Rau Mồng tơi

Đặng Văn Hương

22/08/2022 19:52

Theo dõi trên

Rau mồng tơi ai cũng biết, đã trồng, mua và sử dụng nó làm rau ăn trong cuộc sống của mình. Gần đây, tôi mới phát hiện ra một điều kỳ lạ của mồng tơi và viết bài này để giới thiệu đến quý bạn đọc.

mong-toi-1661172710.jpg

Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Rau mồng tơi là loại thân mềm, dây leo, nấu chín lá hơi nhớt, thường dùng làm rau ăn. Nấu canh cua với mồng tơi, dưa cà muối chua vừa tới, ăn cùng bún, ngon tuyệt vời. Một số người dùng rau mồng tơi để giảm cân, chữa táo bón.  Rau mồng tơi được nhiều nhà văn, nhà thơ đưa vào tác phẩm văn học, thơ ca rất hay. Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/ Cách nhau một dậu mùng tơi xanh rờn. Nàng vướng gai mồng tơi, chân đau cả tháng nay không đỡ, làm chàng sốt ruột, chạy ngược xuôi nhiều nơi tìm kiếm thuốc cho nàng!

 Ngày nay, người ta trồng mồng tơi  thành hàng, thành luống, mọc tôt cao chừng 30 cm là thu hoạch. Ngày xưa mồng tơi mọc hoang dạ ở rặng rào, dây leo lên các cây thân cứng tạo thành bờ dậu. Người dân thường hái lá, ngọn non nấu ăn, hầu như không phải chăm bón gì. Hết mùa hè, nó ra hoa, kết trái, những chùm quả tròn chín tím đen. Hết mùa, mồng tơi lụi tàn, lá héo khô, thân quắt lại. Những chùm quả khô dần teo tóp lại và rụng xuống đất. Đất quanh năm ẩm ướt hoặc khô cạn, không làm hạt mồng tơi bị thối nát, khô hỏng mà còn như giữ gìn, bảo quản nó, cho đến vụ mồng tơi năm sau. Những cơn mưa đầu mùa hạ trút nước xuống là lúc hạt mồng tơi nảy mầm, đội đất vươn lên hai lá xanh mướt. Hàng trăm cây mồng tơi xanh non chen chúc, xô lấn nhau vươn lên, leo bám vào những gì có thể bám vào được. Nó lại tiếp tục một chu kỳ, một hành trình sống theo trình tự do tạo hóa sinh ra. Nó ra lá, đơm hoa, kết trái, lụi tàn và để lại hạt giống cho đời sau.

Nhà tôi trồng rau mồng tơi ở thùng xốp trên tầng 2, lấy lá, ngọn non làm rau ăn hàng ngày. Có năm không xin, mua được cây giống để trồng nên nghĩ cách tự mình tạo ra hạt giống cho vụ sau. Bởi vậy, dành lại vài cây mồng tơi không hái lá, cho ngọn vươn lên, leo trên giàn, trên mái tôn chống nóng. Khi hạt mồng tơi chín khô teo lại, tôi hái phơi khô cất kín, bảo quản tốt để vụ sau gieo trồng. Tôi gieo hạt giống vào thùng xốp, chăm sóc chu đáo... mà không thấy mọc cây nào. Mới hay, nó thích sống hoang dại, không cần bảo quản, giữ gìn hạt giống quá chu đáo như thế! Tôi trồng rau cải vào thùng xốp đó, chắc là nó đã hỏng rồi. Thế nhưng... một thời gian sau, nó lại mọc lên, thật bất ngờ!

Cùng thời gian đó, một ít đất vương vãi trên nền bê tông tầng 2, dưới gầm bể đựng nước, những hạt mồng tơi khô từ mái tôn chống nóng, rụng lăn xuống, nằm ở đó qua mùa đông khô lạnh, đã mọc lên. Mùa hè nắng như đổ lửa, như đốt cháy bê tông, tôi cũng không lên đó chăm sóc mấy cây mồng tơi ấy làm gì. Thế mà... nó không những không chết mà còn vươn lên, xanh tốt, lại leo lên cao, ra lá xanh tươi, đơm hoa, kết trái. Từ đó một chu kỳ sinh trưởng của nó lại diễn ra theo sự tạo hóa tự nhiên. Những ngày nắng nóng khô hạn, vì sao rau mồng tơi không chết mà vẫn phát triển xanh tốt, leo tràn lan trên mái tôn nóng bỏng? Thật là tuyệt vời, kỳ lạ... cây mồng tơi!

Chuyện Làng Quê

Bạn đang đọc bài viết "Rau Mồng tơi" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn