Hổ đầu sơn?

Đầu năm 1984, đoàn cải lương Châu thành An Giang về hát ở chợ BC. Cái chợ miền núi biên giới còn lạnh tanh vì chỉ vài năm trước bị bọn Pon pot qua giết chết mấy ngàn người, nên hai dãy nhà quanh chợ có nhiều căn bỏ hoang vì cả gia đình chết hết vì bọn Khmer đỏ.
269852337-2962682230661065-6908700412684144822-n-1640437183.jpg

Đào kép khỏi cần hỏi ở nhờ cứ thấy căn nào trống thì vô ở khỏi phải cần xin ai, có điều căn nào âm khí cũng nặng nề và sau trước lạnh tanh nên khi dọn vô ở phải mua trái cây nhang đèn cúng bái rồi mới dọn vô ở. Khi xin phép bên uỷ ban xã hỏi đoàn hát bán bao nhiêu một vé? Ông Bầu Chí Tâm nói mỗi vé bán 10 đồng, uỷ ban thoả thuận:

- Các anh bán 15 đồng, 5 đồng chênh lệch chia cho đội văn nghệ xã hát tuyên truyền cố động Mừng Đảng Mừng Xuân chừng 30 phút trước lúc mở màn. Thời gian hợp tác là từ 27 tết tới mùng 1, sau đó đoàn hát bình thường.

Thấy có lợi cho đôi bên nên ông Bầu ok cái rụp. Lực lượng của đoàn thời đó rất mạnh: Bửu Ngọc, Linh phương, Phượng Linh, Thùy Ngân, Vương Tài, Chí Long, Ngọc Loan Anh, Hữu Thìn, Long Giang Bảo, Kim Nhành hài Hiếu nghĩa, Ngọc Đức... Tuồng tích hay chọn lọc, kỹ xảo võ thuật đánh đẹp như phim Hồng Kông nên mỗi đêm hát hai xuất, vì vậy lương lãnh toàn com lê (gấp đôi ngày thường) bà con đa số là đồng bào Khmer đi chợ đi coi hát bằng Xe bò Xe ngựa lóc cóc, leng keng nghe cũng vui tai. Tới mùng 2 xong hợp đồng đoàn hát một mình, nhưng lúc chưa bán vé nào thì bà con đã vô đầy rạp bằng vé mời cũ của uỷ ban tất nhiên là ông bầu không chịu vì giấy mời của uỷ ban không còn giá trị, người được mời thì khăng khăng:

- Thiệp mời có mộc uỷ ban mời tôi tôi cứ coi.

Thế là ông Bầu lên Micro tuyên bố nghỉ hát. Anh mặc đồ xã đội và anh mặc đồ công an xã có vẻ là sếp hăm:

- Nếu nghỉ hát thì gặp thằng kép hát nào đánh thằng nấy.

Nói là làm, vừa tắt cái máy đèn mấy anh đó bày mâm nhậu ngay trước rạp. Hễ gặp anh chàng kép hát nào lú mặt ra là nhào tới đánh liền. Địch biết ta (tóc dài) còn ta không biết địch (toàn là đen thui tóc oắn đeo). Đoàn hát bị cô lập, mấy anh "sơn tặc" đóng chốt thay phiên nhậu trước của giàn bao gánh hát luôn tới sáng hôm sau, hễ gặp anh chàng nào trong đoàn lú mặt ra là bị rượt đánh chạy trối chết. Chị Hai Nhành đang nấu cơm trong nhà lồng chợ bị bọn ác quăng trái lựu đạn vào nồi cơm. Không biết trái lựu đạn thiệt giả nhưng vợ chồng chị Hai Nhành xanh cả mặt mày run rẫy mà lết khỏi sân khấu bỏ luôn cái nồi cơm. Trong đoàn đói thì năn nỉ người dân đi mua giùm thức ăn vì mấy anh "HỔ ĐẦU SƠN" càng nhậu càng đông. Ngày xưa tuồng hát nào cũng hay viết kiểu anh hùng cứu mỹ nhân, đại loại như khi cô Tiểu thơ hay công chúa gì đó đi ngang khu rừng núi hoang vắng bỗng xuất hiện bọn sơn tặc hay còn gọi là Hổ đầu sơn (cướp núi) bọn Sơn tặc nói:

- Khoan khoan qua núi, chậm chậm qua non. Muốn tánh mạng an toàn hãy mau nạp tiền mãi lộ.

Lúc đó anh kép chánh trong vai Hiệp sỹ hoặc Hoàng tử xuất hiện nói:

- Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả

Nam nhi bất cứu mạt anh hùng, xong ra tay đánh bọn cướp giống như Lục Vân Tiên đánh bọn cướp Phong lai để cứu Kiều nguyệt Nga vậy. Những tưởng Hổ đầu sơn chỉ có trong tuồng hát dè đâu hôm nay cả đoàn phải bị bao vây tấn thoái lưỡng nan ở cái chợ miền núi này. Bị cô lập tới ngày mùng 4 mà không dám bước ra đường cầu cứu với ai, có một anh thầy giáo bạn của "bọn ác" nhà anh cũng ở khu chợ. Anh nghe chuyện nên bất bình bước ra nói phải quấy hành động vây đánh đoàn hát như vậy là bậy sau này ai dám về đây hát nữa. Bọn ác không thèm nghe phải trái, nhào đến đánh luôn ông thầy "Lục Vân Tiên". Giận quá nên ông thầy lấy xe Honda chạy ra chợ Tri Tôn báo tin... vừa dẫn xe ra khỏi nhà đã bị bọn ác nhào tới rượt đánh... cũng may là anh kịp chạy thoát.

Nhờ anh thầy giáo liều mình báo tin, Huyện uỷ Tri tôn điều động chiếc xe jeep chở toàn các Sếp lớn chạy vô ăn kết, bà con cả chợ ai cũng nói đích danh mấy anh chàng trong lực lượng bảo vệ đã hành hung cả gánh hát mấy hôm nay. Sau khi các anh chàng hung thần bị bắt còng tay bỏ lên xe jeep chở đi mất, lúc đó cả đoàn mới thở phào bước ra quán cà phê ai cũng mừng vì vừa thoát nạn như nạn dịch. Ngay trong buổi sáng hôm đó Bầu Tâm thuê một chiếc xe tải chở gánh hát về xã Lương Phi.

Ôi đời Nghệ sĩ lúc lên voi lúc xuống chó là như vậy. Đoàn hát đến địa phương nào cũng phải đóng tiền Ngân sách, tiền bến bãi để được bảo vệ. Nhưng giặc đánh ta lại là người ta nhờ Bảo vệ thì chạy đâu cho thoát. Tiếng "lành" đồn xa nên từ đó các ông bầu gánh hát không dám về BC hát vì sợ gặp "Hổ đầu sơn" .

 

Theo Chuyện Làng quê