Chuyện cô Dần -  Làng Đỏ

Đặng Sỹ Ngọc

24/05/2022 23:10

Theo dõi trên

Đầu năm Dần trên mạng Facebook có bài của tác giả Nguyễn Cúc viết về cô Dần, làng Đỏ ở câu lạc bộ Trái Tim Người Lính kể đầy đủ về thành tích chiến đấu công tác của cô Dần thời kháng chiến chống Mỹ và xây dựng quê hương sau ngày Thống Nhất Bắc Nam. Chỉ có một ý nhỏ là việc công nhận anh hùng cho cô Dần ấy.

Tôi là người được cư trú và hiểu biết cô dần từ ngày thống nhất Bắc Nam (30/04/1975) trên quê hương đến nay. Tôi đã đọc đi đọc lại bài viết rồi có bình luận cho bài đó rằng: “Cô vẫn chưa được tuyên dương”. Sau đó (Nick) của tác giả Nguyễn Cúc mất. Tôi không rõ lý do, tôi cứ tự băn khoăn. Nay viết lại đôi điều về cô Dần để mọi người được rõ.

co-dan-lang-do-1653408593.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

Đúng là cô Nguyễn Thị Hải Dần, sinh năm 1950 trên quê hương làng Đỏ. Một quê hương có truyền thống đấu tranh cách mạng đầy gian khổ, hi sinh và thắng lợi từ thời sinh nhật Đảng Cộng sản Việt Nam 1930-1931. Người ở xã Hưng Dũng nay là phường Hưng Dũng, thành phố Vinh, Nghệ An. Lập nên nhiều chiến công trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Trong đó có cô Nguyễn Thị Hải Dần, lúc 15 tuổi quê hương cô gái này đã bị đế quốc Mỹ tấn công bằng bom đạn vô cùng ác liệt. Ngày 05/08/1964 kho xăng trên quê hương cô bị Mỹ bắn cháy.

Khói đen phủ kín bầu trời thành phố Vinh và các huyện lân cận của hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Người chết, nhà cửa, làng xóm tan tành. Mới đầu cô Dần cũng sợ nhưng thấy nhiều người dân vẫn căm thù để chiến đấu. Nhất là bộ đội kịp về chống trả để bảo vệ nhân dân, bắn rơi được nhiều máy bay xâm lược. Cô dần đã giúp đỡ bộ đội cùng mọi người nên quên đi sự chết chóc. Cô càng gan dạ, bình tĩnh xử lý mọi tình huống mỗi khi có địch đến. Năm 1967, vừa đủ 17 tuổi cô đã được phân công phụ trách khẩu đội trưởng 12 ly 7. Cô đã cùng tiểu đội và khẩu súng cơ động liên tục để bảo vệ thành phố, quê hương. Thường trực ngày đêm, cơ động chiến đấu từ nhà ga, bến xe, bến phà, nhà máy và các mục tiêu quan trọng mỗi khi kẻ thù đến gây tội ác.

Một lần bộ đội Cao xạ bắn rơi chiếc máy bay A4 của địch. Tên phi công nhảy dù xuống Cồn Soi (bãi bồi giữa Sông Lam). Hắn đang gọi các tên giặc khác đến ứng cứu. Cô Dần không sợ mà thấy mừng, nhanh chóng đưa súng đến bờ đê bắn tích cực vào những máy bay thấp, chi viện cho bộ đội, dân quân bắt sóng tên giặc lái.

Qua nhiều trận chiến đấu cô Dần càng rắn rỏi, vững chắc hơn. Vậy mà ngày 28/04/968 sức ép của một quả bom làm cô bất tỉnh. Một mảnh bom nhỏ cắm vào vai. Cô được đồng đội đưa ngay vào viện. Vết thương vừa khô, cô vội xin về vị trí chiến đấu của mình.

Một lần khác địch cho nhiều máy bay (thần sấm, con ma) đến bắn phá nhà ga Vinh. Tiểu đội cô đã kịp thời đưa súng đến đó xiết cò, nhả đạn cùng bộ đội nhịp nhàng. Một chiếc F4 trúng đạn bốc cháy. Mọi người đều reo lên: Máy bay cháy rồi. Còn cô thì bám sát chiếc khác để nổ súng.

Nhờ chiến công cụ thể này cộng với các thành tích của toàn dân địa phương (vì miền Nam ruột thịt, thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người) xã Hưng Dũng được chính phủ công nhận xã anh hùng các lực lượng vũ trang năm 1971. Lúc này cô đã là phụ nữ trẻ nhanh nhẹn, cao ráo và đã góp công bắn rơi máy bay Mỹ. Tỉnh đội rồi quân khu đã cử cô ra báo cáo thành tích với trung ương. Cô được gặp Chủ tịch nước (Tôn Đức Thắng). Tiếp tục cô lại được ngoại giao cho cô sang Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa báo cáo thành tích chung của phụ nữ Việt Nam đã dũng cảm chiến đấu chống Mỹ lập công. Cô được gặp nhiều nhà lãnh đạo của các nước bạn bè trong đó có Bê ra giơ nép cùng nhiều người dân của Liên bang Cộng hòa Xô Viết.

Trong đợt báo cáo này có một chuyện nhỏ mà cô Dần không thể nào quên. Đó là có một người trong số người đón tiếp hỏi cô:

- Tại sao nữ dân quân không mang súng bên người.

Cô bình tĩnh trả lời:

- Đây là đất nước xã hội chủ nghĩa. Những người bạn lớn của Việt Nam đang giúp chúng tôi chống Mỹ. Sao lại phải mang súng? Và ở Việt Nam cũng đang cần súng để chiến đấu. Tôi phải để súng lại cho đồng đội.

Cuối cùng thì cuộc chiến đấu chống Mỹ của chúng ta đã chiến thắng. Kẻ xâm lược đã phải thua (Mỹ cút Ngụy nhào). Cùng với thời gian cô lại được nhân dân tin yêu, tập thể bầu cô nhận nhiệm vụ, trọng trách của địa phương như ủy viên thư ký Đảng Ủy, công an xã, xã đội, chủ tịch xã. Việc gì  đượck giao cô cũng hoàn thành. Tính ra cô còn cống hiến cho xã trên 20 năm nữa.

Năm 1997, cấp trên có cử cô đi học thêm lý luận nghiệp vụ. Tưởng có thể trở về vị trí lãnh đạo khác ở thành phố. Nhưng vừa học xong điều không may là người chồng thân yêu của cô bị tai nạn tại công trình xây dựng, để lại cho cô mẹ già và bốn đứa con thơ. Tuổi cô cũng không còn trẻ nữa. Cô phải nghỉ việc để chăm lo cho gia đình, nhường lại các vị trí cho tuổi trẻ, có sức khỏe, nghiệp vụ, trình độ tốt hơn.

Khi về với bà con thôn xóm, họ lại cử cô làm bí thư chi bộ, khối trưởng dân cư và chi hội trưởng cựu chiến binh. Vẫn công việc tập thể nhưng có thời gian cho gia đình. Chăm chỉ nuôi lợn, nuôi gà cải thiện đời sống, giúp các con học tập tiến bộ. Đến nay các con cô đã trưởng thành, mạnh khỏe, có công ăn việc làm và gia đình đầy đủ. Cô đã có 9 cháu nội ngoại và có chắt đầu tiên. Nhưng về sức khỏe thì cô lo hai bệnh chính đó là bệnh khớp và huyết áp không ổn định. Đi lại khó khăn.

Năm 2014, khi phường Hưng Dũng được công nhận tập thể anh hùng các lực lượng vũ trang thời kỳ đổi mới. Hội đồng thi đua khen thưởng của phường có họp và đề nghị cấp trên phong tặng cô Dần danh hiệu anh hùng nhưng chưa có hồi âm.

Trái tim người lính 

Bạn đang đọc bài viết "Chuyện cô Dần -  Làng Đỏ" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn