Thế hệ của chúng ta ngày xưa có tuổi thơ rất cơ cực thiếu thốn nhất là trẻ em ở nông thôn. Ngày đó việc học hành nhẹ nhàng, vừa học vừa chơi đúng nghĩa. Nhiều thế hệ học chung một bộ sách mượn từ thư viện. Nhiều loại sách thiếu nên mấy em dùng chung nhau một cuốn. Học một buổi còn một buổi gắn với ruộng đồng, phụ cha mẹ đồng áng, dãi nắng dầm mưa chăn bò cồn bãi, bắt cá tôm ngoài ao hồ... Đứa nào cũng đen đúa nhưng chưa biết buồn là gì. Đến mùa hè là vui và ao ước vì nghỉ gần đủ 3 tháng, chỉ vào tập trung ôn lại trước nửa tháng để chờ khai giảng niên học mới. Trẻ em thôn quê thiếu thốn, đói nghèo nhưng gắn bó bao nhiêu kỉ niệm đẹp một thời. Việc học hành không bị áp lực nên ngày xưa làm gì có trẻ em tự tử vì chuyện thi cử, thành tích như bây giờ.
Mà phải học nhiều như vậy có ích gì chứ trong khi học sinh Âu, Mỹ học khối lượng bằng một nửa của ta mà họ giàu có văn minh. Ta tiêu tốn bao nhiêu của cải, sức lực cho học rồi đổ sông, đổ bể hết vì tính phi thực tiễn của nó. Vô lý là vậy sao lại vẫn cứ hùng hục lao theo. Kỹ sư của họ ra trường thạo nghề, còn của ta ra lơ ngơ vì nhồi nhét lý thuyết mà không có thực hành cho ra hồn. Vì vậy, hàng năm cả trăm ngàn sinh viên ra trường không có việc làm phải giấu thân phận để xin việc lao động phổ thông.
Vậy thì đua nhau học dưới áp lực khủng khiếp để làm gì và do đâu mà ra nông nỗi này?
Trước hết trách nhiệm từ thượng tầng, từ Bộ Giáo Dục, từ những người đầu ngành lay hoay thay đổi nhưng chưa thoát ra được lề lối cũ lại thêm nặng thành tích thi đua. Việc biên soạn và in ấn sách giáo khoa năm nào cũng gây bức xúc dư luận. Khoa học cơ bản có thay đổi nhiều đâu mà mỗi năm bắt học sinh phải mua một bộ sách mới rồi bỏ hẳn, nếu muốn đính chính gì thì mỗi năm in thêm mấy tờ phụ lục là xong. Nhưng chẳng lẽ bộ không thấy vấn đề này ?
Suy cho cùng giáo viên và học sinh chỉ là nạn nhân của hệ thống giáo dục kiểu này. Không dạy và học theo định hướng ở trên thì không được mà theo thì khổ cho cả thầy trò và phụ huynh. Học sinh lớp 1 đã chịu cả chục đầu sách, bước lên lớp 2 là chiếc cặp nặng muốn gần bằng trọng lượng của trẻ. Hành trình đày đọa bắt đầu của một đời người.
Chưa bao giờ học hành đặt nặng nề áp lực lên học sinh như lúc này. Học ngày đêm mới mong chen chân vào trường tốt, phụ huynh cố cho con mình thành học sinh ưu tú, thành thần đồng. Nhưng phần nhiều vỡ mộng sau khi tốt nghiệp đại học vì giữa học và hành xa nhau quá.
Nhiều trường hợp học sinh không chịu nổi áp lực bị thần kinh hay tự vẫn mong được giải thoát khỏi địa ngục trần gian này. Nhiều bậc cha mẹ không hiểu hết năng lực thực sự của con mình, cứ nghĩ bỏ tiền ra sẽ nhồi nó thành thần đồng, không được thì mắng chửi, trong khi ngày trước mình học có hơn ai đâu. Học giỏi hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như gen di truyền, cách dạy, học và nỗ lực của bản thân, chứ cứ muốn ép cũng khó mà được. Hơn nữa không học giỏi thì đâu phải là bế tắc vì nhiều người thành công mà không có bằng đại học, thậm chí chưa hết cấp 3.
Tôi ngồi chơi nhà một người quen có con học lớp 3 mà một buổi sáng cháu phải tiếp 3 gia sư 3 môn khác nhau. Thằng nhỏ bị 3 gia sư quần tơi tả không loạn mới lạ đó.
Mấy lời như muối bỏ biển chỉ mong Bộ Giáo Dục nhiều người có tâm vì tương lai đất nước mà đi đúng hướng, giảm tải bớt chương trình học theo các nước văn minh. Các bậc phụ huynh hiểu cho đúng năng lực thật sự của con mình mà định hình tương lai cho các cháu.
Xin hãy tha cho tụi nhỏ quí vị ạ ! Để chúng có tuổi thơ và tâm hồn, lớn lên làm người hữu ích cho xã hội. Đừng bắt chúng làm robot vô tri vô cảm thì còn gì là cuộc đời con người.
Chuyện làng quê