Khả năng nhìn thấu: Vụ án bé gái 6 tuổi

Ba ngày trôi qua, vụ bé Nhi 6 tuổi coi như chìm xuồng. Hai vợ chồng đành đau khổ chấp nhận sự thật. Nhưng bà con trong xóm chưa cam tâm, cứ nhắc đi nhắc lại chuyện đó và vái van trời xui đất khiến cho con nhỏ đi lạc ở đâu bỗng trở về để ba mẹ nó vui mừng.

Vợ Út Hết vừa mới sinh đứa con trai được 5 ngày. Đang ở cữ nên mọi chuyện chợ búa cơm nước trong nhà đều do một tay Út Hết cáng đáng. Đứa con gái lớn mới được 6 tuổi của họ cũng bị sai làm chút chuyện lặt vặt như qua nhà hàng xóm mượn cái gì đó, thời gian còn lại nó quanh quẩn bên mẹ để ngó chừng thằng em còn đỏ hỏn.

Nhưng chiều hôm đó, vợ Hết không thấy con gái vô ăn cơm. Hết kêu réo “Nhi ơi Nhi hỡi” vang trời cũng không nghe lên tiếng nên đâm lo, chạy đi hỏi giáp vòng xóm nhưng vẫn không tìm được nó. Vợ Hết ăn cơm không vô, cả xóm thấy vậy cũng chạy đi tìm phụ. Họ hỏi thăm nhau xem có thấy người lạ mặt nào xuất hiện trong xóm không vì họ sợ nó bị bọn bắt cóc đem đi bán nội tạng. Nhưng cả xóm đều lắc đầu nói không thấy ai khả nghi.

Đến sáng hôm sau, Hết mếu máo lên xã trình báo với công an. Công an vào cuộc nhưng đầu mối bít chịt biết lần đâu ra. Xóm không có ao hồ kênh rạch gì nên loại trừ khả năng bé Nhi đi ngang bị té xuống chết đuối. Vợ chồng Út hết cũng không gây thù oán với ai cho nên việc bắt cóc đứa nhỏ trả thù cũng nằm ngoài khả năng.

Mọi người nhốn nháo và vợ chồng Hết xem như người chết rồi. Khổ nổi con vợ vừa mới sinh xong, mẹ chồng mẹ ruột đều theo an ủi dỗ dành sợ nó nóng ruột con rồi lên máu sản hậu thì khổ nữa.

Ông Tư cũng tham gia với đoàn người đi kiếm bé Nhi suốt hai ngày liền. Ông cũng thương cho vợ chồng thằng Hết, ở vào hoàn cảnh nầy thiệt là tội nghiệp.

Ba ngày trôi qua, vụ bé Nhi 6 tuổi coi như chìm xuồng. Hai vợ chồng đành đau khổ chấp nhận sự thật. Nhưng bà con trong xóm chưa cam tâm, cứ nhắc đi nhắc lại chuyện đó và vái van trời xui đất khiến cho con nhỏ đi lạc ở đâu bỗng trở về để ba mẹ nó vui mừng.

Ông Tư hôm nọ tình cờ đi ngang nhà Tám Dữ. Tên là Dữ nhưng thằng Tám nầy nó hiền khô. Tuổi trạc năm mươi, con cái cũng được học hành đàng hoàng và đang làm việc ở Sài Gòn, chỉ còn có vợ chồng nó ở nhà thôi. Thằng Tám cũng vui vẻ năng động, bà con chòm xóm có việc gì nó cũng lăn xả vô phụ, ông Tư cũng thích tính cách của Tám Dữ nên khi đi ngang, tiện thấy vợ Tám Dữ đứng trước cửa nhà nên hỏi:

- Có thằng Tám ở nhà không bây?

- Dạ có chú Tư, ảnh ở đàng sau. Để con gọi ảnh.

- Thôi khỏi, để tao ra kiếm nó, khỏi kêu vô lỡ việc. Sẵn coi mấy cây bưởi của nó nghe nói năm nay trái dữ tợn lắm hả?

- Dạ, ảnh vô phân kịch liệt mà chú. Tối ngày rị mọ với mấy cây bưởi không tốt mới lạ à.

Ông Tư theo chân vợ Tám Dữ ra phía sau nhà. Đúng là vườn bưởi xanh um, trái lố nhố khắp cây. Dữ đang lặt bỏ bớt. Ông Tư chắc lưỡi, khen trong bụng thằng nầy siêng thiệt, vườn tược của nó thoáng đãng sạch sẽ, trông đẹp mắt nhất khu vực nầy chứ chẳng chơi. Bông bưởi nở rực trên cây, hứa hẹn một mùa bội thu đây. Tám Dữ chưa nhìn thấy ông, còn đang lui cui lặt bưởi nhỏ bỏ vô bịt để đem đổ. Vợ Dữ đưa ông ra rồi trở vô nhà. Ông Tư vén nhánh bưởi tiến lại gần Dữ, Ông nhìn thấy cái ao nuôi cá vồ nằm khuất trong vuông đất của Dữ, cách nhà cũng khá xa, độ chừng 400m. Ông thích thú “Đất thằng nầy nhiều thiệt ta, để coi nó có trồng thêm gì không chứ toàn là bưởi thì hốt bạc chứ chẳng chơi”. Ông mon men lại gần ao cá, những bụi chuối già gốc to đùng, quài dài sọc, trái bằng cổ tay con nít. Đúng thật thằng nầy giỏi, trồng cây gì coi cũng được. Ông cất tiếng kêu:

- Tám Dữ ơi. Miếng vườn mầy coi đã thiệt nghen.

Tám Dữ nghe tiếng kêu tuốt ngoài gần cái ao, thảng thốt la lên:

- Ai đó?

Ông Tư vẹt nhánh bưởi tiến lại gần Dữ:

- Tao nè, mầy làm gì la hết hồn vậy?

- Ủa, chú Tư hả? Chú làm gì ngoài đó vậy?

- Nghe vườn bưởi của mầy trúng mùa, ghé học hỏi chơi mà.

- Vô uống trà chú.

- Khoan, mầy nuôi cá vồ ha gì vậy? Cho tao coi với về bắt chước coi.

- Chú nói chơi hoài, con còn học hỏi chú chứ bắt chước gì.

- Tao chưa từng nuôi cá vồ mầy ơi.

Ông Tư vừa nói vừa xấn tới cái ao. Dữ hốt hoảng níu tay ông lại kéo vô nhà, ông ngạc nhiên ngó chăm bẳm Dữ:

- Mầy sao vậy ha? Dấu nghề hả?

Bỗng ông lạnh tóc gáy khi đọc được suy nghĩ của Dữ:

- Cha nội nầy nghe ai nói cái gì hay sao mà nay lội xuống tới đây? Mình dìm xác con bé Nhi tuốt dưới đáy hồ, vài bữa rã thịt, cá vồ nó ăn hết là an toàn, giờ mà lại gần nó bốc mùi lên ổng phát hiện liền. Không được, không thể để ổng tới đó được.

Dữ nhất quyết kéo ông lên. Ông Tư thẩn thờ, tê tái trong lòng. Quả thật là kinh sợ. Con người khó có thể nhìn bề ngoài mà phán đoán. Nó đã làm gì con nhỏ rồi? Tại sao lại phải dìm xác xuống hồ? Chẳng lẽ… chẳng lẽ nó hiếp dâm con nhỏ cho tới chết rồi giấu xác phi tang sao? Ông phải làm sao đây? Vạch mặt nó ra à? Đây là một vụ động trời, một sự thật làm chấn động xóm làng chứ chẳng phải chuyện giết con mèo con chó. Vợ chồng Út Hết mất con vô cớ đang đau khổ rã rời trong khi kẻ sát nhân vẫn nhởn nhơ dùng thịt người nuôi cá vồ không một chút ái ngại cân đo cho tội lỗi của mình. Nhưng nếu ông nói ra thì khả năng giết ông diệt khẩu của Dữ là rất lớn. Nó làm ác bị trả báo là chuyện đương nhiên nhưng còn vợ con nó thì sao? Thấy ông Tư lần khần không chịu bước, Dữ buông tay ông ra, cười cười:

- Vô nhà uống trà chú ơi.

Ông Tư quyết định không bỏ qua, ông nắm lấy vai Dữ, gằn mạnh:

- Mầy làm gì con bé Nhi rồi, nói tao nghe coi.

Dữ thất kinh, lạc giọng:

- Chú nói gì vậy chú Tư?

- Mầy không khai ra tao báo chính quyền tới chỗ giấu xác moi lên à.

- Chú nghi con giết con của thằng Hết hả? Con làm người chứ làm chó sao lại đi giết con nít hả chú? Chú lớn tuổi rồi ăn nói thận trọng cho con cháu kính nể đừng nói theo cảm tính có ngày mang họa từ miệng nghen chú.

- Mầy hâm dọa tao đó hả? Sống tới từng tuổi nầy tao cũng không còn biết sợ gì nữa đâu. Nhưng mầy thì khác, thanh danh mầy, tiếng tăm sẽ bị bôi nhọ rồi mấy đứa con mầy nó sống làm sao, nó còn dám nhìn mặt ai trên đời nữa chứ?

- Chú nói bậy bạ cái gì vậy?

- Nhiều lời – ông Tư hạ giọng – Nghe lời chú đi Dữ, tới tự thú đi, hy vọng được khoan hồng chứ trước sau mầy cũng phải lọt lưới pháp luật. Chuyện kinh thiên động địa vầy nếu không bị phát hiện ra thì lương tâm mầy có yên ổn không? Đâu mầy thử nghĩ xem, nếu là con mầy bị xâm hại như vậy mầy chịu nổi không? Có tìm tên thủ phạm bầm xác nó ra không?

- Tui không hiểu ông nói gì.

- Vậy hả? Vậy mầy hiểu vì sao mà mầy dìm xác con bé Nhi xuống ao cá vồ không? Mầy biết thằng chó đẻ nào hãm hiếp nó rồi giết phi tang không?

Dữ kinh ngạc nhìn ông Tư trừng trừng. Trong đầu nghĩ “Sao ông nầy biết mình hãm hiếp rồi giết phi tang? Thật ra mình đâu có cố tình giết nó, tai hôm đó quỷ nhập hay sao, đang ở nhà một mình nó chợt đi ngang, tại cái gì giục mà mình làm chuyện bất nhơn như vậy. Vì nó la khóc quá nên mình bịt miệng nó, một hồi nó ngạt thở nên chết thôi. Lỡ rồi mình cũng ân hận nhưng lính quính quá lại nữa con vợ đi chợ sắp về nên mới lấy đá cục cột vô xác nó rồi dìm xuống hồ. Thấy vợ chồng thằng Út mình cũng xấu hổ nhưng tự thú thì mặt mũi nào mà sống trên đời nữa. Bây giờ ông Tư nầy đã biết chuyện, chắc chắn ổng sẽ đi tố cáo mình. Mình không thể ở tù được. Phải liệu cách mà giải quyết ổng thôi chứ để đêm dài lắm mộng”.

Ông Tư rùng mình trước suy nghĩ của Dữ. Khu vườn nầy vắng ngắt, lúc nãy ông ghé vào chỉ có vợ chồng Tám Dữ thấy thôi, lỡ như nó thanh toán ông ở đây chắc cũng không ai phát hiện. Nghĩ vậy ông vừa tìm đường vô nhà, vừa nói:

- Tao nói vậy đó, mầy liệu tính đi. Thôi tao về để bả chờ trước cửa nhà mầy đó. Tao lâu ra bả vô kiếm thêm phiền phức. Trong vòng ba ngày mầy tự lo, tao sẽ không nói với ai nhưng sau đó thì đừng trách tao. Còn cái xác của con nhỏ cũng phải trả về cho ba mẹ nó lo chôn cất chứ không thể để cá vồ ăn được biết chưa? Trả như thế nào thì tự mầy liệu, chứ để tao nhúng vô thì mầy không còn thời gian mà từ giã vợ con đó nghen.

Ông Tư ngoái đầu nhìn lại Dữ, thấy nó cười nham hiểm, ông đọc được suy nghĩ của nó:

- Tự thú con khỉ nè ông già. Tui lên Sa Đéc sống ai biết mà tới đó kiếm. Chỗ đó ngoại trừ ông già tui không ai biết đâu. Đó là chỗ bồ nhí của ổng hồi trẻ. Ổng giấu má tui nên chỉ có mình tui biết thôi.

Ông Tư cười cười, nói trong bụng “Nay có thêm tao biết nữa nè”.

Hôm sau, vợ Dữ khi cùng người mua chuối ra vườn đốn chuối bán thì nghe mùi hôi thúi bốc lên nồng nặc. Hai người đi tìm, hết hồn hết vía nhìn ra xác một đứa con nít đã phình trương đang nổi phiêu phiêu dưới ao cá vồ. Hai người biết ngay là xác con của Út Hết. Vợ Tám Dữ run bần bật còn cô Mười mua chuối cắm đầu chạy đến nhà Út Hết, vừa chạy vừa la:

- Thấy xác con bé Nhi rồi. Thấy xác con bé Nhi rồi.

Cả xóm túa lại, người ta mò được cục đá có dây cột chằng chịt và trên tử thi cũng còn sợi dây nối với cục đá. Sơi dây làm khuyết bụng đứa bé vì xác đã trương lên. Vợ Hết chết lên chết xuống còn Hết nghiến răng trèo trẹo mà không nói gì.

Pháp y đến xét nghiệm tử thi, cho biết đứa bé đã bị xâm hại tình dục trước khi bị chết vì ngạt thở.

Công an mời hết các thanh niên đến để hỏi cung, ai cũng có chứng cứ ngoại phạm, ngay cả Dữ.

Nhưng tại sao đứa bé lại bị dìm xuống ao cá của Dữ? Giả thuyết là họ đem vào từ phía sau vườn nhà Dữ và Dữ thì vốn là người đàng hoàng không có cớ gì lại dính vào chuyện như thế nầy.

Qua năm ngày, vụ án tưởng chừng như chìm xuồng.

Ông Tư vẫn chưa lên tiếng và Dữ cũng không thèm đi tự thú.

Ngồi nhà chờ hoài mà không thấy Dữ có động tĩnh gì, ông Tư tức mình lắm. Ông nghĩ, nếu mình im luôn thì mọi việc rồi sẽ qua, thời gian sẽ làm vợ chồng Hết nguôi ngoai, thằng Dữ có thể sẽ trở lại là người tốt. Dẫu sao thì con bé Nhi cũng đã chết rồi, làm rùm beng lên cũng chỉ là tan cửa nát nhà một người nữa. Nhưng rồi ông lại nghĩ, thà là đừng biết, có thể trời cho ông khả năng nhìn thấu mọi việc để ông thanh trừ những tội ác chìm xuồng thì sao? Dữ không thể ngang nhiên vì bản tính súc vật xâm hại đứa bé 6 tuổi rồi giết bỏ mà có thể sống nhởn nhơ không bị trả giá. Thương cho cha mẹ người ta ròng rã 6 năm nuôi con kỳ vọng biết bao nhiêu vào đó. Ông đã biết sự thật nầy, biết ai là hung thủ thì không thể làm ngơ được. Vã lại, ông cũng có tuổi rồi, không sợ nó trả thù. Mình vì việc nghĩa mà làm thì sợ gì chứ?

Nghĩ vậy nên ông quyết định đến nhà Dữ lần nữa, thấy hai vợ chồng đang ăn cơm. Vợ Dữ lăng xăng mời ông ngồi, rót trà để cạnh ông rồi tiếp tục ăn. Dữ có vẻ bực bội và lo lắng. Nó không chào hỏi ông mà cắm đầu vào mâm cơm. Ông Tư nghĩ bụng “Trời đánh còn tránh bữa ăn, đợi vợ chồng nó ăn xong hãy nói”. Ông nhìn Dữ, nó nghĩ “Bực thằng già nầy rồi nhen. Hay là mình lo lót cho ổng cái gì quí giá chút không chừng ổng im à. Chừng đó mình khống chế ổng cái một. Chứ giờ ổng đeo mình như âm hồn bất tán sao chịu nổi”.

Ông Tư thấy ghét. Khi Dữ vừa buông đũa đứng dậy, nó cố tình đi vòng vòng tránh chạm mặt ông thì ông cũng đứng dậy dõng dạc nói:

- Chuyện hôm bữa tới nay sao im thinh vậy mậy? Định bỏ qua luôn sao? Không có bỏ qua luôn được đâu nhen.

Vợ Dữ nhíu mày nhìn ông:

- Chuyện gì vậy chú Tư?

- Chuyện gì bây hỏi thằng chồng bây đó.

Dữ gạt ngang:

- Thôi con tính vầy chú nghĩ coi được hôn? Con đưa cho chú 2 cây vàng chú bỏ qua vụ nầy đi.

- Mầy nói tao là hạng người gì mậy? - Ông Tư giận dữ.

- Là chú thương con cháu nên bỏ qua thôi. Bằng không, con khai có chú dính vô nữa đó.

- Mầy hâm dọa tao hả? Khai đi, bây giờ lên xã khai liền đi.

- Chú đừng thách con nhen.

- Tao thách mầy đó. Sự thật nào dù trước hay sao cũng sẽ được phơi bày ra ánh sáng thôi. Tao thật tình không bao giờ có thể ngờ con người của mầy lại lòng lang dạ sói như vậy. Chuyện như vậy mà cũng làm ra được.

Vợ Dữ trố mắt lắng nghe hai người nói chuyện, không nhịn được, buộc lòng hỏi:

- Chú nói gì con không hiểu vậy chú Tư?

- Hỏi thằng chồng bây. Tại sao con bé Nhi bị giết, ai đã làm gì nó, ai đã giết nó, ai đã dìm xác nó xuống hồ? Là thằng chồng bây làm hết đó.

Vợ Dữ té bịch xuống ghế, giọng nói thất thần:

- Chú đừng nói chơi chứ chú Tư.

Dữ hét lên:

- Ông nầy ổng khùng rồi đó bà ơi. Một hai đổ tội cho tui hà. Tui ăn cơm chứ bộ ăn cám sao lại làm cái chuyện đồi bại đó?

- Đương không sao chú Tư lại nói vậy? Mà sao tìm được xác nó trong ao cá nhà mình? Tại sao chú biết vậy chú Tư?

Dữ càng ương ngạnh lớn tiếng:

- Ừ, sao ông biết tui làm gì với nó mà chụp mũ tui chứ?

Ông Tư điềm đạm cười khẩy:

- Sao tao biết thì tao sẽ trình báo với công an sau, mầy cứ thử làm thinh đi rồi coi hậu quả thế nào nhen. Mầy nên nhớ rõ một điều là tự thú khác với bị truy bắt nhen mậy.

Vợ Dữ khóc lóc níu lấy tay ông còn Dữ nhìn ông hườm hườm. Trong đầu nó nghĩ: “Cứ hứa đại trấn an lão ta rồi liệu mà tìm cách thanh toán lão chứ mình không thể nào tự thú được đâu. Cứ canh lão ra đường chỗ vắng người giải quyết lão không cho ai nhìn thấy là xong. Dù gì lão cũng đã bảy mươi rồi, chết cũng đáng cái mồ”.

 Ông Tư ghê sợ và khinh miệt, bỗng chốc chút tình cảm còn lại cũng tiêu tan. Ông lắc đầu, bất nhẫn:

- Mầy nghĩ gì trong đầu tao đều biết nghe Dữ. Về nhà tao sẽ viết ra giấy toàn bộ sự việc, xong sẽ dặn người nhà nếu như tao có mệnh hệ gì thì đem tới giao cho chính quyền, để coi nếu như mầy thanh toán tao xong rồi có yên ổn mà sống không. Nhưng nếu như tao không bị bất trắc gì trước khi mầy đầu thú thì lá thư tường trình đó tao sẽ đem lại đốt trước mặt con vợ mầy. Tao là người lớn, nói một là một hai là hai không nuốt lời nhen mậy.

Dữ hết hồn trố mắt nhìn ông Tư, mình chỉ nghĩ trong đầu thôi sao ông ta biết mà nói lời đề phòng vậy chứ? Tình trạng nầy coi mòi khó qua mặt lão già nầy rồi. Dữ còn đang đắn đo thì ông Tư đứng dậy, nói chậm rãi từng câu:

- Hai ngày, hai ngày nữa thôi nhen mậy. Hai ngày đủ để sắp xếp công chuyện nhà rồi. Ngày thứ ba là tao không chờ nữa.

Dữ rươm rướm nước mắt:

- Tại sao? Tại sao chứ? Tại sao chú bảo vệ cho thằng Út Hết mà nỡ lòng đẩy con xuống hố sâu vậy?

- Giờ mà mầy hỏi tại sao à? Đẩy xuống hố sâu à? Đang không tao lại đối với mầy vậy à? Khi mầy làm chuyên thất đức đồi bại vậy mầy có nghĩ tới thằng Hết không? Có nghĩ tới hậu quả không? Thèm khát gì đứa con nít đáng tuổi con cháu mình chứ? Xem ra hành động đó còn thua loài súc vật. Nhớ tới mà kinh tởm và muốn lánh xa. Mầy là loại người bỏ đi rồi Dữ ơi. Vô tù sám hối đi con.

Ông Tư nói xong, ra về mà trong lòng vô cùng bứt rứt. Ông thương cho con vợ và đám con của Tám Dữ, chắc chắn sẽ nhục nhã bởi hành vi của chồng, của cha mình.

Ông Tư về nhà, nghĩ đến lời hâm dọa của Dữ cũng nghe ơn ớn nên vội viết ngay tờ tường trình sự việc. Trong tờ tường trình, ông nói vô ý muốn đến coi hồ cà vồ thôi nhưng thái độ ngăn cản kỳ lạ của Dữ khiến ông nghi ngờ. Cho đến hôm sau khi vớt được xác bé Nhi từ ao lên, ông đến để tra hỏi và vì quá kinh hoàng lo sợ nên chính miệng Dữ đã khai với ông.

Bản thân ông cũng sợ hắn thủ tiêu bịt miệng nên hai bữa nay ông không đi ra khỏi nhà. Mấy ông bạn già ngày ghé uống trà mấy lần. Bà Tư vẫn càu nhàu nhưng ông lại cho rằng họ đã cùng ông giết thời gian đang nặng nề trôi qua.

Nhưng ông Tư chẳng chờ đợi lâu, sang ngày thứ ba, bà Tư đi chợ về, vẻ mặt khẩn trương, kéo ghế ngồi đối diện ông:

- Ông à. Chuyện nầy ghê thiệt nhen ông. Ông biết ai giết con bé Nhi hôn?

- Ai vậy bà?

- Thằng Tám Dữ đó ông.

- Nó tự thú hả?

- Nó khùng luôn rồi chứ tự thú gì. Suốt ngày lảm nhảm nói chuyện với con bé Nhi hoài, năn nỉ, khóc lóc rồi lạy lục nó xin tha lỗi. Trời ơi, nó hãm hiếp con nhỏ đó ông. Hãm hiếp xong rồi giết.

- Công an có làm việc nó không?

- Làm việc gì được? Nó nói tầm bậy tầm bạ không m. Mở miệng ra là năn nỉ bé Nhi bỏ qua, quỳ lạy bé Nhi. Không còn biết vợ con chi hết đó ông. Ai lại gần nó cũng sợ bắt nó giao cho thằng Út Hết nên khóc la vang nhà.

- Út Hết có lại đó không?

- Sao không. Trong hoàn cảnh nầy vợ chồng thằng Út cũng chỉ biết lắc đầu thôi chứ nói gì giờ?

- Có khi nào nó làm bộ để khỏi ở tù hôn bà?

- Nhìn mặt thất thần mà làm bộ gì ông?

- Chuyện nầy đem ra xét xử dám bị tử hình lắm chứ chẳng chơi. Thà làm bộ khùng điên vậy mà toàn mạng.

- Xời. Chuyện xấu hổ vậy đổ bể ra người tỉnh táo họ cũng tự vận chứ mặt mũi nào nhìn ai. Chỉ có khùng thiệt mới còn sống trơ trơ để bị quả báo ông ơi.

Ông Tư im lặng. Cũng phải. Tám Dữ trước nay là người sống đàng hoàng không có tai tiếng gì trong xóm ấp, nay lại vướng vào chuyện trời không dung đất không tha nầy, nếu không bưng bít được sự thật thì chỉ còn cách kết liễu sự sống mới khỏi phải đối mặt với sự nhục nhã và búa rìu dư luận. Và vì là người có lối sống lành mạnh thuở giờ nên sau khi làm chuyện kinh thiên động địa thì bị tự kỷ ám thị là đương nhiên. Thôi, thật cũng được, giả bộ cũng xong. Coi như có câu trả lời cho vợ chồng Út hết rồi. Phần đời còn lại của Tám Dữ có như thế nào phải xem vào tạo hóa của nó mà thôi.

Mấy hôm sau ông Tư tới nhà Tám Dữ để xem thử coi nó đúng là khùng thiệt như lời đồn của bà con không. Khi ông tới nhà, thấy vợ Dữ đang nấu cơm sau bếp còn Tám Dữ ngồi bẹp dưới đất chung quanh là dụng cụ để làm ngôi sao năm cánh. Dữ ngước lên nhìn ông rồi cúi xuống cặm cụi làm, y cười cười nói nói như đang cười nói với người đối diện chính mình:

- Con ngồi im đó đi để bác làm xong rồi đi mua cho con vài cây đèn cầy cho con đốt xách đi khoe giáp xóm nhen. Hổng sao đâu, chờ chút có gì bác đưa về nói với ba mẹ con cho. Mẹ con đang trông em bé cũng đâu có thời gian mà chơi với con hén?

Ông Tư ngạc nhiên, ông biết Dữ đang nói chuyện với bé Nhi nhưng sao lạ một điều là ông không đọc được suy nghĩ gì trong đầu của nó. Chẳng lẽ đầu óc nó trống không hay sao? Chợt ông nghe Dữ càu nhàu:

- Con đừng nói tầm bậy vậy nghe hôn? Dao cắt vô thịt đau lắm chứ chẳng phải chơi đâu à.

Dữ im lặng chăm chú nhìn vào khoảng không kế bên như đang lắng nghe một người, rồi chắc lưỡi:

- Ừ thôi tao cũng chiều mầy đi. Con nít gì mà đòi hỏi kỳ cục.

Nói xong Dữ vạch quần ra, dùng dao bén ngót cắt phăng một tinh hoàn của mình. Y rống lên một tiếng đau đớn rồi ngả quỵ xuống, ông Tư và vợ Dữ hoảng kinh la làng lên, hàng xóm bèn chạy tới đưa Dữ đi cấp cứu.

Ông Tư buồn rầu khi nhận ra Tám Dữ thật sự bị tự k ám thị rồi, bị oan hồn của bé Nhi theo ám nên thần trí bất minh. Thôi ông cũng không nên theo dõi vụ nầy nữa, đó là chuyện của luật pháp. Nó bị quả báo như vậy cũng đáng đời nó rồi, tội nghiệp cho vợ nó, chắc cũng nhục nhã với chòm xóm láng giềng. Đành là tội ai làm nấy chịu nhưng khi nhìn mặt vợ chồng Út Hết chắc vợ Dữ cũng cảm thấy hổ thẹn trong lòng.

LN.

Theo Chuyện làng quê