Bắc Hà, một ngày cuối năm

Chuyến công tác thiện nguyện cuối năm từ A Mú Sung, xã biên giới của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, trở về chúng tôi rẽ vào huyện Bắc Hà để ghé thăm dinh vua Mèo và phiên chợ nổi tiếng trên miền cao nguyên trắng. Nhớ lại lần trước, cách đây khoảng gần chục năm, chúng tôi đã có lần dừng chân ở phố núi này. Khi ấy, chúng tôi đi từ huyện Hoàng Su Phì qua huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang; vượt dốc Nàn Ma để sang Bắc Hà.
du-khach-luu-niem-truoc-den-bao-ha-1737693324.jpg
Du khách lưu niệm trước đền Bảo Hà

Con đường đi ngày ấy quả là kinh khủng, quanh co, ngoằn ngoèo, hiểm trở bởi hàng trăm những khúc cua tay áo; đôi chỗ xe đi phải chênh vênh bên những bờ vực sâu hun hút khiến người ngồi trên không khỏi thót tim, lo lắng. Nhưng đổi lại cảnh quan của những thửa ruộng bậc thang và vẻ đẹp thơ mộng của những đồi thông, rừng sa mộc mà con đường xuyên qua khiến người đi cũng có lúc quên mất mọi nỗi sợ hãi.

Lần này theo cao tốc từ Lào Cai về Hà Nội, đến huyện Bảo Thắng chúng tôi ngang qua phố Lu rồi theo quốc lộ 4E vào đường tỉnh lộ 153 để đến thung lũng Pạc ha. Chặng đường với hơn bảy chục cây số, trong đó có quá nửa là cao tốc, so với lần đi trước thì lần này quả đỡ vất vả hơn khá nhiều.

Trên cung đường từ Phố Lu đến với Bắc Hà, chúng tôi không được ngắm những thửa ruộng bậc thang huyền thoại với vẻ đẹp vàng óng của màu lúa chín trên thiên đường Hoàng Su Phì như lần trước. Nhưng, thay vào đó, chúng tôi lại được mãn nhãn với sắc hồng tươi đang đua nhau bung nở rực rỡ trong những ngày đất trời chuyển mùa sang xuân của rừng cây tớ dầy (hoa đào rừng).

Và rồi sau khoảng hơn hai giờ đồng hồ, chúng tôi đã có mặt ở trung tâm phố huyện Bắc Hà để dâng hương Gia Quốc công Vũ Văn Mật trong ngôi đền cổ kính linh thiêng, tham dự phiên chợ độc đáo cuối năm của đồng bào các dân tộc nơi miền Tây Bắc và được thăm lại dinh vua Mèo sau đợt trùng tu, sơn phủ suốt gần một năm trời mà ít nhiều giới truyền thông cũng đã từng tốn kém giấy mực.

thang-co-mot-dac-san-am-thuc-o-cho-phien-bac-ha-1737693442.jpg
Thắng cố, một đặc sản ẩm thực ở chợ phiên Bắc Hà

Bắc Hà là một huyện nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Lào Cai.

Ngược dòng thời gian về thời Hùng Vương thì đây từng là vùng đất thuộc Tây Âu. Trải qua bao thăng trầm dâu bể, miền đất của Thục Phán ngày xưa giờ vẫn thế. Núi đồi trập trùng vẫn cứ bồng bềnh, phiêu lãng, huyền ảo trong sương mây mà tạo nên những vẻ đẹp vừa hùng vĩ vừa hoang sơ khiến người ta gặp một lần thì khó có thể nào quên được. Bắc Hà còn được gọi với cái tên là cao nguyên trắng. Cao nguyên trắng là tên gọi dựa vào đặc điểm của một mùa hoa ở nơi đây. Đó là mùa hoa mận ở Bắc Hà.

Mỗi dịp xuân về, cả vùng Bắc Hà, các rừng mận tam hoa đua nhau bung nở những bông hoa trắng muốt như tuyết; giăng phủ trên khắp mọi núi, đồi, vườn nhà và biến nơi đây trở thành thánh địa của những người săn ảnh và sống ảo. Bắc Hà cũng không phải là cái tên gọi cầu kỳ để triết tự chữ nghĩa theo kiểu Hán Việt. Đó là tên gọi bắt nguồn từ cách đọc phiên âm “Pạc ha” (trăm bó giang) trong tiếng Tày của người bản địa.

Tương truyền, ở trên cao nguyên này có ngọn núi Ba Mẹ Con (nằm ở trung tâm thị trấn Bắc Hà) có rất nhiều ong. Muốn đi qua núi này, người ta phải dùng một trăm bó gianh đốt lên để xua ong bay qua chỗ khác thì mới có thể vượt qua được. Sau ngót chục năm quay lại chúng tôi thấy sắc màu Bắc Hà dường như vẫn vậy. Nói như thế là không có nghĩa Bắc Hà vẫn dậm chân đứng yên.

Thực ra phố xá, nhà cửa ở Bắc Hà cũng rất khang trang và được mở rộng khá nhiều. Nhưng sự phát triển ấy không xô bồ để làm mất đi cái cảnh quan mộc mạc, hoang sơ như những gì vốn có. Cùng là đất trời của Lào Cai nhưng sự phát triển của du lịch với mặt trái của nền kinh tế thị trường đã làm cho những sắc màu bản địa của phố núi Sa Pa đang ngày càng xa lạ trên chính quê hương xứ sở của mình. Nhà cửa cao ngất ngưởng, xô lấn, chen chúc, che kín núi đồi trước mặt.

Bước chân ra phố người ta người ta ngơ ngác như đi giữa phố thị của trời Âu. Nhưng với Bắc Hà không thế. Đến đây người ta không bị cuốn vào cái cảm giác vội vàng. Ai nấy đều ung dung, nhàn tản dạo quanh các phố hay đi vào trong chợ để ngắm nhìn, lắng nghe những hương sắc cuộc sống muôn màu của đồng bào các dân tộc H’Mông, Tày, Nùng, Dao, Phù Lá…

Quả thực, nếu để ví von Bắc Hà hôm nay thì chúng tôi thấy phố núi Tây Bắc này y như một nàng công chúa đang trong độ tuổi đôi mươi và vẫn đương còn ngái ngủ ở nơi rừng xa.

noi-mua-ban-trao-doi-suc-vat-o-cho-phien-bac-ha-1737693538.jpg
Nơi mua bán, trao đổi súc vật ở chợ phiên Bắc Hà

Trở lại Bắc Hà lần này chúng tôi đi đúng ngày chủ nhật, vào đúng phiên chợ. Chợ Bắc Hà chỉ họp một phiên duy nhất vào chủ nhật. Đây là một trong những phiên chợ có quy mô lớn nhất vùng Tây Bắc. Chợ không chỉ của riêng thị trấn Bắc Hà hay các xã lân cận mà còn là nơi giao lưu, trao đổi, mua bán hàng hóa của cả các huyện lận cận. Chợ phiên này họp rất sớm, thời trước, khi điều kiện giao thông còn thô sơ, những người ở xa thường phải đi chợ từ hôm trước.

Người ta đến chợ chủ yếu là để bán đi những sản phẩm nông nghiệp mà nhà mình dư thừa và mua sắm những đồ thiết yếu để phục vụ cho một tuần sinh hoạt của gia đình. Người thì mang chó, gà, mèo, lợn, hay trâu, bò, ngựa … người thì dăm ba mớ rau, gùi ớt, ít hoa quả hay vài cây thuốc tự trồng hoặc lên kiếm được ở trên rừng cùng các sản phẩm đan lát bằng mây tre truyền thống… Cứ như thế, chợ phiên như là một điểm hẹn để cộng đồng các dân tộc nơi đây có thể gặp gỡ, giao lưu, trao đổi. Người ta đi chợ có khi không phải chỉ một người mà cả nhà.

Cứ cuối tuần là cả nhà cùng dắt nhau đi chơi chợ phiên. Họ đến chợ mua thì mua, bán thì bán; chẳng mua bán gì thì cũng để xem chợ cho vui. Nói vậy thôi, đồng bào xuống chợ không mua bán gì thì cũng phải vào trong chợ, đến khu ẩm thực, uống một chén rượu thơm nồng và ăn bát thắng cố hay bát phở chua thì mới có thể tan chợ mà đi về được.

Cuộc sống của người vùng cao là thế, niềm vui chỉ giản dị vậy thôi! Phải nói rằng, đến chợ phiên Bắc Hà trong cái sôi động của thanh âm vùng cao người ta mới thấy hết được cái hấp dẫn và thú vị của cuộc sống ở Tây Bắc. Người ta mới có cơ hội hiểu thêm về đời sống và lối sinh hoạt thường ngày của bà con vùng cao. Mới thấy được chợ không chỉ là chợ mà đi chợ đã trở thành một nét văn hóa mang đậm phong vị bản sắc của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Thú thực, thăm lại chợ phiên Bắc Hà vào đúng dịp sắp hết năm âm lịch này, chúng tôi mới thấy mình không chỉ được trải nghiệm với những phong tục của người vùng cao mà còn thấy được cả cái nét đủng đỉnh, thoang thả rất riêng của người Tây Bắc. Nó đang được hòa tan trong cái rực rỡ, ồn ào, sôi động của những sắc màu thổ cẩm và thanh âm của cuộc sống giữa nơi núi rừng ngút ngàn. Phiên chợ vùng cao như thế  quả không hổ danh khi được người ta bình chọn là một trong mười phiên chợ độc đáo nhất Đông Nam Á. 

quay-tau-mot-mat-hang-thu-cong-truyen-thong-cua-dong-bao-ban-dia-o-cho-phien-bac-ha-1737693681.jpg
Quẩy tấu, một mặt hàng thủ công truyền thống của đồng bào bản địa ở chợ phiên Bắc Hà

Vãn chợ, chúng tôi theo đường Ngọc Uyển đến dinh vua Mèo ở Bắc Hà. Gọi là dinh vua Mèo là cách gọi nôm na thôi, tên gọi chính xác là dinh Hoàng A Tưởng. Sở dĩ có tên gọi là dinh vua Mèo vì nơi đây trước kia là địa bàn có nhiều người H’Mông (Mèo) sinh sống.

Chủ nhân của dinh thự là cha con ông Hoàng A Tưởng, không phải là người Mèo. Ông là người Tày. Dinh Hoàng A Tưởng là một công trình có quy mô bề thế và có nét kiến trúc nghệ thuật độc đáo mang đậm phong cách Phương Đông và Phương Tây. Tác phẩm này được khởi dựng từ năm 1914 và hoàn thành năm 1921, trong thời kỳ thực dân nửa phong kiến ở nước ta.

Nghe kể ngôi biệt thự xa hoa trên cao nguyên Bắc Hà này được Thổ ty Hoàng Yến Tchao làm trên mảnh đất có địa thế phong thủy rất đẹp và rộng đến cả một chục ngàn mét vuông. Người đứng ra làm ngôi biệt phủ nguy nga tráng lệ này là Hoàng Yến Tchao nhưng người ta lại gọi là dinh Hoàng A Tưởng. Điều này với người miền xuôi thì lạ lẫm nhưng với người miền núi, đặc biệt là người Tày thì rất dễ hiểu. Người Tày ở Bắc Hà có tục lệ gọi tên ngôi nhà theo tên của người con ở cùng cha mẹ lúc trưởng thành. Bởi thế mà ngôi nhà của Hoàng Yến Tchao có tên là dinh Hoàng A Tưởng.

du-khach-truoc-cua-dinh-hoang-a-tuong-1737693788.jpg
Du khách trước cửa dinh Hoàng A Tưởng

Lần trước đến thăm dinh Hoàng A Tưởng, chúng tôi không khỏi trầm trồ trước một công trình đồ sộ nguy nga. Công trình này không chỉ đơn giản là nơi sinh hoạt của một gia đình mà còn là một cơ quan công quyền bán quân sự. Xung quanh dinh thự là những bức tường cao, bốn phía đều có lỗ châu mai nhìn chẳng khác gì một pháo đài bất khả xâm phạm. Dinh thự gồm ba mươi sáu phòng, được thiết kế theo bố cục hình chữ nhật, liên hoàn khép kín và có kết cấu rất hài hòa. Giữa dinh là một khoảng sân lộ thiên rất rộng, được lát gạch sạch sẽ. Bên trái và bên phải của sân là hai khu nhà phụ.

Từ ngoài đi vào qua sân là nhà chính. Bước lên cầu thang từ hai bên sẽ đến được phòng chờ, rồi đi tiếp mới đến khuôn viên bên trong dinh thự. Ở đây có một khoảng sân rộng. Sân này thường được dùng cho việc hành lễ và tổ chức văn nghệ hoặc hoạt động vui chơi. Nhà chính là gian nhà nối liền của hai dãy nhà ngang với bố cục và kiến trúc giống hệt nhau. Nhà này được làm thấp hơn nhà chính. Hai dãy nhà phía bên trái và bên phải có hai tầng, mỗi tầng được chia làm ba gian. Đây là nơi sinh hoạt của gia đình họ Hoàng. Hai dãy nhà phụ được dùng làm nhà kho, cho lính và cùng người giúp việc ở.

Bên cạnh không gian sinh hoạt trên, dinh thự còn có phòng khách, phòng làm việc, phòng ở cho các quan, cố vấn người Pháp để điều hành bộ máy cai trị trên xứ Bắc Hà. Phía sau dinh thự còn có cả một hệ thống đường hầm rất kiên cố để thoát hiểm phòng khi có biến.

Vị trí của dinh thự trên quả đồi nhìn về hướng Đông Nam, tựa lưng vào núi, phía trước có dòng suối, đúng theo thế tựa sơn đạp thủy chính là kết quả chọn đất cả một năm trời của thầy phong thủy từ Trung Hoa được Thổ ty Hoàng Yến Tchao mời về tìm đất. Nhưng sự xa hoa, cầu kỳ của ngôi dinh thự còn phải kể đến những nguyên vật liệu và thiết kế của chính ngôi nhà ở cái thời điểm khi nó được hình thành.

Người ta kể, khi làm dinh thự này, tất cả vật liệu như gạch ngói đều được sản xuất trực tiếp ở Bắc Hà dưới sự hướng dẫn của người Trung Quốc. Sắt thép và xi măng của ngôi nhà được mua từ dưới xuôi và vận chuyển bằng tàu hỏa lên phố Lu; rồi dùng người, ngựa vận chuyển về Bắc Hà. Còn về thiết kế thì khỏi phải bàn. Thổ ty Hoàng Yến Tchao thuê kiến trúc sư cả Pháp và Tàu để tạo lên phong cách ngôi nhà có một không hai, nổi tiếng cả vùng Tây Bắc.

Nét kiến trúc phương đông không chỉ được thể hiện ở hình dáng ngôi nhà hình chữ Môn (chữ Nhật) mà còn ở trên mái ngói âm dương của người Trung Quốc hay trên những chữ song hỷ ở bức bình phong trước cửa. Còn nét kiến trúc phương Tây hiện rõ trên hệ thống nhà ngang, dãy dọc, cửa vòm, lò sưởi, ống khói; đặc biệt là những cột, mái được đắp nổi, trang trí theo phong cách gothic với những họa tiết dây lá nho, hoa văn nguyệt quế tượng trưng cho sự thịnh vượng và hạnh phúc.

tac-gia-o-phia-truoc-nha-chinh-trong-dinh-thu-hoang-a-tuong-1737693868.jpg
Tác giả ở phía trước nhà chính trong dinh thự Hoàng A Tưởng

Hơn một thế kỷ đi qua, dinh thự Hoàng A Tưởng vẫn sừng sững cùng đất trời Tây Bắc trong dáng vẻ trầm tư, cổ kính. Trong lần thăm viếng lần trước, chúng tôi thấy rõ nét rêu phong tựa như nước thời gian đang nhuốm đậm trên từng bờ tường, hàng ngói, hoa văn trên dãy hành lang hay cây cột nhà. Nay nhìn dinh thự được khoác lớp áo mới nhàn nhạt hơn cái màu vàng đậm như đã quen nhìn nên ít nhiều làm cho ai đã từng nhìn thấy ngôi nhà không thoát khỏi cái cảm giác xa lạ với những gì rêu phong. Nhưng chẳng sao. Làm sao mà có thể giữ mãi di tích mà không trùng tu khi xuống cấp. Nét rêu phong đâu có tạo được ngay từ khi bắt đầu làm. Nét rêu phong là bóng thời gian lưu hình trên vật chất. Vài năm sau, đến nhìn lại ngôi dinh thự này, hẳn là nước thời gian sẽ lại phủ lên ngôi nhà cái màu cổ tích xa xăm như một thời đã có.

Ngắm nhìn khu dinh thự, người ta không khỏi nghĩ đến và choáng ngợp bởi khối tài sản khổng lồ của cha con Thổ ty họ Hoàng lúc đương thời. Bởi thế, đến với dinh Hoàng A Tưởng, người ta còn có cảm giác như tìm được một “chứng nhân” lịch sử của cao nguyên trắng. Phải chăng, cái xa hoa và cầu kỳ của dinh thự này đã phản ánh được phần nào đời sống người dân và giai cấp thống trị ở cao nguyên trắng hồi đầu của thế kỷ trước. Có lẽ với ý nghĩa ấy mà năm 1999, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã quyết định công nhận dinh thự cổ Hoàng A Tưởng là di tích cấp Quốc gia.

Thăm lại di tích dinh Hoàng A Tưởng lần này, có lẽ do vừa trùng tu xong, chúng tôi thấy sự bài trí để tái hiện lại một thời kỳ lịch sử trên cao nguyên Bắc Hà có vẻ không giống như lần đến trước. Nhiều căn phòng để trống trơn, tranh ảnh cùng các di vật có vẻ như đã bị mai một … và thiếu chỉ dẫn.

Đến dinh Hoàng A Tưởng như thế người ta có cảm giác đến ngắm một ngôi nhà vừa mới khánh thành hơn là đến chiêm ngưỡng một di tích lịch sử để cho mình được trải nghiệm về văn hóa và lịch sử của vùng đất ở một thời đã qua. Có lẽ, cái hụt hẫng ấy đã làm cho không ít người phải thốt lên đầy tiếc nuối. Hy vọng, lần sau trở lại, những hụt hẫng của du khách sẽ được bù đắp để người ta sẽ mãi yêu nàng công chúa của núi rừng còn thoáng đãng, hoang sơ của miền Tây Bắc xa xôi.