Học… phí!

Nguyễn Ngọc Hùng

14/08/2021 15:42

Theo dõi trên

Không phải chuyện tiền nong đâu ạ. Là thế này…

ho-cphi-2-1628930275.jpg
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Cái thời chúng tôi học Phổ thông (10 năm), cách nay gần sáu thập niên rồi. Hồi ấy, ngay ở Hà Nội cũng mới chí có dăm bảy trường cấp 3- Trung học Phổ thông bây giờ. Rất đông bạn bè tôi, chỉ học hết lớp 7- hết cấp 2 là tạt ngang sang các trường Trung học Chuyên nghiệp, nghĩa là đi học Trung cấp dạy nghề đấy. Hồi ấy, cán bộ trung cấp có nghề cũng không đông như thạc sĩ- tiến sĩ bây giờ đâu.

Được học, có kiến thức phổ thông hoàn chỉnh, quí hiếm ra phết đấy. Hồi đó thế mà.

Hồi ấy, tôi cũng thuộc loại “học gạo” lắm đấy. Rất nhiều công sức bản thân cho việc tiếp thu những kiến thức của chương trình Cấp 3. Chả thế mà, tuy không xuất sắc nhất nhì lớp, nhưng năm nào cũng học sinh giỏi. Mà học sinh giỏi thời ấy, mỗi lớp chỉ cao nhất là trên dưới mười người thôi nhé.

Nhưng giờ nghĩ lại, thấy nhiều thứ học PHÍ QUÁ!

Những kiến thức toán học, vật lí, hóa học của cấp 3 hầu như sau này không dùng đến. Cả đời công tác của tôi không có khi nào cần đến lượng giác, hình học không gian, phương trình hai- ba ẩn số… Định lí Pitago bây giờ cũng quên rồi. Chỉ số “Pi” không một lần phải dùng tới! Bảng tuần hoàn Mandelev thì chỉ nhớ một số tên các nguyên tố cơ bản phố biến nhất; chẳng cần gì đến trọng lượng riêng, hóa trị… gì gì đó!

Còn nhớ một bài thi hóa học rất hóc búa và thú vị thời đó: Giải thích bằng các phản ứng hóa học câu ca dao “lúa chiêm lấp ló đầu bờ/ Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên”. Trình bày hết bài thi này phải viết kín 3 trang giấy “năm hào hai”(Chỉ có thời bao cấp trở về trước mới biết cái khổ giấy “5 hào 2 xu” này)! Thế mà bây giờ chỉ nhớ mỗi nội dung căn bản nhất là phản ứng điện phân diễn ra khi các tia chớp phóng vào các đám mây, tạo thành phân đạm đổ xuống theo mưa! Thế là lúa hễ nghe tiếng sấm thì tốt lên! Lẽ ra chỉ cần biết vậy là đủ. Còn cụ thể các phản ứng hóa học thế nào, thì dành riêng cho những người sau này đi vào chuyên ngành ấy, có phải đỡ bao nhiêu thời gian cho học sinh!

Những người ra đời hành nghề chính trị- xã hội như tôi, giá mà không phải học sâu về toán- lí- hóa. Còn những ai ra đời chuyên các nghề khoa học- kỹ thuật (kỹ sư, bác sĩ…) thì giá mà không phải học quá tỉ mỉ về môn lịch sử, với vô vàn con số ngày, tháng, năm xảy ra sự kiện…

Không nói đâu xa xôi. Cháu gái tôi đang học Phổ thông Cơ sở- cấp 2 thôi, mà đã vô cùng chán ngán với môn lịch sử dày đặc các sự kiện và con số mà cháu thấy không hiểu phải nhớ để làm gì?

Một cháu trai của tôi đi định cư ở Mỹ cách nay hơn 10 năm sau khi học xong lớp 9 trong nước. Khi ấy, sức học của nó rất làng nhàng. Thi vào trường công Phổ thông Trung học bị thiếu nửa điểm. Thế mà sang Mỹ, phải học cấp 3 toàn bằng tiếng Anh; vất vả lắm, nhưng 3 năm liền học sinh giỏi, toàn điểm A+. Hỏi ra thì được biết: Khi mới sang bên ấy, họ hỏi cháu thích học chuyên xã hội hay khoa học- kỹ thuật. Cháu chọn Xã hội. Thế là chỉ phải học 6 môn thôi. Tự cháu nói nếu học nhiều môn, chi tiết như ở Việt Nam thì cháu không thể nào theo nổi!

Nghĩ lại, cái sự HỌC ở Việt Nam mình bao nhiêu năm nay, từ thế hệ tôi đến tận bây giờ, sao mà PHÍ thế!!!

12/8/2021

Theo Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Học… phí!" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn