Nỗi thèm kín đáo

Đặng Sỹ Ngọc

16/03/2023 06:33

Theo dõi trên

Ngày 24/8/1966 - tôi chưa đủ 18 tuổi nhưng vẫn quyết tâm nhập ngũ để được tham gia cầm súng đánh đuổi giặc thù. Lúc ra đi, tôi đã yêu thầm nhớ trộm một bạn gái kém tôi 3 tuổi, học cùng lớp, nàng là cháu gái của nhà thơ lớn họ Cù Huy.

Tóc em đen, dài ngang lưng. Da bánh mật, mắt đen tròn, dịu hiền tôi thích lắm. Đến ao ước (thèm thơm một cái thôi) nhưng lại nhát. Không dám nói với ai, yêu nồng nàn đến cháy ruột. Rồi lại tự trách mình- sao mình yêu sớm thế. Việc tôi xung phong nhập ngũ, là do căm thù giặc xâm lược và tình yêu bao la với tổ quốc, cùng trào lưu thi đua yêu nước của thanh niên cả nước lúc bấy giờ. Nhưng cũng có một lý do khác đầy quan trọng để thôi thúc tôi lên đường. Tôi biết rằng, tôi chưa đủ tiêu chuẩn nhập ngũ. Vì tôi là con một, bố chết sớm, lại vinh dự vừa được lên thẳng cấp 3. Tuổi và chiều cao, cân nặng còn thiếu.... Ấy mà một hôm, tôi gặp chị gái của người chồng nàng ngày nay. Chị ta nói với tôi: "Đừng léng phéng! nó đã có người yêu rồi đấy”. Vậy là bao nhiêu ao ước, thèm muốn phải bỏ đi, tôi rất buồn phiền và quyết tâm lên đường. Tôi rất vui được mẹ tôi đồng ý để tôi nhập ngũ. Nghĩ đến, thân phận đơn côi tôi càng quyết tâm phấn đấu.

Huấn luyện 3 tháng ở thao trường D48 của tỉnh đội, đầy gian khổ vì thay đổi môi trường từ một học sinh vừa tốt nghiệp cấp 2, rồi khó khăn cũng vượt qua. Đầu tháng 12 năm 1966 chúng tôi bắt đầu (sẽ dọc Trường Sơn). Hành Quân, ngày đêm luồn rừng, vượt sông, qua suối, qua rất nhiều làng bản, mỗi ngày đi được chừng 30 km vào đến xã Tân Thủy của huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Tiểu đội tôi có 7 người, được ở trong hai gia đình gần nhau. Trong mỗi nhà đều đã có hầm hố phòng tránh bom đạn. Nhà tôi ở có ba Đồng đội là tôi, Thược quê Đức Hòa, Đức Thọ và Tuyển quê ở Cẩm Lạc, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh . Vợ chồng chủ nhà, tuổi chừng 40 khỏe mạnh có ba người con (hai gái một trai). Chuyên sản xuất lúa, những bom đạn đe dọa ngày đêm không sản xuất được. Hàng ngày anh chị cùng ba con, ăn đói mặc kém. Chúng tôi rất thương, con gái đầu tên Lý đã 15 tuổi. Tóc cũng dài ngang lưng, em cân đối nhanh nhẹn, tôi thấy em xinh đẹp, vừa lòng. Nhìn em tôi ngập tràn yêu thích và muốn thơm. Trên thao trường luyện tập, khi nghỉ ngơi tôi hay nhắc tên em cho vui. Mấy đồng đội nói như cảnh cáo. Nó như quả cau, quả ổi (!!) còn xanh đầy đắng chát sao lại thèm. Anh chị gọi chúng tôi bằng các chú, các con anh cũng gọi các chú bộ đội. Tôi thích gọi Lý bằng em và không hiểu sao tôi cứ muốn nhìn trộm em. Có khi Lý cũng phát hiện ra tôi nhìn trộm, tôi thấy Lý bối rối và cũng đã gọi tôi bằng anh rất nhẹ nhàng. Mỗi lần như vậy, tim tôi cũng nồng ấm lên.

Ở đây, chúng tôi cũng luyện tập không nghỉ. Buổi tối thường học chính trị hoặc điều lệnh. Rồi ăn tết trước 3 ngày rất đơn giản, tôi thường xung phong đi lấy cơm ở bếp nuôi quân để có thể xin thêm một ít dành cho các cháu. Bởi họ đói, bộ đội không yên lòng. Nhà anh chị có nuôi được 4 con ngỗng đẻ trứng hàng ngày. Chúng siêng ăn cỏ và thường kêu cạc cạc rất vui. Ngày mùng 4 Tết anh chị quyết định làm thịt một con, để cùng liên hoan với bộ đội, tôi vừa lấy cơm về sớm. Anh chị bảo cả tiểu đội chờ một lát để cùng ăn với gia đình cho vui. Mùi thịt tươi bay lên thơm phức ngào ngạt, cơ thể của tôi đã tiết dịch thèm. Hàng ngày, chúng tôi thường được ăn đồ hộp, đồ khô, chứ có đâu được mùi thịt tươi như thế. Bữa cơm vừa đông đủ, bộ đội và cả gia đình vừa mời nhau bưng cơm lên. Bỏng tiếng còi của các trung đội rúc lên, rúc lên rả rích dồn dập. Tôi và cả tiểu đội gạt cơm, lấy bát sắt tráng men nhét vào túi cóc ba lô, cùng tất cả quân tư trang nhanh chóng trong mấy phút. Trời vừa chập choạng tối, cả đại đội đã tập trung ở sân kho hợp tác đông đủ, rồi theo mệnh lệnh hành quân gấp. Tôi đến bắt tay anh chị, thấy Lý và anh chị đều khóc.

Đêm Tết mùng 4 ấy, chúng tôi luồn rừng quá Bãi Hà, qua đầu nguồn sông Bến Hải trong đói và sau đó là những trận chiến với quân thù ác liệt ở Quảng Trị. Không có điều kiện để trở lại thăm xã Tân Thủy có em Lý xinh đẹp. Hai đồng đội cùng nhà là Thược và Tuyển đã hy sinh anh dũng tại xã Gio An tháng 3 năm 1967.

Sau 20 năm, ngày thống nhất Bắc Nam. Tôi đã là thương binh nặng, có trở lại xã Tân Thủy tìm gia đình. Vì phụ thuộc với cả đoàn lớn và với cặp nạng khó khăn. Tôi nhớ cái làng tôi từng ở cách một cái cầu sắt đường một Bắc Nam chừng 2 km, nay đã thành cánh đồng lúa mênh mông. Hỏi một số người làm đồng, họ đều không biết. Tôi phải nhớ lại một thời, với câu ngạn ngữ của bộ đội cụ Hồ. (Đi dân nhớ ở dân thương) mà xúc động mãi.

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Nỗi thèm kín đáo" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn