Hoài niệm về 81 ngày đêm bi tráng thành cổ Quảng Trị

Ghi theo lời kể của NSNA- Phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính.

Chiến dịch 81 ngày đêm bi tráng nơi Thành cổ Quảng Trị đã kết thúc vào ngày 16/9/1972, chiến tranh đã là quá khứ, nhiều thứ đã bị lãng quên, nhưng trong hồi ức của phóng viên ảnh chiến trường Đoàn Công Tính, tất cả như vừa mới hôm qua... sự kiện nóng

Cũng bởi, cuộc đời và những dấu mốc sự nghiệp của Đoàn Công Tính đã gắn liền với những sự kiện lớn của chiến tranh cách mạng Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Phải chụp ảnh Thành cổ, bất chấp nguy hiểm, hy sinh.

Căn nhà nhỏ của Đoàn Công Tính ở TP.HCM được dành lầu trên làm một bảo tàng mini, trưng bày những kỷ vật thời chiến tranh và những tấm ảnh chiến trường. Ở đó vẫn như còn hơi nóng của bom, đạn, khói lửa của gần 50 năm trước và như ông nói: ”Đó là một phần lớn cuộc đời tôi”.

b4-dvh4-1677487753.jpg

Nụ cười chiến thắng. Ảnh: Đoàn Công Tính.

 

Những tấm ảnh về Thành cổ Quảng Trị của ông ngày đó không chỉ mang dấu ấn một phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính của Báo Quân Đội Nhân Dân, mà còn là một cái tên “kính nể” và khâm phục đối với các phóng viên chiến trường của nhiều hãng thông tấn báo chí nước ngoài như AP, AFP, UPI, Reuters, BBC…

Mở đầu câu chuyện, ông nói như không hề nghĩ đó là chuyện ngày xưa: "Ôi Trời! Pháo Hạm đội 7, bom B.52 của Mỹ nhìn từ bờ Bắc sông Thạch Hãn cứ như bắn pháo hoa…”

Thành cổ Quảng Trị là một công trình thành lũy được xây dựng từ thời Vua Gia Long, đến thời Vua Minh Mạng 1872 sửa chũa xây lại bằng gạch, đá nằm trên địa phận hai làng Cổ Vưu, Thạch Hãn.

Thành có 4 cổng ở 4 phía và có 4 pháo đài được xây kiên cố ở 4 góc thành. Phía ngòai tường thành là hệ thống hào với chu vi 2.160m, mỗi cửa thành đều có cầu bằng gạch bắc qua hào thành.

Tháng 3/1972, quân và dân Quảng Trị giải phóng và làm chủ hòan toàn tỉnh lỵ. Đến tháng 5/1972, quân đội Sài Gòn, được sự viện trợ hùng hậu của Mỹ mở chiến dịch tái chiếm Quảng Trị, hòng chiếm thế thượng phong trên bàn đàm phán ở Hội nghị Paris.

Và một cuộc chiến giữ đất - giành đất đầy quyết liệt ở vùng gió, nắng làm đá cũng chảy mồ hôi 81 ngày đêm bi tráng mà tâm điểm là Thành cổ Quảng Trị với tất cả những gì khốc liệt nhất của cả cuộc chiến tranh dồn vào đây.

"Ngày đó có 3 tuyến cánh phóng viên báo chí, điện ảnh chủ yếu của Báo Quân đội Nhân dân, TTXVN, Điện ảnh VN “mai phục” làm tin.

Phóng viên viết ở bờ Bắc sông Bến Hải vì ở đây có ban Tuyên huấn Mặt trận, dễ đưa bài chuyển tin ngay ra phía Bắc. Phóng viên ảnh nằm sát hơn ở sông Hiếu Giang chảy qua chợ Đông Hà, ở đây là Chỉ huy sở của Tỉnh đội nên gần chiến trận. Tuyến 3 nằm sát bờ Bắc sông Thạch Hãn, chỉ cần qua sông là đối mặt với ác liệt của bom đạn, giữa sống và chết trong một tích tắc.

Tôi lúc đầu nằm ở Hiếu Giang, nhưng khi thông tin tình hình có vẻ căng và cái chính nằm ở đó không chụp được gì ngoài ánh hỏa châu của địch, nên tôi quyết định đi sâu vào án ngữ bờ Bắc sông Thạch Hãn.

Mấy đêm liền chứng kiến cảnh vượt sông của các đoàn quân chủ lực dưới ánh sáng đạn pháo và bom, tôi nôn nóng và rồi không thể đợi thêm tôi vượt sông dù các anh ở Tỉnh đội và cả đồng nghiệp ngăn cản sợ bất trắc xảy ra.

Đêm vượt sông cũng là một kỷ niệm chiến tranh, có nhiều chiến sĩ của ta ở mấy đơn vị đang tác chiến vùng rừng núi, nay qua sông dưới pháo sáng và bom nên chưa kịp ứng phó, đã tuột phao bơi, bị nước cuốn. Cuộc hành quân di chuyển đội hình không thể dừng lại, phải tranh thủ từng phút…

Vào tới thành, được biết thêm thông tin, phía đối phương do bị ta đánh mạnh và quá rát nên không tiếp cận được trong thành, song chúng dùng chiến tranh tâm lý, dựng cảnh giả ở ngoài Huế cho phóng viên chụp tung lên báo chí tuyên truyền là Quân đội Sài Gòn đã tái chiếm được Quảng Trị, đưa cả hình ảnh cho báo chí quốc tế hòng làm lung lạc ý chí của ta trên bàn đàm phán Paris.

Biết vậy, tôi thấy nhiệm vụ của mình là phải chụp được những tấm ảnh Thành cổ bất chấp nguy hiểm hay hy sinh, để cho người dân và quốc tế thấy rõ sự thật Quân Giải phóng vẫn đang làm chủ hoàn toàn tình thế Quảng Trị".

Ký ức sau mấy chục năm trôi qua.

Tôi vào thành, ở chung 1 tháng trời với Tiểu đoàn 8, K độc lập, trực thuộc Tỉnh đội, đơn vị 2 lần phong tặng Anh hùng.

Mang tiếng là của Tỉnh đội, nhưng toàn bộ quân là lính Bắc khắp các miền quê, từ Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương đến Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Thái Bình… một tháng chứng kiến bom đạn cày xới, một tháng chứng kiến sự kiên cường anh dũng và hy sinh của bao người..

Vâng, sự khốc liệt không thể tả được, đơn vị bổ sung quân liên tục, vài ngày hết quân lại một lọt chiến sĩ mới, lại hy sinh…

Báo Quân đội Nhân dân ra ngày 9/8/1972 đã viết: "Mỗi mét đất là một mét máu”... Trên tất cả các bản tin thế giới của các Hãng thông tấn nước ngoài, hàng chữ: "Quang Tri Citadel City” luôn ở trang nhất và là tin “nóng”.

Theo như tài liệu công bố sau này của chính quân đội Mỹ thì chỉ riêng trong Thành cổ, với diện tích chưa đầy 2km2 đã phải chịu một số lượng bom, đạn tương đương với 8 quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima - Nhật bản năm 1945.

Ác liệt là thế mà tinh thần chiến sĩ ta không hề có một chút gì tỏ ra yếu đuối.

Tôi đã được tận mắt nhìn những dòng chữ viết bằng máu trên mũ các chiến sĩ, tôi đã chụp ảnh và nó cũng là kỷ vật của tôi: "Thà hy sinh quyết không rời nhiệm vụ”.

Tôi đọc những dòng nhật ký, thư của họ mà không hề thấy sự bi lụy, chỉ thấy thương yêu dành cho người thân, là quyết tâm chiến thắng, là những suy nghĩ trong sáng về lý tưởng tuổi trẻ, là sự dủng cảm mà không phải là liều mạng.

Họ sẵn sàng chấp nhận sự hy sinh thanh thản đến lạ lùng chỉ vì 2 chữ thiêng liêng “Tổ quốc”.

Sau này khi mọi người phát hiện ra Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc, các bạn cũng sẽ hiểu ngày đó những chiến sĩ của ta sống với lý tưởng vì Tổ quốc độc lập, thống nhất, hòa bình mà hy sinh tuổi trẻ, hiến dâng tuổi 20.

Ác liệt đến như không thể hơn nữa, thế nhưng những chiến sĩ của ta vẫn luôn lạc quan, yêu đời.

Trong những bức ảnh về Thành cổ, tôi nhớ mãi tấm “Nụ cười dưới chân Thành cổ”, giữa một cuộc nghỉ ngơi hiếm có ở chiến trường, cái khoảng lặng đầy chết chóc của chiến trận, họ đã ùa ra khỏi hầm, những nụ cười như chưa hề đối diện với cái chết: "Có thể ngày mai, một số trong anh em chúng tôi không còn nữa, nhưng Thành cổ sẽ sống mãi với lịch sử vinh quang của đất nước”.

Mà đúng thật, chỉ vài phút sau nơi chụp tấm ảnh đó đã bị bom, pháo đánh tan hoang, và những người trong ảnh cũng lần lượt hy sinh chỉ còn lại vài người mà hơn 30 năm sau tôi mới gặp lại một cách tình cờ.

Còn nhiều lắm những tấm ảnh tôi chụp vào khoảnh khắc giữa hai loạt bom, giữa hai trận pháo kích ngòai hạm, hay giữa các khỏang ngưng chiến của 2 bên để chuẩn bị cho đợt đánh tiếp, các chiến sĩ ta như không có gì xảy ra, họ đàn hát, có người viết thư, viết nhật ký, có người cắt tóc làm điệu, có người còn làm thơ ngâm nga… như chết chóc bom đạn đang ở đâu xa lắm.

Tôi còn được các chiến sĩ dạy cho kinh nghiệm nghe tiếng đề-pa của pháo mà biết nó bắn hướng nào, nghe tiếng réo ù ù của bom xé gió mà tránh ra sao, rối phân biệt tiếng M.79, cối 82 của địch…các qui luật giờ giấc pháo hạm hay B.52 bay vào oanh kích…

Qua tư liệu của Bảo tàng Thành cổ, các chiến sĩ của ta hy sinh tại nơi đây hơn 10.000 người mà số thi thể nguyên vẹn không phải là tất cả. Có những người hoàn toàn lẫn vào đất cát cỏ cây Thành cổ, xương máu thấm vào đất hòa vào đất… Nhưng đổi lại, quân địch đã bị tiêu diệt 24.000 tên, trong đó có 2 lữ đoàn, 11 tiểu đoàn, 39 đại đội, 180 máy bay bị bắn rơi, phá hủy 240 xe quân sự trong đó có 90 xe tăng và bọc thép, hơn 200 đại bác.

Cũng thật lạ lùng, tôi đã ra khỏi Thành cổ một cách an toàn và lành lặn. Trong sâu thẳm ý nghĩ của tôi, có lẽ vong linh những người chiến sĩ đã hy sinh che chở cho tôi, để tôi mang được những hình ảnh Thành cổ, hình ảnh của chính những phút giây hào hùng đầy bi tráng của họ chiến đấu vì nền độc lập, thống nhất, hòa bình cho Tổ quốc Việt Nam. Họ mãi sống trong tôi với nụ cười đẹp nhất.

Nhiều năm đã trôi qua, những tấm ảnh về trận chiến Thành cổ ngày ấy, góp vào trang lịch sử bằng hình ảnh về cuộc kháng chiến thần thánh của cả dân tộc Việt Nam chống xâm lược dành độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất.

Và hình ảnh những nụ cười chiến sĩ Thành cổ mãi mãi sống trong tim những người hôm nay, để hôm nay biết sống cho xứng đáng với họ - những chiến sĩ với nụ cười bất tử.

H.H

Trái tim người lính