Hà Nội: Kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao tại xã Hòa Nam (Ứng Hòa)

Văn Bình - Phụng Thiên

06/10/2022 23:10

Theo dõi trên

Xã Hòa Nam nằm ở phía tây của huyện Ứng Hòa (Hà Nội), cách trung tâm thành phố Hà Nội chừng 50km. Xã có tổng diện tích tự nhiên 425,05 ha, phía Bắc giáp xã Hòa Xá cùng huyện; phía Đông giáp xã Vạn Thái và xã Hòa Lâm cùng huyện; phía Tây giáp Sông Đáy bên kia sông là huyện Mỹ Đức; phía Nam giáp xã Hòa Phú cùng huyện.

ung-hoa-hoa-nam-1664983349.jpg
Trụ sở UBND xã Hòa Nam. 

 

Xã có đường Quốc lộ 21B, đường tỉnh lộ 424 và đường thuỷ Sông Đáy chạy qua cùng hệ thống các đường giao thông liên xã, trục xã... được đầu tư xây dựng đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Xã có 03 thôn với 2.760 hộ, 11.325 nhân khẩu. Số người trong độ tuổi lao động của xã là 8.878 người (chiếm 78,4%). Xã có 2 tôn giáo chính là Phật Giáo và Công Giáo, có 1 xóm của thôn Đinh Xuyên theo đạo Công Giáo, có 3/3 làng đạt danh hiệu làng văn hoá và là xã đã về đích nông thôn mới năm 2018.

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2015 - 2019) và được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Thành phố Hà Nội, huyện Ứng Hòa; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hòa Nam đã chủ động, đoàn kết, tích cực, sáng tạo, phát huy những tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của địa phương để tập trung phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, kinh tế của xã phát triển khá, kinh tế thương mại dịch vụ đang dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, số hộ nghèo trên địa bàn xã giảm, số hộ giàu tăng lên hàng năm. Giá trị sản xuất năm 2021 đối với ngành nông nghiệp ước đạt 105,2 tỷ đồng; Giá trị sản xuất ngành Tiểu thủ công nghiệp - xây dựng ước đạt 178,5 tỷ đồng; Giá trị sản xuất ngành Thương mại và dịch vụ là 199,5 tỷ đồng.

ung-hoa-hoa-nam-2-1664983450.jpg
Xã Hòa Nam đón bằng công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao

Đối với công tác phát triển Công nghiệp - xây dựng, ngành nghề nông thôn, xã thường xuyên duy trì ngành nghề sẵn có tại địa phương: các mặt hàng chủ lực như chế biến lâm sản, sản xuất đồ gỗ, say xát, may, mặc công nghiệp bún, bánh, nón lá vv..., số lao động tham gia sản xuất TTCN tạo công ăn việc làm cho nhân dân lúc nông nhàn, tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình.

Kinh tế - xã hội nông thôn đã có bước phát triển khá, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được cải thiện và dần nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã năm 2021 ước đạt 60,2 triệu đồng/người/năm; Công tác đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn được UBND huyện quan tâm do đó tỷ lệ lao động qua đào tạo ngày một tăng; Công tác hỗ trợ cho các đối tượng chính sách và người nghèo được đảm bảo, không còn nhà dột nát, không còn hộ đói; Công tác y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên. Công tác vệ sinh môi trường nông thôn đã được chú trọng, tỷ lệ rác thải được thu gom xử lý trong ngày đạt 100% số hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Triển khai thực hiện tốt các quy hoạch đã được phê duyệt, tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là trong sản xuất trong nông nghiệp theo hướng phát triển Du lịch - sinh thái - làng nghề.

Các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư; đời sống tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao. An ninh trật tự, an toàn xã hội nông thôn được giữ vững, công tác quân sự quốc phòng địa phương được tăng cường, ổn định. Đến nay xã không còn nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.

Nhân dân đã tích cực tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, tổng dọn vệ sinh và trồng, duy tu cảnh quan ở các tuyến đường, tường rào, cổng ngõ và các điểm ở khu dân cư. Hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ, kinh tế tiếp tục tăng trưởng. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao. Giáo dục, y tế, văn hoá, an sinh xã hội được quan tâm. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Để nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã đạt được, xã Hòa Nam đề nghị Thành phố và huyện tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để nhân dân trong xã tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và các nguồn vốn hỗ trợ, nâng định mức cho vay để nhân dân đầu tư, ứng dụng công nghệ trong sản xuất. Có cơ chế để thu hút nguồn lao động qua đào tạo, nhất là với con em địa phương. Tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí để đầu tư nâng cao các tiêu chí về giao thông, cơ sở vật chất văn hóa và vệ sinh môi trường.

BÀI VIẾT VỚI SỰ HỖ TRỢ CỦA VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI NÔNG THÔN MỚI HÀ NỘI 

Bạn đang đọc bài viết "Hà Nội: Kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao tại xã Hòa Nam (Ứng Hòa)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn