Năm 1062, đời vua Tống Nhân Tông, Triều Tống đang lúc thái bình. Một hôm đang buổi lâm chầu, thấy đất nước của mình không có gì vui nên nhà vua hỏi các quan văn võ:
- Đất nước ta đang cảnh thái bình thạnh trị nhưng sao im lìm quá, các khanh có kế sách gì làm đất nước ta vui vui lên một chút được không?
Quan thừa tướng tâu:
- Muôn tâu bệ hạ, đất nước mình rộng lớn bao la, nổi tiếng toàn là con gái đẹp, vì vậy theo hạ thần, ta nên tổ chức cuộc thi Hoa hậu tuyển chọn các cô gái chân dài từ khắp nơi về rồi lựa mấy em đẹp nhất tiến cung cho làm vương phi, tệ một chút thì cho bá quan văn võ hưởng xái.
Nhà vua vừa nghe tâu nạt ngang:
- Tầm bậy quá, tổ chức như vậy tốn kém ngân khố quốc gia chịu sao nổi lại mang tiếng trẩm là kẻ chỉ biết đam mê tửu sắc, các nước chư hầu sẽ đàm tiếu tùm lum hết. Thích đứa nào cứ kêu họ tiến cống là khỏi lu bu. Có cách nào khác không?
Tổng quản Quách Hòe rụt rè giơ tay:
- Dạ theo hạ thần, ta nên tổ chức cho hậu cung thi đá gà, vừa vui vừa có quăng bắt chút đỉnh vừa có thịt gà nhậu lai rai.
Nhà vua lắc đầu:
- Không được... Đá gà là cờ bạc trá hình. Dẹp đi, tào lao quá...
Bát vương gia đưa tay vuốt vuốt hàm râu dài tâu:
- Muôn tâu bệ hạ, người xưa thường nói: Đất lành chim đậu, dân nhậu thì thiếu gì mồi nhậu sao phải nhậu con chim? chi bằng ta mở hội thi chim hót. Vừa ít tốn kém vì chim đâu ăn uống gì bao nhiêu? Vừa được thưởng thức các giọng hót oanh vàng khắp mọi vùng miền đất nước.
Nghe vậy nhà vua gật đầu khen và ông truyền lệnh cho bá quan văn võ phải tìm các loại chim quý mang về triều đình thi "Hót" ai trái lệnh sẽ bị chém đầu. Phủ doãn Phủ Khai phong là Bao Công muốn can gián nhà vua nhưng không dám đành làm thinh bỏ về.
Một tháng sau... Đúng hẹn, quan văn, quan võ ai cũng hào hứng mang chim mình ra Kim loan điện trổ tài thi hót... Nhà vua làm chánh chủ khảo tuyên bố cuộc thi bắt đầu. Quan Thừa tướng tiên phong đưa con chim Họa mi ra hót líu lo, ai cũng thầm khen con chim hót hay quá xá nhưng nhà vua lắc đầu, nói cộc lốc:
- Hót dở quá, hót như tiếng tu huýt kêu nhức cái đầu gần chết, đem mần thịt...
Tổng quan Quách hòe đưa con chim Vàng anh xinh đẹp màu sắc sặc sỡ hót được nhiều tông nhiều giọng chưa kịp khen thì nhà vua phất tay:
- Con chim gì màu mè quá nhìn "bán xà bông" là thấy ghét rồi. Hót eo éo lung tung beng giống như đàn bà cãi lộn ai mà chịu nổi? Thịt luôn...
Bát vương gia đưa con chim Sơn ca ra vừa hót vừa nhảy tưng tưng theo điệu remix, chưa kịp vỗ tay thì nhà vua đã quát lên:
- Vừa hót vừa nhảy cà tưng như vậy thì xóm làng ai ngủ nghê gì được? Hót liên hồi nghe không kịp thở. Thịt tuốt.
Chẳng ai dám hó hé hay can gián gì ráo, hót kiểu nào cũng bị chê và đem mần thịt thì ai dám đưa chim ra thi nữa? Nhà vua nhìn sang Bao công rồi hỏi:
- Bao Khanh gia có đem chim tới không vậy?
Bao công lắc đầu:
- Dạ muôn tâu bệ hạ, bao chuẩn là quan thanh liêm lương triều đình chỉ đủ ăn đâu có dư giả đâu mà nuôi chim. Nhưng Công tôn tiên sinh có nuôi một con chim sáo biết hót nhưng nghe cũng bình thường nên không dám đem ra thi vì sợ nó hót đâm bang khó nghe.
Nhà vua:
- Có chim biết hót là được rồi. Bao Khanh không tham gia là có tội đó.
Công tôn Sách đưa con chim sáo ra thi, ông khoe:
- Muôn tâu bệ hạ con chim này biết hót nhiều giọng lắm ạ. Nó có thể hót theo yêu cầu của mọi người. Bệ hạ có thể thử yêu cầu nó hót theo giọng bất cứ con chim nào nó cũng mần theo được.
Thế là con chim sáo trổ tài hót đủ thứ giọng của các loài chim khác theo yêu cầu của nhà vua, ai cũng nghĩ thầm chim hót giỏi như vậy thế nào cũng được khen ai dè nhà vua quát lên:
- Nhái giọng người ta mà hay ho gì? Giọng chính mình mới có giá trị chứ. Khanh có biết chim sáo là loài chim không chung thủy mà còn đưa ra hót đúng là khi quân phạm thượng.
Bao Công nghe vậy hốt hoảng vội quỳ xuống:
- Dạ hạ thần không biết, xin bệ hạ thứ tội ạ.
Nhà vua cười ha hả:
- Trên đời đàn ông bị đàn bà phụ tình họ đều lấy hình ảnh con chim sáo sang sông để trách để hờn đúng không? Loài chim bản tính phụ bạc như vậy mà cho thi hót làm gì nữa?
Hoảng sợ vì sợ con chim quý bị thịt nên Công tôn Sách nói lẹ:
- Dạ muôn tâu bệ hạ con chim này còn biết nói tiếng người nữa ạ...
Nhà vua:
- Chim biết nói tiếng người? Vậy còn chờ gì nữa cho nó nói ta nghe coi nó nói cái giống gì?
Đưa mấy con sâu cho con chim sáo ăn, Công tôn Sách nói nhỏ với nó:
- Mày nói câu bệ hạ vạn tuế nhớ chưa? Mày nói bậy thì nhà vua độc ác sẽ làm thịt tao với mầy luôn đó.
Con Chim sáo nhún nhảy một lúc nó nhìn ngay mặt nhà Vua rồi nói:
- Nhà vua độc ác, nhà vua độc ác...
Cả triều thần ai cũng sợ xanh mặt và lo cho tánh mạng của phe Bao công. Ai dè nhà vua vỗ tay khen:
- Hay quá... Các khanh có nghe nó nói gì không?
Ai cũng xanh mặt làm thinh...
Nhà vua nói:
- Đúng là loài linh điểu, ta đang lén học ca Bolero cả nội cung không ai biết, mà vừa thấy ta nó đã nói nhà vua học hát...
Quay sang con chim nhà vua hỏi:
- Theo ngươi thì ta học hát đến bao giờ mới thành ca sỹ?
Con chim quát lên:
- Chết đi, chết đi...
Bá quan văn võ sợ quá im thin thít, ai cũng nghỉ tới bốn chữ Tru di tam tộc dành cho phe Bao công. Nhưng không ngờ nhà vua vỗ tay khen rồi nói:
- Hôm qua trẩm hỏi thầy dạy nhạc chừng nào trẩm ca hay cỡ như ông Chế gì đó? Thầy dạy nhạc trẩm nói: Tết Công gô... vậy mà con chim này nghe ta hỏi nó trả lời Tết đi, tết đi... Nghĩa là tết này trẫm sẽ ca được phải không các khanh? Con chim hay như vậy sao các khanh không ai vỗ tay.
Lúc đó Văn Võ bá quan mới dám vỗ tay chúc mừng và trao giải quán quân cho con chim sáo. Sau đó, người ta đồn Bao Công đã giải tán đám thủ hạ, Công Tôn Sách cùng con chim sáo trong đêm đó bỏ trốn khỏi phủ Khai Phong... vì họ được lão thái giám Quách Hòe cho biết nhà vua bị bệnh lãng tai... Trong sử ghi rằng Bao Công sau cuộc thi chim năm đó về nhà cảm phong hàn được nhà vua cho ngự y mang thuốc rượu ngâm với chuối hột rừng đến ban thưởng. Uống xong Bao chửng "xí lắc léo" luôn, thọ 63 tuổi?
Từ đó phủ Khai Phong không ai còn nhắc tới chuyện thi chim. Ai hỏi tới Bao Đại Nhân bá quan văn võ trong triều đình đều lắc đầu không quen không biết...
Theo Chuyện quê