Kem Bờ Hồ và mối tình chung thủy tại quán kem Zéphyr

Hồ Công Thiết

31/08/2021 07:35

Theo dõi trên

Đám con gái hình như chỉ mê mẩn mỗi kem. Kem bán ở Bốn mùa hay cạnh nhà hàng Bodega mà chúng tôi hay đọc chệch là Bò-dê-gà đều rất ngon, nhưng bọn nó lại chỉ mê kem Hồng Vân hay Long Vân ngay sát bến tàu điện.

kem-bo-ho1-1630344589.jpg

Các ông bà: Trường Chinh, Phạm Quang Chúc, Trần Duy Hưng, Phạm Thị Cúc, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp trong đám cưới cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Cuối những năm 60 tôi học ở ngõ Quan Thổ 1 phố Hàng Bột, nơi có đường tàu điện Bờ Hồ - Hà Đông chạy qua. Lúc đấy trường có tên Phổ thông Công nghiệp cấp 3 Đống Đa chứ không chuyển thành Trung học Phổ thông như bây giờ.

Có dịp nghỉ học, đám con gái ra bến Ô Chợ Dừa để lên tàu điện còn chúng tôi đứng chờ tàu chạy qua để nhảy. Hồi đấy chốn ăn chơi ở Hà Nội hình như chỉ có ở quanh Bờ Hồ nên có dịp là cả lũ rủ nhau lên.

Đám con trai thì bu quanh hòm chiếu phim lưu động. Ông chiếu phim xoay đều đều chiếc tay quay để chiếu những bộ phim 8 ly ông lắp sẵn bên trong, miệng thuyết minh theo hình ảnh được phóng ra màn hình là đáy chiếc hộp.

Khối hộp hình chữ nhật dài lắm. Đèn sáng phóng hình trong phim lên màn ảnh gắn tận cuối hòm. Mỗi suất chiếu phục vụ được gần chục người, đứng khom lưng nhìn qua những ô khoét sẵn như cửa chớp bên thành hộp để xem phim. Đứa nào không xem thì quay ra nhìn nghệ nhân đang phùng mồm thổi lửa hoặc ngắm những người bán hàng rong đang len lỏi trong dòng người, tiếng rao uyển chuyển thánh thót như điệu nhạc. Đủ cả, từ ông Lơ tốt đến ông Hôi nách ơ; từ bà bán thuốc Cam - Sài đẹn đến bà bán Cao dán mụn nhọt. Quanh Bờ Hồ lúc nào cũng giống như chợ phiên.

Đám con gái hình như chỉ mê mẩn mỗi kem. Kem bán ở Bốn mùa hay cạnh nhà hàng Bodega mà chúng tôi hay đọc chệch là Bò-dê-gà đều rất ngon, nhưng bọn nó lại chỉ mê kem Hồng Vân hay Long Vân ngay sát bến tàu điện. Bọn nó nay đã là những lão bà khả kính, vẫn hay tụ tập và lần nào cũng đều lưu luyến chia tay nhau ở Tràng Tiền với Khát vọng Kem còn nguyên vẹn.

Kem là thứ ai cũng thích, nhất là lớp trẻ, vào bất kể mùa nào trong năm ở xứ Nhiệt đới, nên người Pháp mới mang sang Hà Nội từ rất sớm. Ngay từ năm 1886 kem đã được bán theo cốc ở khách sạn Grand nằm ở phố Lê Thái Tổ, sát hồ Hoàn Kiếm. Kem được đựng trong chiếc ly thủy tinh rộng vành và chiếc thìa xúc bằng đồng rất đẹp. Tất cả đều được mang sang từ Pháp. Sau đấy đến lượt khách sạn Metropole (Chính quốc), Coq d’or ( Con gà trống vàng ) rồi cả nhà hàng Godard ( Bách hóa tổng hợp cũ ) cũng lần lượt được xây dựng và đều có món kem cốc là món đầu vị cho những thực khách miền nhiệt đới. Nguyên liệu làm kem là sữa tươi, đường và hoa quả. Sữa tươi là hàng nhập ngoại, dân Việt hồi đấy còn chưa biết sữa tươi là gì, nên món ăn quý tộc ở nhà hàng sang trọng chỉ phục vụ người Pháp và những quan chức cao cấp Việt Nam.

kem-bo-ho2-1630344589.jpg

6 chị em nhà bà Cúc (Cô út lúc ấy còn bé, không có trong ảnh)

Từ năm 1920, kem được làm rắn hơn một chút để bán lẻ cho đông đảo dân Annam mỗi khi họ có dịp lên Bờ Hồ. Những ông chủ hiệu kem đặt mua những chiếc phích dài từ bên Pháp về. Phích có đường kính gần một gang tay, cao khoảng nửa mét có chiếc nắp to đùng bằng li-e. Hồi đó phích làm bằng thủy tinh hai lớp, tráng thủy ngân phía trong rồi hút chân không. Kem được cho vào phích mang đi bán rong hoặc đi giao cho những nhà giàu trên phố. Khi ăn, kem được xúc ra chiếc ly thủy tinh rộng vành, cao có ngọn. Tại quán, khách còn được chứng kiến họ dùng chiếc muôi dài xúc kem, đưa lên cốc rồi bấm rất điệu nghệ. Khối kem rơi xuống cốc, tròn xoe, rất đẹp. Ăn xong, khách còn được mời thêm cốc nước thơm mùi bạc hà để tráng miệng.

Kem que phải đến năm 1940 mới xuất hiện. Nhật vào Việt Nam sau khi Toàn quyền J. Decoux khi đó phải ký Hiệp ước trao Đông Dương cho Nhật. Quân lính đi cùng các thương gia. Người Nhật mở triển lãm, đầu tư kinh doanh và mở các hiệu kem theo kiểu Nhật. Các chất phụ gia khác loại kem cốc. Họ thêm vào đó ít bột đã quấy thành hồ loãng và tùy bột nếp hoặc bột đậu xanh, đậu nành cùng với hoa quả, kèm rất nhiều nước để làm các loại kem que. Độ làm lạnh cũng sâu hơn, gần như là đóng băng. Kem được đổ vào khuôn, gần đông cứng được cắm thêm chiếc que để khi dỡ khỏi khuôn, có đoạn que mà cầm khi ăn. Nay que kem được làm bằng gỗ hình dẹt, tiệt trùng kỹ lưỡng chứ ngày trước chỉ là những đoạn tre chẻ vội, có cái còn dính cả phoi tre khiến khách phải nhằn. Loại kem này lâu chảy hơn kem cốc. Hồi trước nhiều người mua kem hay bọc bằng giấy báo, về đến nhà kem vẫn còn nguyên dáng, có khi còn đọc được mấy dòng chữ từ báo dính sang.

Đám trẻ Hà Nội hay được giao việc bán kem. Đội chiếc mũ cói hoặc chiếc mũ cà tàng bất kỳ, vai vác phích kem dài quá đầu gối, chúng tỏa khắp hang cùng ngõ hẻm Hà Nội rao Kem đê ê ê…

Các hiệu kem nổi tiếng như Hồng Vân, Long Vân đều ở quanh Bờ Hồ. Riêng hiệu kem Hòa Bình lại dạt xuống dưới Hàng Bông để độc chiếm khách mạn Cửa Nam, Hàng Da và Cẩm Bình lùi xuống phố Huế phục vụ khách xuôi về hướng chợ Mơ. Nhận kem xong, bọn trẻ hay theo tàu điện mang về các cửa ô để bán. Các ông sơ vơ không bao giờ thu tiền vé bọn này, có chăng chỉ thỉnh thoảng quát chúng không được rao to hoặc léo nhéo làm phiền khách đi tàu. Kem được xếp hai tầng trong phích và theo chân các cậu bé bán kem lên tàu điện mang đến các cửa ô Hà Nội. Cựu cầu thủ quân đội Vũ Mạnh Hưng khi xưa cũng đi bán kem. Nó nhảy tàu, phích kem va vào thành cửa bị vỡ nên ông già nó tẩn cho một trận lên bờ xuống ruộng. Nó giờ chỉ nhớ trận đòn đau năm xưa mà không biết rằng, lẽ ra, nó phải tự hào vì là đồng nghiệp bán kem với nguyên thủ quốc gia Phạm Văn Đồng.

Tiệm kem Zéphyr được mở ở nhà số 37 Cầu Gỗ vào năm 1936. Ngôi nhà này thông sang phố Đinh Tiên Hoàng. Chủ nhà là cụ Phạm Quang Hưng, Thông phán Bưu điện Bờ Hồ. Cụ Thông phán làm cho Tây nhưng năm người con trai và bảy người con gái của cụ đều là những người được cụ nuôi dạy tình yêu quê hương đất nước. Con thứ của cụ là ông Phạm Quang Chúc tham gia Việt Nam Quốc dân đảng, bị tù Côn Đảo. Trong tù ông được các ông Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Lê Thanh Nghị, Hà Huy Giáp, Nguyễn Kim Cương… bên đảng Cộng sản cảm hóa và kết thân. Năm 1936 Mặt trận Bình dân Pháp thắng thế, nắm chính quyền nên nhiều tù chính trị được phóng thích. Ông Chúc đón các ông Phạm Văn Đồng, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Kim Cương, Nguyễn Tuấn Thức, Ba Ngọ, Đình Nhu về nhà mình ở tạm, kiếm việc làm và chờ móc nối hoạt động. Trưởng nữ của cụ Hưng là bà Phạm Thị Hồng có bạn tên Cầu nắm được kỹ thuật làm kem. Bà xin phép cha cho mở quán Kem Zéphyr với các nhân viên ban đầu là ông Chúc và các bạn tù. Quán trang trí bức tranh cô gái cầm ly kem đang bay và một số phác thảo tranh khác, đều do ông Phạm Văn Đồng tô màu và hoàn chỉnh. Lúc khách Tây vào mua kem, ông Đồng và các cựu tù chạy bàn, nói tiếng Tây như gió khiến họ rất thích và giới thiệu tiếp cho bạn bè. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng là người toàn tài. Hồi tốt nghiệp Thành chung tại Quốc học Huế, ông ra Bắc học tiếp trường Lycée du Protectorat (Trường Trung học Bảo hộ). Do nằm trên đất Kẻ Bưởi và lòng tự tôn dân tộc nên cả thày lẫn trò, ai cũng chỉ nhận mình là học trò trường Bưởi. Học chưa đầy 2 năm, cố Thủ tướng đã thoát ly đi làm cách mạng, nhưng các thày và bạn học thủa đấy, ai cũng nể trọng cậu học trò xứ Quảng học giỏi nức tiếng và là cầu thủ cừ khôi trong đội bóng đá của trường.

Bà Trưởng nữ Phạm Thị Hồng kết hôn với ông Nguyễn Kim Cương, sau làm Thứ trưởng Phủ Thủ tướng, tương đương Chủ nhiệm Văn phòng Thủ tướng ngày nay.

kem-bo-ho3-1630344589.jpg
 

Khi cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng chuyển về khu Đông Dương học xá (Đại học Bách khoa Hà Nội bây giờ), ông vẫn thường xuyên đi tàu điện đến thăm bà Phạm Thị Cúc đang giúp chị ở quán Kem Zéphyr. Tàu điện thường chạy qua Đông Dương học xá rồi mới dừng đỗ ở cổng Nhà thương làm phúc Bạch Mai nên chắc cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng phải là người nhảy tàu rất giỏi.

Trai anh hùng gặp gái thuyền quyên, tiểu thư Hà thành Phạm Thị Cúc phải lòng nhà cách mạng Phạm Văn Đồng.

Tháng 10 năm 1946 đám cưới ông Đồng và bà Cúc được tổ chức tại nhà ông Phạm Chấn Hưng, nhà tư sản dân tộc và cũng là cha đẻ thi sỹ Phạm Huy Thông tại 86 Hàng Bạc. Bác sỹ Trần Duy Hưng, Chủ tịch thành phố Hà Nội chủ hôn với hai phù rể nổi tiếng là ông Trường Chinh và ông Võ Nguyên Giáp.

Cưới xong, ông Đồng được cử làm Đặc phái viên Chính phủ tại Nam Trung bộ. Nhớ chồng, mặc can gián của mọi người, cô tiểu thư Hà thành một mình lặn lội vượt Trường Sơn trong 5 tháng trời mới đến được nơi ông đang làm việc. Vừa kịp hàn huyên, chưa kịp nghỉ dưỡng sức thì nghe tin Pháp gây hấn tại Hà Nội. Ông được lệnh ra Bắc, bà lại cùng chồng theo những con đường bí mật để tránh tai mắt của Pháp, lại ròng rã hàng tháng trời vượt núi băng rừng.

Bà đổ bệnh sau những chuyến đi và căn bệnh suy nhược thần kinh ngày càng trầm trọng. Bà chỉ kịp sinh cho ông người con trai duy nhất là Phạm Sơn Dương rồi chìm mãi trong căn bệnh mất trí nhớ.

Dù ông đang ở cương vị Thủ tướng tột đỉnh vinh quang, ông vẫn ở vậy chăm sóc bà cho tới những phút giây cuối cùng của cuộc đời mình.

Hồi 10h45 ngày 15/10/2018, bà Phạm Thị Cúc đã trút hơi thở cuối cùng. Ông đã được đón bà, cô gái Hà thành ông yêu tại quán Kem Zéphyr từ những năm đầu của thế kỷ trước. Ông bà đã được đoàn tụ vĩnh viễn. Mối tình sắt son chung thủy của ông bà là tấm gương để mọi thế hệ người Việt ngưỡng mộ và noi theo!

Bổ sung: Ở phố hàng Bột, nhìn ra Quốc tử giám, cạnh Văn miếu, những năm 56.57.60. nguời gốc Hàng Bột gọi là vườn hoa Giám. Ngày trước có nhà hai tầng. Chủ nhà làm nghề thuộc da. Trên mặt tiền tầng hai đắp nổi hình con bò, to bằng bò thật. Dân Hàng Bột gốc gọi là chợ Con bò, vì những năm 50, 60 chung quanh tường Văn miếu có cái chợ. Trẻ con 7.8.9 tuổi lên chợ đấy thuê truyện về đọc: Tây sương kí. Tam quốc. Bồng lai hiệp khách... Cách mấy nhà con bò đắp nổi, có hiệu kem Hồ Điệp. Bà Điệp trông phúc hậu, thương trẻ con. Kem que bán trên tàu điện 5xu một chiếc. Mua tại nhà, bà Hồ Điệp bán cho trẻ con 3xu. Trẻ nghèo. Bà Điệp giao cho cái phích đựng kem. Mang lên tàu điện bán. Vốn của bà cả kem cả phích. Có đứa đeo phích kem nhảy tầu điện đang chạy, vỡ cả phích, bà cũng ko bắt đền.

Ngọc Sâm Nguyễn

 

Bạn đang đọc bài viết "Kem Bờ Hồ và mối tình chung thủy tại quán kem Zéphyr" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn