Kép Thái Châu

Kép hát Thái Châu bên cải lương tên là Phạm Như Lộc, sinh năm 1961 nhà ở Kỳ Đồng, Quận 3, Sài Gòn. Tuy không phải là con nhà nòi nhưng vì ham hát cải lương lương Hồ Quảng nên tối ngày la cà tới đình Cầu Quan Chợ Cầu Muối ăn dầm nằm dề để học hát.
271296843-2974921099437178-1926006204751871673-n-1641896742.jpg

Danh cầm Tám Tài (tía vợ tui) là nhạc sỹ cổ nhạc của đoàn vì không có con trai thấy thằng Lộc dễ thương nên nhận làm con nuôi. Từ đó thằng Lộc ở lại Đình Cầu quan một cách hợp pháp, vốn sáng dạ nên bao nhiêu cái hay về ca diễn nó đều học lóm và thuộc lòng như:

- Đá giáp, chạy gối, múa quạt, múa đao, thương, cung kiếm hay cái liếc mắt, những cái tic tắc của vũ đạo... nó diễn không thua gì lứa gà nòi thời đó như: Đức Lợi, Hữu Lợi, Bửu Truyện...  Khi tía vợ tôi nghỉ theo đàn cho Khánh Hồng - Minh Tơ ông dọn qua Đình khưu Trung bên đường Lạc long Quân - Tân Bình, Thái Châu cũng đi theo. Sau đó ông theo đoàn Tinh Hoa của má Mười Cơ, nhưng Tinh Hoa thì chuyên đi lưu diễn Miền Trung và cũng không có hát tuồng cổ nên TC nghe tin phe Khánh Hồng kéo quân về miền tây thành lập đoàn Cải lương Tuồng cổ Khánh Hồng An Giang với Ngọc Đáng, Vũ Linh, Tuấn Linh... TC mò theo liền nhưng chen chân vô một bộ khung đã vận hành sẵn đâu phải dễ dàng gì nên TC tìm đến đoàn Cải lương của Bầu Chín Nghi đang hát ở Miếu Tây Khánh Mương điểm Long Xuyên.

Với gương mặt sáng, vũ đạo tốt, tuy hơi ca vọng cổ thấp và không hay lắm nhưng bù lại Thái Châu hát kép văn võ gì cũng hay, đoàn hát đến đâu nghe tên Thái Châu ai cũng ùn ùn đến rạp tranh nhau mua vé. Nhiều cô gái ao ước được làm quen và sẵn sàng nâng khăn sửa túi cho anh kép hát đẹp trai... Nhưng trớ trêu thay, hát hay như vậy, nhiều người thương tranh nhau làm quen nhưng hắn chẳng chịu thương ai mà chỉ thích mấy chàng trai trẻ... Thì ra TC là một anh "bán xà bông" chánh hiệu. Mà gia thế của TC trên Sài Gòn cũng không phải là tệ. Có mấy anh chị em ở nước ngoài... gia đình cũng mong TC lấy vợ để có cháu Đích tôn, còn nếu không thì sẽ bảo lãnh ra nước ngoài, nhưng TC bỏ nhà ra đi theo ánh đèn nghệ thuật. Hát kép chánh lương cao được nhiều Bầu gánh săn đón, ký được nhiều hợp đồng nhưng hắn ghiền đánh bài tứ sắc và... "Nuôi Trai" nên tiền hát được bao nhiêu TC nướng hết vô sòng bạc và lâm nợ... tứ tung.

Thập niên 80, khi đoàn hát của Bầu Tư Địa dựng vở TÔ HIẾN THÀNH XỬ ÁN (Một tuồng cải lương tuồng cổ thuần Việt của soạn giả Bùi Trọng Nghĩa nổi tiếng trên sân khấu đoàn Huỳnh Long) Thái Châu hát vai Tô Hiến Thành và đứng ra chỉ đạo nghệ thuật. Tuồng hát xem như chủ lực được Bầu Tư Địa cho hát đêm đầu và lôi kéo khán giả đến đầy rạp luôn mấy đêm sau, trước khi rời bến đáp lại lời yêu cầu của khán giả Đoàn phải tái diễn lại kịch bản Tô Hiến Thành một hiện tượng chưa từng có tại các đoàn cấp Tỉnh, hay cấp huyện thời đó. (Bầu Tư Địa trước khi làm Bầu anh làm quản lý cho Đoàn Giang Thành của Bầu Chín Nghi). Anh Bầu Tư Địa khi dẹp gánh hát anh về Mỹ Tho chạy xe ôm. Mỗi lần chở khách lên Sài Gòn anh hay ghé thăm tôi mời ly cà phê. Ngồi kể lại chuyện TC anh nói:

- Em có tin mỗi lần nó diễn vai Tô Hiến Thành là anh không dám nhìn nó... cái thần của nó lúc đó làm anh nổi gai ốc hết. Mà tuồng của anh toàn là dã sử kiếm hiệp loại Hương xa nên khi xem TC hát Tô Hiến Thành rồi mấy đêm sau cho nó ở không ăn lương vì không thấy vai nào phù hợp với nó... Giống như bên Hong Kong Kim siêu Quần đóng vai Bao Công rồi không đóng vai gì được nữa.

Sau khi Cải lương miền Nam từ từ dẹp tiệm, Thái Châu không về nhà mà qua quận 7 làm tạp vụ cho nhà hàng Sa Kê ở đường Trần xuân Soạn và tối ngủ lại đó (Ngang trường Tiểu học Lê Quý Đôn). Một hôm chủ quán phát hiện mất 10 chai bia và nghi cho hắn "chôm" mặc dù TC không hề bia rượu, thế là hắn nổi máu đàn bà lên giận nghỉ cái rẹt. Trước khi đi hắn mới chỉ ngay tên em trai chủ quán tối nào nó cũng khui bia uống sao không ai nghi cho nó... Sau đó Thái Châu về Long Xuyên mướn một căn nhà nhỏ ở gần nhà tôi ở xã Mỹ Hòa TPLX để có chị có em (hắn vẫn xem mẹ sắp nhỏ là chị ruột như ngày xưa còn ở Sài Gòn) hắn vẫn theo hát cho các đoàn hát cúng Đình loại Hát bội pha cải lương Hồ Quảng. Mấy bà chị không thuyết phục được đứa em cứng đầu về nhà nên mỗi tháng trợ cấp cho hắn 100 USD. Vì vậy, không hát hắn vẫn có tiền mà sống. Vẫn còn đánh bài tứ sắc nhưng bây giờ chuyện cờ bạc hắn cũng là cao thủ rồi nên đánh cũng ít thua hơn. Giữa năm 2007, một buổi chiều sau khi đi uống cà phê ở một quán nhỏ gần nhà, vừa về tới trước nhà đang mở cửa thì TC la lên một tiếng rồi té xuống vì cơn đột quỵ... Cả đám nghệ sỹ chung xóm trọ đưa ra bệnh viện cấp cứu. Đến tối hắn nhẹ nhàng ra đi khi tuổi chưa đến 50.

Cả phe nghệ sỹ Hát bội Long Xuyên cùng mấy người chị ruột từ Sài Gòn xuống sau khi đưa hắn đi thiêu, hủ cốt được gởi về Chùa Nghệ sỹ ở Gò vấp. Một lần ghé thăm Chùa tôi được chị Thảo người phụ trách danh sách các nghệ sỹ ở khắp nơi sau khi mất được đưa về đây. Chị Thảo chỉ nơi hắn ngự trên tầng cuối cùng của Tháp cốt... phía trước Tháp là ngôi mộ của nữ nghệ sỹ Phùng Há. Thái Châu, một nghệ sỹ tài hoa tuy vô danh ít người biết nhưng đến nay những "bà già trầu" xóm tôi ở vẫn hay nhắc:

- Ổng mà là đàn ông là tui hốt ổng rồi.. hát hay đẹp trai mà "bán xà bông" tức ghê...

Theo Chuyện Làng quê