Du nhập vào Việt Nam thời nhà Nguyễn, kỹ nghệ pháp lam chỉ tồn tại được trong khoảng 60 năm, sau đó thu hẹp dần và gần như thất truyền.
Hiện nay, vẻ đẹp lộng lẫy, sắc sảo của các di sản pháp lam Huế vẫn còn lưu giữ trên bờ mái, bờ nóc, mảng trang trí ở các lăng tẩm, tam quan, quần thể di tích tại Cố đô Huế.
Có tình yêu mãnh liệt với môn nghệ thuật truyền thống, sau khi tốt nghiệp Khoa thiết kế đồ họa của Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp (Hà Nội), Hoàng Anh bắt đầu nghiên cứu các tài liệu lịch sử liên quan đến phương pháp, kỹ thuật pháp lam, đồng thời tìm những bạn trẻ cùng yêu thích nghệ thuật truyền thống này cùng thành lập nhóm Họa Gấm vào năm 2020.
Cô gái trẻ đã tự tìm hiểu và học hỏi về kỹ nghệ cổ “Cảnh Thái Lam” nhưng nhận thấy 7 công đoạn chính, 108 bước phụ của nghệ thuật cổ quá phức tạp và cầu kỳ. Vì vậy, nếu muốn tái sinh môn nghệ thuật pháp Lam Huế thì công đoạn phải được tối giản, cách thức phải được phù hợp với thị hiếu và thẩm mĩ hiện nay.
Hoàng Anh chia sẻ về khó khăn khi bắt tay nghiên cứu kỹ thuật mới: “Khi mà mình làm nghệ thuật Họa kim sa này, khó khăn đầu tiên là những tài liệu gốc ở Việt Nam rất hiếm nguyên liệu cũng không có sẵn nên mình không có người hướng dẫn, không có nhiều tư liệu, lại thêm cản trở về ngôn ngữ nên mình đã phải thử đi thử lại rất nhiều lần.”
Không dừng lại ở việc hồi sinh nghệ thuật đã thất truyền, Nguyễn Hoàng Anh luôn ấp ủ khao khát có thể lan tỏa nét đẹp văn hoá dân gian đến mọi người. Vì vậy, cô cùng nhóm Hoạ Gấm luôn cố gắng tìm hiểu, nghiên cứu và ứng dụng được Hoạ kim sa vào trong những sản phẩm gần gũi hơn với đời sống hiện đại như ốp điện thoại, lót ly,...để cho mọi người cảm thấy hứng thú hơn với kỹ nghệ cổ truyền này.
Nghệ thuật Hoạ kim sa đã mang lại một góc nhìn và cảm nhận hoàn toàn mới về việc lưu giữ và bảo tồn những giá trị nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. Không chỉ kế thừa mà còn phát triển với hy vọng lan toả văn hoá Việt Nam với bạn bè trong nước và quốc tế như cách mà nhóm các bạn trẻ Hoạ Gấm đã và đang lưu giữ hồn cốt văn hoá Đại Nam.