Hạt gạo quê

Trương Thành Sơn

22/09/2021 15:41

Theo dõi trên

Vang cầm bát cơm vợ xới, đọc lẩm nhẩm câu ca dao: "Ai ơi bưng bát cơm đầy/Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần".

chuy-lg-q2b-1632300048.jpg
Ảnh minh họa do tác giả tuyển chọn.

Anh ăn miếng cơm, nhưng nhìn mắt, nét mặt anh lúc này thì hẳn ai cũng thấy anh đang thưởng thức cả hồn quê hương mình. Nhưng đúng khi ấy, Phượng "Ối" một tiếng, rồi đứng lên, vào toilet khạc nhổ. Chắc cô ăn phải hạt sạn trong cơm.

Trở vào, bữa ăn đã trở nên nặng nề khi Phượng bảo:

- Gạo quê mình không hợp, họ phơi phóng, xay sát theo công nghệ thủ công từ 4000 năm nay rồi.

- Nhưng đó là gạo sạch, không hoá chất, không chất bảo quản, do chính người nông dân quê mình làm ra.

- Thời đại đã đổi thay rồi, công nghệ đã đến tận đẩu đâu mà cứ bám lấy mấy cái sản phẩm quê cũ mèm, lạc hậu ấy làm gì?

- Đó là nơi sinh ra, nuôi sống mình mà, sao quay lưng được?

- Xì! Mua đắt khắc có gạo organic, ngon, bổ, chất lượng mọi mặt. Thứ gạo hủi này, đã bảo anh cho hàng xóm người ta nuôi gà hay cho mấy người ăn xin đi.

Vang đã thấy nóng mặt, nói nặng lời:

- Cô không ăn, thì tôi ăn.

- Vậy thì cứ giữ lại, anh anh ăn một mình nhé? Toàn sạn với thóc!

- Của dì tôi gửi lên mà, có quý dì mới cho đấy.

Phượng bĩu môi, nói:

- Tôi hỏi anh nhé? Gạo ngon có ba mấy nghìn đồng mỗi kilogam, mình ăn bao nhiêu mà giờ phải ăn thứ hủi này?

Thế là hai vợ chồng cãi nhau, tối ấy, họ nấu cơm riêng.

Đã hơn 60 tuổi rồi, các con đã trưởng thành ở riêng cả, nên bữa ăn hai vợ chồng đúng là chỉ hết mấy lạng gạo. Từ lâu, Phượng luôn mua thứ gạo tám đắt tiền, đến hơn 30 nghìn đồng mỗi kilogam. Thế nhưng sự xúc phạm nặng nề người ở quê gửi quà cho mình, khiến Vang vượt qua sự chịu đựng.

Được hai ngày chiến tranh lạnh như thế, đến ngày thứ ba, cô con gái út gọi điện về, bảo:

- Mẹ ơi người giúp việc nhà con đòi về, mà giữa lúc dịch cúm Tàu (Covid-19) thế này, chẳng có trường mẫu giáo nào nhận học trò cả, cũng không tìm được người giúp mới. Mẹ cứu con với!

Thế là Phượng nhận lời, ngay tối hôm đó cô đã có mặt ở nhà con gái để chăm cháu ngoại.

Một mình, nấu cơm kiểu gì cũng khó, dịch bệnh nên bạn bè cũng không gặp gỡ được. Vang nằm nghĩ miên man, anh chợt nhớ về ngôi nhà của bố mẹ ở quê, đang để trống. Ở đó, mọi sản vật quê đều có với giá rẻ.

Sáng hôm sau, Vang khoá cửa, chất mọi thứ thực phẩm cùng tư trang và vật dụng tối thiểu để phóng luôn xe về quê. Cũng phải cậy cục mãi mới có người giúp cho đi qua trạm kiểm soát dịch bệnh. Mà anh có tiếp xúc với ai đâu mà lo lây bệnh cơ chứ.

Một cuộc sống mới bắt đầu, nhà mỗi người một nơi, mình Vang về chốn sinh ra anh. Căn nhà nhỏ vẫn còn đó, mọi vật đều đẫm hương quê, có từ thời anh còn là đứa trẻ.

Mỗi ngày, một nồi cơm nhỏ gạo quê do chính những người nông dân quê Vang một nắng hai sương làm ra, với quả cà, rau muống luộc, quả trứng,... là anh thấy hạnh phúc.

Ngẫm:

Kỷ niệm cùng với tấm lòng người ở quê luôn cần trân quý. Tuy cuộc sống vật chất có khá lên đến mấy thì nơi mình sinh ra vẫn có sức hút mê hồn.

Phải chăng vợ chồng già cần nhịn mỗi người một chút, để cuối đời vẫn giữ được niềm hạnh phúc như đã có từ buổi cơ hàn?

Theo Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Hạt gạo quê" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn