Hưởng ứng “Ngày thế giới phòng chống ma túy” và “Ngày toàn dân phòng chống ma túy” ở Việt Nam (26/6): Bài 1- Hiểm họa chung của toàn nhân loại

Vũ Xuân Bân

25/06/2023 06:07

Theo dõi trên

 Ngày 26/6 hàng năm là “Ngày thế giới phòng chống ma túy” và cũng là “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy” ở Việt Nam. Đây là dịp chúng ta nhìn nhận và nêu cao nhận thức của mọi người trong phòng, chống và đấu tranh đẩy lùi tệ nạn ma túy. Tội phạm và tệ nạn ma túy luôn là mối quan tâm sâu sắc của toàn xã hội.

Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) đã  ghi nhận, đánh giá cao những cam kết và nỗ lực lâu dài của Chính phủ Việt Nam trong giảm cầu sử dụng ma túy và phòng, chống HIV cho người sử dụng ma túy và trong các cơ sở giam giữ. Những nỗ lực gồm: Giải quyết các vấn đề sức khỏe liên quan đến ma túy, trong đó có mở rộng mạng lưới chương trình điều trị thay thế chất dạng thuốc phiện, phân phối bơm kim tiêm và các dịch vụ y tế quan trọng khác cho người sử dụng ma túy trên khắp cả nước.

b1pcmt2023-1687599960.png
 

Bài 1: Hiểm họa chung của toàn nhân loại

Ma túy là một chất gây nghiện có tác hại vô cùng to lớn với con người. Nó đã trở thành một vấn nạn và hiểm họa chung của toàn nhân loại. Việc nghiện hút ma túy đã khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh đổ vỡ và bần cùng hóa. Có nhiều trường hợp người nghiện hút ma túy đánh đập vợ con, bất hiếu với cha mẹ, gây mâu thuẫn với người khác, thậm chí có các hành động trộm cắp, lừa đảo, giết người để thỏa mãn cơn nghiện. Tệ nạn ma túy cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều hoạt động của xã hội.  Khi số lượng người nghiện ma túy ngày càng tăng, các chi phí cho phúc lợi xã hội cũng phải tăng theo để đáp ứng nhu cầu chữa bệnh, cai nghiện cho người nghiện ma túy… Đồng thời, ma túy còn tác động nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội, làm gia tăng nhiều tệ nạn và các tội phạm về ma túy, đặc biệt đã gây khó khăn cho các lực lượng chức năng và trong công tác bảo vệ và ngăn ngừa ma túy. Không chỉ vậy, ma túy còn là một trong những nguyên nhân làm bùng nổ số lượng người nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS tạo nên nỗi lo lớn cho xã hội.

Số liệu từ Báo cáo Tình hình Ma túy Thế giới năm 2021 của Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) đã chỉ rõ: Năm 2020 trên thế giới có 275 triệu sử dụng ma tuý, trong đó hơn 36 triệu người mắc các chứng rối loạn do sử dụng ma túy. Các vụ bắt giữ liên quan đến ma túy cũng đã tăng mạnh trong 10 năm qua, đặc biệt là trong khu vực Châu Á, Thái Bình Dương.

Chính bởi những hệ lụy khôn lường của ma túy, vào ngày 26/6/1988, Liên hợp quốc cùng với Ủy ban các tổ chức phi chính phủ về vấn đề phòng chống ma túy đã phối hợp với phòng thông tin Liên hợp quốc tổ chức buổi tuyên truyền về tác hại của ma túy và các hoạt động phòng chống ma túy. Và từ đó ngày 26/6 hàng năm đã được Liên hợp quốc lấy làm ngày phòng chống ma túy. Ngày thế giới phòng chống ma túy có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc đấu tranh phòng chống hiểm họa ma túy trên toàn thế giới. Vào ngày này hầu hết các quốc gia đều tổ chức phát động, tuyên truyền tác hại của ma túy, bài trừ ma túy và kêu gọi mọi người tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống ma túy.

Còn đối với Việt Nam, Báo cáo tóm tắt kết quả công tác phòng, chống ma túy năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 do Thiếu tướng Đặng Hồng Đức, Chánh Văn phòng Bộ Công an tại Hội nghị triển khai công tác phòng, chống ma túy năm 2023 tổ chức ngày 21/4, cho biết: Hiện, toàn quốc có hơn 196 nghìn người nghiện ma túy (giảm 9.071 người so năm 2021), trong đó hơn 97 nghìn người đang ở ngoài xã hội (chiếm 50%); gần 51 nghìn người sử dụng trái phép chất ma túy. Gần 15,4 nghìn người bị quản lý sau cai nghiện, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn và các tỉnh Tây Bắc, bắc Miền Trung.

Ngày 13/6/2001, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam cũng đã ban hành Quyết định số 93/2001/QĐ-TTg, lấy tháng sáu hàng năm là “Tháng hành động phòng, chống ma túy” và ngày 26/6 là “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy”. Mới đây nhất, vào ngày 14/2/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 89/QĐ-TTg kiện toàn Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm.Trong thời gian này, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các tỉnh, thành phố phát động toàn dân tham gia phòng, chống ma túy.

Cũng theo báo cáo của Bộ Công an, năm 2022, sau khi đại dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, tình hình ma túy trên thế giới; đặc biệt là tình trạng sản xuất, mua bán, vận chuyển và sử dụng trái phép ma túy tổng hợp ở khu vực Đông Nam Á với "điểm nóng" về ma túy là vùng Tam giác vàng diễn ra nghiêm trọng và có chiều hướng gia tăng. Đáng chú ý, thời gian gần đây một số quốc gia đã hợp pháp hóa các chất ma túy hoặc đang nghiên cứu, xem xét việc hợp pháp hóa cây cần sa vì mục đích y tế, tạo ra xu hướng đáng lo ngại, gây khó khăn, thách thức cho công tác phòng ngừa, ngăn chặn, kiểm soát ma túy tại các nước, trong đó có Việt Nam. Do nằm gần khu vực Tam giác vàng, cùng với vị trí địa lý thuận lợi về giao thông quốc tế (bằng cả đường bộ, đường hàng không và đường biển); Việt Nam chịu tác động lớn và ảnh hưởng trực tiếp từ tình hình tội phạm ma túy trên thế giới và khu vực. Thời gian qua, tình hình tội phạm ma túy ở nước ta có nhiều diễn biến phức tạp trên các tuyến và địa bàn trọng điểm.

(Còn nữa)

V.X.B