Hà Giang: Du lịch Hoàng Su Phì vươn mình bứt phá

Cách trung tâm huyện Hoàng Su Phì khoảng 40 km, thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên là nơi sinh sống của 37 hộ đồng bào dân tộc Dao đỏ. Nơi đây có những thửa ruộng bậc thang trải dài trên các ngọn đồi đã được công nhận là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, bên cạnh đó là vùng chè Shan tuyết cổ thụ Phìn Hồ cùng với những nét đặc sắc của người Dao.

Đề án “Quy hoạch phát triển du lịch huyện Hoàng Su Phì giai đoạn 2017 - 2021, định hướng đến năm 2030” đã thúc đẩy phát triển du lịch thông qua nâng cao chất lượng nhân lực, tận dụng tuyến, điểm du lịch và cải thiện cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện.

picture1-1735790136.jpg
Các homestay ở Hoàng Su Phì tích cực đầu tư cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu của du khách

Thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên là một minh chứng về thành công trong phát triển du lịch cộng đồng. Ban đầu là vùng đất nghèo, nhờ sự đầu tư và phát triển du lịch cộng đồng, nay thôn đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Với 28 hộ gia đình kinh doanh homestay và 5 khu nghỉ dưỡng, hàng năm tổng doanh thu từ du lịch cộng đồng đạt trên 3 tỷ đồng, mang lại nguồn thu nhập bền vững cho người dân địa phương.

picture2-1735790172.jpg
Anh Triệu Mềnh Kinh (bên phải) - Giám đốc Hợp tác xã Du lịch cộng đồng và dịch vụ tổng hợp Thôn Nậm Hồng chụp ảnh cùng du khách nước ngoài

Sinh năm 1987, anh Triệu Mềnh Kinh đã có gần 2 năm làm việc tại một số khách sạn và cơ sở du lịch trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Từ những kinh nghiệm khi làm việc tại những cơ sở này, anh đã có ý tưởng làm du lịch cộng đồng trên chính mảnh đất Nậm Hồng quê hương mình.

Năm 2015, Kinh trở về quê nhà ở bản Nậm Hồng, bàn bạc với vợ con quyết định mua sắm trang thiết bị, sửa sang, trang trí lại ngôi nhà truyền thống của mình theo tiêu chuẩn du lịch cộng đồng để tiếp đón du khách đến tham quan, khám phá.

Với cách phục vụ chu đáo, mến khách, không gian vẫn giữ được vẻ cảnh sắc hoang sơ nguyên bản, dần dần homestay của anh trở thành điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, với không gian nhỏ của gia đình, mỗi ngày chỉ đón được 10 khách, nhiều khách book phòng cả tháng nhưng không xếp được phòng trống để phục vụ đoàn khách đông.

Vì vậy, anh đã quyết định thành lập Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Nậm Hồng gồm 7 thành viên cùng chung tay phát triển du lịch. Mô hình nhà du lịch cộng đồng của hợp tác xã được thiết kế, xây dựng theo kiểu nhà đất, lợp lá cọ truyền thống của đồng bào Dao, bao gồm khu Hoàng Su Phì Bungalou 7 phòng khép kín và Dao’ homestay.

Hiện nay anh Triệu Mềnh Kinh giữ chức vụ Giám đốc Hợp tác xã Du lịch cộng đồng và dịch vụ tổng hợp Thôn Nậm Hồng, là một trong những hộ điển hình về phát triển du lịch của huyện.

Cuối năm 2014 cùng với sự hỗ trợ của dự án Helvetas, anh đầu tư trên 200 triệu đồng, huy động anh em trong gia đình đóng góp ngày công để xây dựng mô hình du lịch “Kinh homestay”.

Năm 2022, đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng và năm 2023 ước tính đạt gần 2 tỷ đồng, giúp giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho một số người dân trên địa bàn xã.

Năm 2017, Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Nậm Hồng được thành lập với 37 thành viên, do anh Triệu Mềnh Kinh làm Giám đốc. Hợp tác xã mang đậm những nét văn hóa của dân tộc Dao, hoạt động theo mô hình chuỗi dịch vụ lưu trú homestay, nuôi trồng cung cấp thực phẩm cho khách du lịch, hướng dẫn du lịch, xe ôm và văn nghệ, trình diễn phong tục. Các hộ tham gia hợp tác xã được phân công từng nhiệm vụ riêng theo khả năng và thế mạnh. Hiện, hợp tác xã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Hà Giang.

picture3-1735790215.jpg
Anh Triệu Mềnh Kinh ( ngoài cùng bên trái) - Giám đốc Hợp tác xã Du lịch cộng đồng và dịch vụ tổng hợp Thôn Nậm Hồng

Xác định phát triển du lịch là một trong những chương trình trọng tâm, mục tiêu đột phá đưa ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế phát triển toàn diện, giúp người dân giảm nghèo, ngoài chỉ đạo quản lý, phát huy tốt giá trị các di tích, di sản đã được các cấp ra quyết định xếp hạng di sản, trong đó có 4 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh và 2 di tích quốc gia, thì huyện còn là mảnh đất giàu tiềm năng để khai thác các thế mạnh về phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm, khám phá mạo hiểm như: Đỉnh núi Chiêu Lầu Thi, đỉnh Tây Côn Lĩnh, vườn chè cổ thụ, du lịch tâm linh, ruộng bậc thang và các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm.

Cơ sở vật chất hạ tầng được quan tâm đầu tư, 100% xã, thị trấn, thôn có đường cứng hóa đến trung tâm; 100% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa kiên cố; 3 xã được công nhận đạt chuẩn về xây dựng nông thôn mới.

picture4-1735790249.jpg
Hoàng Su Phì - điểm đến ngắm mùa lúa chín đẹp nhất nhì vùng Tây Bắc

Có thể thấy, huyện Hoàng Su Phì đang vươn mình phát triển mạnh mẽ về du lịch, thông qua hàng năm tổ chức thành công sự kiện Tuần Văn hóa du lịch, đã tái hiện nhiều lễ hội, văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn huyện như: Cúng cơm mới, Tết Khu Cù tê của dân tộc La Chí; lễ hội Quỹa Hiéng, Bàn Vương của dân tộc Dao; lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông; lễ cúng thần rừng của dân tộc Nùng, triển lãm các sản phẩm du lịch của địa phương... tạo ấn tượng sâu sắc với du khách, đồng thời là dịp để huyện đẩy mạnh quảng bá hình ảnh đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước.

picture5-1735790285.jpg
Du khách nước ngoài đi bộ trải nghiệm tại thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên

Một du khách đến từ Pháp cho biết: Lần đầu đến với huyện Hoàng Su Phì, tôi rất ấn tượng với vẻ đẹp ruộng bậc thang khi vào mùa lúa chín, được khám phá, trải nghiệm các hoạt động văn hóa đặc sắc, đây là kỷ niệm đáng nhớ đối với tôi.

picture6-1735790327.jpg
Du khách quốc tế đến tham quan tại thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên

Hoạt động du lịch cộng đồng không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn giúp bảo tồn và thúc đẩy giá trị văn hóa và phong tục của cộng đồng địa phương. Tạo cơ hội cho du khách trải nghiệm và tìm hiểu, thúc đẩy quá trình giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, đóng góp vào sự phát triển bền vững ngành du lịch của huyện. Từ năm 2020 đến nay, huyện Hoàng Su Phì đã đón 165.670 lượt khách, trong đó khách nước ngoài 2.415 lượt; tổng doanh thu ước đạt 140,35 tỷ đồng, góp phần vào sự phát triển tại địa phương.

Đặc biệt, dịp Tết Dương lịch cho tới Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 trong bản, bà con tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian cho Nhân dân và du khách tham dự.

Những trò chơi đậm chất vùng cao như đánh cù, đẩy gậy nam nữ, bịt mắt đánh trống, qua cầu lắc nhận thưởng, shai mùi, shính sùi chủi, hái lộc đầu Xuân... đặc biệt nhất là lễ hội nhảy lửa, lễ cấp sắc truyền thống của người Dao đã thu hút sự tham gia của đông đảo Nhân dân các dân tộc xã Thông Nguyên và khách du lịch ở Nậm Hồng.

Anh Triệu Mềnh Kinh còn mở lớp truyền đạt kinh nghiệm làm mô hình homestay cho hàng chục đoàn viên, thanh niên trong vùng tham gia, với mong muốn ngày càng nhiều du khách gần xa biết đến quê mình.

Nhận thức của người dân về lĩnh vực kinh doanh khai thác du lịch bền vững được nâng cao. Bước đầu, mô hình đã gắn kết việc khai thác tài nguyên văn hóa với phát triển du lịch để hấp dẫn du khách; Việc quảng bá hình ảnh về thiên nhiên, văn hóa của huyện được chú trọng.

picture7-1735790366.jpg
Anh Triệu Mềnh Kinh ( ngoài cùng bên trái) - Giám đốc Hợp tác xã Du lịch cộng đồng và dịch vụ tổng hợp Thôn Nậm Hồng chụp ảnh cùng du khách

Anh Triệu Mềnh Quyên, Bí thư Đoàn xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang cho biết: “Nhờ có mô hình Hợp tác xã du lịch cộng đồng của anh Kinh, đến nay phần lớn đoàn viên, thanh niên trong thôn, xã đã biết thêm một nghề mới nâng cao thu nhập cho gia đình. Không những góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của chính mình mà mô hình này còn được nhiều hộ học hỏi làm theo. Ngoài 7 thành viên hợp tác xã, hiện nay trong bản đã có 7 hộ dân tộc Dao cùng làm mô hình du lịch cộng đồng với thu nhập ổn định”…

Một mùa Xuân mới lại về, mùa Xuân của sự ấm no hạnh phúc, mùa Xuân của hy vọng khi ý thức của đồng bào các dân tộc vùng cao Hoàng Su Phì đang có sự chuyển biến mạnh mẽ trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.