Lịch sử làng Thành Phú xã Định Tường (nay thuộc thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá) gắn liền với dòng Mạn Định, con sông chảy qua vùng đất Yên Định, dòng sông một thời oanh liệt chở nặng phù sa, ôm nước mát lành cho những cánh đồng bát ngát cò bay. Theo nhiều nhà nghiên cứu địa chất, Mạn Định từng là một dòng sông lớn, có thể từng là dòng chính của Mã giang, không thì chí ít cũng là một nhánh lớn của con sông trước khi nó đổi dòng. Cũng có thể vì làng Thành Phú và các làng xung quanh đều có tục thờ Thánh Quản, một nhân thần được nhiều làng ven sông Mã thờ làm thành hoàng.
Thời nhà Lê, dân trong vùng nhiều người phát đạt, quan tước lớn, sĩ vọng cao. Truyền thuyết kể lại, nhà Trịnh cho lấp Hón Kiểu ngăn dòng Mạn Định để làm cho nhà Lê không phát được nữa. Với ý đồ lấy ngôi vua, chúa Trịnh lập ra đất Vạn Lại để đối lập với đất Bái Thượng. Tất nhiên, đó cũng chỉ là lời đồn thiên hạ. Dòng Mạn Định cạn dần, lu mờ đến mức nay chỉ còn cái tên trong sử sách. Tàn tích còn đến nay chỉ là các ao, hồ, mau nước xen kẽ các vùng dân cư.
Khi dòng Mạn Định cạn dần, bãi đất nổi giữa dòng sông cũng dần được bồi đắp, những người dân từ các nơi đến khai phá, định cư lập nên làng. Làng mới lập nên ngay nơi làng Lào nên làng được gọi giản đơn là làng Lào ngoài, cùng với làng Lào trong (làng Lý Yên) mà gọi chung là kẻ Lào. Sau này làng có tên chữ là làng Phú Thọ, rồi đổi tên thành làng Thành Phú (cá nhân người viết không biết làng đổi tên khi nào và vì sao lại đổi).
Theo sách Văn hoá dân gian truyền thống Định Tường, cụ Hà Văn Lói kể rằng, tiền nhân lập làng có hai đợt di cư chính. Có một thầy đồ đến vùng đất bãi bồi này mở trường để dạy học, chiêu dân làng Lào trong về ở, làng dần dần hình thành. Không có sử sách nào ghi và hiện nay cũng không còn người làng Thành Phú nào biết về tên tuổi, con người, gốc tích của ông. Sau khi ông mất, để nhớ công ơn của ông, dân làng lập đền thờ cúng tôn ông làm thành hoàng làng. Ông được thờ riêng, nhưng không có duệ hiệu và không đóng vai trò gì trong các tục lệ lớn của làng. Theo truyền miệng, sau khi lập làng ông bỏ đi đâu không rõ, vì ở làng Thành Phú không hề có mộ của ông.
Tương truyền, ông thầy đồ chính là Nguyễn Trãi. Ông thường bày cho bọn trẻ chăn trâu chơi trong chùa lấy đất nặn con giống, nặn người. Các con giống nặn này rất thiêng, người dân cầu khấn rất linh nghiệm nên tu bổ chùa, thường gọi là chùa con nít. Có sự trùng hợp là Phạm Đình Hổ cũng có chép trong Vũ trung tùy bút rằng Nguyễn Trãi thường dạy cho con trẻ đến học nặn các con giống như trâu, bò, lợn gà... Biết đâu truyền thuyết của làng là sự thật!
Lại có một người ở thôn Châu Bái, thuộc xã Yên Bái (nay đã sáp nhập vào xã Yên Trường) tên là Lê Như Tông, vốn là đầy tớ nhà ông Trương Công cùng một số người nữa khai phá lập ra họ Lê ở Thành Phú. Gia phả họ Lê ở đây có ghi rõ: "Lê Như Tông tòng dữ Trương Công, khai dân lập ấp Phú Thọ thôn, Châu Bái xã nhân". (Dịch nghĩa: Lê Như Tông đi ở cho nhà Trương Công đến khai trang lập ấp ở thôn Phú Thọ vốn người xã Châu Bái). Tuy nhiên, ông Lê Như Tông không được dân làng thờ làm thành hoàng làng như ông đồ.
Sau đó dân từ các nơi kéo nhau về ở, mở mang bãi sông. Sông lấp dần nên làng to ra định hình như tận ngày nay. Các họ khác như họ Hà, họ Hoàng, họ Nguyễn... cùng với họ Trịnh, họ Lê đến trước lập ra làng Thành Phú. Điển hình tục lệ làng có tục cơm thi, tục chia phe giáp và săn cuốc. (Các tập tục này người viết trình bày thành bài viết riêng).
Làng Thành Phú còn thờ một thành hoàng nữa, đó là Thánh Quản. Duệ hiệu của thần là "Quản gia đô bác, Trịnh Phủ quân thượng đẳng tôn thần" vốn là một nhân thần. Trong tâm thức người Thành Phú hiện tại hầu như không còn mấy người biết đến thần nữa. Theo sách chép lại, tại đình làng Thành Phú có câu đối về Thánh Quản như sau:
Nhật Chiêu Mã giang chung nghĩa khí
Trung lưu Phú Thọ hiển linh từ
(Tạm dịch nghĩa: Làng Nhật Chiêu và sông Mã cùng chung nghĩa khí. Về sau làng Phú Thọ lập đền thờ rất hiển linh). Phú Thọ chính là tên cũ của làng Thành Phú.
Thánh Quản còn được thờ ở làng Lý Yên, Đắc Trí, Kênh Khê. Hằng năm vào mồng 5, mồng 6 tháng giêng, 4 làng này khiêng kiệu rước Thánh Quản đến cồn Đình thuộc thôn Đắc Trí để giao tế. Mỗi khi cầu đảo, kiệu Thánh Quản được rước ra cầu cúng. Theo người viết, có lẽ những người họ Trịnh từ Đắc Trí di cư lên làng Lào trong, rồi sau đó một phần lại di sang làng Lào ngoài, họ đã đem theo tục thờ Thánh Quản. Vậy nên họ vẫn giữ mối liên hệ mật thiết với làng Đắc Trí.
Đến nay, các dấu tích thời xưa như đền, chùa, kể cả đình làng ở Thành Phú đều không còn nữa. Những tập tục được truyền lại qua truyền miệng cũng dần đã lu mờ và mất hẳn. Làng Thành Phú nay được nhập hoàn toàn vào thị trấn Quán Lào, trở thành khu phố mới. Không biết còn bao người nhớ chuyện ngày xưa...
Theo Chuyện làng quê