Họa sĩ Vũ Hoàng: “Khi vẽ tôi mới có cảm giác được sống tự do”

Đến với hội họa chuyên nghiệp khá muôn màng, thế nhưng họa sĩ Vũ Hoàng (sinh năm 1989, hiện là sinh viên năm cuối Khoa Hội họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) đã khẳng định được một phong cách hội họa độc đáo, khó lẫn với các họa sĩ cùng thời.
hoa-si-vu-hoang-2-1643713254.jpg
Tác phẩm “Cứa 3” của họa sĩ Vũ Hoàng tham gia Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc

 

Năm 2017 khi 27 tuổi, Vũ Hoàng mới bắt đầu theo học hội họa chuyên nghiệp tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Trước đây anh từng tốt nghiệp Đại học Điện lực, ngành hệ thống điện và đi làm công trình được hơn 2 năm. Dù rất thích vẽ từ hồi còn học phổ thông và cũng thấy mình cũng có chút năng khiếu nhưng vì gia đình muốn anh theo ngành kỹ thuật nên anh đành gác lại sở thích từ đấy. Cơ duyên đến vào cuối năm 2015 khi mà công việc kĩ thuật khiến anh chán nản thì bạn của anh có rủ tham gia học vẽ ở Câu lạc bộ vẽ nghiệp dư. Sau rất nhiều năm anh mới dám thử cầm bút vẽ dù là chỉ vẽ cho vui, thế nhưng sau vài khoá học anh mới nhận ra đây mới là mình, phải vẽ anh mới có cảm giác được sống tự do.

Đến giữa năm 2016, anh quyết định bỏ việc để đi ôn thi chuyên nghiệp. Tích góp được một khoản tiền nho nhỏ, cũng không dám nói với bố mẹ là đã nghỉ việc, anh đăng ký ôn thi sáng chiều tối, có những hôm đến tận 3-4 giờ sáng. Một giai đoạn mà anh không thể quên trong đời, vừa vui vừa lo vừa căng thẳng… rất nhiều áp lực tâm lý vì nếu trượt anh sẽ vừa không có việc vừa phải quay lại công việc mà mình không thích còn nếu đỗ thì cũng không biết tương lai mình sẽ đi về đâu hay mình có đủ khả năng theo con đường mới này không. Và rồi anh đã thi đỗ. Sau niềm vui, hạnh phúc là nỗi lo lắng về kinh tế. Lúc đỗ rồi anh mới dám kể cho gia đình, bạn bè, người thân. Có người thì rất vui khi anh theo đuổi được đam mê, có người thì ngược lại nói anh làm khổ bố mẹ, tầm này tuổi còn đi học mấy thứ linh tinh không lo mà ổn định cuộc sống...

Anh cũng không rõ khái niệm ổn định cuộc sống của mọi người như thế nào nhưng nghĩ anh phải sống cho mình, theo đuổi cái mình mạnh nhất, cái mà làm mình có cảm giác tự do và mang lại cảm giác tự tin. Từ năm nhất cũng khá chật vật để xoay sở tiền học và tiền họa phẩm, nhưng anh vẫn sống, vẫn theo đuổi được nó. Đôi lúc trong quá trình học, anh vẫn nghi ngờ về khả năng vẽ của mình, cũng có những lúc rất bế tắc, thậm chí có người không công nhận khả năng của mình. Mãi cho đến năm 2020, anh mới thực sự có một thành tựu nho nhỏ. Đó là khi anh được tham gia Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc Việt Nam. Đây là động lực cho anh tự tin dám sáng tác những chủ đề những điều mà mình ấp ủ.

hoa-si-vu-hoang-1-1643713254.jpg

Họa sĩ Vũ Hoàng

Năm 2021 một lần nữa anh lại được tăng thêm tự tin, khi anh được tham gia triển lãm “Chúng ta nghịch gì” tại VCCA của Hội Họa sĩ trẻ Việt Nam tổ chức. Cảm hứng sáng tác của anh cũng không có gì cao xa, hầu hết nó được lấy từ hiện thực xung quanh. Anh sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, vì thế anh rất quen với đời sống, sinh hoạt trong đô thị. Mọi thứ anh nhìn thấy trên đường, thâm chí là ngửi thấy, nghe thấy đều được thông qua các giác quan và bằng cảm xúc hỗn độn bên trong rồi anh phát nó ra bằng nghệ thuật tạo hình.

Anh bảo, anh rất thích câu nói của thầy giáo của mình là “Vẽ là phải từ bên trong vẽ ra…”. Có nhiều người nhìn tranh của anh thấy rất quen thuộc, gần như là đã từng nhìn thấy ở đâu đó trong đô thị, nhưng nó đều không có thật, nó là hiện thực của mình, những hình ảnh đấy là do anh tự nhào nặn ra, từ bố cục, màu sắc, thậm chí là sẽ không có ai nhìn giống hệt như thế ngoài đời, mọi thứ đều gợi ra sự thân thuộc, quen quen. Và lý do anh đến với nghệ thuật rất nhiều, nào là mình đam mê, yêu nó, mình có năng khiếu nên mình làm nó tốt nhất trong những thứ mình có thể làm, nhưng điều quan trọng là nó cho anh có cảm giác tự do .

Bức đặc sắc nhất cho đến thời điểm hiện tại của anh có lẽ là bức anh tham gia Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2020 với tên gọi “Cứa 3”. Anh đã vẽ về một chàng trai bị trầm cảm, cũng chính là 1 cậu em trong lớp. Anh thấy những bạn trẻ giai đoạn này trong thành phố trong khu đô thị bị rất nhiều. Họ hay cầm banh xalam để tự cứa mình, tự làm đau để thấy được thoải mái. Anh vẽ người thanh niên này tự làm đau mình như thể đang chơi đùa với cơ thể. Rồi có những bức của anh được thầy cô, bạn bè yêu thích nhận xét rằng: “Tranh của bạn có đời sống, có những câu chuyện gửi gắm một cách rất nhẹ nhàng, không quá nặng nề”.

hoa-si-vu-hoang-3-1643713466.jpg

Tác phẩm “Hiện diện” của Vũ Hoàng tham gia Triển lãm “Chúng ta đang nghịch gì”

Họa sĩ Lê Trần Anh Tuấn, giảng viên Khoa Sư phạm mỹ thuật Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho biết: “Để nói về họa sĩ Vũ Hoàng thì như nói về người em trai của tôi vậy. Vì sao tôi nói như thế? Hoàng là cậu học trò từ hồi học luyện thi đến khi đỗ vào trường và sau đó đến bây giờ tôi nhận Hoàng về làm giảng viên cho Câu lạc bộ mỹ thuật của mình. Hoàng vẽ như chính con người của em vậy: Hiền lành, đôi lúc cũng có gì đó phá cách. Tranh của Hoàng vẫn trên con đường tìm tòi, nhiều bức pha chút Pop art, một chút ý niệm (ma mị, giằng xé), một số bức lại hơi hướng hiện thực lãng mạn (khá tình cảm và đằm thắm). Hoàng thuộc tuýp họa sĩ cầu tiến, chịu khó làm việc, tìm tòi và học hỏi. Chính những điều này tôi tin Hoàng tương lai sẽ có những tác phẩm có chỗ đứng nhất định”.

Khi được hỏi về dự định phía trước, họa sĩ Vũ Hoàng cho biết, anh vẫn sẽ theo đuổi chủ đề về thành thị, từ những thực trạng xã hội cho đến những cá thể sinh sống ở trong đấy. Tất nhiên với một người còn đang ngồi trên ghế nhà trường như Hoàng thì trường đời phía trước còn rất dài, khó khăn, thử thách vẫn còn rất lớn. Nhưng điều quan trọng là ở Hoàng có sự quyết tâm theo đuổi đến cùng đam mê, dấn thân, cuồng nhiệt với đam mê và lẽ tất yếu thành công sẽ đến trong tương lai không xa.

hoa-si-vu-hoang-4-1643713260.jpg
Tác phẩm “Bon Trend” của Vũ Hoàng tham gia Triển lãm nhóm Nhịp sống
hoa-si-vu-hoang-5-1643713260.jpg

Tác phẩm “Gấp Grab” của Vũ Hoàng tham gia Triển lãm nhóm Nhịp sống.