Theo PGS.TS Bác sĩ Võ Tường Kha: Lĩnh vực khám chữa bệnh cơ- xương- khớp và y học thể thao có thể coi là hàng đầu nhưng lĩnh vực chuyên ngành tim mạch chúng tôi còn non trẻ, trong khi các bạn (Bệnh viện Tim) là tuyến đầu về tim mạch. Chúng tôi mong các bạn đỡ đầu lĩnh vực chuyên khoa tim mạch để phát triển. Trước hết là lập đường dây nóng, khám chữa bệnh tư vấn trực tuyến giữa hai bệnh viện, tiếp theo là các bạn đặt 01 phòng khám chuyên khám chuyên khoa tim mạch tại Bệnh viện Thể thao Việt Nam, thứ đến là các bạn tổ chức đào tạo, chuyển giao, nghiên cứu áp dụng các kỹ thuật khám chữa bệnh tim mạch không can thiệp tại bệnh viện chúng tôi. Coi Bệnh viện Thể thao Việt Nam là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Tim Hà Nội- PGS.TS Bác sĩ Võ Tường Kha đề xuất.
PGS.TS Bác sĩ Nguyễn Sinh Hiền chia sẻ: Chúng tôi rất vui khi hôm nay đến Bệnh viện Thể thao làm việc. Với phương châm làm được gì nói như thế, nói đi đôi với làm, về tim mạch chúng tôi giúp được gì chúng tôi sẽ giúp. Bệnh viện Tim đã thành lập được 20 năm, đã tự chủ về chi thường xuyên và nhân sự. Hiện tại bệnh viện có 730 nhân viên, doanh thu 1 năm khoảng 1300-1400 tỷ đồng. Năm nay gặp rất nhiều khó khăn vì vướng quy định về đấu thầu. Về mặt chuyên môn, trong nhiều năm, chúng tôi là đơn vị mổ nhiều nhất cả nước. Về tim mạch can thiệp, chỉ sau bệnh viện Bạch Mai. Lượng bệnh nhân khám khoảng xấp xỉ 2000 ca/ 1 ngày. 2 cơ sở bệnh viện rất chật, trên cơ sở 1 ở Trần Hưng Đạo chỉ có 2500 mét vuông, cơ sở 2 ở Võ Chí Công 7500 mét vuông. Tất cả các bệnh lý về tim mạch trên thế giới mổ được chúng tôi đều mổ. Bệnh viện Tim có đầy đủ chuyên khoa về tim mạch: Nhi khoa, lão khoa, phẫu thuật, hồi sức… Chúng tôi là cơ sở đào tạo cho nhiều trường Đại học: Đại học Y Hà Nội, Học viện Quân y, Y Quốc Gia, các trường Cao đẳng Y…Chúng tôi là bệnh viện tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật, luôn luôn giúp đỡ các đơn vị bạn, hợp tác giúp đỡ. Chúng tôi đón các đoàn quốc tế, mới tuần trước đón 1 giáo sư người Pháp, ông khen, sang Việt Nam được học rất nhiều kỹ thuật…
Năm 2003, SEA Games được tổ chức tại Việt Nam, Bệnh viện Thể thao Việt Nam được xây dựng để phục vụ cho sự kiện thể thao lớn nhất Đông Nam Á này. Ngày 10/5/2007, Bệnh viện Thể thao Việt Nam được khánh thành và đi vào hoạt động đồng bộ đánh dấu chính thức một chặng đường xây dựng và trưởng thành. Giai đoạn 2007-2016, bệnh viện tập trung vào sắp xếp, điều trị, kiện toàn tổ chức, đội ngũ nhân lực, cơ chế, quy chế hoạt động. Vai trò lãnh đạo ở giai đoạn này là Ban Giám đốc, đứng đầu là GS.TS bác sĩ, Nhà giáo Nhân dân Lê Quý Phượng và Thầy thuốc Ưu tú, bác sĩ Nguyễn Văn Quang.
Trong giai đoạn này, mặc dù gặp nhiều khó khăn, hạn chế về cơ sở hạ tầng, cơ chế quản lý, đội ngũ tổ chức nhưng với quyết tâm cao của tập thể Ban lãnh đạo, cán bộ, nhân viên, Bệnh viện Thể thao Việt Nam đã từng bước hình thành nên vóc dáng của một bệnh viện đa khoa hạng 2 với đầy đủ cơ cấu tổ chức. Bệnh viện tập trung phát triển những mũi nhọn như chuyên môn Cơ, xương, khớp, y học thể thao. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng chú trọng đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo. Công tác đối ngoại và hợp tác trong nước không ngừng được mở rộng với các đối tác trong nước và quốc tế như: Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện 108, Bệnh viện 103, Bệnh viện 198, Bệnh viện Saint Joseph (Cộng hòa Liên bang Đức), các tập đoàn kinh tế của Singapore, Bệnh viện Hoàng gia Thái Lan…
Công tác Đảng, công tác phong trào, công đoàn, Đoàn thanh niên… giai đoạn này nhiều dấu ấn, thường đại diện cho Tổng cục Thể thao tham gia các phong trào. Tiếp nối thành quả 2007-2016, giai đoạn 2017-2022 một đội ngũ lãnh đạo mới được hình thành dưới sự lãnh đạo của PGS.TS bác sĩ Võ Tường Kha cùng với tập thể Ban giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam đã từng bước khắc phục về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị với nguồn lực khám chữa bệnh. Bệnh viện đã phối hợp với Ban quản lý dự án miền Bắc hòan thiện đề án, phương án đầu tư trung hạn 2020-2025 với tổng mức đầu tư 330 tỷ đồng. Bệnh viện đã kiện toàn, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực. Giai đoạn này, bệnh viện đã tuyển được 32 chỉ tiêu biên chế mà trước đó chưa thực hiện được. Công tác quảng bá, truyền thông trong việc tổ chức, tư vấn, khám chữa bệnh cho mọi đối tượng, với chuyên sâu về cơ- xương- khớp và y học thể thao được tăng cường. Các kỹ thuật thế mạnh hiện có được củng cố và phát triển thêm nhiều kỹ thuật mới như phẫu thuật nội soi, tái tạo dây chằng chéo trước- dây chằng chéo sau, phẫu thuật thay khớp, tạo hình sụn trên khớp gối, kỹ thuật tiêm huyết tương giàu tiểu cầu…Bệnh viện cũng hoàn thiện thủ tục mở rộng thêm danh mục kỹ thuật về sản phụ khoa, da liễu, phẫu thuật thẩm mỹ. Giai đoạn này, bệnh viện đẩy mạnh xây dựng và trình đề án y học thể thao trong toàn ngành và chủ động mở rộng phạm vi hoạt động. Để từng bước hình thành, xây dựng mạng lưới y học thể thao, bệnh viện đã thành lập chi hội hội sinh lý học thể dục thể thao trực thuộc hội sinh học Việt Nam với hơn 100 hội viên là các nhà khoa học y học, y học thể thao, dược học, huấn luyện thể thao từ 3 miền đất nước. Bệnh viện cũng phối hợp với trường Đại học Y Dược- Đại học Quốc gia Hà Nội thành lập bộ môn y học thể thao đào tạo bác sĩ thể thao phục vụ cho hệ thống y học nước nhà. Qua 15 năm hoạt động, bệnh viện đã khám điều trị gần 550 nghìn lượt bệnh nhân, phẫu thuật cho 378 vận động viên, trong số đó có nhiều vận động viên được phục hồi hoàn toàn và trở lại thi đấu 100% phong độ.
Công tác nghiên cứu khoa học luôn được coi trọng, nhằm đưa các tiến bộ khoa học vào công tác chuyên môn khám chữa bệnh. Bệnh viện đã tham gia 2 đề tài khoa học cấp Nhà nước, 5 đề tài cấp Bộ, 81 đề tài cấp cơ sở. bệnh viện đã cử hàng trăm lượt cán bộ đi đào tạo ngắn hạn, trung hạn, dài hạn về chính trị, ngoại ngữ và chuyên môn khoa học kỹ thuật. Đến nay bệnh viện có 1 PGS, 3 Tiến sỹ, 5 bác sỹ CK2, 10 thạc sỹ, 15 bác sỹ CK1.
Công tác xã hội đền ơn đáp nghĩa là là một trong những thế mạnh của bệnh viện: Hiến máu tình nguyện, thiện nguyện ở các vùng sâu vùng xa. Dịch Covid-19, bệnh viện đã chi viện cho Thành phố Hồ Chí Minh (quận 8), Hà Nội trong công tác phòng chống dịch. Bệnh viện vừa đảm bảo công tác khám chữa bệnh, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch. Trong SEA Games 31, Bệnh viện Thể thao Việt Nam cùng với Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai và các bệnh viện trung ương được coi là đầu tầu trong việc cung cấp chuyên gia, tri thức, kinh nghiệm vào tiểu ban y tế và kiểm tra doping. Phục vụ cho công tác tham mưu, hướng dẫn, đảm bảo an toàn y tế, an toàn phòng chống dịch cho các hoạt động sự kiện SEA Games 31 thành công. Trên chặng đường sắp tới, Bệnh viện Thể thao Việt Nam tiếp tục huy động và sử dụng hợp lý các nguồn lực của nhà nước và xã hội để tăng cường năng lực hoạt động nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện.
Trong khi đó, Bệnh viện Tim Hà Nội là đầu tầu trong trong đào tạo, chuyển giao kỹ thuật tim mạch, hỗ trợ trung ương đào tạo tuyến dưới tại Hà Nội. Bệnh viện Tim Hà Nội đã nỗ lực rất lớn, được Bộ Y tế công nhận là bệnh viện hạt nhân, bệnh viện tuyến cuối.
Với tinh thần tương thân tương ái, mỗi năm bệnh viện phẫu thuật và can thiệp tim mạch miễn phí cho 350-400 bệnh nhân, khám sàng lọc tim bẩm sinh miễn phí cho 30000-40000 bệnh nhân, khám bệnh miễn phí cho 8000-10000 đối tượng chính sách. Trong những năm tiếp theo, bệnh viện sẽ tiếp nối những hoạt động tích cực để khẳng định trách nhiệm xã hội. Bệnh viện đã nhận những huân chương, bằng khen cao quý của Chính phủ, Bộ, Ban, Ngành trong nhiều năm. Với tiêu chí: Thân thiện- Thuận tiện- Thanh lịch, bệnh viện Tim Hà Nội không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ, khẳng định uy tín được người bệnh và giới Y khoa đánh giá cao. Tất cả vì người bệnh, tất cả vì cộng đồng, tất cả vì sự phát triển chuyên ngành Tim mạch trong toàn quốc. với 20 năm hình thành và phát triển, bệnh viện Tim Hà Nội đã vững vàng trên hành trình trở thành viện, trường Tim mạch hàng đầu, là nơi gửi gắm sự tin yêu của người bệnh thủ đô và cả nước.