Hoá kiếp

Đời là vô thường, còn sống ngày nào hãy vui để toả sáng, để tạo giá trị cho đời, như tiếng gáy của gà trống, hay quả trứng của gà mái mỗi ngày. Khi không còn tạo thêm giá trị mới, thì chấp nhận hoá kiếp, nhận quả ngọt hay trái đắng mà nghiệp mình đã tạo là lẽ thường. Đời mà.
hoa-kiep-1630654463.jpg

Rỉa lông cho chàng, mợ mái Hoa Mơ, thủ thỉ:

- Sao anh cứ phải cố gồng mình lên đạp mái đủ hết vòng thế, đến 12 đứa gà mái cơ mà? Không phải em ghen đâu, mà là lo cho sức khoẻ của anh.

Trống Tía cũng nhẹ lời:

- Thế em có thấy thằng trống Đen, vừa bị lên đĩa hôm qua không?

- Sao lại liên quan đến điều em vừa nói?

- Liên quan chứ, trống Đen chọi thua anh, chỉ được phép và cũng chỉ đủ sức đạp mái 4 mái thôi, thế là chủ cho lên đĩa nhân ngày sinh của ông chủ.

- À… ừ… buồn anh nhỉ?

Mái Hoa Mơ rúc đầu vào nách cánh trống Tía, vẻ dựa dẫm. Trống Tía thì thầm:

- Mai kia sẽ đến thằng trống Đỏ, nó gáy không vang, cứ khè khè, chủ nghe không sướng tai, dù nó đủ sức đạp hơn chục mái mỗi ngày.

- Sao em thấy trống Đỏ cũng lười đạp mái?

- Nó không lười đâu, chẳng qua nó chỉ thích mái Vàng thôi, với lại vượt quá mức cho phép, anh sẽ mổ cho nó toác đầu.

Mái Hoa Mơ thở dài thườn thượt, bảo:

- Lẽ phải thuộc về kẻ mạnh. Hí hí, kẻ mạnh lại thuộc về em.

- Hừ…

Thế nhưng sáng hôm sau, chính trống Tía bị bắt nhốt vào để làm thịt, nhà hôm nay có giỗ ông nội của chủ nhà.

Mái Hoa Mơ buồn lắm, cứ đi vòng quanh cái lồng nhốt trống Tía. Đến lúc bà chủ mang cái dao và cái đĩa ra để cắt tiết chàng, thì Hoa Mơ buồn đến phát xỉu. Trống Tía vẫn hiên ngang động viên nàng:

- Thôi, em đừng buồn, số trời định rồi mà. Sang kiếp sau, mình làm kiếp người em nhé, sẽ cắt tiết đám đang chuẩn bị cắt tiết anh.

- Hu hu hu… phỉ phui cái miệng anh. Phải bỏ sạch sân si kiếp sau mới được làm người chứ? Ngốc!

- Anh đi… em kết với thằng Choai, nó có tương lai dài hơi hơn mấy đứa kia.

- Hu hu … vâng.

- Chịu khó ăn để ngày nào cũng đẻ trứng, em nhé. Đẻ cách nhật hay đẻ ít là chủ nó cho em lên đĩa luôn đấy.

- Hu hu hu… Hẹn anh kiếp sau… Hu hu hu…

Không chỉ mái Hoa Mơ, cả mái Nâu, mái Đen, mái Trắng,… đều luẩn quẩn để vĩnh biệt chàng. Mái Trắng chính là nàng được chàng đạp mái cuối cùng sáng nay.

Mái Hoa Mơ biết, cô chỉ hứng khi được trống Tía đạp mái thôi, chỉ khi ấy hooc-môn mới nhiều, trứng đẻ đều hơn. Mấy thằng trống kia chẳng nên tích sự gì, nhưng biết làm sao được bây giờ.

Bỗng cậu chủ nhỏ ra xem mẹ cắt tiết gà, nó hét ầm lên:

- Sao mẹ giết trống Tía của con? Chính nó gáy hay nhất đàn.

Bà chủ đã cầm bắt chéo cánh trống Tía rồi, nhưng nói thầm vào tai con:

- Nếu con bắt được trống Đỏ, thì mẹ thả trống Tía ra.

- Vâng.

Thằng bé lấy nắm thóc rải rồi kênh cái lồng lên, trống Đỏ tham ăn cứ mổ lấy mổ để. Bỗng “roạt”, cái lồng úp chụp xuống, trống Đỏ, trống Choai và hai cô mái Vàng, mái Tía cùng bị nhốt gọn.

Trống Tía cọc cọc la lối ầm ỹ lên, vì gã nghe lỏm được hai mẹ con bà chủ nói chuyện tha mạng cho mình rồi. Quyết định phóng thích trống Tía được thi hành lập tức.

Trống tía nhảy lên hàng rào gáy rõ to:

- Cò có co co o o o o o…

Mái Hoa Mơ sướng như mở cờ, vội chạy chạy diễu trước mặt chàng, để được đạp mái cái đầu tiên sau khi chàng được phóng thích.

Trong khi đó, bà chủ đang phân vân không biết tóm trống Đỏ hay trống choai. Cậu chủ bảo:

- Trống choai gáy chưa hay, nhưng sẽ vượt trống Tía nay mai mẹ ạ.

- Vậy con bắt trống Đỏ đi.

Đến lượt mái Trắng buồn, cạ của cô ấy là trống Đỏ, thế là vĩnh biệt chàng rồi.

Hôm ấy, mái Hoa Mơ đẻ một trứng to, trống Tía thì đạp mái khắp lượt tất cả các nàng. Riêng mái Trắng buồn ủ rũ, không đẻ. Mái Hoa Mơ phải bảo chị:

- Đừng buồn, số phận cả rồi, buồn phiền là không đẻ được, sẽ cho lên đĩa đấy.

- Hu hu hu… em muốn được hoá kiếp theo trống Đỏ cho xong kiếp gà.

Nào ngờ, Tết ấy, chủ nhà cắt tiết cả trống Tía và mái Trắng một lần, họ được hoá kiếp cùng một lần.

Mái Hoa Mơ buồn thảm, chấp nhận chờ đến lượt mình hoá kiếp gà, có lẽ vào lễ rằm tháng giêng.

Ngẫm:

Đời là vô thường, còn sống ngày nào hãy vui để toả sáng, để tạo giá trị cho đời, như tiếng gáy của gà trống, hay quả trứng của gà mái mỗi ngày.

Khi không còn tạo thêm giá trị mới, thì chấp nhận hoá kiếp, nhận quả ngọt hay trái đắng mà nghiệp mình đã tạo là lẽ thường.

Đời mà.

Theo Chuyện làng quê