Khánh Hòa hợp tác với Ấn Độ phát huy giá trị văn hóa du lịch tâm linh

Ngày 19/6, tại thành phố Nha Trang, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Phát huy giá trị văn hóa du lịch tâm linh ở Khánh Hòa trong việc hợp tác với Ấn Độ” với sự tham dự của các đại biểu từ Ấn Độ và các nhà quản lý, nhà khoa học, quý hòa thượng trong và ngoài nước tham dự.

Chú thích ảnh Quang cảnh hội thảo.

 

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh, đây là hoạt động chào mừng sự kiện 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước Việt Nam - Ấn Độ (1972 -2022), tăng cường mối quan hệ, hiểu biết sâu sắc hơn về văn hóa đất nước Việt Nam nói chung, văn hóa và con người Khánh Hòa nói riêng giữa Việt Nam và Ấn Độ.

Tại hội thảo, đại diện các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã giới thiệu những tiềm năng, giá trị văn hóa du lịch tâm linh của địa phương có khả năng hợp tác với Ấn Độ; qua đó đề xuất những giải pháp nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, nhất là văn hóa du lịch tâm linh giữa hai nước Việt Nam - Ấn Độ từng bước xây dựng và phát triển “Tiềm năng con đường di sản văn hóa miền Trung - Khánh Hòa điểm đến - kết nối với Thế giới cần đánh thức”.    

Ông Pranay Verma, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam cho rằng, du lịch của hai nước Ấn Độ - Việt Nam đang trong giai đoạn khởi sắc, có bước tiến lớn sau đại dịch COVID-19. Cả hai nước đang tiến hành nhiều chương trình xúc tiến, quảng bá đẩy mạnh du lịch. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của hai nước, trong đó Việt Nam là đất nước hiện đang nổi lên với nhiều điểm đến du lịch hấp dẫn cho khách quốc tế; cả hai quốc gia Ấn Độ - Việt Nam đã có mối giao kết, có các đường bay thẳng là tiền đề thuận lợi cho việc xúc tiến, quảng bá, du lịch giữa hai nước.

“Ấn Độ cũng mời gọi du khách Việt Nam đến đất nước của chúng tôi với mảng du lịch tâm lịch, nơi có 4 địa điểm nổi tiếng với cuộc đời của đức Phật; trong khi đó văn hóa Chăm Pa ở Việt Nam cũng có nét đặc sắc cũng rất thu hút sự quan tâm của người dân Ấn Độ…”, ông Pranay Verma nói.

Chú thích ảnh Ông Pranay Verma, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Ông Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo tồn Di sản Văn hóa và Du lịch Tâm linh Khánh Hòa giới thiệu với hội thảo về tiềm năng giá trị di sản văn hóa Khánh Hòa trong việc hợp tác với Ấn Độ bằng những hình ảnh cụ thể về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên và các địa điểm du lịch nổi tiếng, các giá trị nhân văn tôn giáo - tín ngưỡng của tỉnh. Qua đó làm rõ nét các bản sắc văn hóa đặc trưng của Khánh Hòa, như: lễ hội tháp bà Ponaga; lễ hội Am Chúa;  lễ hội đình làng; lễ hội cầu ngư; lễ hội yến sào; văn hóa tâm linh của các dân tộc thiểu số Raglai, Ê đê...

Với tiêu đề: "Phật giáo Ấn Độ truyền thừa đến Việt Nam và dung hòa với văn hóa tín ngưỡng dân gian bản địa"", Thượng tọa Thích Huệ Pháp nêu rõ: Phật giáo là một tôn giáo lớn, một hệ tư tưởng triết học sâu sắc và có tính hệ thống, nhưng Phật giáo cũng rất gần gũi, có phần bình dân, phù hợp với nền tảng đạo đức, văn hóa của người Việt Nam. Trong lịch sử phát triển của đất nước, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc và có vai trò quan trọng không chỉ trong đường lối đối nội, đối ngoại trong nhiều triều đại phong kiến mà còn tạo ra cho người Việt một đời sống tâm linh sâu sắc và hướng thiện, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho Phật tử và người dân.

Còn Đại đức Thích Hiền Đăng, Tiến sĩ Phật học tại Trường Acharya Nagarjuna University, Ấn Độ với bài tham luận “Văn hóa Phật giáo Ấn độ trong việc du lịch tâm linh hiện nay” cũng nhận định những kiến trúc Phật giáo đã đóng góp một giá trị tâm linh tôn giáo lớn cho Ấn Độ nói chung và toàn cầu nói riêng. Những kiến trúc trên đóng góp vai trò lớn trong việc phát triển  du lịch tâm linh giữa hai nước Việt - Ấn. “Khánh Hòa theo chúng tôi là một vùng đất có tiềm năng về du lịch tâm linh và đã có những bước hợp tác, phát triển du lịch với Ấn Độ về mặt này”, Đại đức Thích Hiền Đăng nói.    

Ngoài ra, hội thảo còn tập trung giới thiệu các chủ đề: Tổng quan Di sản Văn hóa Khánh Hòa với phát triển du lịch tâm linh Khánh Hòa - Ấn Độ; tính tương đồng trong văn hóa Phật giáo Ấn Độ - Việt Nam; Du lịch Văn hóa Tâm linh - Tiềm năng con đường di sản văn hóa Miền Trung - Khánh Hòa kết nối với thế giới cần đánh thức. Đặc biệt, là phần trình bày của chuyên gia Ấn Độ - Giám đốc điều hành Công ty Tour Box du lịch, giới thiệu các tiềm năng - điểm đến văn hóa du lịch tâm linh Ấn Độ.