Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng (ảnh trên); Phó Chủ nhiệm Ủy ban NN về NVNONN Mai Phan Dũng phát biểu khai mạc và mở đầu Hội thảo đều nhấn mạnh khả năng đóng góp lớn nhất, quan trọng nhất của người Việt Nam ở nước ngoài vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trước hết phải nhắc đến là chất xám, trong đó, chất xám về tri thức khoa học và tri thức quản lý hiện đại là nguồn lực đất nước đang rất cần. Cộng đồng người Việt Nam nói chung và trí thức người Việt Nam ở nước ngoài nói riêng, nhìn chung là cộng đồng trẻ, năng động, nhanh chóng hòa nhập và đa số có xu hướng định cư lâu dài ở nước sở tại Tiềm lực, tiềm năng của trí thức người Việt Nam ở nước ngoài rõ ràng là rất to lớn, cần được được khơi thông, khơi nguồn để dòng chảy đó góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Báo cáo "Liên hiệp Hội Việt Nam - hành trình 40 năm tập hợp, đoàn kết và phát huy trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" do ông Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch LHHVN trình bày tại Hội thảo nêu rõ: Cách đây 60 năm, ngày 18/5/1963,Hội phổ biến kiến thức Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam- tổ chức tiền thân của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam ngày nay, được thành lập nhằmquy tụ các nhà khoa học, trí thức hoạt động trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật để tổ chức việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học và kỹ thuật cho quần chúng nhân dân.Khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minhđã đến gặp gỡ, nói chuyện và giao nhiệm vụ cho đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ (KH&CN) nước nhà.
Trong suốt chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng Công sản Việt Nam, Liên hiệp Hội Việt Nam đã trở thành tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn, đại diện cho đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam, tập hợp, đoàn kết, phát huy trí tuệ, sức sáng tạo của trí thức người Việt Nam trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.Các hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam trải dài trên các lĩnh vực như: phổ biến kiến thức, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, tôn vinh trí thức, tổ chức các giải thưởng sáng tạo khoa học và kỹ thuật, tư vấn, phản biện và giám định xã hội… Trong tất cả các hoạt động đó, luôn có sự tham gia, đóng góp trí tuệ và tâm sức của một bộ phận không nhỏ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN).
Liên hiệp Hội Việt Nam ở trung ương hiện có hơn 600 tổ chức KH&CN trực thuộc, các tổ chức này được cho phép thành lập theo Luật KH&CN, Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn Luật, Bộ KH&CN ban hành các thông tư hướng dẫn liên quan để hướng dẫn thành lập, quản lý các tổ chức KH&CN. Liên hiệp Hội Việt Nam ban hành các quyết định để quản lý các tổ chức này.
Nhân lực làm việc trong các tổ chức là các chuyên gia, các nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm thực tiễn đồng thời các tổ chức KH&CN này đã thu hút nhiều trí thức trẻ được đào tạo ở trong nước và nước ngoài, những năm gần đây có nhiều trí thức được đào tạo từ các nước tiên tiến phát triển như Mỹ, Nhật bản, Hàn quốc, Canada, Oxtralia, các nước Châu âu như Anh, Pháp, Italia, Đức, Hà Lan và các nước Liên xô trước đây nay là Nga, và các nước ở Đông âu, một số nước như Singapore, Malaysia, đã tham gia sáng lập các tổ chức trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam.
Các Liên hiệp hội địa phương chủ yếu tham gia hoạt động này với tư cách là tổ chức phối hợp với các tổ chức, đơn vị như: Liên hiệp các tổ chức hữu nghị; Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh....
Trên cơ sở đường lối phát triển đất nước được nêu tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và xuất phát từ thực tiễn công tác thu hút nguồn lực trí thức kiều bào, trong thời gian tới, Liên hiệp Hội Việt Nam cần tập trung vào các nội dung hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển bền vững. Về đối tượng vận động, thu hút, bên cạnh việc duy trì liên hệ, hợp tác với các trí thức, chuyên gia giàu kinh nghiệm, cần tiếp tục mở rộng tới thế hệ trí thức trẻ NVNONN, bao gồm cả lực lượng du học sinh và con em kiều bào thế hệ thứ hai, thứ ba. Về cách thức triển khai, nên tăng cường thu hút nguồn lực chất xám của kiều bào “từ xa”, gián tiếp như giảng dạy ngắn hạn, tư vấn, chuyển giao công nghệ cao, làm cầu nối mời chuyên gia quốc tế đến Việt Nam.
Liên hiệp Hội Việt Nam cần triển khai công tác vận động, thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tập trung vào các nội dung sau:
Một là, phối hợp với các cơ quan liên quan nhằm xây dựng một đề án riêng về tập hợp, phát huy trí thức NVNONN tham gia vào hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam góp phần cho công cuộc phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước. Liên hiệp Hội Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp tốt hơn nữa với các cơ quan đầu mối về công tác NVNONN như Ủy ban Nhà nước về NVNONN của Bộ Ngoại giao nhằm kết nối với các đầu mối kiều bào ta ở nước ngoài, giới thiệu họ hợp tác với các tổ chức trong nước.
Hai là, trong quá trình triển khai các chương trình phối hợp công tác với các cơ quan như Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các bộ Khoa học và Công nghệ, bộ Giáo dục và Đào tạo, bộ Nông nghiệp và PTNT, Ủy ban KHCN&MT của Quốc Hội…, Liên hiệp Hội Việt Nam sẽ lồng ghép nội dung về vận động trí thức kiều bào trong các chương trình phối hợp đã ký, coi đây là một hoạt động trọng tâm, có ý nghĩa lớn của toàn hệ thống.
Ba là, tìm kiếm, phát hiện, tôn vinh những trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đạt được nhiều thành công ở nước sở tại, qua đó động viên họ tích cực kết nối và hợp tác với các tổ chức trong nước, đóng góp cho sự phát triển của đất nước một cách gián tiếp, từ xa, đồng thời thông qua họ kết nối với cộng đồng khoa học và chính khách của nước sở tại, góp phần quan trọng trong xây dựng mối bang giao hữu nghị giữa Việt Nam với bạn bè thế giới. Đề xuất với Đảng và Nhà nước về các hình thức tôn vinh trí thức KH&CN người Việt Nam ở nước ngoài.
Bốn là, với vai trò là cơ quan chủ quản của các tổ chức KH&CN ngoài công lập trực thuộc, qua công tác quản lý các hoạt động của các tổ chức, Liên hiệp Hội Việt Nam nhận thấy nhu cầu hợp tác phát triển là rất lớn và ngày càng có nhiều tổ chức khoa học và công nghệ tập hợp, thu hút được trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là trí thức trẻ cống hiến cho đất nước thông qua các hoạt động cụ thể trên nhiều lĩnh vực. Bên cạnh đó nhờ những thành tựu trong chuyển đổi số và công nghệ thông tin đã giúp cho việc kết nối mở, xúc tiến hợp tác trở thành xu thế chủ đạo, việc hợp tác trở nên thuận tiện hơn so với trước đây. Vì vậy, Liên hiệp Hội Việt Nam cần thiết lập quan hệ trực tiếp với các tổ chức đầu mối, mạng lưới kiều bào, đặc biệt trong lĩnh vực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo để kết nối hợp tác với các nhóm khởi nghiệp bằng khoa học và công nghệ trong nước.
Năm là,Liên hiệp Hội Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan đề xuất, kiến nghị giải quyết các tồn tại về chính sách trọng dụng, đãi ngộ trí thức nói chung, trí thức NVNONN nói riêng.
Để phát huy hơn nữa vai trò của Liên hiệp Hội Việt Nam trong công tác vận động, tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức NVNONN đóng góp cho sự nghiệp phát triển và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Liên hiệp Hội Việt Nam kiến nghị với lãnh đạo Đảng, Nhà nước như sau:
Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa, đề ra chính sách trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ trí thức và các tổ chức tập hợp trí thức như Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam, Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, các hội chính trị - xã hội, hội nghề nghiệp. Bởi lẽ chỉ khi đội ngũ trong nước được đặt đúng vị trí và vai trò trong hệ thống chính trị, được coi trọng và tạo môi trường thuận lợi thì trí thức người Việt ở nước ngoài mới có thể thấy đó là cơ hội, là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của mình và những đóng góp của họ sẽ được ghi nhận xứng đáng.
Đảng, Nhà nước cần chú trọng hơn nữa chính sách, hình thức phát hiện, tôn vinh những trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều thành tích xuất sắc. Liên hiệp Hội Việt Nam, với mạng lưới hội thành viên trong hầu hết các ngành, lĩnh vực về KH&CN hoạt động trên khắp cả nước, sẵn sàng là một trong những cơ quan triển khai nội dung này nếu được Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tin tưởng giao nhiệm vụ.
Các đại biểu từ các cơ quan Trung ương, địa phương và trí thức kiều bào đại diện cho nhiều nhóm, mạng lưới chuyên gia trí thức kiều bào trên các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ tham dự hội thảo đã trao đổi, thảo luận những kết quả đã đạt được trong việc thu hút, trọng dụng nhân tài người Việt Nam ở nước ngoài. Những bất cập, vấn đề đặt ra trong thực tiễn vận động trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia phát triển đất nước; đề xuất đồng bộ các giải pháp thu hút trí thức kiều bào về nước tham gia đóng góp trên các lĩnh vực, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo khởi nghiệp của đất nước.