Kết cục bi thảm của một kẻ máu gái

Nguyễn Xuân Oánh

01/11/2021 09:11

Theo dõi trên

Với bản tính hám sắc mê gái, lại có một ít sĩ diện vặt, khi nào ra khỏi đơn vị, hắn cũng đeo kè kè cái xà cột bên người, không hiểu hắn kiếm đâu ra cái xà cột đó. Đi đâu thấy hắn, ai cũng tưởng hắn là cán bộ đại đội (vì hồi đó cán bộ đại đội trở lên mới được sử dụng xà cột).

ben-do-trung-phuoc-1635732469.jpg
Bến đò Trung phước dưới thời thực dân Pháp. - Nguồn faebook

Hắn tên là Hoàng Khiêm, năm đó hắn 23 tuổi. Với dáng dấp và cách ăn nói của hắn, ít ai có thể tin rằng hắn ở tuổi đó.

Hắn là tiểu đội trưởng, tiểu đội lái  xe ATN, một loại xe chạy động cơ  điezen chuyển  động bằng xích (như xe tăng) do Liên xô sản xuất, chuyên kéo pháo có trọng lượng  nặng.

Người hắn cao to cân đối. Khuôn mặt chữ điền, râu quai nón, tóc đen, rậm và xoăn. Hắn là  người dân tộc thiểu số. Nghe đâu ở Cao Bằng hoặc Lạng Sơn gì đó.

Đại đội pháo 85 li nòng dài của hắn tham gia chiến dịch Nông Sơn Trung Phước hè thu 1974 tại tỉnh Quảng Nam, là một trong những đại đội có thành tích xuất sắc, trong trận chiến đấu đánh chiếm căn cứ Nông Sơn ngày 18 tháng 7 năm 1974.

Thời kỳ này, sau khi tiêu diệt căn cứ Nông Sơn, ta đã giải phóng một vùng nông thôn rộng lớn, gồm nhiều xã của huyện Quế Sơn tỉnh Quảng nam (địch gọi Quảng Tín).

Đại đội pháo binh mặt đất của hắn có nhiệm vụ cùng với các lực lượng khác như bộ binh, cao xạ v.v. bảo vệ vùng giải phóng, kiên quyết không cho địch lấn chiếm, đồng thời sẵn sàng bắn theo yêu cầu chi viện của bộ binh và yêu cầu của mặt trận.

Tiểu đội xe ATN của hắn mỗi khi kéo pháo chiếm lĩnh trận địa xong là lui về hậu cứ cùng bộ phận nuôi quân của đại đội. Nhiệm vụ của tiểu đội hắn chỉ là bảo quản xe, đồng thời  sẵn sàng kéo pháo cơ động khi có lệnh. Từ chỗ trận địa pháo về bãi để xe của hắn chưa đầy một cây số. Ở đó có bến đò Trung Phước, chợ Trung Phước, trước đây là một trung tâm giao dịch của con sông Thu Bồn, là đường thủy duy nhất lên huyện lỵ Hiệp Đức. Từ thời Pháp thuộc, cảnh trên bến dưới  thuyền của Trung Phước, khi nào cũng tấp nập giao thương buôn bán, giữa miền xuôi và miền ngược. Dân cư trước đây đông đúc. Cuộc chiến tranh kéo dài nhiều năm, ta và địch tranh chấp khu vực này nhiều lần. Kế hoạch dồn dân vào "ấp chiến lược" bị phá sản, địch chuyển sang kiểm soát nhân dân bằng hình thức "khu trù mật", tập trung nhân dân để chúng dễ bề kiểm soát. Vì thế dân cư ở đây thưa thớt. Số dân còn lại không chịu vào các trại tập trung, là những người gắn bó với cách mạng, kiên quyết bám đất, bám làng.

Tiểu đoàn 36 pháo cao xạ 37 li  của tôi có ba đại đội, đại đội 7 ở phía tây sông Thu Bồn còn đại đội 8 và đại đội 9 ở phía đông sông Thu Bồn, có nhiệm vụ bảo vệ, chi viện cho bộ binh chống địch lấn chiếm, đồng thời  bắn trả máy bay địch, bảo vệ  các trận địa pháo, trong đó có trận địa pháo của đại đội hắn. Sở chỉ huy của tiểu đoàn tôi cũng gần trận địa  đó.

1-ten-nguyen-thi-thanh-thuy-1635732469.jpg
Tên Nguyễn Thị Thanh Thủy thiếu tá trùm "biệt đội Thiên nga " những con rắn độc chuyên chống lại cách mạng chống lại nhân dân đã bị cải tạo 13 năm. - Nguồn faebook

Với bản tính hám sắc mê gái, lại có một ít sĩ diện vặt, khi nào ra khỏi đơn vị, hắn cũng đeo kè kè cái xà cột bên người, không hiểu hắn kiếm đâu ra cái xà cột đó. Đi đâu thấy hắn, ai cũng tưởng hắn là cán bộ đại đội (vì hồi đó cán bộ đại đội trở lên mới được sử dụng xà cột). Có lẽ nghề nghiệp lái xe, và tính cách đã tạo cho hắn cái sĩ diện không bình thường đó.

Vào một bữa, hắn ra bến đò Trung Phước định qua đò, thì gặp một người con gái độ chừng hai mươi tuổi ở  dưới đò bước lên. Cô ta nở một nụ cười với hắn. Lâu lắm không gặp con gái, hôm nay sao lại may mắn thế. Sắc đẹp lộng lẫy và cả cách ăn mặc của cô gái đã gây cho hắn một ấn tượng khác lạ. Người cao dong dỏng, khuôn mặt trái xoan, tóc uốn kiểu mới, và cái kính râm màu đen trên khuôn mặt càng tăng thêm gợi cảm cho hắn.

Hắn quyết định không qua đò nữa mà tìm cách tiếp xúc với cô gái đó. Sau khi hỏi chuyện hắn biết cô ta tên là Hoàng Thị Lệ An, hai mươi tuổi. Cô ta bảo là dân ở vùng này, đang là sinh viên học một trường tại Đà nẵng.Vốn dĩ máu gái có từ lâu trong con người, hắn tự  giới thiệu hắn là cán bộ đại đội. Từ đó hắn bắt đầu thân quen với Lệ An, hằng ngày bằng mọi cách gặp Lệ An cho được. (Mặc dù trong thời gian này đơn vị đã cấm tiếp xúc quan hệ với phụ nữ)

Càng gần với Lệ An, hắn lại càng có cảm tình. Lệ An có giọng hát và ngón đàn guitar làm cho hắn càng chết mê, chết mệt.

Hắn có biết đâu? Đồng đội hắn, những người cùng đại đội với hắn đang ngày đêm bám trụ nơi trận địa thường xuyên gần gũi với cái sống và cái chết. Thì hắn lại đem lòng yêu thương một người con gái xa lạ. Từ cái buổi làm quen cô gái đó, cuộc đời hắn đã khép lại. Hắn đã bị mắc bẫy, trở thành kẻ bên kia chiến tuyến với đồng đội của mình.

 Chính Hoàng Thị  Lệ An là một con rắn độc, là nhân viên của biệt đội tình báo "Thiên nga Phượng hoàng" với bí danh là "họa my".

Biệt đội" Thiên nga Phượng hoàng" là một tổ chức tình báo, mà tiền thân là khóa 1 lớp sĩ quan cảnh sát quân đội VNCH năm1968. Thành phần được tuyển chọn rất kỹ lưỡng, là những cô gái chân dài, có khuôn mặt đẹp, tuổi đời từ 18 đến 25 tuổi, về học vấn phải tốt  nghiệp tú tài, chiều cao phải từ 1m65 trở lên, là những cô gái miền quê, sinh viên, người buôn bán, người bán vé xe , nhân viên  bưu điện, người bán hàng rong, nói chung là tất cả thành phần có trong xã hội. Tuyển chọn xong, cục tình báo Mỹ CIA và cảnh sát đô thành  Sài gòn trực tiếp huấn luyện. Sau khi huấn luyện hoàn thành các khoa mục, trong đó có nội dung như khai thác thông tin, phỏng vấn, tổng hợp báo cáo tình hình, bọn này còn học lái xe máy, lái xe ô tô, chụp ảnh, làm tóc, thợ may .v.v.

Ra trường, chúng được tung về các địa bàn quan trọng và các vùng giải phóng của ta để hoạt động, dưới dạng dân thường, để thu thập tin tức, chỉ điểm các cơ sở cách mạng của ta, lôi cuốn cán bộ chiến sĩ quân giải phóng chạy theo địch, hồi chánh để chống lại nhân dân.

 Đây là một tổ chức tình báo hoạt động rất nguy hiểm, đã gây nhiều tội ác với nhân dân, khiến nhiều cơ sở cách mạng của ta trong lòng địch bị chỉ điểm, bị bắt bớ, tổn thất nhiều.

Vì vậy công tác an ninh của chúng ta trong giai đoạn này phải tìm cách đập tan âm mưu của tổ chức tình  báo "Biệt đội Thiên nga" rất nguy hiểm này.

2-lop-si-quan-1635732469.jpg
Lớp sỹ quan cảnh sát quân đội VNCH khóa 1 năm 1968 tiền thân của biệt đội tình báo "Thiên nga Phượng hoàng " sau này

***

Kể từ ngày gặp Lệ An đến nay, tình cảm giữa hắn và ả càng gắn chặt. Cứ năm bảy ngày ả lại xuôi sông Thu Bồn về Đà nẵng một lần. Ả nói với hắn là xuống trường học, nhưng thực chất là về báo cáo tình hình đã thu thập được ở vùng mới giải phóng và công việc của ả đang tiến hành cho trung tâm "biệt đội Thiên Nga", đồng thời xin ý kiến chỉ đạo tiếp nhiệm vụ.

Mỗi lần quay lại, ả không quyên mua quà cho hắn. Hắn cứ tưởng rằng ả thật sự yêu hắn. Đã nhiều lần hắn gặp ả, hắn muốn quan hệ tình dục, nhưng ả một mực từ chối: "Cái đó để dành cho ngày sau này, vì em còn đang đi học".

Nhưng ả biết đây là" vũ khí " duy nhất của ả đang có, là miếng mồi ngon để nhử hắn. Nếu mất "vũ khí" này mọi việc sẽ hỏng hết, mà không hoàn thành nhiệm vụ của trung tâm giao cho.

Một kế hoạch đã được ả vạch ra theo sự chỉ đạo của cấp trên ả.

Một hôm, ả gặp hắn, sau những cái hôn hít xoa bóp gợi tình, ả bảo hắn: "Bây giờ muốn chung sống bên nhau mãi mãi thì phải theo em xuôi sông Thu Bồn về Đà Nẵng".

Khi nghe nói ra điều này, hắn vẫn sợ, nhưng nếu không nghe theo lời ả, thì coi như hắn     mất ả, điều này thì hắn không muốn.

Với bản chất ham sống, sợ chết, sợ gian khổ, lại máu me gái gú, hắn chấp nhận yêu cầu của ả.

Ả ta giao nhiệm vụ cho hắn: Một là lấy bằng được một khẩu súng ngắn của một đồng chí cán bộ đại đội hắn. Hai là mượn được một chiếc thuyền của người dân ở đó để xuôi sông Thu Bồn về Đà nẵng.

Ả còn dặn hắn: Nếu lấy súng thì không cần phải lấy cả bao, mà chỉ lấy mỗi khẩu súng và băng đạn trong súng, nếu lấy cả bao súng dễ bị lộ, vì không thấy bao súng biết là mất, khi biết mất sẽ đi tìm, từ đó sẽ lần ra manh mối. Nhưng chỉ lấy súng không, thì không thể biết được mất súng. Vì bao vẫn còn, súng bỏ trong bao không thấy được.

Nhiều lần ra ban chỉ huy đại đội hội ý công việc, cuối cùng, hắn cũng đã lấy trộm được khẩu súng ngắn K54 và một băng đạn.

Về đến nhà, đêm đó hắn đã nghĩ cách ăn cắp thuyền của dân neo ngoài bờ sông. Nhưng lấy được thuyền mà không có mái chèo thì thuyền cũng không xuôi được. Vì mỗi khi về nhà thì chủ thuyền thường đưa mái chèo về nhà luôn, không để tại thuyền. Chỉ có cách duy nhất là mượn dân, nói đi công tác gấp. Sáng hôm sau, theo như tính toán của hắn, hắn ra bến đò gặp chủ thuyền và hỏi xin mượn thuyền đi công tác vì nhiệm vụ đột xuất. Chủ thuyền đồng ý cho hắn mượn, vì nhân dân ở đây rất tốt, họ luôn tin tưởng cách mạng.

3-cac-thanh-vien-trong-biet-doi-1635732469.jpg
Các thành viên trong biệt đội Thiên nga. Một tổ chức tình báo chống lại cách mạng và nhân dân ta .

Hắn xuống thuyền và xuôi sông về hướng Đà Nẵng. Xuôi được vài trăm mét, thuyền ghé vào bờ đón ả ta lên thuyền. Ngồi  lên thuyền, ả mở túi, rồi đưa cho hắn một bộ quần áo. Ả bảo thay quần áo đi kẻo bị phát hiện. Hắn ngoan ngoãn nghe lời ả thay quần áo.

Cứ  thế con thuyền theo dòng sông Thu Bồn về Đà nẵng.

Về đến quận lỵ Đức Dục, lúc này cầm lái cho thuyền ghé vào bờ. Hắn không biết chuyện gì đã xẩy ra với hắn. Trên  bờ đã có  ba tên lính VNCH, súng AR15 lăm lăm trên tay mời hắn vào chi khu quận lị. Hai đứa đưa hắn đi, còn một thằng dẫn ả đi chỗ khác.

Sau đó ả vào gặp tên quận trưởng, báo cáo lại toàn bộ câu chuyện và nhận được một khoản tiền khá lớn. Xong công việc, ả ra thuyền xuôi về Đà Nẵng như một người dân bình thường.

Còn hắn được dẫn lên bộ phận tác chiến để phỏng vấn. Hắn cũng tự động giao nộp khẩu K54. Nhưng trong băng đạn không còn viên nào nữa, thì ra tối hôm trước, lợi dụng hắn ra ngoài, ả đã tháo hết đạn.

Khi phỏng vấn, hắn khai là đại đội trưởng đại đội pháo binh, thuộc đơn vị đóng ở tây nam Cánh Đồng Làng.

Sau đó, hai tên lính đưa hắn ra cổng. Trước cổng, một chiếc xe Jeep đã đợi sẵn, chở hắn đi đến trận địa pháo105 li.

Đến trận địa, bọn địch đưa cho hắn một tấm bản đồ quân sự  UTM tỷ lệ 1/50.000 rồi bảo hắn xác đnh tọa độ các vị trí đóng quân của bộ đội ta để chỉ huy trận địa bắn pháo vào đó. Cầm tấm bản đồ, người hắn cứ run lên bần bật. Hắn đã cầm bản đồ bao giờ đâu mà biết, hắn cũng không biết tọa độ là cái gì, chưa nói đến góc phương vị, góc la bàn khi chỉ huy đại đội bắn. Vì hắn là một thằng lái xe xích, chỉ biết dầu mỡ thôi, làm gì mà biết những thứ đó.!

Cuối cùng, hắn bị một trận đòn nhừ tử rồi bị tống vào nhà lao quận Đức Dục.

Sau khi hắn xuống quận Đức Dục, cơ sở của ta báo về tiền phương mặt trận có một chiến sĩ đơn vị pháo binh đã chạy theo địch. Tiền phương mặt trận thông bảo một số đơn vị cần di chuyển chỗ ở  đi nơi khác, đề phòng địch pháo kích. Nhưng hồi đó lực lượng ta rất mạnh,  vùng giải phóng rông lớn, tầm pháo của địch không tới được, nên không thiệt hại gì.

Sau  ngày miền Nam được giải phóng, lực lượng an ninh của ta đã bắt hắn và đưa đi trại giam đợi ngày xét xử về tội phản quốc.

Toàn bộ thành viên của "biệt đội Thiên nga" do trùm tình báo thiếu tá  Nguyễn Thị Thanh Thủy cầm đầu, đều ra trình diện, và được đưa đi cải tạo. Đứa thấp nhất là là ba năm, đứa nhiều nhất là 13 năm cải tạo 

Con rắn độc  Hoàng Thị Lệ An, biệt danh là "Họa my".  đứa đã đưa Hoàng Khiêm vào con đường tội lỗi. chống lại cách mạng, chống lại nhân dân, cuối cùng cũng như đồng bọn, phải đi học tập cải tạo.

Đây là những bài học cho những kẻ chân yếu, tay mềm, những người con gái miền quê yên lành hiền hậu đã đi theo giặc, gây biết bao nhiêu tội ác với đồng chí, đồng bào của chúng ta và cái giá chúng nó phải trả ./.

Bạn đang đọc bài viết "Kết cục bi thảm của một kẻ máu gái" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn