Níu “sợi dây” của đất trời

Bài, ảnh: Thu Thủy

12/10/2022 17:16

Theo dõi trên

Tạo hóa đã ban tặng cho con người món quà vô giá, đó là nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, trở thành cái nôi, là “sợi dây” gắn kết giữa con người với trời đất tạo nên sự sống bất tận.

Thế nhưng, bàn tay thô ráp và độc ác của không ít người đã và đang tàn phá khiến Mẹ thiên nhiên nổi giận, trừng phạt bằng vô vàn những cơn thịnh nộ. Ở một vùng quê nghèo, hẻo lánh ở Vĩnh Phúc có một người đảng viên già đã dành cả cuộc đời để tìm cách níu kéo, thắt chặt “sợi dây” của đất trời. Và dường như đã có phép màu giữa đời thường…

vu thi khiem

Phút thư nhàn bên rừng cây của bà Vũ Thị Khiêm

Đảng viên Vũ Thị Khiêm sinh ngày 15 tháng 6 năm 1942 tại xã Bình Ngọc, thị xã Móng Cái , tỉnh Quảng Ninh. Năm 1946, bà theo gia đình về vùng sông Lô – Vĩnh Phúc. Bà là vợ liệt sĩ. Cuộc đời của bà gắn bó với rừng cò do người cha đã dày công, tâm huyết khai khẩn bên cánh đồng Dừa. Nơi đây như một khu bảo tồn thiên nhiên, là di sản quý giá không chỉ lan tỏa ở Vĩnh Phúc. Người đảng viên năng động này từng là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hải Lựu, là Bí thư Chi bộ thôn Dừa Lẽ. Và đặc biệt, với những cống hiến của mình trong công tác bảo vệ môi trường, bà từng được vinh danh tại những hội nghị có tầm ảnh hưởng trong nước do Trung ương tổ chức như: Kỷ niệm Ngày môi trường Thế giới… cùng nhiều Bằng khen, Kỷ niệm chương của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Giải thưởng Môi trường năm 2002…

Kỳ 1: Duyên nợ với rừng

Gieo mầm lan tỏa

Bà đưa đôi bàn tay nhỏ bé chằng chịt vết nhăn của thời gian chỉ cho chúng tôi thấy cây chò có tuổi đời ngoài ba mươi năm trong khu rừng. Loài cây vươn sáng, kiêu hùng trước bão gió đang gượng dậy sau sự già nua và ra đi của cây mẹ. Khi nói đến cây cối trong khu rừng của mình, bà không bao giờ dùng từ chết, bà nói, chúng hóa kiếp về với tổ tiên. Bà bảo: “Cũng có lẽ, vì đó mà cây con này buồn đau rũ xuống. Vừa hôm qua thôi, đã có đoàn tới thăm, mọi người khuyên tôi nên chặt bán, khi nó chưa hoàn toàn chấm dứt sự sống, gỗ của nó sẽ cho hàng triệu đồng, giúp vơi bớt khó khăn của bà cháu”.

Hôm nay cũng thế, trong lúc trò chuyện, tôi vẫn nói, bà nên bán nó, vòng đời của cây cũng như đời người, đến lúc phải kết thúc, nhưng bà vẫn ái ngại. Cái dáng vẻ mỏng manh nhưng đầy quyết liệt và ánh mắt trùng xuống khi nghe điều đó, tôi hiểu, bà không muốn nó rời khỏi vòng tay. Điều gì đã khiến bà không thể rời bỏ “những đứa con” của mình trong mọi hoàn cảnh, câu hỏi đó cứ quẩn quanh, như một sức hút kỳ lạ khi chúng tôi tới thăm bà.

Nói là vườn, nhưng cũng có lẽ không phải, bởi giờ đây, màu xanh ngút ngàn, hàng vô số loài cây to lớn, rậm rạp đã biến nơi đây trở thành khu rừng, có những cây tuổi đời gần trăm năm, và điều kỳ diệu hơn, ngày ngày, dưới những tán cây xanh, đàn cò trời đã về trú ngụ và sinh sôi nảy nở. Bên bờ sông Lô thuộc xã Hải Lựu, xen giữa những nhà cao tầng, biệt thự đang lớp lớp mọc lên thì có một khu “bảo tồn” thiên nhiên rất thú vị, điểm tham quan trải nghiệm cho du khách, cho học sinh.

Rộng chừng 5 héc ta, cánh rừng này là nơi trời đất gieo những "hạt mầm" quý cho thiên nhiên, nào là trám, chò, dổi, lát, sưa, chẹt, thừng mực, xoan, nhãn, tre, trúc, mít… bạt ngàn đan xen, thấm đẫm những giọt mồ hôi đắng cay, ngọt bùi của gia đình bà Khiêm. Nói đến cây nào là bà lại kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về cuộc đời của nó, như là khi gặp bão bùng, gặp nắng hạn hay tới ngày thay lá… chúng cũng gồng mình chống chọi và đi cùng năm tháng với mỗi thành viên trong gia đình bà.

Bao năm qua, cây rừng luôn sinh sôi, nảy nở và không bao giờ bị đốn hạ, bị bán đi. Điều đáng nói là nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương, hàng cây số cọc bê tông, dây thép gai đã được đầu tư bao kín khu rừng làm cho mấy bà cháu cảm thấy an lòng hơn. Cũng chính từ những việc làm của bà đã có sức "cảm hóa", thu hút sự đồng lòng của người dân trong vùng, họ trở thành những người đồng hành, hỗ trợ đắc lực để cùng bà giữ rừng, bảo vệ đàn cò.

Trong câu chuyện với chúng tôi, bà không nhớ hết có bao nhiêu cơ quan báo chí địa phương và Trung ương đã nhiều lần về đây, bà trở thành một nhân vật của giới truyền thông với nhiều câu chuyện phác họa cuộc đời bà, về cánh rừng, về đàn cò, về một tình yêu mãnh liệt với thiên nhiên, cây cỏ của người phụ nữ bé nhỏ, can trường. Một con người trong sáng như chính hành động và cũng đẹp như chính khu rừng bà đang có.

Vượt bão táp, phong ba

Bà Vũ Thị Khiêm nhớ lại buổi sơ khai, khi ấy, thực dân Pháp xâm lược, chiến tranh đau thương khiến bà phải theo cha mẹ tản cư từ Quảng Ninh phiêu dạt về thôn Dừa Lẽ (bây giờ gọi là thôn Đồng Dừa) vùng Sông Lô (Vĩnh Phúc). Về đây, dựa vào nhau mà sống, việc buôn bán trên vùng đất mới của người cha không đủ trang trải cho gia đình. Vùng đất hoang hóa này chỉ có lau lách khô cằn, nhưng người cha quyết bỏ tâm sức khai khẩn, tìm kế sinh nhai.

Theo cha, lên sáu tuổi, cô bé Khiêm đã biết cầm cuốc bổ những nhát đầu tiên cùng cha rặm rọi, trồng cây, tưới nước. Từ một khu vườn nhỏ, dưới bàn tay, tạo tác và chăm chút của cha con và cả gia đình, diện tích ngày càng được mở rộng, nhiều loại cây mới được trồng, để rồi, đất không phụ lòng người, trả lại một màu xanh bạt ngàn của cây cối. Nơi đây trở thành một khu rừng lúc nào không hay.

Và hơn bảy mươi năm qua, chưa lúc nào bà Khiêm quên bất kỳ một cây nào trong vườn, chúng lớn lên, sinh con rồi “hóa kiếp”… Nhắc đến rừng cây là nhắc đến cả một cuộc đời khốn khó, gập gềnh, hoang hoải, chứa ẩn bao kỷ niệm vui, buồn theo bà đến tận bây giờ. Coi cây, lá, hoa… như một phần cơ thể mình nên nhiều cây cổ thụ đã chết khô trong vườn mà bà cũng không mảy may nghĩ đến việc cho đốn hạ. Mỗi cái vỏ cây tróc lở, xù xì, mỗi nhánh lá vàng úa xa cành, hình như không khác gì lát dao cắt khiến bà đớn đau… Rừng, rồi huyền diệu hơn nữa, đàn cò khắp nơi quần tụ trong “chiếc võng thiên nhiên”, lâu dần đã trở thành hơi thở, nhịp đập trong trái tim bà.

vu thi khiem 2
Yêu rừng, rừng không phụ - trả lại cho người chủ Vũ Thị Khiêm một màu xanh bạt ngàn.

Duyên nợ với rừng từ đấy, tưởng chừng cuộc sống như được an bài, vui vầy với thiên nhiên, cây cỏ, nhưng éo le thay, hai mươi tư tuổi, sau sáu năm kết hôn, cô bé Khiêm đau xé lòng khi nhận giấy báo tử người chồng hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Từ đó, mẹ góa con côi, hai người con thơ dại ngác ngơ bên nách người mẹ bé nhỏ. Tôi gạn hỏi, lúc ấy, bà đã lấy gì để gượng dậy, để trụ vững. Thay cho câu trả lời, bà ngước ánh mắt nhìn sang một cây chò to lớn, thân thẳng, vút cao trên nền trời xanh thẳm - tôi hiểu, bà định nói gì với chúng tôi.

Ngày ấy, phơi phới tuổi thanh xuân, chồng mới lên đường ra trận, thi đua với chồng, ở hậu phương, cô Khiêm hăng hái tham gia vào đội sản xuất của địa phương, và sau đó, có hơn mười năm tín nhiệm được Đảng phân công làm Bí thư Hội Phụ nữ xã Hải Lựu (nay là Chủ tịch Hội Phụ nữ), huyện Lập Thạch. Khoảng thời gian ấy, nhiệt huyết và cống hiến hết mình cho công tác hội, cho địa phương, cô và tập thể được ghi nhận thành tích cao quý, được trao tặng cờ “Ba đảm đang” của Trung ương Hội.

Khi tang tóc phủ lên mái đầu xanh, người phụ nữ mong manh ấy nén lại nỗi đau. Đối mặt với gia cảnh neo túng, buộc bà phải xin nghỉ việc, trở về lo toan, gánh vác việc gia đình. Thời gian này, cô gái bé nhỏ ấy được tín nhiệm nên vẫn phải đảm trách nhiệm vụ là Bí thư chi bộ thôn. Năm 1985, người cha kính yêu của cô cũng ra đi, để lại các con và người vợ yếu ớt cứ trở trời là đau ốm. Như một duyên nợ định sẵn, “gia tài” cha, chồng, anh em để lại là cả một cánh rừng gần sáu héc ta “đè” nặng lên đôi vai người phụ nữ mảnh mai ấy. Cô đã làm gì để không phụ lòng những người đã không tiếc máu xương vì nền độc lập, tự do của dân tộc, vì truyền thống gia đình, vì những điều người cha đã dặn lại: Cha chỉ gây dựng, các con, các cháu hãy "tạo tác" để mỗi thước đất có thêm nhiều cây, ngày càng trở nên tươi tốt hơn!

Và người phụ nữ chân quê ấy, ở vùng đất nghèo khó, bao sóng gió cuộc đời dồn tới, đầy thử thách đã vươn dậy bằng cách nào?

Bạn đang đọc bài viết "Níu “sợi dây” của đất trời" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn