Hội thảo khoa học “Văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc miền núi tỉnh Quảng Ngãi và Nam Trung Bộ trong tình hình mới"

Sáng 16/8, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi phối hợp cùng Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc miền núi tỉnh Quảng Ngãi và Nam Trung Bộ trong tình hình mới".
1-quang-canh-hoi-thao-khoa-hoc-1723797983.jpg
Quang cảnh hội thảo khoa học

Dự hội thảo có ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi; GS.TS Lê Hồng Lý - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và hơn 100 nhà nghiên cứu văn hóa trong cả nước.

Phát biểu chào mừng hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn nhấn mạnh, Quảng Ngãi là vùng đất có bề dày lịch sử và văn hoá, là nơi phát hiện văn hóa Sa Huỳnh - một trong 3 nền văn hóa tiêu biểu trong tiến trình lịch sử của Việt Nam đã được thế giới công nhận; là nơi hội tụ, cộng cư của đồng bào các dân tộc thiểu số Hrê, Cor, Ca Dong. Nhiều loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc miền núi được gìn giữ, bảo tồn và phát huy. Một số loại hình đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: Cồng chiêng dân tộc Cor (Trà Bồng); nghề dệt thổ cẩm Làng Teng, nghệ thuật trình diễn chiêng ba của người Hrê (Ba Tơ).

Trong quá trình hội nhập và phát triển, công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số gặp nhiều thách thức. Tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian... của đồng bào dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một, thất truyền. Đời sống vật chất, mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần chưa đồng đều giữa các vùng miền, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong xây dựng và phát triển đất nước.

3-tran-hoang-tuan-1723797983.jpg
Ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi phát biểu chào mừng

Trong quá trình hội nhập và phát triển, bên cạnh những thành tựu, còn nhiều thách thức trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian... của người đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nguy cơ mai một, thất truyền. Đời sống vật chất, mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần chưa đồng đều giữa các vùng, miền, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình mới.

Theo ông Trần Hoàng Tuấn, hội thảo là dịp để tỉnh nhận được nhiều ý kiến đóng góp xây dựng, các giải pháp cả về lý luận và thực tiễn của các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, từ đó giúp văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc miền núi tỉnh Quảng Ngãi và khu vực Nam Trung Bộ được bảo tồn và phát triển, trường tồn với lịch sử văn hóa, hòa chung vào dòng chảy văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam, góp phần vào công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, để sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến và truyền dạy được tất cả những di sản văn hóa dân gian các dân tộc miền núi tỉnh Quảng Ngãi và Nam Trung Bộ trong bối cảnh mới, cần lưu ý các vấn đề: Tiềm năng của văn hóa dân gian; những giá trị đó đang được bảo tồn, phát huy như thế nào tại các địa phương; việc sử dụng văn hóa dân gian để kết nối với dân tộc các nước trên thế giới; vấn đề giáo dục di sản; nguồn nhân lực trong công tác sưu tầm văn hóa dân gian... Các địa phương cần có những giải pháp đồng bộ trong việc nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc để tạo sức hút mạnh mẽ với du khách, trở thành sản phẩm du lịch thế mạnh của mỗi địa phương.

GS.TS Lê Hồng Lý cho rằng, thay đổi để phát triển trên cơ sở những truyền thống đã được xây dựng và vun đắp bằng mồ hôi và xương máu của biết bao thế hệ đi trước, chứ không phải để quên lãng, để xóa đi những giá trị truyền thống đó, như vậy sớm muộn gì cũng dẫn đến mất gốc, đến diệt vong. Nói như lời cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021 “Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”. Sự mất ấy là điều tất cả chúng ta cũng như các nhà văn hóa trên toàn thế giới không hề mong muốn. Đó cũng là mục đích mà hội thảo hôm nay về “văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc miền núi tỉnh Quảng Ngãi và Nam Trung Bộ” hướng đến, và sẽ phải có những hội thảo tiếp theo nữa để chúng ta tiếp tục gìn giữ và bảo vệ những giá trị văn hóa của cha ông.

4-gs-ts-le-hong-ly-1723797983.jpg
GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trình bày đề dẫn hội thảo

Hội thảo có hơn 50 tham luận của các nhà nghiên cứu văn hóa trong cả nước, tập trung các nhóm: Bảo tồn di sản văn hóa- 16 tham luận; văn học dân gian - 7 tham luận; tín ngưỡng - lễ hội dân gian - 6 tham luận; âm nhạc, du lịch, ẩm thực- 9 tham luận vvaf những vấn đề khác 13 tham luận.

Các đại biểu chỉ ra sự phong phú, đặc sắc của vốn di sản văn hóa, văn nghệ dân gian, từ đó các địa phương cần có những giải pháp đồng bộ trong việc nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, bảo tồn, phát huy; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc, tạo sức hút mạnh mẽ với du khách, trở thành sản phẩm du lịch thế mạnh của mỗi địa phương…

5-ts-nguyen-dang-vu-chu-tich-hoi-vhnt-tinh-quang-ngai-1723797983.jpg
TS Nguyễn Đăng Vũ, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phụ trách khu vực các tỉnh Nam Trung bộ - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi trình bày tham luận

Nghệ nhân Ưu tú Yang Danh, Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh Bình Định chia sẻ, để khắc phục những tồn tại đã nêu, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, truyền dạy, tìm ra những cán bộ làm công tác văn hóa giỏi và có những chế độ, chính sách phù hợp cho người làm văn hóa.

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu văn hóa ở Quảng Ngãi cũng đã có những tham luận về hướng bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống các dân tộc trên địa bàn tỉnh; bảo tồn và phát huy nghệ thuật trình diễn chiêng ba của người Hrê; truyện dân gian Cor ở Quảng Ngãi từ góc nhìn địa văn hoá. Mối tương quan văn hoá của người Sa Huỳnh cổ và dân tộc Hrê ở Quảng Ngãi;về các tín ngưỡng, lễ hội dân gian các dân tộc miền núi Quảng Ngãi như: Lễ cúng cầu mưa, lễ ăn trâu…