởi thế tôi đặt quyết tâm tự học, để không uổng phí hai năm lính.

ngu-quang-trang-1639881329.jpg

Ảnh do tác giả cung cấp.

 

(Tiếp theo 2)- Quyển tiếng Nga của tôi là Giáo trình dùng trong trường Đại học. Khi đang còn sinh viên tôi chỉ học tiếng Nga đối phó, đến lúc đi làm mới thấy ngoại ngữ thật sự cần thiết cho người kỹ sư Thiết kế. Bởi thế tôi đặt quyết tâm tự học, để không uổng phí hai năm lính.

Cũng vì quyển sách tiếng Nga và thói quen ghi Nhật ký nên sau này sang đơn vị mới vài người không có thiện cảm với tôi. Những năm 1980 trở về trước sinh viên các trường kỹ thuật toàn học tiếng Nga, hầu như ai cũng thuộc vài bài hát Nga, yêu quý nước Nga như một lẽ tự nhiên. Những “Đôi bờ”, “Triệu bông hồng”, “Tuổi thanh niên sôi nổi”,…được hát vang mỗi dịp tụ hội. Tôi có cô em gái đang học ở Liên Xô (cũ), nhiều hôm ngồi nhớ và thương em vô cùng. Chằng biết thân gái một mình nơi trời xa, đất khách em sẽ như thế nào. Những ngày này tôi viết bài “Gửi em học ớ nơi xa”. Bài thơ như một lời tâm tình, nhắn nhủ đến em và cũng tự động viên mình vượt khó.

GỬI EM HỌC Ở NƠI XA (2)

(Tặng em gái Trần minh Nguyệt)

Ngày ấy em đi – mùa Thu

Nắng hoe vàng, gió gom từng cánh lá.

Em đi xa, tới miền đất lạ

Cũng rất gần, nơi ấy – nước Nga.

.

Từ thuở mình mới học chữ O, A

Yêu Lê Nin, yêu nước Nga qua từng giờ tập đọc

Để hôm nay tới giảng đường em học

Bao nhọc nhằn, khổ luyện cũng thành công.

.

Bây giờ bên ấy đang mùa Đông

Những bông tuyết níu cành làm thành cây liễu trắng

Ở bên mình bắt đầu vào mùa nắng

Hàng phi lao đỏ bụi đón gió Lào.

.

Nơi em ở những dãy nhà cao

Điện sáng suốt đêm, phố lúc nào cũng sạch

Nhớ không em buổi đầu cắp sách

Anh cõng em qua quãng dốc đường trơn.

.

Có bạn bè cuộc sống vui hơn

Đêm liên hoan năm châu hòa tiếng hát

Nghe không em, trong hương đồng ngan ngát

Điệu Dặm quê mình dìu dặt thân thương.

.

Hôm nào vui đi tới quảng trường

Nhớ vào Lăng Lê Nin viếng Người em nhé

Trước lúc đi xa nghe lời mẹ dặn

Đến Ba Đình em từ biệt Vầng trăng.

.

Em như một búp măng

Lớn khôn lên giữa vòm tre vững trãi

Mặc bão táp đời thường không sợ hãi

Hạnh phúc riêng em nơi ấy vẫn chờ.

.

Anh viết những vần thơ

Bây giờ anh đang là người lính

Giữ biên cương sống cuộc đời chân chính

Đón em về thỏa lòng Mẹ ước mong./.

Bắc Cạn. Tháng 11/1986

Huấn luyện được khoảng một tháng, các đơn vị phát động thi làm Báo tường, thi đấu bóng đá mừng ngày thành lập Quân đội 22/12. Đến lúc ấy Đại đội trưởng Vinh phát hiện ra tôi là Kỹ sư thiết kế, viết vẽ đẹp nên giao phụ trách tờ Báo tường kiêm luôn đội trưởng đội bóng đá. Kết quả tờ Báo tôi phụ trách đạt giải nhất được đưa đi dự thi cấp Sư đoàn. Sau này tôi mới biết, thời điểm đó Quân lực Sư đoàn xuống Đại đội làm việc, định chờ huấn luyện xong sẽ rút tôi về Sư đoàn bộ. Ông Vinh có đứa em trai cũng vừa tốt nghiệp Đại học xong, vào Quân đội đeo lon thiếu úy. Ông gọi đùa tôi (và Minh “Khọm”) là “Binh nhì – kỹ sư” và điều về làm tiểu đội trưởng Hậu cần phụ trách mấy chú anh nuôi. Từ đó tôi cũng được ưu ái, đỡ vất vả hơn cánh lính trẻ. Tôi đề xuất xin Minh “Khọm” về cùng vì biết nó bị bệnh đau dạ dày hành hạ.

Tiểu đội hậu cần lúc đó có 6 người gồm: Tôi, Minh “Khọm”, Thảo “gà” ở Vinh và Hợi, Lực, Trí ở Thanh Chương. Trong đó cu Trí không biết chữ nhưng chuyên làm thịt lợn bán ở các chợ vùng Thanh Chương. Con lợn một tạ mình nó làm chỉ khoảng 30 phút là đâu ra đó, gọn gàng sạch sẽ. Thằng Hợi và Lực chăm chỉ hiền lành nên hay bị bắt nạt, Thảo “gà” thì lanh chanh nhưng nhát gan. Lính Hậu cần phải thức khuya dậy sớm, bù lại được ăn uống khá hơn vì “giàu thủ kho, no nhà bếp”. Giai đoạn đầu huấn luyện, trong chuồng lúc nào cũng có 5-6 con lợn tạ, vài ngày mổ một con nên anh em nhà bếp xông xênh. Tiêu chuẩn ăn thì bao giờ chỉ huy Đại đội và Trung đội cũng được ưu ái hơn. Mấy đứa liên lạc thường láu lỉnh, nhà bếp chuẩn bị thịt lợn hoặc có món ngon bọn chúng đều biết trước đến trực xí phần. Bởi thế lính có câu: “Đường sữa chia trên xuống, cuốc xẻng phát dưới lên”. Có lần tay Bình trung đội phó B3 trực ban, hắn đòi anh nuôi lấy thêm phần thức ăn, tôi không cho. Hắn chỉ mặt tôi hằm hè: “Mày nhớ đấy!”, lúc ấy tôi cười bình thản: “Nhớ thì làm được gì nhau!”. Thực ra tân binh toàn anh em đồng hương nên tôi chẳng chẳng ngán. Trong số cán bộ khung thì Bình hay lên mặt dọa nạt lính nhất, bọn trẻ nói: “Nó có võ anh ạ!”. Tôi bảo: Anh biết! Thanh niên dân tộc phần nhiều đều có võ và rất nhanh nhẹn.  

Tôi gầy đen, đầu cắt trọc, râu ria ít khi cạo nên bộ dạng ngổ ngáo. Tôi tự thấy mình lớn tuổi hơn, cần có trách nhiệm “bảo vệ” cánh lính trẻ nên khá cứng rắn, ngang tàng. Hầu hết cán bộ khung đều nể vì môn gì tôi cũng chơi được và chơi hay. Từ cuối tháng 11 tôi được gọi lên đội bóng đá Trung đoàn. Đội bóng chỉ tôi và Quyền là tân binh, còn lại đều là lính cũ. Quyền đá tiền vệ phải, là sinh viên ĐHSP Vinh mới tốt nghiệp, quê Thanh Hóa. Đội trưởng là trung sỹ Mạnh “Đen” lính 84, hắn to khỏe, người đen bóng, đá hậu vệ thòng. Ngay hôm đầu tiên tập trung hắn giao tôi và Quyền nấu ăn cho đội, tôi bảo: “Cắt cử luân phiên”, hắn nói: “Lính mới phải làm”, tôi cãi: “Mới cũ như nhau”, vậy là hắn ghét tôi ra mặt. Mấy trận đá hắn chỉ cho tôi vào thay người nửa cuối hiệp 2, cu Quyền được đá nhiều hơn. Lý do đơn giản vì tôi không chịu nịnh hắn. Lính với nhau mà cũng như vậy đấy! Lần ấy đội bóng Trung đoàn đá 3 trận toàn thua và bị loại vòng bảng. Trong đợt này tôi gặp anh Sơn ở Ban Kỹ Thuật Sư đoàn, anh Sơn quê Nam Đàn là em trai chị Thu làm cùng cơ quan Viện Thiết kế với tôi. Đi đá bóng đến giữa tháng 12 tôi trở lại đơn vị. Thời điểm này cũng vừa kết thúc huấn luyện tân binh, chúng tôi được đơn vị tổ chức Lễ tấn phong quân hàm Binh nhất. Bắt đầu các đợt chuyển lính về đơn vị mới.

(Còn nữa)

Theo Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Hai năm và một tháng: Phần 1 – Nhập Ngũ" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn