Hành trình 25 năm cho sứ mệnh kết nối và phát triển của Hiệp hội Dệt may Việt Nam

Trải qua 25 năm hình thành và phát triển Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đã có nhiều đóng góp trong sự phát triển ngành dệt may, một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn và quan trọng của nước ta.
z5820493180394-3189429d3be78a5bce7a6efb15ef8aa7-1726060421.jpg
Ngành Công nghiệp Dệt May Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều những thương hiệu thời trang cao cấp được các chuyên gia trong ngành đánh giá cao về trình độ tay nghề thiết kế ngang với các thương hiệu thời trang quốc tế

Được thành lập ngày 16/7/1999, đến nay số lượng thành viên chính thức và liên kết của hiệp hội đã lên đến con số gần 1000 doanh nghiệp. Không chỉ với lĩnh vực dệt may, thành viên của hiệp hội còn có cả những doanh nghiệp hoạt động trong những lịch vực khác có liên quan đến dệt may.

Thành quả 25 năm trưởng thành và phát triển

Hiệp hội với sứ mệnh là cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước đã làm tốt vai trò của mình. VITAS luôn quan tâm, lắng nghe nguyện vọng, khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời có kiến nghị phản ánh với các cơ quan quản lý nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.

VITAS là một thành viên trong đoàn đàm phán các hiệp định thương mại, theo suốt các chương trình đàm phán của Chính phủ, của Bộ Công Thương. Điều này giúp cho Hiệp hội Dệt may Việt Nam khẳng định được tiếng nói ảnh hưởng nhất định trong các tham vấn của Chính phủ trong phiên đàm phán, phân tích lợi ích của Nhà nước với ngành công nghiệp DMVN để tạo ra những lợi ích trong tương lai. 

Ngoài ra VITAS là thành viên thứ 6 của Hiệp hội Thời trang châu Á do đó tạo điều kiện thuận lợi để Hiệp hội làm tốt vai trò của cơ quan kết nối, xây dựng được chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Nhờ những nỗ lực của mình VITAS đã góp phần không nhỏ vào quá trình tăng trưởng “thần tốc” của ngành dệt may Việt Nam.

Nguồn thu từ xuất khẩu ban đầu chỉ khoảng 1,75 tỷ USD năm 1999, đến nay con số này đã lên tới 40 tỷ USD vào năm 2023 và dự báo sẽ hơn 44 tỷ USD năm 2024. Một loạt các thương hiệu, nhãn hiệu dệt may Việt Nam khẳng định được tên tuổi và có chỗ đứng không chỉ với thị trường trong nước mà cả ở thị trường nước ngoài. 

Cùng với tốc độ tăng trưởng GDP, chỉ số niềm tin người tiêu dùng tại các thị trường trọng điểm luôn được duy trì ổn định, nhu cầu tiêu dùng của người dân với ngành dệt may đang có xu hướng tăng mạnh mẽ phục hồi sau thời gian đại dịch Covid-19.

Để Hiệp hội Dệt may Việt Nam phát huy được tốt vai trò của mình từ đó đóng góp tích cực cho ngành dệt may Việt Nam thì không thể không nhắc đến người thuyền trưởng chèo lái con thuyền hiệp hội, Chủ tịch Vũ Đức Giang. Trong một chia sẻ với báo chí chủ tịch VITAS khẳng định: “Nếu không có đam mê, nhiệt huyết, yêu ngành, trăn trở vì sự nghiệp phát triển ngành DMVN thì không thể có được thành công như ngày hôm nay. Những người đứng đầu của các tổ chức hiệp hội là hết sức quan trọng, đưa ra quan điểm, định hướng tâm huyết, xuyên suốt đối với ngành, chia sẻ với doanh nghiệp và giải quyết các vướng mắc cho doanh nghiệp là điều mà các hiệp hội cần phải có”.

Cùng với đội ngũ lãnh đạo một tập thể thành công không thể không nhắc đến đội ngũ cán bộ của VITAS luôn làm việc tận tâm, vì lợi ích hài hoà của cộng đồng doanh nghiệp.

z5820460769596-498667d81fe65872e72735e07ceae2e7-1726060421.jpg
Chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang đã từng gắn bó hơn 40 năm cống hiến cho sự phát triển của ngành Công nghiệp Dệt May Việt Nam

Định hướng tương lai vượt qua thử thách

Dù ngành Dệt may đã đạt được những kết quả khả quan thế nhưng ngành vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn thử thách và rủi ro trước tình hình biến động hiện nay. Một trong số đó có thể kể đến như biến động địa chính trị và lãi suất điều hành cao ảnh hưởng đến nhu cầu dệt may. Lạm phát cao hơn kỳ vọng có thể cản trở hoạt động chi tiêu và tiêu dùng. Các xung đột địa chính trị trên thế giới cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đem đến rủi ro lớn cho nền kinh tế. Căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và phương Tây có thể cản trở việc tiêu thụ sản phẩm dệt may của Trung Quốc tại các thị trường trọng điểm, dẫn đến nhu cầu sợi ở Trung Quốc giảm và ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu sợi của Việt Nam sang Trung Quốc. 

Ngoài ra cùng với việc dòng vốn FDI vào Việt Nam ngày càng tăng, các công ty dệt may có thể chịu áp lực từ chi phí lao động tăng cao. Cùng với đó là tình trạng người lao động Việt Nam dễ dàng tìm kiếm việc làm ở nước ngoài và có xu hướng đi xuất khẩu lao động hơn là làm việc trong nước, điều này càng làm trầm trọng thêm sự cạnh tranh về tiền lương trong nước.

Để phát huy được thành quả đã đạt được cũng như cùng doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thời gian tới Hiệp hội Dệt may Việt Nam tiếp tục xây dựng chiến lược kêu gọi đầu tư vào nguồn cung thiếu hụt để giảm nhập khẩu nguyên phụ liệu. Đưa ra những giải pháp đối với chiến lược mua hàng, các rào cản của những nước nhập khẩu để hạn chế những rủi ro cho doanh nghiệp.

z5820582545389-93a47b76b74044cc04745fe924305459-1726060421.jpg
Hiệp hội Dệt may Việt Nam thực hiện xây dựng chiến lược kêu gọi đầu tư vào nguồn cung thiếu hụt để giảm nhập khẩu nguyên phụ liệu.

Đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa mặt hàng, đa dạng hóa đối tác, khách hàng để không quá phụ thuộc vào 1 số thị trường, 1 số khách hàng nhất định. Áp dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại xây dựng giải pháp chiến lược về nền công nghiệp dệt may tự động hóa, robot hóa, quản trị số, trên cơ sở minh bạch hóa hoạt động của ngành, dệt may Việt Nam. 

Xây dựng mối quan hệ toàn cầu, tiếp tục đẩy mạnh chương trình xanh hóa toàn diện, tiết kiệm các nguồn nguyên liệu, sử dụng năng lượng tái tạo. Đáp ứng theo cam kết của Chính phủ về giảm thiểu phát thải ròng về 0 vào năm 2050./.