Mặc dù không phải là loài cây có giá trị kinh tế cao, nhưng với bờ hoang thì trồng tận dụng lại rất tuyệt vời. Nay nhớ lại thấy yêu hàng xoan đó quá, hàng xoan tồn tại trước mắt tôi từ thơ bé như một thói quen, đến nay không còn nữa. Ôi, sao lại da diết ân tình với những cây xoan xưa.
Dọc theo phía bên kia đường trước cổng nhà tôi theo hướng xuống đồng có một con mương nhỏ. Ngày tôi còn bé, con mương là lối dẫn lưu thông nước từ ngoài mau (thực chất là các cái hồ) làng thông xuống mương lớn, bọn chúng tôi hay gọi là sông nông giang. Nhờ vậy mà nước mau được thay mỗi đợt mùa về. Bên kia mương nhỏ là công ty lương thực và kho 51, họ xây tường dọc ngăn với dân cư, vì vậy mà thừa ra một lẻo đất theo mương. Các nhà dân bên này, trong đó có nhà tôi tận dụng đất thừa trồng đan xen chuối hột và xoan xen kẽ.
Chuối hột ngày xưa chủ yếu lấy thân cho lợn ăn. Lá chuối hột có thể cho cá ăn, nhưng như nhà tôi rất ít khi cắt cho cá vì trong ao nhà nuôi cũng ít. Anh em nhà tôi thường cắt xuống, dọc bỏ tàu cuộn lại rồi đem cho bác tôi dùng gói đậu phụ. Ngày ấy túi ni lon không sẵn như bây giờ, những miếng đậu phụ được xếp vào lá, sau đó bọc lại rồi buộc bằng sợi dây rơm. Người đi chợ ai cũng phải đem thúng, rổ hoặc làn (giỏ) để đựng đồ. Đổi lại, bác tôi sẽ cho chúng tôi mấy miếng đậu, vì vậy mà chúng tôi thích thú với việc dọc lá, hễ có là làm ngay.
Những cây xoan cao, vượt mình lên trên cả những tàu chuối cao nhất. Nghe mẹ kể hàng xoan này được trồng từ thời ông tôi còn sống. Ông tôi nổi tiếng là người nông dân hiền lành, chân chất. Ông để lại cho con cháu hàng dừa trước nhà, hàng mít ngay phía sau. Hàng cau ông trồng cũng vươn mình khoe tàu lên tận mây xanh. Hàng xoan từ khi ấy, qua thời gian dù chặt đi mỗi khi lớn để làm đồ dùng, nhưng cây con lại thay thế ngay vào rồi tiếp tục lớn lên.
Hàng xoan nhà tôi thuộc loài xoan trắng. Nghe nhiều người bảo còn có loại xoan đỏ còn hơn, tốt hơn xoan trắng rất nhiều. Tôi cũng không biết nữa. Chỉ thấy đồ dùng trong nhà tôi khá nhiều gỗ xoan. Nhà tôi có bộ bàn ghế gỗ xoan, sau này có bộ trường bằng xà cừ thì bộ này trở thành bàn học của tôi. Gác man giê gỗ xoan bền vô cùng. Mãi đến sau này kinh tế khá hơn, để trong nhà bếp chật chội và không dùng đến nữa, mẹ tôi đã cho nhà anh em đi. Đặc biệt cái giường cưới của bố mẹ, sau ba mươi năm vẫn dùng tốt. Cũng do đời sống cao hơn, đặc biệt nhu cầu trang trí phù hợp với cái nhà mới, chúng tôi đã ý kiến liên tục, thế là bố mẹ cũng đành cho nhà bác họ dùng, vì nhà đó tốt mà kinh tế còn khó khăn.
Hoa xoan nở khoảnh trời phía trước nhà, hoa nở thành những chùm, xoè cánh mỏng, nhỏ màu tím phơn phớt trắng. Nghe người ta ca ngợi màu tím hoa xoan man man nỗi buồn. Tôi chỉ thấy cảm xúc này mỗi khi nhớ về hàng xoan thân quen ngày xưa đó. Có lần bố đọc lại bài mưa xuân của Nguyễn Bính:
Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp bụi rơi đầy...
Tôi từng hỏi "sao hoa xoan xấu hoắc, mùi hôi hôi, hút về đầy muỗi mà cũng đòi vào thi ca", bố tôi bảo, quan trọng là tâm hồn của con người biết cảm thấu được nỗi lòng của thiên nhiên. Nhà thơ giàu cảm xúc, vương vấn nỗi lòng, hiểu được cả nỗi lòng của hoa xoan. Những cánh hoa màu tím rơi rụng ngập mé bên đường, tôi chỉ có "cảm xúc" bực bội vì những ngày ấy phải đi quét đường thường xuyên. Mẹ tôi không chấp nhận đường trước nhà bị bẩn.
Chỉ có trò chơi súng đu là thích. Thực ra chỗ tôi ở, người ta gọi cây xoan là cây đu. Những quả đu xanh xanh hình bầu dục. Nghe nói có loại đu rừng có thể ăn được quả. Sau này anh tôi đi bộ đội, về bảo nơi khác gọi cây này là sầu đông, còn cây ăn được gọi là sầu đâu, không biết có đúng không, vì nó không quan trọng lắm nên tôi chưa tìm hiểu lại. Chỉ có điều khi chơi trò súng đu, chúng tôi cũng "sầu" liên tục. Súng làm ống chảy (một loài tre), đạn bằng quả đu xanh, loại súng này giống loại súng đay. Chỉ có điều mỗi khi chơi trò chiến đấu, đều bị các bà mẹ la ó, chửi cho, tất cả đều bảo "vô mắt sẽ mù". Bọn trẻ ngây dại chúng tôi toàn chờ hôm trưa nắng hoặc lúc mẹ đi làm mới dám chơi lén lút.
Làng lên phố, đường cũng được bê tông hoá. Những mẫu đất nhỏ cũng được láng bê tông. Hàng chuối kia, những gốc xoan già bị đốn hạ. Từ đó, những thân xoan loang lỗ, nứt vỏ xám trắng khô khan kia bỏ đi để lại miền kí ức. Chẳng còn những hôm bẻ lá xoan cho mẹ đem vào nhà ủ chuối hay làm phân chuồng. Chẳng còn những ngày nhặt quả chơi trò ô ăn quan nữa. Ngày tết không còn luộc bánh chưng bằng củi đu. Đặc biệt, trước nhà chẳng còn bức tranh hoa tím buồn trên mảnh lụa trời xanh..
Theo Chuyện làng quê