Hoa dẻ

Mùa hoa dẻ đến cũng là cái nắng hạ sang. Ánh nắng không còn dịu nhẹ như những ngày xuân nữa mà gắt hẳn. Như thường lệ tôi lại rủ thằng Nam hay cái Tý hoặc vài đứa nhóc trong xóm mỗi chiều sau khi rảnh việc cùng nhau sang ngọn đồi hái hoa.

Cái mùi hương ấy thơm, vô cùng dễ chịu. Hoa dẻ mọc đầy cả ngọn đồi, kiếm không khó, ấy thế mà chúng tôi lại quý cái thứ hoa ấy hơn cả bông hoa hồng đỏ rực. Yêu nó bởi cái mùi hương và nét mộc mạc của nó, yêu nó vì nó gắn liền với những kỉ niệm đẹp của mỗi đứa, mặc dù loài hoa ấy chẳng đẹp như bông hoa hồng kia. Chúng tôi thường hái hoa về treo cùng nhà, tủ đồ hay kẹp vào vở để hít hà cái hương ấy. Và hôm nay cũng vậy, tôi lại thèm khát cái hương dẻ, mấy bông dẻ tôi hái mấy hôm trước đã héo và không còn thơm mấy nữa, tôi chạy vụt sang gọi thằng Nam đi chung.

hoa-de-1641225246.jpg
Cây hoa dẻ. Ảnh: Cre gg

 

- Này Nam ơi mày có nhà không?

Thằng Nam lon ton đi ra, mắt nó hình như hơi đỏ, nó nhăn mặt bảo:

- Chuyện gì đấy!

- Hái hoa dẻ không? - Tôi cười.

Nó đáp:

- Đi chứ.

Thế là tôi với nó lại lon ton đi trên con đường mòn đất đỏ ấy. Tôi quay lại nhìn nó, mắt nó vẫn đỏ hoe. Tôi cười cười:

- Này! Lại bị mẹ đánh à! Chuyện gì thế nói tao nghe coi.

Tôi vừa nói vừa thúc tay vào người nó. Nó hầm hầm hực hực,  mặt nó theo đó mà cũng đỏ theo. Chắc đang bực vì câu nói đểu của tôi, đã bị đánh còn bị người khác trêu chọc thì chả bực huống hồ tính nó nóng, chơi với nhau tôi biết. Nhưng dù thế tôi vẫn không chịu được mà chọc nó. Nhà tôi kế nhà nó, tôi biết tỏng là nó đi tắm sông bị mẹ đánh đòn, nãy nó bị đánh tôi còn lén ngó trộm mà.

Đường đến ngọn đồi cũng không xa lắm, tầm 30 phút đi bộ, hai đứa đi với nhau coi như đi thể dục rồi hóng gió. Gần ngọn đồi là nhà bà Lan, nổi tiếng là bà nhiều chuyện, bà ấy thuộc lòng cả tên mỗi đứa chúng tôi, con cái nhà ai bà biết hết. Nhiều chuyện vui thì được nhưng thái quá thì lại không tốt. Như mọi người thì bà Lan cũng chả ưu gì mẹ con nhà nhỏ Lê ( Hoài Lê), vì cha nhỏ là nghiện, hình như buôn ma túy rồi bị đưa vào tù, tôi cũng chỉ nghe mọi người đồn đoán rồi biết thế, đúng sai đâu không biết nhưng tôi chả dám hỏi nhỏ. Hỏi nhỏ việc đó khác nào đụng vào nỗi đau của nhỏ. Trước kia nhỏ tuy ít nói nhưng cũng hay cùng bọn tôi ra đồi hái hoa dẻ nói chuyện với nhau dăm ba câu. Nhỏ cũng thích cái hương ấy nhưng giờ thì nhỏ không đi cùng với bọn tôi nữa bởi chính bà Lan. Hôm đó nhỏ đi hái hoa với chúng tôi, bà Lan thấy được đi kể lung tung, tung tin sai sự thật về nhỏ cũng như liên lụy đến cả lũ bọn tôi. Chỉ đi hái vài bông hoa dẻ mà nỡ lòng nào bà Lan đi nói rằng nhỏ ra đồi hút chích rồi rủ rê xấu tụi tôi, cha nào con nấy. Nhỏ nghe được, nhỏ buồn lắm, mẹ nhỏ đánh nhỏ một trận bảo nhỏ an phận, ở nhà không được l đi lung tung.

Mẹ nhỏ cũng quá mệt mỏi với việc những ánh mắt dò xét kì thị đặt điều bóng gió với mọi người, quá mệt mỏi rồi... Bởi vì cha nhỏ, bởi vì họ hàng, hàng xóm xung quanh nhỏ đều ghét bỏ mẹ con nhỏ...tính cách nhỏ ngày càng trầm hẳn, nhìn vào không biết tưởng nhỏ bị câm hay tự kỉ. Cha mẹ chúng tôi cũng từ lời đồn đại mà cấm chơi với nhỏ. Cũng vì thế tôi ghét bà Lan. Suy nghĩ linh tinh thì vô tình tôi lại ngó sang nhà bà Lan. Ối chà cây bưởi, tôi nói với thằng Nam:

- Ê, bưởi bà Lan nay to rồi nhở, vô trộm quả cho đỡ ghét không mày.

- Mày dám nói thì tao dám làm. - Gương mặt đen nhẻm của nó ngoảnh lại nhìn tôi rồi cười một cách vô cùng nham hiểm.

- Mày treo nhanh tao canh mày vặt trụi cho tao nhé.- Tôi nói với nó.

Thằng Nam gật đầu còn tôi thì đi canh, nó vặt lần 5 quả rồi vụt ra ngoài hàng rào. Cứ tưởng thuận buồm xuôi gió thì con chó nhà bà Lan không biết từ đâu nhảy vọt ra sủa ầm lên. Bà Lan cũng cảm giác không đúng liền đi ra vườn xem xét. Thằng Nam và tôi không biết làm sao đành dấu mấy trái bưởi trong lùm cây rồi chạy đến một bụi cây xa xa múp vào trong bụi cây rậm rạp ấy. Bà Lan ra đã thấy cây bưởi của mình hao hụt đi liền chửi đổng:

- Thằng cha tụi bay có trái bưởi tụi bay cũng la liếm hết không để yên, trái bưởi của tao đã mở mắt đâu mà tụi bay vặt. Lũ mất dạy tao mà biết con cái nhà ai thì tụi mày chết với tao...

Bà Lan chửi oang oang mãi mới chịu ngừng, đúng là người nhiều chuyện giọng thường rất khỏe. Nhưng không thể để mấy trái bưởi như vậy được, nhà tôi với nhà thằng Nam trồng ối bưởi nên cũng không ham hố bưởi nhà bà Lan, vặt bưởi cho đỡ ghét thôi. Với lại bưởi nhà bà Lan cho tôi cũng chả thèm, bọn con nít còn đồn đại với nhau là ăn đồ nhà bà Lan sẽ độc miệng như bà, ma nó theo nó bắt. Mà nhà chúng tôi cách đồi xa, đưa bưởi về thì bị phát hiện là cái chắc. Khi thấy bà Lan đi vào nhà tôi quay sang bảo thằng Nam:

- Mày đi hái hoa đi, hái nhiều vào, nhớ hái cả hoa xanh về nhà cho nó chín ngửi cho được lâu, chứ đi hoài gặp bà Lan tao chán lắm. Tao đi xử lý mấy trái bưởi.

Thằng Nam gật đầu:

- Cẩn thận đấy không là toang.

- Tao biết rồi mày hái nhanh đi kẻo tối.

Thằng Nam đi ra xa hái hoa dẻ, tôi thì mon men lại bờ rào vụt mấy trái bưởi vào lại vườn nhà bà Lan. Chó sủa ầm lên, bà Lan chạy ra, lúc đó tôi cũng đã chạy đi xa rồi. Trong ngọn đồi cây cối rậm rạp còn vang lại tiếng chửi của bà Lan:

- Mụ nội cha chúng mày, đồ khốn nạn...

Tôi thì vui vẻ đi kiếm thằng Nam, nó cũng đã hái được ối rồi. Tôi gọi nó:

- Này được rồi đấy về thôi!

Nó gật đầu rồi bĩu môi cười tít mắt:

- Bà Lan chửi hay đấy mày nhỉ, vang đến tận đây luôn. Tao nghe rõ mồm một bả chửi cái gì.

Tôi với nó vui đùa đuổi bắt với nhau trên đường về như chưa có chuyện gì xảy ra. Vụ trái bưởi làm cho chúng tôi vui vẻ, cảm giác có chút thành tựu. Chiều tà, ánh hoàng hôn đỏ rực khắp trời, rất đẹp và ảo diệu. Nhà tôi, thằng Nam và nhỏ Lê gần nhau, đến ngõ thì tôi bảo thằng Nam về trước còn mình thì ghé nhà nhỏ Lê, đưa nó mớ hoa dẻ.

- Lê ơi ra đây tao bảo này. - Tôi gọi.

Một lát sau nhỏ Lê đi ra, tay còn cầm đôi đũa, chắc đang nấu cơm tối.

- Tao vừa mới hái đấy! - Nói rồi tôi xòe tay đưa cho nó mớ hoa.

Nhỏ cúi đầu gật gù rồi cầm lấy, vẫy tay tạm biệt tôi đi vào nhà. Nói sao ý nhỉ, từ cái hồi hàng xóm láng giềng quay lưng lại với nhỏ, bạn bè cũng thưa thớt, xa cách nhỏ dần dần, tôi cũng chả biết từ bao giờ nữa. Nếu không có việc gì quan trọng nhỏ sẽ không mở miệng, chỉ là nhỏ vẫn cười, bây giờ nụ cười của nhỏ cũng thưa thớt dần đi. Đã bao lâu rồi tôi chưa nghe giọng nói của nhỏ nhỉ? Tôi tự hỏi rồi quay gót về nhà. Vẫn cánh cổng xanh biếc ấy chờ tôi về, ánh mặt trời đẹp quá.

( Trích: Trời Hạ Tháng Sáu)   

Theo Chuyện làng quê