Tiền Giang: Vàm Láng xưa và nay

Gia Tuệ

27/05/2021 22:24

Theo dõi trên

Nói đến Vàm Láng (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang), nhiều người biết là nơi có cảng cá lớn nhất khu vực Gò Công, có Lễ hội Nghinh Ông, di tích Lăng Ông Nam Hải… Vàm Láng từ thời vua Gia Long (năm 1802) là vùng đất hoang vu, rừng rậm, đầy thú dữ; qua quá trình khai hoang mở đất, sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội đã hình thành và phát triển đô thị Vàm Láng hôm nay.

TỪ VÙNG ĐẤT HOANG SƠ

Chúng tôi có dịp đến Vàm Láng, ấn tượng với địa hình, địa vật ở vùng đất này và không khỏi thắc mắc: Vì sao nơi đây được đặt tên Vàm Láng? Đi tìm câu trả lời, chúng tôi được bậc cao niên ở vùng đất này cho biết nhiều giai thoại ly kỳ trong quá trình khai hoang mở đất, cũng như lịch sử hình thành địa danh Vàm Láng.

Theo nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Huyện ủy Gò Công Đông Nguyễn Quốc Hùng, người có nghiên cứu sâu về vùng đất Gò Công: Vàm Láng nằm trên bờ Nam cửa sông Soài Rạp đổ ra Biển Đông, thuộc vùng cuối Gò Công, xưa là vùng đất sình lầy, rừng rậm, hoang vu, sông sâu biển rộng, có nhiều thú dữ và chim muông… Những cư dân cố cựu đất Gò Công lý giải về tên địa danh Vàm Láng rằng: Phía ngoài con rạch Cần Lộc đổ ra sông lớn Soài Rạp rồi thông ra biển có một phần nước rộng và sâu gọi là vàm, cách họng vàm một khoảng có một hà lãng (chỗ nước rộng mênh mông) với nhiều rừng cây dày đặc hai bên bờ, nên có nhiều nai đến uống nước, vì thế hồi xưa chỗ này còn gọi “láng lộc”, dân địa phương gọi là Vàm Láng.

tg1-1622129009.jpg
 
Kinh tế biển đã giúp nhiều người dân ở thị trấn Vàm Láng vươn lên khá giả.
 

Theo quyển “Lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân thị trấn Vàm Láng”, từ năm 1756, vùng đất Gò Công có tên Lôi Lạp (còn gọi là Soài Rạp) thuộc tổng Kiến Hòa, châu Định Viễn, dinh Long Hồ. Năm 1779, tổng Kiến Hòa thuộc dinh Trường Đồn. Năm 1781, dinh Trường Đồn đổi thành dinh Trấn Định.

Dưới triều Nguyễn, năm 1808 dinh Trấn Định được đổi danh thành trấn Định Tường, các tổng được nâng lên huyện, vùng đất Vàm Láng thuộc phường Toàn Phước (sau là Kiểng Phước), tổng Hòa Bình, huyện Kiến Hòa, phủ Kiến An, trấn Định Tường, Gia Định thành (Gia Định thành lúc này là toàn cõi Nam bộ)…

Sau ngày 30-4-1975, qua nhiều lần tách, nhập địa giới hành chính, xã Vàm Láng có các tên Phước Vĩ, Kiểng Phước, Kiểng Lễ, thuộc huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Tháng 4-1979, huyện Gò Công được chia thành 2 huyện Gò Công Đông và Gò Công Tây, xã Kiểng Lễ được tách ra thành 2 xã Kiểng Phước và Vàm Láng. Đến năm 2010, xã Vàm Láng được Chính phủ phê duyệt điều chỉnh địa giới hành chính một phần diện tích và nhân khẩu về xã Kiểng Phước và thành lập thị trấn Vàm Láng.

Nói về địa danh Vàm Láng, nhà nghiên cứu Phan Thanh Sắc trong quyển “Gò Công - thao thức dấu xưa” chép: Vàm Láng ngày xưa từ thời vua Gia Long (1802) là đất hoang vu, rừng rậm, đầy thú dữ. Vàm Láng ở phía Bắc của thôn Kiểng Phước có cái vàm của con rạch Cần Lộc chảy ra sông Soài Rạp và chảy ra biển cách vài ngàn thước.

Rạch Cần Lộc hẹp nhưng sâu, từ vàm chảy về Nam đến chợ Bến Ngoài của làng Kiểng Phước sau này. Nhờ con rạch Cần Lộc mà người dân Kiểng Phước nói chung, Vàm Láng nói riêng làm ngư nghiệp, ghe đánh cá về chợ Bến Ngoài, rồi phân phối đi các chợ Gò Công, đời sống ngư dân không ngừng phát triển, hình thành cảng cá lớn nhất khu vực Gò Công.

ĐẾN ĐÔ THỊ PHÁT TRIỂN

Cũng theo đồng chí Nguyễn Quốc Hùng, do Vàm Láng là một xã vùng biển nên ngành nghề sản xuất chính là khai thác đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản; chỉ một phần nhỏ là sản xuất nông nghiệp. Trong những năm gần đây, Vàm Láng có bước phát triển nhanh, kết cấu hạ tầng cơ sở được nâng lên, thu hút sự quan tâm đầu tư của nhiều thành phần kinh tế.

Thật vậy, sau 10 năm thành lập thị trấn Vàm Láng, đến nay Vàm Láng đã trở thành thị trấn biển của huyện Gò Công Đông và là một trong những trung tâm hậu cần nghề cá quan trọng của huyện. Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, sự quản lý, điều hành của UBND huyện và sự nỗ lực của nhân dân, Vàm Láng đang tiếp tục phát triển về kinh tế - xã hội, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện tốt, quốc phòng - an ninh được giữ vững.

Một cán bộ UBND thị trấn Vàm Láng cho biết, lãnh đạo huyện Gò Công Đông xác định thị trấn Vàm Láng và các xã Gia Thuận, Tân Phước, Kiểng Phước, Tân Điền, Tân Thành có thế mạnh kinh tế biển, là kinh tế chủ lực của huyện. Trong đó, thị trấn Vàm Láng được xem là đô thị biển, có chức năng đa dạng: Hậu cần nghề cá, công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, làng nghề truyền thống chuyên làm khô mắm đặc sản Gò Công... Riêng ở thị trấn Vàm Láng hiện có 3.447 hộ dân sống bằng nghề biển, với 528 phương tiện đánh bắt.

Nơi đây có cảng cá nằm cạnh sông Soài Rạp với hàng trăm phương tiện tàu, ghe ra vào hằng ngày; có làng nghề chế biến cá khô, mắm các loại, được xem là chợ đầu mối cung cấp cá, tôm, mực, khô, mắm... cho các huyện trong và ngoài tỉnh; có cả các doanh nghiệp sơ chế tôm, ghẹ, cua đông lạnh... phục vụ xuất khẩu, thu hút trên 30% lao động địa phương tham gia, chủ yếu là lao động nữ.

Các hoạt động đánh bắt, chế biến thủy, hải sản ở Vàm Láng là điều kiện để hoạt động các dịch vụ nghề cá: Sửa chữa tàu, ghe, cung cấp dầu và nước đá, góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động trong vùng. Có thể nói, đây là kết quả của việc đầu tư khai thác tốt tiềm năng, ưu thế đặc trưng của vùng kinh tế phía Đông của tỉnh nói chung và của huyện Gò Công Đông nói riêng.

Nguồn: baoapbac.vn

Bạn đang đọc bài viết "Tiền Giang: Vàm Láng xưa và nay" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn