Hồi ký chiến tranh: Không thể nào quên (kỳ 4)

Lương Hòa

01/05/2022 07:24

Theo dõi trên

Đúng 4 giờ sáng ngày 02/9/1972 trong trận giao tranh quyết liệt giữa Tiểu đội tôi và đơn vị lính VNCH tại khu căn cứ Gia Long thị xã Quảng Trị và tôi đã bị thương.

Có thể nói rằng suốt từ hôm 28/6 quân đội SG mở cuộc hành quân tái chiếm Quảng Trị cho tới hôm nay, không có ngày nào là ngày chúng tôi được bình yên. Với tôi, ngày nào tôi cũng bị chết hụt, có ngày chết hụt tới mấy lần thật khó ai tin. Chắc chỉ có người lính f308, f304, f320, f325, f312...E địa phương quân, E pháo binh, E xe tăng thiết giáp...Tham gia chiến trường Quảng Trị 1972 mới tin là đúng thật.

hoi-ky-chien-tranh-1651364761.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

 

Về phía QL VNCH họ quyết chiếm thành cổ. Về phía ta thì cũng quyết giữ thành cổ với bằng mọi giá. Cho nên cái giằng co ấy mỗi ngày thêm một căng thẳng. Cả 2 bên đều lo cho kết quả có lợi nhất về phần mình ở hội nghị Paris.

Tránh vỏ dưa lại gặp phải vỏ dừa:

Ngày ở núi rừng Trường Phước suốt ngày chúng tôi bị máy bay B.52 dội bom, suốt ngày bị pháo bầy tra tấn. Từ hôm hành quân xuống đồng bằng, tuy không bị máy bay B.52 ném bom vì sống chung sát bên với người lính Cộng Hòa, nhưng lại no nê đòn pháo kích gấp bội lần.

 Ban ngày bộ đội chúng tôi im lìm trong hầm trú ẩn mặc cho bom cào, pháo bới chung quanh, không ai dám ló mặt ra ngoài vì sợ địch nhìn thấy. Ban đêm thì đi cáng thương binh, đi chôn tử sỹ hay ra bờ sông Thạch Hãn lấy đạn, lấy gạo...Đủ thứ việc. Tính mạng chúng tôi mỏng manh như ngàn cân treo trên sợi tóc, chẳng có ngày nào là ngày không có người hy sinh hoặc bị thương. Đơn vị thì liên tục nhận tân binh bổ xung bù cho quân số mất mà vẫn luôn thiếu hụt. Thật vậy, chỉ cần một mảnh vải to bằng vành mũ tai mèo treo ở cửa hầm, trong vòng một ngày, mảnh vải ấy sẽ bị cháy thành tro bếp hoặc nát như tương Bần. Bởi thế cho lên chúng tôi phải luôn chuyển trận địa, nay chỗ này, mai chỗ khác, đúng là chạy như chạy giặc.

Đêm qua tiểu đội tôi mới bắn pháo vào đồi thông, đêm nay lại phải vội vàng dy chuyển về đây, khu căn cứ Gia Long, của quân đội VNCH bỏ chạy, sau đêm 1/5 Quảng Trị hoàn toàn Giải phóng (Giai đoạn 1). Lợi dụng vật che khuất, che đỡ, tôi cho Tiểu đội triển khai đào hầm pháo sau 1 lô cốt to nhất bằng bê tông.

Trời vừa mờ sáng, tôi hô khẩu lệch bắn thử 1 viên đạn để tính cự ly, đạn hơi gần, sửa lại thước tầm bắn viên thứ 2 trúng mục tiêu luôn, cũng là lúc tiếng chuông điện thoại đổ, anh bạn thông tin nhấc máy nghe tiếng thủ trưởng Tiêu đoàn bên kia đầu dây : " Tạm ngừng bắn ". Tôi chưa kịp vô hầm thì 2 quả pháo tăng của địch nổ ngay bên hông tay trái tôi. Chiếc ống nhòm bị văng ra khỏi giá đỡ trên bao cát của dẫy thùng phi địch làm dẫy giao thông hào nổi, tôi bị thương gục ngay tại chỗ. May là ngay cửa lô cốt nên tôi vẫn cố hết sức lết vô lô cốt. Tôi nằm sóng soài giữa nền lô cốt mặc cho máu mê đang ứ chẩy tuôn trào. Mọi người hoảng sợ dựa lưng vào thành lô cốt, lấy bàn tay bịt 2 lỗ tai hứng chịu hàng loạt tiếng bom, tiếng pháo trên đầu. Anh y tá nhanh tay lấy kéo cắt bỏ quần áo rách tả tơi cho tôi trần trụi 1 chiếc quần đùi.

Nhiều vết thương quá, anh y tá chỉ băng chỗ nào máu ra nhiều nhất. Mái tóc bù xù hàng ngày của tôi hôm nay quăn tít vì sức nóng 6 ngàn độ của đạn pháo tăng.                                                             

Lại 1 chiến sỹ thông tin lết vô lô cốt, anh bạn thở dồn dập, mặt tái mét. Anh y tá vội vàng băng bó vết thương cho anh bạn. Anh bạn nói trong hơi thở :                                                            

  " Đau quá, đau quá ".                                                     

 Thì ra cửa hầm người lính thông tin đi theo pháo Tiểu đội tôi đã trúng pháo kích. Coi như mạch máu liên lạc giữa Đại Đội tôi và sở chỉ huy Tiểu đoàn bị cắt đứt. Giờ thì chúng tôi cũng chỉ biết ngồi chờ trời mau tối để trở về hậu cứ.

Hình như phía bên kia địch cũng đoán biết chúng tôi đã bị tiêu diệt ấy sao vậy? Vì mọi khi chúng tôi vẫn bắn lai dai về phía họ, nhưng hôm nay thì không. Hình như địch cũng sợ hãi chúng tôi, cho nên nó vẫn không dám tiến quân. Nó cậy con nhà giầu nên nó cứ thả sức trút bom, trút pháo lên đầu chúng tôi. Tôi có cảm giác chiếc lô cốt luôn luôn chao chao như con lật đật.                                                                                

Tôi mệt lả người, gần như kiệt sức, thôi thì cũng trông chờ cho số phận. Rất may, nhờ ở phía cửa hầm lô cốt là 1 dẫy thùng phi chất dầy bao cát, nên chống đỡ đc đường đạn thẳng từ phía bên kia bắn tới. Chỉ cần 1 quả bom trúng nóc lô cốt hay 1 viên đạn pháo tăng chui lọt lỗ Châu Mai thì cả đơn vị tôi chết hết. Đại đội tôi hết thẩy có 3 Trung đội, mỗi Trung đội có 3 Tiểu đội, thế nhưng 8 Tiểu đội đã bị xoá sổ hoàn toàn, giờ dồn hết cho 1 khẩu đội tôi. Các anh cán bộ hy sinh và bị thương hết cả rồi, giờ chỉ còn mỗi anh Hữu là Trung đội trưởng ĐKZ và tôi Tiểu đội trưởng cối 82 ly, gia tài vẻn vẹn chỉ có 1 khẩu pháo. Lính tráng cựu binh chỉ còn lại 2 anh pháo thủ số 1 và số 2, số còn lại đều là lính Tân Binh. Đêm qua anh Hữu cho hết đơn vị theo cùng ra trận địa, vì ở hậu cứ hầm bao cát không bảo đảm bằng hầm hào lô cốt của trại lính Gia Long.

Bóng chiều đang ngả về tây, tiếng bom, tiếng pháo thưa dần, thưa dần, lúc này chúng tôi lại phải cảnh giác, đề phòng biệt kích mò tới.

Xa xa chừng vài trăm mét về phía nhà mái bằng, tiếng trục thăng phành phạch, phành phạch, tiếng người phụ nữ trên máy bay dọi loa về phía chúng tôi : " Hỡi các anh lính Bắc Việt! Hãy mau chóng ra đầu hàng, các anh sẽ được hưởng chánh sách khoan hồng của chánh phủ VNCH..."  Cứ thế và cứ thế, nhắc đi và nhắc lại nhức cả đầu.                                                                    

Sau bản chiêu hồi ấy là những bài hát tâm lý chiến buồn rời rợi. Trời vừa xẩm tối, anh Học, anh Thứ dìu tôi về hậu cứ cách trận địa chừng hơn 100 m, 3 thằng tôi ở chung 1 căn hầm. Căn hầm khá rộng rãi khang trang của 1 nhà dân khu gia binh bỏ lại.

Cả đêm trời chờ đợi... Quái nhỉ? Trời gần sáng rồi mà mãi sao không thấy anh Hữu cho người cáng tôi đi quân y viện? Hay là anh Hữu đã hy sinh? Hay là anh Hữu đang hoảng loạn tinh thần? Sợ tôi đi rồi không còn ai biết chỉ huy bắn cối?

Một đêm dài lặng lẽ đã trôi đi... Một ngày dài lê thê lại đến... Thực tình trong lòng tôi thấy buồn... Thấy tủi...Vô cùng.

Trời bắt đầu nhá nhem tối. Anh Thứ cầm 3 cái bình tông mò đi kiếm nước. Cả ngày trời nóng lực mệt mỏi và đói khát. Tình cờ Thứ bắt gặp bóng hình Thủ trưởng Tiểu đoàn ở ngay sau căn hầm 3 chúng tôi. Thứ vội quay lại nói với tôi : " Anh Hòa ơi! Hầm Thủ trưởng Tiểu đoàn ngay sau hầm mình ".

Tôi liền nhờ Thứ và Học dìu tôi tới. Vừa thấy bóng hình tôi trắng toát bông băng : " Ồ Hòa bị thương hồi nào mà không thấy anh Hữu báo cáo tôi nhỉ? ".

Sau đó anh nói với Học và Thứ dìu tôi ra căn hầm lộ thiên ngay ngõ vô hậu cứ : " Hòa ra đó nằm chờ, đêm nay tôi cho người cáng Hòa đi viện ngay ".

Pháo địch vẫn tiếp tục nổ dữ dội vào khu Hậu cứ. Lát sau Học lê cái chân cà nhắc, cà nhắc tới hầm tôi : " Thằng Thứ chết rồi anh Hòa ơi! Thằng Trầm sang cứu hầm em nó cũng bị trúng pháo văng mất cả cái đầu".

Ôi! Có ngờ đâu thằng Thứ nó vừa dìu tôi tới đây...Ôi! Có ngờ đâu thằng Trầm nó là tân binh mới bổ sung về đơn vị tôi chưa đầy tuần lễ...Phút chốc giờ đã chia ly...! Phút chốc không bao giờ trở lại...!

50 năm trời đã đi qua, là cả một thời gian dài đăng đẵng, tưởng rằng quá khứ đã phôi phai, quá khứ đã khép lại, nhưng không, không bao giờ khép lại, nó vẫn luôn hiện về trong tôi như mới chiều qua...

Hôm nay ngày vui chiến thắng 30/4 tự nhiên tôi nhớ ngày xưa quá... Thương lắm các anh! Mãi mãi tuổi 20 ở lại chiến trường.

Trái tim người lính

 

Bạn đang đọc bài viết "Hồi ký chiến tranh: Không thể nào quên (kỳ 4)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn