“Hồi sinh” - Những ám ảnh hiện thực   

Nhà thơ Lữ Mai vừa xuất bản trường ca “Hồi sinh”, NXB Hội Nhà văn quý 1/2022. Nghĩa là, còn rất mới, nếu không muốn nói là “nóng hôi hổi” vừa “thổi” vừa đọc. Bản thân chủ đề của trường ca là cuộc chiến đấu sinh – tử của muôn dân trước thảm họa COVID-19 vẫn còn chưa hết nóng. Dẫu đất nước vừa bước sang giai đoạn bình thường mới.
lu-mai-1652947027.jpg
 

 

 

Lữ Mai còn rất trẻ, nhưng có thể gọi là “hiện tượng” của trường ca. Đến nay chị đã có ba trường ca, trước “Hồi sinh” là “Ngang qua bình minh”, NXB Văn học năm 2020, “Chư Tan Kra mây trắng”, NXB Hội Nhà văn năm 2021. Hai trường ca này, mang lại cho chị thành tựu văn chương, hiệu ứng xã hội.

Hồi sinh” gồm có 8 chương là “Những đứa trẻ”, “Khoảng trống”, “Giai điệu đêm tháng bảy”, “Ký ức phố”, “Hồi hương”, “Bàn thờ vọng”, “Đi hay ở”, “Gọi”. Sách dày 156 trang in, sách khổ 13,5x20,5, bìa là tranh minh họa ruột đầy ẩn dụ thi ca và hàm chứa thông điệp.

Hơn hai năm qua, thế giới phải “vật lộn” sống còn trước thảm họa toàn cầu COVID-19. Thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng đã trải những giai đoạn khốc liệt chống lại kẻ thù vô hình là SARS-CoV-2. Hiện nay, với sự phổ cập của vaccine nên đang tiến tới “miễn dịch cộng đồng”, tuy nhiên, những ám ảnh còn đó.

Nhà thơ Lữ Mai cho biết, chị  trăn trở đề tài thì từ khi có dịch bệnh COVID-19. Chị đã viết phác ra những dòng thơ đầu tiên trong giai đoạn giãn cách xã hội: "Trà rót chậm êm đềm buồn bã/ Ta về nghe hoa trắng chuyện trò/ Chuông cửa vẳng đủ nguyên do nghiệt ngã/ Ám thị mặt người mốc bạc phù sa"; "Mơ loa phường báo tin phong tỏa/ Lũ lượt người xe quanh quất ấm trà/ Kiến lửa bò dưới chân thành quách/ Gió ô long đập vách trung du"...

Lữ Mai chia sẻ đó đều là cảm thức về dịch bệnh trong cái nhìn cá nhân, nhưng xác định rõ sẽ viết trường ca, sẽ hoàn thành một tập sách thì đó là quý cuối cùng của năm 2021. “Trong giai đoạn này, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, con người có thể chủ động hơn với cuộc sống thì tôi thấy đó là thời điểm hợp lý để mình nhìn lại dịch bệnh bằng lăng kính cá nhân”, chị đã hoàn thành ấp ủ. “Hồi sinh” được một thương hiệu đồng hành, đến tay bạn đọc đúng vào những ngày đầu quý 1/2022.

* Nhà thơ Lữ Mai sinh năm 1988 tại Thanh Hoá, tốt nghiệp khoá 10 khoa Sáng tác, lý luận và phê bình văn học trường Đại học Văn hoá Hà Nội. Hiện chị đang sống và viết tại Hà Nội, là phóng viên báo Nhân Dân, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Lữ Mai còn có các bút danh khác là Mai Lữ, Đoàn Lữ khi viết văn, viết báo.

* Tác phẩm đã xuất bản: “Giấc”, Nxb Hội Nhà văn, 2010; “Mở mắt rồi mơ”, Nxb Hội Nhà văn, 2015; “Thời cách ngăn trống rỗng”, Nxb Hội Nhà văn, 2019; “Linh hồ, Nxb Văn học, 2019; “Ngang qua bình minh” – trường ca, Nxb Văn học, 2019; “Chư Tan Kra mây trắng” – trường ca, Nxb Hội Nhà năm, 2021, “Hồi sinh” – trường ca, Nxb Hội Nhà văn, 2022.

* Nhà thơ Lữ Mai đã đạt nhiều giải thưởng về văn chương, tiêu biểu là Giải Ba của Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Quốc phòng tổ chức về đề tài biển đảo, năm 2020, đối với trường ca “Ngang qua bình minh”.

Tinh thể của thơ là chữ, nhân thể của thơ là lời. Cuộc tìm kiếm chữ hay lời trong thơ ca nào cũng đều gian nan, trắc trở như hành trình tìm lại chính mình vậy”, Lữ Mai.

Trong 8 chương của “Hồi sinh”, chương nào cũng ám ảnh. Tuy nhiên, “Khoảng trống” – Chương 2 và “Hồi hương” – Chương 5, dữ dội. Hơn 100 ngày “giai đoạn 4” của COVID-19 với biến thể Delta hoành hành ở TP. Hồ Chí Minh, hẳn ai cũng còn nhớ cả đất nước đã căng mình ra, huy động tối đa nhân tài vật lực chi viện cho thành phố mang tên Bác.

Sinh mạng các bệnh nhân COVID-19 được đặt lên cao nhất. Đó không chỉ là cuộc chiến đấu bình thường: “…/ Giây phút này đây / lương y là người thân duy nhất / xoa dịu từng tiếng nấc / thấm mồ hôi tơ tướp khoảng lưng / chải mái tóc rụng rời xơ cứng / ôm ấp những trái tim chết lặng / không còn nghe tia nắng đầu ngày” , (Chương 2, trang 32).

Và, chúng ta đã chứng kiến cuộc hồi hương của những em bé sơ sinh mới 7 ngày tuổi, chứng kiến những thiếu phụ sinh con trên đường “chạy dịch”: “.../ Vật vờ vệ đường / phong phanh tấm áo / gói mình căng nhức chiếu chăn / cả phận người di động”, (Chương 5, trang 89)

Trời quê người khất thực

Trời quê người xám tro

Mây quê người đen bạc

(Chương 5, trang 91).

Dịch bệnh trong thời đại hội nhập toàn cầu là không có biên giới, không một quốc gia, vùng lãnh thổ nào có thể đơn lẻ kiểm soát và chiến thắng dịch bệnh. COVID-19 không phân biệt giàu nghèo, thành thị hay nông thôn, “không chiến tranh, không chạy loạn / vẫn thấy mình ly tán giữa quê hương”, (Chương 4, trang 69).

Hồi sinh”, đặc biệt hơn so với các trường ca khác của Lữ Mai là sau mỗi chương đều có những khúc đồng dao. “khép mắt luân hồi / thiên thai mở lối / niết bàn mở cõi / cao canh mở lời / người về muôn nơi / quay theo tràng hạt / bông hoa mặt trời”, đây là mấy câu cuối của “Giấc mơ cho đồng dao” (Chương 8), cũng là mấy câu kết của trường ca “Hồi sinh”. Đấy là ẩn dụ của những ước mơ thi sỹ, khi mà “điều chưa biết là trời xanh trống vắng / mỗi đám mây niềm thao thao thức cuộc đời” (trang 55).

sach-ntk-1652947027.jpg
 

Nhân loại đã và đang “đối mặt” với những thách thức thời đại: sự cạn kiệt về tài nguyên, cạn kiệt nguồn nước ngầm, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, trái đất nóng lên....Nhiều tai họa sinh thái xuất hiện, như: sinh thái tự nhiên, sinh thái xã hội, sinh thái văn hóa...Không chỉ rừng bị hủy diệt, đất bị sói mòn, hiện tượng sa mạc hóa, mặn hóa dễ nhìn thấy là giống loài thoái hóa, tinh thần thất lạc, đạo đức xuống cấp, tâm thái mất cân bằng...không dễ nhìn thấy. Tất cả tạo ra tai họa lớn về sinh thái uy hiếp sự sinh tồn của nhân loại.

nỗi đau thuộc về bí mật

mất mát chôn giấu mênh mông

ban mai khai mở trong ly tán

nỗi đa mang cháy cạn niết bàn

(Chương 7, trang 144)

 

Không chỉ với đề tài COVID-19, về các đề tài nóng của đất nước, xã hội, Lữ Mai luôn giữ một quan điểm nhìn nhận xuyên suốt, đó là "Là cuộc chiến/ Đôi khi không thể nghe bằng tai/ Không thể nhìn bằng mắt/ Chỉ có thể truy quét bằng linh giác một - con - người",(Ngang qua bình minh). Linh giác nảy mầm dự báo, thiên chức cao quý của thi ca.

Đúng là, nguy cơ mất an ninh phi truyền thống xuất hiện ngày càng nhiều. Sau COVID-19, ai biết sẽ xuất hiện loại dịch bệnh gì. Nói như thế để thấy rằng, cuộc sống quá đỗi mong manh; đòi hỏi quốc tế, từng dân tộc, mỗi con người phải biết đoàn kết, nâng niu không gian sống của mình. Đó cũng chính là giá trị tư tưởng của trường ca “Hồi sinh”./.

 

Hà Nội, 25/3/2022

NĐH