Hơi ấm

Đến chiến trường Campuchia, tôi là binh bét. Mới về Tiểu đội lớ ngớ chưa biết gì, anh Tiểu đội trưởng giao cho khấu B41, loại này nặng, có đủ đạn là 12 kg nên các bác lính cũ ngại vác.
hoi-am-1658788805.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

 

Vào trận đầu sợ quá thằng nào cũng tè ướt quần, có thằng bật khóc tu tu. Nhưng lạ lắm, khi nổ súng rồi cảm giác hai bên như đàn kiến bị rang trên chảo nóng, không thấy sợ nữa. Tiểu đội trưởng hô: "Thằng Điền diệt cái ụ súng địch trước mặt". Tôi nhìn về phía trước, cách khoảng trăm mét khẩu Đại liên trong cái ụ súng ấy đang bắn xối xả về phía quân mình, không ai ngóc đầu lên được. Không dám ngóc đầu lên kính ngắm, tôi ngắm sơ qua bằng thước ngắm cơ khí, bóp cò. "Đoàng" một cái, đạn nổ trước mặt 30m. Lộ vị trí, địch tập trung bắn về phía tôi như mưa... 
Rụt cổ dưới hào chưa kịp định thần, Tiểu đội trưởng chạy tới đá ngay cho mấy cái vào mông: "đ. mẹ mày bắn trượt rồi, bắn tiếp đi". Thấy cay rồi đây, tôi lắp quả đạn thứ hai rồi chạy sang bên cạnh gần thằng bạn cho đỡ sợ. Lần này ngắm cẩn thận hơn, bóp cò. "Đoàng", đạn phóng đi xa hơn cái ụ súng chết tiệt ấy 10m. Lại tiếng Tiểu đội trưởng, lần này  gào lên: "mẹ mày thằng Điền, được ba quả đạn, mày bắn chim hai quả, đồ ngu... Tao bắn mày". 
Hoảng quá, còn quả đạn cuối cùng. Giờ thì liều rồi, tôi bò lên dọc theo cái rãnh, đến cách cái ụ súng chừng 50m ngắm đi ngắm lại mấy lần, "Đoàng" một phát nữa. Nhờ phúc đức ông bà, lần này đạn trúng mục tiêu, khẩu Đại liên Pôn Pốt tịt ngóp.
Tiểu đội trưởng hô: "xung phong", lính ào lên, chạy ngang qua chỗ tôi nằm "hắn" chửi tiếp: "Sướng chưa con? hết đạn rồi mày xung phong cái con khỉ". 
Vác khẩu súng to kềnh không còn đạn. Tay cầm quả Lựu đạn tôi xung phong theo anh em.  Xung quanh tôi thỉnh thoảng có tiếng "ú" lên rồi một thằng đổ gục... Trận đánh kết thúc thắng lợi. Đói, mệt rã rời không còn thấy sợ nữa... 
Tối đấy được nằm chung hầm với Tiểu đội trưởng. Ông ấy bảo: "Tao báo cáo lên trên biểu dương mày diệt được cái ụ Đại liên. Lúc sáng tao chửi, mày đừng giận nhá". 
Trận sau có Tân binh bổ sung vào. Tiểu đội trưởng bảo tôi: "mày bàn giao khấu B41 cho Tân binh". Tôi nói: "anh để tôi giữ, loại này là hỏa lực quan trọng của Tiểu đội, giao cho tân binh lại bị anh đá đít tội lắm". 
Vài trận sau anh em hy sinh, bị thương nhiều quá. Chỉ huy cũng hy sinh, anh ấy lên làm Đại đội phó, tôi lên làm Trung đội trưởng. 
Một lần, thấy anh ấy vui vui tôi hỏi: "Sao trận nào anh cũng hô nổ súng nhưng không thấy anh bắn"? "Tao làm chỉ huy, tao bắn trước hỏa lực địch nó tập trung bắn vào tao thì bỏ mẹ à"? Tôi thấy máu dồn lên mặt, không phục... biết nói sao.
Những ngày bên Miên đồng đội hy sinh nhiều lắm, có thằng bạn bị thương nặng nó bảo: Điền ơi, tao chết chỉ tiếc chưa biết mùi con gái là gì. Nghe nó nói vậy cả Tiểu đội cùng khóc, như khóc bù cho lúc lỳ lợm ngoài trận chiến, không biết khóc thương đồng đội hay khóc cho chính mình.
Tôi hơn nó là đã biết "mùi con gái". Mà không biết có gọi là mùi con gái được không? Đó là chuyện chưa bao giờ kể.
Huấn luyện một năm, tôi 20 tuổi. Từ Đà Nẵng đơn vị tôi lên ô tô, rồi hành quân vào Biên giới Tây Nam.
Trú quân, đào hầm hào công sự chuẩn bị chiến đấu. Nhân dân vùng Biên giới này đi sơ tán gần hết, chỉ còn lại Dân quân giữ làng thôi. Một hôm tôi được cử vào làng xin cây về làm công sự. Đến một ngôi nhà nhỏ xơ xác ven đường, vào sân anh thấy một người con gái ngồi ở bên thềm đang khóc. Tôi hỏi: "sao chị khóc"? Chị ấy ngửng mặt lên thấy tôi càng khóc to hơn. Đang bối rối chưa biết phải làm gì thì chị đứng dậy, ôm lấy tôi và nói: chị là dân quân, vừa mới đi đào huyệt về. Cấp trên khoán mỗi ngày mỗi người đào hai cái huyệt bên Nghĩa địa. Huyệt dành chôn Bộ đội trong những trận đánh sắp tới. Hôm nào đi làm về, nghĩ thương Bộ đội chị cũng ngồi đây khóc. Tôi thấy giật mình: 
- Sao chưa đánh nhau mà đào nhiều Huyệt vậy? 
Không trả lời câu hỏi của tôi chị hỏi lại:
 - Em ở đơn vị trú quân ngoài bìa làng à? 
Tựa đầu ngực chị bất giác tôi nhớ Mẹ, rồi thấy sợ... liệu mình có qua nổi trận chiến này không? Nhưng bên chị tôi thấy ấm áp.
Tôi cùng chị ngồi xuống hiên nhà, hết khóc chị ấy kể chuyện: Chị 25 tuổi, có người yêu rồi, anh ấy đi Bộ đội, chiến tranh biên giới mấy năm nay nên chưa cưới được. Nửa năm nay chị không có tin gì về anh ấy. Thảo nào... 
Ở lại ăn với chị một bữa cơm độn sắn, chỉ có hai chị em nên tôi bối rối chả biết nói chuyện gì nhiều. Khi đứng lên chào chị để về Đơn vị. Chị lại khóc, ôm chặt, hôn vào khắp mặt tôi. Chị nói: "Đánh nhau to đến nơi rồi, liệu em còn sống để về thăm chị không"?  Tôi đứng yên, chết lặng. Lần đầu tiên biết mùi con gái, lại được hôn nhưng trong hoàn cảnh này sao tôi lại nghĩ đó là Mẹ, là chị đang ôm mình... cảm xúc thật khó tả. Tôi nhìn xuống đất, nắng chiều đông vàng nhạt hắt bóng hai người. Chiến tranh làm tôi xa mẹ, chị xa anh... Tôi quay đi. Ra đến ngõ mới biết mình khóc tự lúc nào.   
 - Gắng sống sót về thăm chị nghe.   
 - Dạ. 
Về đơn vị, tối ấy tôi không gội đầu, rửa mặt vì sợ mất mùi con gái, hơi ấm của Mẹ, của chị. Không ngủ được lại sờ tay lên má. Ngay đêm ấy, 3 giờ sáng đơn vị nhận lệnh hành quân vượt kênh Vĩnh Tế mở màn chiến dịch giải phóng Campuchia.
Những ngày chiến đấu gian khổ ác liệt, nhớ về chị, lòng tôi thấy yên tĩnh lạ thường, thầm mong nếu còn sống sẽ về Bảy Núi thăm chị.
Tôi may mắn trở về với mẹ. Hình như bên tôi có Linh hồn đồng đội đã hy sinh che chở... Âm thầm các anh ở lại... Cuộc chiến nào rồi cũng sẽ tàn.
Tôi mê lắm Tiểu thuyết "Cuốn theo chiều gió". Ước mơ được là nàng Scarlett trở lại Hara... Hara của tôi là nhà chị.
Không biết nơi Bảy Núi- An Giang ấy. Căn nhà nhỏ ven đường đã có hơi ấm của anh?
(Kính tặng ccb Dien Le)

Chuyện làng quê