Thím

Đỗ Đức Thắng

12/07/2022 10:10

Theo dõi trên

Phải đến khi lớn lên tôi mới biết tên thật của thím. Ở quê, người ta hay gọi theo tên con đầu lòng.

thim-toi-1657595364.jpg

Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Ông bà nội tôi có bố, chú và cô tôi, thành thử tôi chỉ có mỗi thím, không phải gọi tên để phân biệt thím nọ với thím kia, nên từ bé tôi vẫn chỉ gọi mỗi một từ: THÍM.

Thím tôi hiền lành, chưa bao giờ tôi thấy thím lớn tiếng hay quát nạt các em, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, thím chỉ lặng lẽ nở nụ cười đôn hậu, nét đặc trưng của người phụ nữ thôn quê. Có thể nói: thím tôi thuộc thế hệ phụ nữ xưa.

Trái ngược với thím, chú tôi lại là người đàn ông gia trưởng, ông hay quát nạt các con, các cháu. Chắc chắn cái nết gia trưởng không phải là di truyền, bởi ông nội tôi không như vậy. Có lẽ ông chỉ là ảnh hưởng cái "chất" gia trưởng của những ông già bắc bộ ngày xưa. Những khi ông quát, thì không những đám trẻ ranh chúng tôi "hồn vía lên mây", mà thím tôi còn giật bắn người. Mỗi lần như vậy, thím tôi vẫn nở nụ cười hiền lành như bản tính của thím vậy.

Ngày xưa thím tôi đẹp lắm, là nghe người lớn nói vậy. Thế nên mỗi khi hứng chí, chú tôi lại gật gù tự tắm tắc khen mình: tao xấu zai vậy thôi, nhưng lấy thím mày đẹp nhất làng. Mà nhìn kỹ thì chú tôi ...xấu thật, chúng tôi chỉ biết ngưỡng mộ ông. Mãi sau này khi lớn lên, hiểu chuyện thì hóa ra ...chả phải, chẳng qua chú tôi gặp may, ông lớn lên trong buổi giao thời, trai tráng trong làng, tốt mã một tí thì đi chiến đấu hết cả, còn lại chú tôi ở nhà, thế nên hiếm như "mỳ chính cánh". Lúc ấy chú muốn cưới ai mà chả được.

Thế nên chú cưới được thím tôi, đẹp nhất làng là phải.

Chú đã không đẹp mã, lại còn khó tính. Ngày còn trẻ thì thím bảo: làm chồng ai chẳng thế. Đến khi về già, chú tôi càng trái tính trái nết, thì thím lại bảo: ôi dào, tao chịu ông ấy gần hết đời người rồi, có sao đâu.

Thím tôi là như vậy!

Ơ hay! loanh quanh nãy giờ, nói về thím, tự nhiên lại đâm ra nói xấu chú.

À, nhưng mà chú ruột, chắc không sao.

Ơn giời! anh em chúng tôi không bị cái "zen" xấu zai như chú, nên thằng nào coi cũng tàm tạm. Nhất là không bị ảnh hưởng cái chất gia trưởng, giả sử như có, gặp mấy "bà dâu" thời thế kỷ hăm mốt này, có lẽ ở với nhau chưa đến ba con trăng.

Hơn nữa, chú tôi không biết xài công nghệ. Cũng hi vọng những đứa em tôi đừng đọc bài này cho ông biết. Nếu không, ngày "úp mặt vào sông quê" của tôi, sẽ trở thành thảm họa.

Chuyện Làng Quê

Bạn đang đọc bài viết "Thím" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn