Văn nghệ sĩ Tây Ninh với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng

Đặng Thị Phượng

03/04/2023 21:30

Theo dõi trên

Trong hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật, giới văn nghệ sĩ tỉnh Tây Ninh luôn lựa chọn đề tài về lực lượng vũ trang với chủ đề ca ngợi người chiến sĩ quân đội nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ biên giới, biển, đảo, vùng trời và vì bình yên cuộc sống của Nhân dân làm nguồn cảm hứng sáng tạo của mình.

     

1-hinh-anh-1-hoi-van-hoc-nghe-thuat-tinh-tay-ninh-1680531445.jpg

Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Tây Ninh Đặng Thị Phượng giao lưu cùng các chiến sĩ Sư đoàn 367

Tây Ninh, tỉnh biên giới thuộc miền Đông Nam bộ, vùng đất giàu truyền thống cách mạng và văn học nghệ thuật (VHNT); có Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam nơi tập hợp hầu hết các văn nghệ sĩ cách mạng của cả nước trong thời kỳ kháng chiến. Những tác phẩm bất hủ ra đời trong khói lửa và đọng mãi với thời gian như Lên Ngàn, Đôi bờ Vàm Cỏ Đông, Xuân Chiến khu, Bài ca may áo, Qua sông, Chiến thắng Tây Ninh, Đội nữ pháo binh Long An, Hạt lúa vành Đai, Người mẹ cầm súng, Du kích Củ Chi, Đường ra phía trước,… Trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam năm 1979, lực lượng thanh niên xung phong được tăng cường từ thành phố Hồ Chí Minh, theo đó các nhạc sĩ cũng có mặt phản ánh nhịp sống sôi động của lực lượng xung kích này tại Tây Ninh.

Tây Ninh có nhiều văn nghệ sĩ là người địa phương được đào tạo từ miền Bắc như Xuân Hồng, Thanh Hiền hoặc trưởng thành từ kháng chiến như Cửu Long Thi, Phan Văn, Vân An, Xuân Phát, Xuân Quang, Thanh Hải, Giang Đông, Lê Chí Trung, Thanh Nhàn cùng số tác giả trẻ tiếp nối ngày nay. Nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ sáng tác, quảng bá và nghiên cứu lý luận, phê bình VHNT, Hội VHNT tỉnh đã tạo điều kiện, môi trường thuận lợi, tiếp sức cho văn nghệ sĩ bằng việc hàng năm thường xuyên tổ chức các hoạt động nghiệp vụ, hướng dẫn kỹ năng và định hướng sáng tác cho hội viên; tổ chức Trại sáng tác, thâm nhập thực tế, hỗ trợ đầu tư sáng tác, quảng bá tác phẩm,...đề tài sáng tác định hướng của Đảng và Nhà nước, trong đó có đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng.

Hội phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công An Tây Ninh và Bộ chỉ huy Sư đoàn bộ binh 5/Quân khu 7 tổ chức thâm nhập 1 số đơn vị trực thuộc. Bình quân hàng năm tổ chức 5 cuộc thực tế sáng tác, trại sáng tác của 5 chuyên ngành văn học, âm nhạc, sân khấu, nhiếp ảnh, mỹ thuật và 1 đợt tổng hợp nhiều chuyên ngành. Các tác phẩm của các tác giả Tây Ninh viết về chiến tranh cách mạng, người lính và mẹ Việt Nam anh hùng, dù không nhiều nhưng đã góp phần vẽ nên bức tranh về cuộc chiến đấu hào hùng, ngoan cường của quân dân Tây Ninh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, chiến tranh biên giới Tây Nam và xây dựng bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

 Chủ đề về người chiến sĩ cách mạng, về cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và những hy sinh thầm lặng của những người phụ nữ trong chiến tranh thể hiện đậm nét trong các tác phẩm truyện ngắn: “Bụi hoa trinh nữ” (Vũ Thiện Khái), “Tiếng chim hót lúc sớm mai”(Nguyễn Đức Thiện), “Người mẹ ở vành đai trắng” (Phước Hội) v.v,...; qua các tác phẩm thơ: “Bình minh tỏa sáng” (Nguyễn Quốc Việt), “Má anh hùng sinh những anh hùng” (Phan Kỷ Sữu), “Về một huyền sử trên núi cao” (Nguyễn Văn Tài), “Chim Trao trão bay về” -Trần Nhã My,...với ngôn ngữ phong phú, nội dung sâu sắc, giàu hình ảnh, đậm chất văn học; đặc biệt các tiểu thuyết “Bám đất”, “Lớn lên”; truyện dài “Sài Gòn 46”, truyện ngắn “Chim lồng” của tác giả Vân An, v.v,...

 Ở lĩnh vực sân khấu, bằng những bài lý, bài vắn, nhạc tài tử và vọng cổ đã ca ngợi tinh thần chiến đấu ngoan cường bất khuất dũng cảm của chiến sĩ ta, luôn trung với Đảng, hiếu với Dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội; ca ngợi những bà mẹ dâng hiến những người con cho cuộc chiến tranh vệ quốc như các bài ca vọng cổ “Bông huệ đỏ”,“Tây Ninh mùa bông sim nở rộ”(Thanh Hiền),“Ánh lửa Tua Hai sáng mãi muôn đời (Thanh Hải), “Anh hùng Bùi Văn Thuyên”(Thành Phương), “Cho mãi thắm tươi truyền thống Sư đoàn” (Đặng Phượng), kịch ngắn “Nỗi đau còn đó”(Đăng Minh) v.v,...

 Ở loại hình mỹ thuật với ngôn ngữ bằng hình-khối, đường -nét, màusắc, sự sắp xếp bố cục, nhịp điệu,... các tác phẩm hội họa, điêu khắc đã khắc họa nên cuộc chiến tranh khốc liệt nhưng hào hùng ở mảnh đất Tây Ninh. Máu chiến sĩ ta vẫn phải đổ xuống trong cuộc chiến đấu giữ gìn chủ quyền Tổ quốc; nơi gian nan, nguy hiểm, xa xôi nhất vẫn phải do người lính bám trụ, đối mặt. Các tác phẩm điêu khắc “Hồn nước” (Nguyễn Hữu Thoại), tranh sơn dầu “Tổng tiến công Mậu Thân” và “Qua đồng chó ngáp” (họa sĩ Tam Bạch), “Canh giữ biên cương” (Trần Văn Chỉnh), “TW Cục miền Nam” (Đặng Văn Thức), “Chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng” (Nguyễn Ngọc Thư); nhóm tác phẩm của tác giả Võ Đồng Minh diễn tả bằng ngôn ngữ biếm họa (được chia thành nhiều giai đoạn) phản ảnh lại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ; tác phẩm “Đêm tiền phương” (Nguyễn Văn Bình) với lối vẽ phóng khoáng (thiên về ấn tượng), họa sĩ muốn gửi gắm cho người xem tình cảm của người hậu phương và người đang ở tuyến đầu Tổ quốc, v.v,...  

Ở bộ môn nhiếp ảnh, bằng ngôn ngữ ánh sáng, bố cục, k thuật chụp và phóng ảnh, các tác giả đã cho ra đời nhiều ảnh nghệ thuật ca ngợi người chiến sĩ trong đấu tranh cách mạng, trong xây dựng bảo vệ và sẵn sàng chiến đấu như: “Chiến thắng trên núi Bà Đen” (Thanh Nhàn), “Tuần tra biên giới” (Đỗ Thành Nhân), “Quân và dân chung sức” (Dương Đức Kiên), “Thao trường” (Duy Hậu), “Thao luyện” (Lê Bi), v.v,...  

Ở loại hình âm nhạc, truyền thống cách mạng, nét đẹp người chiến sĩ trong các ca khúc, hợp xướng được các được tác giả đưa vào một cách nhẹ nhàng nhưng sâu lắng. Những chiến công hiển hách, đến sự hy sinh cao cả và mối quan hệ gắn bó máu thịt của người chiến sĩ với Nhân dân được thể hiện trong: Tây Ninh rực lửa tiến công (Lê Chí Trung), Hào hùng Tây Ninh (Lê Hoàng Minh), Tây Ninh khúc hát tự hào(Lê Hồng Tăng), “Hành khúc Trung đoàn 174”(Nguyễn Trọng Quý), Hợp xướng “Tua Hai – ngọn đuốc vĩnh cửu” (Lê Hữu Trịnh), những tác phẩm múa “Vùng biên giới không quên”(Kim Phụng), “Những người bất tử” (Hoàng Ân, Trọng Chinh), “Bài ca không quên”(Kim Chi), “Những cánh chim không mỏi(Việt Phương); các tác phẩm điện ảnh như phim tài liệu Xuân Hồng- chiến sĩ, nhạc sĩ (biên kịch Đặng Phượng), “Đi tìm đồng đội”(biên kịch Bích Thủy) và cả 2 tác phẩm đều đoạt Giải thưởng Bộ Quốc phòng về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng.

Nhìn chung hầu hết các tác phẩm nêu trên đều có giá trị nội dung tư tưởng và nghệ thuật tốt, mang đầy tính nhân văn và tính giáo dục như yêu nước, căm thù giặc, chiến đấu hy sinh anh dũng, tinh thần lạc quan cách mạng của người chiến sĩ trong đấu tranh cách mạng cũng như trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển. Trong đó có một số tác phẩm đoạt giải thưởng hoặc triển lãm cấp tỉnh, khu vực hoặc in trong các Tuyển tập của Hội VHNT tỉnhTạp chí Văn nghệ Tây Ninh, cùng một số tập san, tạp chí trong và ngoài tỉnh hay được chọn dự Triển lãm Mỹ thuật đề tài lực lượng vũ trang năm 2013 do Bộ Quốc Phòng phối hợp với Bộ VH,TT&DL tổ chức.

Tây Ninh là tỉnh biên giới đất liền không có biển nhưng tuyên truyền biển, đảo luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo. Để thực hiện tốt công tác tuyên truyền biển, đảo, triển khai thực hiện các quan điểm nêu trong Nghị quyết của Đảng và có những tác phẩm đạt chất lượng cao về tư tưởng và nghệ thuật, Hội VHNT tỉnh đã mời báo cáo viên nói chuyện chuyên đề về biển, đảo; vận động văn nghệ sĩ xem các triển lãm về biển, đảo của tỉnh phối hợp với Cục Chính trị Quân chủng Hải quân tổ chức tuyên truyền nhân đợt ký kết chương trình phối hợp giữa Tỉnh ủy Tây Ninh với Quân chủng Hải quân, giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với Trường Cao đẳng kỹ thuật Hải quân,… giúp cho anh chị em nâng cao nhận thức, hiểu rõ hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo, lịch sử hình thành và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, hiểu rõ hơn về nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền viển đảo của chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam; góp phần tạo sự nhất quán với quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta trong giải quyết những vấn đề phức tạp ở Biển Đông, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, sức mạnh tổng hợp, bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc,... là của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của cả hệ thống chính trị trong đó có giới văn nghệ sĩ.

 Tiếp nối hoạt động trên, Hội đã tổ chức cho văn nghệ sĩ đi thực tế sáng tác về đề tài biển, đảo và người chiến sỹ Hải quân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc quần đảo Trường Sa, vùng biển được phân công và bảo vệ an ninh, an toàn căn cứ quân sự Cam Ranh, thực hiện công tác dân vận và đối ngoại quốc phòng; như năm 2019 đã thâm nhập thực tế tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Hải quân, làng chài Phước Hải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tháng 6 năm 2022 tại 2 đơn vị thuộc Căn cứ Quân sự Cam Ranh là Vùng 4 Hải quân, Lữ đoàn tàu ngầm 189 kết hợp với Trại tại Nhà Sáng tác Đà Nẵng; gần đây tháng 2 năm 2023 là 02 đơn vị phòng không- không quân đó là Trung đoàn không quân 935 và Trung đoàn pháo 230 với nhiệm vụ trọng tâm là bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển, đảo, thềm lục địa, biên giới và các mục tiêu kinh tế, chính trị quan trọng phía Nam của Tổ quốc. Sau các đợt thực tế thâm nhập, sáng tác, các văn nghệ sĩ đã có nhiều tác phẩm phản ánh chân thực cuộc sống học tập, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ của bộ đội các đơn vị quân đội nói trên.

       Với 34 tác phẩm văn học nghệ thuật đạt chất lượng khá tốt đã ra đời, ca ngợi sự giàu đẹp của biển, đảo, sự hy sinh cao cả của chiến sĩ Hải quân cùng với 25 tác phẩm ca ngợi bộ đội phòng không- không quân kiên trung sẵn sàng chiến đấu Vì sự nghiệp bảo vệ bầu trời của Tổ quốc. Về thơ có: “Chỉ có thư về”, “Đàn chim sắt Trung đoàn 935” (Lê Thị Phù Sa), “Với Trường Sa thân yêu” (Trần Nhã My), “Yêu anh, em bắt đầu yên biển” (Hương Nhu); về văn xuôi có: “Trường Sa ơi! Bao giờ thôi ước mơ”, “Tình anh lính đảo” (Nghiêm Khánh), “Tự vấn” (Hàm Chương); về tranh có: “Niềm tin” (Nguyễn Văn Bình), “Sức mạnh tiềm ẩn”, “Sau giời bay”, “Chuẩn bị khí tài”, “Sẵn sàng chiến đấu” (Đặng Văn Thức), “Giai điệu trong lòng biển” (Nguyễn Bá Cường), “Chân dung bộ đội Hải quân” (Nguyễn Hữu Thoại); Bài ca vọng cổ: “Thư gửi Trường Sa”, “ Giữ vùng trời bình yên”, “ Chiến sĩ trời Nam” (Xuân Hòa), “ Tình xuân chiến sĩ phòng không”, “Nghĩa tình trên những chuyến bay” (Thành Phương) ; các ca khúc: “Vùng 4 Hải quân tiến bước dưới quân kỳ” “ Chúng tôi người lính Phòng không- Không quân’ (Lê Hữu Trịnh), “189- Lữ đoàn Kình Ngư”, “Tình yêu từ những cánh bay”, “Mâm pháo rạng ngời nòng pháo vinh quang” (Huỳnh Oanh), “Tình anh lính biển” (Lê Hồng Tăng), “Những người lính lữ đoàn tàu ngầm”, “Hướng về biển, đảo quê ta”, “Trường Sa đảo quê ta” (Quốc Đông), “Chúng tôi, người lính tàu ngầm” (Trần Quang Cường), “Người lính thủy không tên” “yêu anh người lính đảo” “ Bay lên- Tình yêu trong tôi” (Đặng Phượng), “ Hành khúc Trung đoàn 935 anh hùng”, “bài ca Trung đoàn 230”, (Bùi Thanh Tú), “Trung đoàn 935 khúc hát tự hào”, “ Em hát về anh người lính canh trời”, “Sư đoàn ta 367 anh hùng”, “Sáng danh Trung đoàn 935”, “Tự hào người lính pháo phòng không 230”, “230 khúc hát tự hào”, “Tổ quốc nhìn từ trên cao”, “ Thao trường” Nguyễn Đình Hồng,...

2-hinh-anh-2-hoi-van-hoc-nghe-thuat-tinh-tay-ninh-1680531819.jpgVăn nghệ sĩ tỉnh Tây Ninh trong chuyến đi thực tế sáng tác tại Sư đoàn 367

Để quảng bá, phổ biến nhiều hơn các tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài biển, đảo đến với công chúng, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, ý thức, trách nhiệm và hành động của mỗi thành viên trong xã hội, thấy được sự khó khăn, gian khổ đối mặt với nguy hiểm, sự phức tạp của các hoạt động trên biển, đảo (đặc biệt là ở một số đảo có vị trí quan trọng về quốc phòng - an ninh như quần đảo Trường Sa), Hội đã phối hợp với Tỉnh đoàn Tây Ninh và Chỉ huy Sư đoàn bộ binh 5 / Quân khu 7 tuyên truyền kết quả Đợt thâm nhập thực tế sáng tác tại các đơn vị Hải quân, Phòng không- Không quân dưới các hình thức chiếu phim, giới thiệu 1 số tác phẩm sáng tác mới sáng tác và hướng dẫn hát tập thể ca khúc Khúc quân ca Trường Sa cho Đoàn viên thanh niênTỉnh đàon Tây Ninh và cán bộ chiến sĩ Sư đoàn bộ binh 5/QK 7 góp phần xây dựng quyết tâm cao, định hướng hành động thiết thực trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc mà trước mắt là hoàn thành tốt nhiệm vụ được đơn vị phân công. Đây là hình thức tuyên truyền biển, đảo mới, sinh động, phong phú về hình thức, hấp dẫn và đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa rộng lớn.

Được sự quan tâm của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, 1 số hình ảnh tư liệu về đợt thực tế sáng tác và tặng phẩm là biểu tượng của Vùng 4, Lữ đoàn tàu ngầm 189 đã được trưng bày trong Triển lãm về biển, đảo tại Bảo tàng tỉnh (thực hiện theo kế hoạch phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022); tuyên truyền biển, đảo giữa Trường Cao đẳng Kỹ thuật Hải quân và Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tây Ninh) và chương trình văn nghệ trước buổi tuyên truyền của Trường Cao đẳng kỹ thuật Hải quân tại điểm tuyên truyền biển, đảo cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh. Sự tin yêu của lãnh đạo tỉnh còn thể hiện qua sự ủy nhiệm cho Chủ tịch Hội VHNT tỉnh tặng quà của Thường trực Tỉnh ủy Tây Ninh cho cán bộ, chiến sĩ trong đợt thực tế sáng tác vừa qua. Quà tặng giản dị nhưng ấm áp, thể hiện tình cảm hết sức đặc biệt của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Tây Ninh dành cho biển đảo, cho 02 lực lượng Hải quân và Phòng không- Không quân nhân dân Việt Nam anh hùng.

Qua tổ chức sáng tác,quảng bá tác phẩm đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng và người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng tôi rút ra:

3-hinh-anh-3-hoi-van-hoc-nghe-thuat-tinh-tay-ninh-1680532008.jpgNhạc sĩ Trần Quang Cường, chiến sĩ Trung đoàn 230 biểu diễn tiết mục “Sư đoàn ta 367 anh hùng”

Một là: về việc thâm nhập thực tế sáng tác

 Nghệ thuật là phản ánh thế giới khách quan xung quanh ta, phản ảnh hiện thực cuộc sống. Hiện thực đó là mảnh đất giàu tiềm năng cho những tìm tòi, sáng tạo của văn nghệ sĩ để tiếp tục xây đắp một nền văn học, nghệ thuật ngày càng lớn mạnh với những tác giả, tác phẩm có tầm vóc xứng đáng với dân tộc. Văn nghệ sĩ không thâm nhập, trải nghiệm cuộc sống của chiến sĩ với tình cảm và sự nhiệt huyết cao nhất thì không thể phản ảnh chân thực, nói lên được tâm tư nguyện vọng, ước mơ hoài bảo của họ; có thâm nhập thực tế mới hiểu nhiều, hiểu sâu về đối tượng, để rồi cảm xúc, sự đồng cảm nhân lên cao hơn, mới thể hiện trách nhiệm của người nghệ sĩ trong sáng tác và quảng bá tác phẩm. Trong hai cuộc kháng chiến, Đảng và Nhà nước ta đã có những đợt đưa văn nghệ sĩ thâm nhập thực tế ở các chiến trường, ở cung đường Trường Sơn, ở các vùng mỏ, các Nông trường, các Xí nghiệp,… Các văn nghệ sĩ nổi tiếng nước ta có những tác phẩm để đời đều có tham gia những đợt như thế.

Thời chiến hay thời bình, đến với bộ đội, dù hải, lục hay phòng không- không quân thì khi đã khoác lên mình màu áo quân nhân đều mang trái tim Bộ đội Cụ Hồ. Có thâm nhập mới thấy được sự khó khăn, cống hiến, hy sinh thầm lặng của cán bộ chiến sĩ trong đêm sương gió lạnh nơi biên thùy vắng vẻ hay hải đảo xa xôi… tất cả đều tự hào kiêu hãnh, mới thấu hiểu nhiệm vụ các anh là chiến đấu, công việc các anh là sự dâng hiến tuổi thanh xuân của mình cho bình yên Tổ quốc, sẵn sàng hy sinh vì chủ quyền Tổ quốc và các anh chính là bức tường thành vững chắc, bất khả xâm phạm.

Đồng thời, thấu hiểu đằng sau người lính là những thiếu thốn về tinh thần. Vợ chồng xa cách, thiếu những bữa cơm gia đình quay quần bên nhau, không được gần gũi chăm sóc cha mẹ khi già yếu, ốm đau và không phải không có những hệ lụy vì thiếu đi sự dạy bảo của người cha của những đứa con của người lính. Dẫu thế, nhưng trên hết, tình yêu quê hương đất nước, lòng tuyệt đối trung thành đối với chế độ, với Đảng, với Nhân dân, lòng quả cảm, thủy chung, thắm thiết tình đồng đội, đoàn kết bên nhau rèn luyện kỷ luật nghiêm, đã thôi thúc họ vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, luôn luôn sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc thân yêu. Có thâm nhập, có đến với bộ đội mới nghe được những mẩu chuyện đầy chất hào hùng, những hoạt động, cống hiến ngày đêm của cán bộ, chiến sĩ bao thế hệ đã viết tiếp nên trang sử vẻ vang trong bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Không thâm nhập, không thể thấy rõ, thấm sâu những điều này.

Đến đây, tôi nhớ đến lời của một sĩ quan trẻ Lữ đoàn tàu ngầm 189 khi tôi nói đến sự dâng hiến đáng trân quý của các cán bộ chiến sĩ tuổi thanh xuân, cháu nói “Đó là vinh dự của tụi cháu, nếu ai cũng tiếc tuổi 20 thì lấy ai bảo vệ Tổ quốc?” và nhất là lời của Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết khi đi thăm cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Trường Sa, đ/c đã nói: “Tôi định đến thăm và động viên giáo dục bộ đội nhưng không ngờ bộ đội lại giáo dục tôi”.

Hai là:  TÂM THẾ thực hiện trách nhiệm của văn nghệ sĩ (VNS)

Nếu Văn nghệ sĩ chúng ta có suy nghĩ mình sáng tác “cho” bộ đội, mình “xuống” vùng biên giới, biển, đảo tìm cảm hứng để sáng tác nên những tác phẩm hay, giúp mình nổi tiếng bằng tâm thế người trên trước,… có thái độ “ban ơn” cho cán bộ chiến sĩ nơi mình đặt chân tới… thì không đúng! Tâm thế đó khiến cho tác phẩm của chúng ta không còn sự thiêng liêng của máu, mồ hôi của lớp lớp người đi trước và hiện tại, tương lai luôn sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc để giữ độc lập chủ quyền, sự hình yên, hạnh phúc ấm no cho nhân dân; với tâm thế đó, chúng ta sẽ không nhìn thấy vẻ đẹp thực sự, của cảnh quan sáng – xanh - sạch - đẹp…của doanh trại, của nền nếp chính quy hiện đại, sự rèn luyện, ý chí kiên cường bất khuất của chiến sĩ trẻ cống hiến ngày đêm,… Và, khi thưởng thức tác phẩm của chúng ta, công chúng sẽ chẳng có cảm xúc gì, chỉ là những số liệu khô khan trong các bản báo cáo tổng hợp, chẳng gợi mở, thôi thúc gì trong tâm hồn công chúng, nhất là cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.

Ngược lại, nếu ta nhớ rằng để có độc lập, thống nhất đất nước và chủ quyền biên giới, biển, đảo và khi ta đang sống hưởng thụ nền hòa bình độc lập hôm nay đã đánh đổi biết bao máu, nước mắt và mồ hôi của quân và dân ta, của bao thế hệ bộ đội Cụ Hồ, của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, một Quân đội không bao giờ đầu hàng bất cứ ai và sức mạnh, ý chí, tình cảm dân tộc Việt Nam không thể phá vỡ mà luôn mãi trường tồn,… thì chính lúc đó sẽ thăng hoa những giai điệu hào hùng khó tả, giai điệu mạnh mẽ thúc giục quân và dân ta đứng lên bảo vệ Tổ quốc, ngợi ca Đảng, đất nước, Bác Hồ, Quân đội anh hùng, người chiến sĩ quả cảm với ý chí mạnh mẽ, khát khao cống hiến sẵn sàng hy sinh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; mỗi bài hát sẽ là bài học lớn giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên, mỗi giai điệu có thể kết nối mọi ngàn trái tim của những người yêu nước, yêu độc lập tự do.

Có như thế thì ta “về” với biên giới, biển, đảo chứ không phải ta “xuống”… Lòng ta sẽ luôn trào dâng cảm xúc, trái tim ta thôi thúc phải sáng tác và sáng tác nên tác phẩm thật hay để trả nợ ân tình với cán bộ chiến sĩ, với lực lượng vũ trang, với biên giới, với biển, đảo quê hương và là trách nhiệm chứ không phải “cho, hay “ban phát”,… Tôi tin, trong tác phẩm của chúng ta sẽ có tâm, có, hồn,… khiến người thưởng thức trào dâng cảm xúc, đồng cảm cùng tác giả, thêm tin yêu cuộc sống, gắn bó và tự hào với quê hương Tổ quốc mình!             

 Ba là: Lực lượng sáng tác và quảng bá tác phẩm chính tại các đơn vị quân đội.

Thực hiện Chỉ thị 143/CT-TCCT ngày 12/5/1992 của Tổng cục Chính trị về tiến hành Cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hoá tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong Quân đội” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, ngoài việc liên kết với các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, các trung tâm Văn hóa địa phương, các hội chuyên ngành trung ương, hội VHNT tỉnh, thành tổ chức thâm nhập thực tế sáng tác và biểu diễn giới thiệu tác phẩm hoặc chương trình ca múc nhạc phục vụ đời sống tinh thần cán bộ, chiến sĩ, hay triển lãm hoặc in ấn phát hành phổ biến các xuất bản phẩm. Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đều rất quan tâm đến hoạt động sáng tác và quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật ngay ngay trong cơ quan, đơn vị mình với các hình thức như liên hoan, hội thi, giao lưu, in ấn xuất bản phổ biến tác phẩm và có lực lượng sáng tác không chuyên. Ở Vùng 4 Hải quân thuộc Căn cứ Quân sự Cam Ranh, Sư đoàn bộ binh 5 và rất nhiều đơn vị khác đều có lực lượng này, phong trào sáng tác và biểu diễn văn nghệ quần chúng rất mạnh, chất lượng, sôi nổi. 15 đơn vị trực thuộc Vùng đều có bài hát về truyền thống của đơn vị do chính cán bộ chiến sĩ Vùng 4 sáng tác như Điệp khúc tiểu đoàn 455; 682 Khúc hát tự hào, Hành khúc Lữ đoàn 162, Khúc hát tự hào tiểu đoàn 1 Công binh, 719 vững bước đi lên, Điệp khúc tiểu đoàn 955, Hành khúc Lữ đoàn 685,...; giá trị ở chỗ nội dung bài hát mộc mạc nhưng thể hiện đạm nét tâm tư tình cảm của chính cán bộ, chiến sĩ, của bộ đội Cụ Hồ trong thời bình, góp phần đẩy mạnh phong trào văn hoá văn nghệ cơ sở. Vì vậy, đưa văn hoá nghệ thuật (VHNT) vào các đơn vị lực lượng vũ trang, đồng thời đẩy mạnh phong trào VHNT và nâng cao chất lượng các hoạt động ấy, chủ yếu là lực lượng tại chỗ là việc làm thường xuyên, rất cần thiết.

Và để có lực lượng này với chất lượng hoạt động ngày càng nâng cao, trở thành hoạt động thường xuyên đáp ứng ngày càng nhiều, càng tốt hơn đời sống tinh thần của cán bộ chiến sĩ thì theo chúng tôi:

Trước tiên là yếu tố con người, cần tổ chức thường xuyên và nâng cao chất lượng hoạt động các cuộc thi sáng tác, liên hoan, hội thi ca múa nhạc,... qua đó phát hiện những năng khiếu văn học nghệ thuật từ các hạt nhân phong trào, làm cơ sở mở các lớp tập huấn, đào tạo về sáng tác, biểu diễn lĩnh vực âm nhạc, múa, biên đạo, biên tập, dàn dựng chương trình,...và quản lý văn hóa văn nghệ. Ở đây, cần nhất vai trò chỉ đạo của Tổng cục Chính trị, trách nhiệm, tâm huyết của cán bộ chủ trì từng cơ quan, đơn vị trong toàn quân.

Tiếp theo là kinh phí, đây là điều cực kỳ quan trọng vì không có hoặc có mà ít thì không thể có phong trào mạnh, đây là vai trò của Chính phủ và Quốc hội về phân bổ kinh phí, hiện nay tổng chi cho lĩnh vực văn hóa cả nước chỉ chiếm tỉ lệ 1,8 %, khoa học công nghệ là 2% trong tổng chi ngân sách cả nước trong khi quan điểm của Đảng và Nhà nước về văn hóa là “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” (Chủ tịch Hồ Chí Minh), “đặc biệt chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ làm công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật và đổi mới chính sách đãi ngộ, sử dụng đối với đội ngũ văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa. Tôn vinh tài năng và cống hiến của họ cho sự phát triển văn hóa nước nhà” (phát biểu của đ/c Tổng Bí thư tại hội nghị Văn hóa toàn quốc vào ngày 24/11/2021), “Văn học, nghệ thuật phải phát triển ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội (phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với lãnh đạo Liên hiệp các Hội VHNT VN ngày 12/12/2021). Theo tôi, sắp tới ngành Văn hóa cần tích cực tham mưu để Chính phủ trình Quốc hội nâng tỉ lệ từ 1,8 hiện nay tặng lên chí ít cũng chiếm 2% tổng chi ngân sách cả nước để góp phần đẩy mạnh văn hóa cơ sở, hoạt động sáng tạo, quảng bá và lý luận phê bình VHNT.

Có như thế mới tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” và Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước./.

Bạn đang đọc bài viết "Văn nghệ sĩ Tây Ninh với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn