Như chúng ta đã biết, Sinh Vật Cảnh theo nghĩa rộng là lối sống hài hòa với thiên nhiên, làm cho con người được nuôi dưỡng những tình cảm tốt đẹp, có tâm hồn thanh cao và nhạy cảm, có lòng nhân ái, lòng yêu quê hương đất nước sâu sắc, thương mọi thứ và thương người, làm cho con người sống hạnh phúc và bản thân con người cũng phát triển tốt đẹp hơn.
Còn theo nghĩa hẹp Sinh Vật Cảnh được cấu thành từ 3 yếu tố: SINH: là trồng cây, uốn cây, tạo thế, là phát triển các loài hoa đẹp, là nuôi chim hay, thú đẹp...; VẬT: là những vật phẩm được sản sinh từ bày tay khéo léo tuyệt với, mang lại những tiện nghi và đặc biệt những cái đẹp phong phú và độc đáo cho cuộc sống con người; CẢNH: là cảnh quan thiên nhiên đẹp và lành, con người tìm đến để thưởng thức, hưởng thụ. Cảnh cũng là cảnh quan thiên nhiên thu nhỏ, do con người tạo ra để được gắn mình trong thiên nhiên. Cảnh có khi được tạo ra ở quy mô nhỏ như trong phòng, ngoài sân, lớn hơn là những vườn hoa, những công viên, những công trình công cộng gắn với những công trình kiến trúc đồ sộ và nguy nga.
Tinh thần ấy được thể hiện rõ ràng ngay trong phong trào Tết Trồng cây do Bác Hồ phát động từ hơn 60 năm về trước khi hướng tới mục tiêu: "Làm cho phong cảnh nước ta ngày càng tươi đẹp, làm cho đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ta ngày càng được cải thiện".
Kể từ khi được thành lập năm 1989, Hội Sinh Vật Cảnh luôn quan tâm phát triển những giá trị vật thể của Sinh Vật Cảnh, với phát huy những giá trị tinh thần tốt đẹp để kiến tạo nên những giá trị nhân văn phù hợp với thời đại mới trong hoạt động Sinh Vật Cảnh. Mà một trong những hoạt động cốt lõi và xuyên suốt chính là hoạt động thiện nguyện, đoàn kết, tương thân tương ái, chia sẻ, giúp đỡ khó khăn với đồng bào đồng chí mỗi khi có thiên tai dịch bệnh hay hoàn cảnh khó khăn bất thường.
Những nghệ nhân miệt mài sáng tạo, sưu tầm, chăm sóc và hoàn thiện những tác phẩm Sinh Vật Cảnh không chỉ có giá trị kinh tế, mỹ thuật cao, mà còn được ví như những đứa con tinh thần quý giá của họ. Nhưng khi cần, họ sẵn sàng dùng nó để bán đấu giá để lấy tiền gây quỹ từ thiện giúp đỡ đồng bào, mới thật đáng trân trọng biết bao.
Ban đầu những hoạt động thiện nguyện như vậy được thực hành rộng rãi ở các tỉnh Nam Bộ, Duyên hải miền Trung, những nơi bị tác động nhiều bởi thiên tai lũ lụt, triều cường, hạn hán, xâm nhập nặm...Về sau đã trở thành một hoạt động truyền thống được lồng ghép vào các hoạt động sinh hoạt của Hội.
Vào từng thời điểm khác nhau, mà vật phẩm được lựa chọn để thực hiện đấu giá cũng khác nhau. Thông thường vật được lựa chọn để đấu giá là những loại hình Sinh Vật Cảnh đang được nhiều người quan tâm. Khi thì đá cảnh, gỗ lũa, chim cảnh, cây cảnh và bây giờ là hoa lan.
Cần phải hiểu rõ, đây không phải là một cuộc giao dịch trao đổi hàng hóa thuần túy nhằm mục đích kinh doanh giữa người bán cây nhận tiền và người trả tiền nhận cây mà là hướng tới công tác thiện nguyện ngay từ đầu. Người có vật phẩm tặng cho cộng đồng cây lan với giá 0 đồng. Cộng đồng ai quan tâm đều có quyền trả giá. Việc đấu giá được thực hiện công khai qua các hội nghị đông người, buổi truyền hình trực tiếp hay qua mạng xã hội...làm tăng tính minh bạch và kích thích nhiều người tham gia để người hưởng đích cuối cùng có lợi, ở đây là quỹ từ thiện. Đồng thời việc làm đó, cũng sẽ góp phần lan tỏa nhứng giá trị nhân ái và tinh thần thiện nguyện trong cộng đồng.
Còn nhớ vào những ngày đầu năm 2007, trong cuộc thi cây Mai và cây Đào đẹp, tôi đã may mắn là chủ nhân của cây Đào đẹp. Để lan tỏa những giá trị nhân ái, cây Đào trúng giải đã được tổ chức đấu giá trên sóng truyền hình trực tiếp của HTV và VTV1. Kết quả cây Đào đã được một doanh nghiệp trả với giá 3,4 tỷ đồng. Một số tiền rất lớn góp phần trang trải hỗ trợ cho 30.000 nhà mở mái ấm tình thương trong toàn Quốc qua Chương trình Tết làm Điều hay năm đó.
Có thể khẳng định, việc đấu giá các sản phẩm sinh vật cảnh gắn với hoạt động từ thiện đã có truyền thống từ lâu như đã trình bày ở trên. Nên, việc đấu giá những tác phẩm hoa lan gần đây trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trở lại, nhằm hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân tham gia ủng hộ, phòng chống dịch COVID19 cũng không nằm ngoài ngoại lệ.
Theo thống kê của Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, chỉ tính riêng trong Cộng đồng những người yêu hoa lan Việt Nam, trong năm 2020 đã huy động các nguồn lực tài trợ cho công tác phòng chống đại dịch COVID19 và khắc phục thiên tai ở miền Trung với số tiền trên 120 tỷ đồng thông qua hình thức đấu giá các tác phẩm hoa Lan Đột Biến. Trước những việc làm cao đẹp của Cộng đồng những người yêu hoa lan cả nước trong năm 2020, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cùng nhiều Bộ ngành và chính quyền các cấp đã tặng Bằng khen biểu dương và ghi nhận tấm lòng vàng đã đồng hành cùng Đảng, Nhà nước, MTTQ và các ngành các cấp kịp thời hỗ trợ cứu giúp đồng bào trong lúc thiên tại dịch bệnh.
Đặc biệt trong những đầu tháng 5 vừa qua, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về cả nước chung sức đồng lòng phòng chống đại dịch COVID19, Cộng đồng những người yêu hoa lan đã huy động các nguồn tài trợ thông qua hình thức đấu giá các tác phẩm hoa Lan Đột Biến với số tiền gần 50 tỷ đồng.
Ngay sau khi kết thúc những buổi đầu giá nêu trên, cộng đồng mạng đa phần bày tỏ lòng ngưỡng mộ trước nghĩa cử cao đẹp của cộng đồng những người yêu hoa lan Việt Nam và cho rằng việc làm này cần phải được lan tỏa để những giá trị nhân ái nhân lên trong cộng đồng trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp và khó lường đã tác động tiêu cực tới sinh hoạt và cuộc sống của người dân, nhất là những người nghèo khó.
Được biết, những người thực hiện hoạt động thiện nguyện này đã đăng ký và trao đổi rõ mục đích, ý nghĩa và phương thức tiến hành việc đấu giá những tác phẩm hoa lan với cơ quan tiếp nhận là Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Kể từ đầu mùa dịch đến nay, Việt Nam đã nhiều lần lập nên kỳ tích trong việc khống chế đại dịch COVOD19 được cả cộng đồng quốc tế ca ngợi, nể phục. Đó là kết quả của sự chỉ đạo sáng suốt, quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả của Đảng và Nhà nước ta; sự chung sức đồng lòng của các tầng lớp nhân dân và hơn hết là tinh thân dân tộc, tình yêu thương giữa con người với con người được khơi dậy một cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Thật tự hào trước những hoạt động thiện nguyện của những người làm công tác Sinh Vật Cảnh nói chung, Cộng đồng những người yêu Hoa lan Việt Nam nói riêng đã góp phần vào những thành công vẻ vang đó!
Nhà báo Vương Xuân Nguyên sinh năm 1980 tại Phủ Quốc Oai (Hà Nội), từng học Trường THPT Cao Bá Quát (Quốc Oai), Đại học, Thạc sĩ và làm NCS tại Học viện Ngân hàng. Ngay những năm ra Hà Nội học Đại học anh đã được Nhà báo Đỗ Phượng hướng dẫn làm công tác báo chí. Sau khi tốt nghiệp Đại học, anh về giúp việc cho nhiều cán bộ lão thành cách mạng và cựu lãnh đạo như: Đồng chí Nguyễn Văn Trân - nguyên Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư Trung ương Đảng; Nhà báo Đỗ Phượng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc TTXVN; Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Quy Quý - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia; Đồng chí Tráng A Pao - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội...Cùng với việc tham gia hoạt động Sinh Vật Cảnh với các vị nói trên, anh được Nhà báo Đỗ Phượng hướng dẫn làm báo tại Tạp chí Việt Nam Hương Sắc và cộng tác với nhiều cơ quan báo chí của Trung ương và Hà Nội. Năm 2017 anh chuyển sang làm Thư ký Tòa soạn Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam; Năm 2018 - 2019, anh công tác tại Báo Đời sống và Phát luật. Năm 2020, anh chuyển về làm Thư ký Tòa soạn Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam; Trưởng Ban chuyên đề tạp chí điện tử Văn hiến Việt Nam và cộng tác làm truyền thông với nhiều cơ quan báo chí, truyền thông khác. Đồng thời anh cũng tham gia các công tác xã hội khác tại Trung ương Hội Khoa học Phát triển Nông thôn, Hội Sinh Vật Cảnh thành phố Hà Nội, CLB Karate Hà Nội, CLB Ảnh Báo chí Hội Nhà báo Việt Nam...Từ ngày 7/5/2021, anh đảm nhận thêm nhiệm vụ làm Trưởng ban Chuyên đề, sau đó là Trưởng Ban biên tập Chuyên trang điện tử Hội nhập Văn hóa và Phát triển. |