Những ngày cuối năm, nhà nhà, người người hối hả lo công việc ổn thỏa để đón một năm mới sắp đến. Công việc nhà đã tạm ổn, tôi lại nhớ đến những ngày tháng đã xa, cũng phải mấy chục năm về trước.
Ngày đó chúng tôi còn ở với ông bà ngoại vì bố đi công tác xa nhà, mẹ đi làm, mọi việc chăm sóc dạy dỗ bọn trẻ chúng tôi không ngoài bàn tay của ông bà ngoại. Bà vẫn bảo:
- Chăm bẵm chúng mày một bàn tay đầy hai bàn tay vơi, rồi sau này cháu ngoại vác mai qua mồ đây.
Còn bé quá, tôi cũng hiểu bập bõm bà mắng yêu chúng tôi mỗi khi chạy tớn lên chơi tận gần Ga, bà hết hơi khản cổ đi tìm đấy.
Những ngày cuối năm bà đi chợ Cửa Nam sắm đầy đủ các thức để đón tết. Nào gạo nếp, đậu xanh, măng, miến, mộc nhĩ... đủ cả. Tôi theo bà lên gần chợ, đầu phố Hàng Bông thì phải. Ở đó có nhà làm gia công bánh quy gai quy xốp. Nếu nói về chất lượng bây giờ nhiều loại bánh rất ngon nhưng trong ký ức của tôi cái bánh quy xốp ấy ngon lắm.
Các dì đảm đương phần đãi đỗ, vo gạo, ngâm gạo, rửa lá dong. Trời rét căm căm, hai bà dì của tôi (lúc đó là các cô thanh nữ) ngồi bên máy nước công cộng trong ngõ Vạn Kiếp rửa lá, đãi đỗ. Mà sao ngày xưa rét thế không biết, đã thế quần áo lại chả có mấy. Nghĩ thấy thương hai nàng dì!
Phần gói bánh là của ông ngoại và cậu tôi. Đến bây giờ tôi vẫn hình dung ra quang cảnh nhà tôi. Trải cái chiếu hoa dưới sàn, ông ngoại và cậu bắt đầu gói từ lúc chập tối tới đêm. Bà ngoại đi lại từ trên nhà xuống bếp cắt đặt công việc cho dì và mợ. Bọn trẻ nằm, ngồi trên phản lim chõ mắt xuống xem thôi. Hào hứng là lúc ông gói cho mỗi đứa một cái bánh cóc. Bọn trẻ tranh nhau xí phần cái này cái kia. Bao giờ ông cũng gói thêm mấy cái bánh chưng đường.
Vui nhất là lúc luộc bánh. Trên cái thùng bánh, bà tôi đặt một nồi nước to lắm. Nồi nước này thỉnh thoảng dùng để chiêu thêm vào thùng bánh. Củi đun toàn loại củi gộc bà dành dụm từ lúc nào không biết. Xung quanh bếp còn rắc trấu. Trấu này mua của người ta kéo xe ngang phố. Gần tết họ kéo xe trấu từ Nguyễn Khoái vào bán rong các phố cho mọi nhà đun bánh chưng. Phải có trấu bếp mới đượm, bánh mới rền.
Quanh bếp bà đặt ké nồi nước mùi già để tắm tất niên cho lũ nhóc. Ôi chao! Bao năm rồi mà tôi vẫn thấy phảng phất hương mùi già ấy. Trẻ con lén bà vùi trong đám trấu củ khoai tây vàng hườm. Khoai chín bới ra ăn với nhau mồm miệng nhọ nhem, bà thấy mà cứ giả vờ không biết đấy thôi!
Bánh luộc đủ 12 tiếng thì vớt. Trẻ con chúng tôi cũng được mỗi đứa một cái bánh chưng con khi vớt bánh. Chúng tôi chả ăn ngay đâu, còn để dành. Mỗi cái bánh có một dây lạt xách tòn ten. Ôn nghèo kể khổ cái thời xưa ấy khi mà đời sống còn khó khăn, cả năm trẻ con háo hức cái tết. Bởi tết được ăn ngon có miếng thịt, có cái kẹo ngọt, có miếng mứt. Chúng tôi dõi theo tay bà ngoại mở từ từ cái hộp mứt . Hộp mứt có miếng đu đủ nhuộm xanh, miếng gừng vàng suộm, miếng cà rốt màu cam,cọng mứt dừa trắng nuột nà bắt mắt, viên trứng chim tròn xoe (ấy là những hạt lạc rang đc mặc một lớp áo đường trắng bóc). Cả hộp mứt giá trị nhất là miếng mứt quất bà dành cho thằng cu Tý em tôi.
Với tôi tết là từ ngày 23 tháng chạp tiễn Ông Táo về Giời. Mua sắm, dọn dẹp trang hoàng nhà cửa tuy có mệt nhưng rất háo hức.
Tản mạn nhớ Tết xưa!...
H.H.D
Chuyện làng quê