"Khách đến còn nhiều, chú ý tiết kiệm gạo"

Trong Chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” cuối tháng 12-1972, một trong những khó khăn của bộ đội ta là việc khan hiếm đạn tên lửa SAM-2 để bắn hạ "pháo đài bay" B52.
chuytraitim1f-1639987187.jpg
Ảnh minh họa do tác giả cung cấp.

 

Vào những ngày cao điểm của chiến dịch, nhiều tiểu đoàn tên lửa rơi vào tình trạng giữa chừng “trắng bệ” (trên các bệ phóng không còn đạn, trong khi máy bay Mỹ vẫn tiếp tục kéo vào Hà Nội ném bom). Đêm 20-12, tại Tổng hành dinh, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng chỉ thị cho Quân chủng Phòng không-Không quân phải tìm mọi cách giải quyết đủ đạn cho các đơn vị đánh B-52.

Trước tình hình khan hiếm đạn, chỉ huy các trung đoàn liên tục nhắc nhở, yêu cầu các kíp chiến đấu: “Khách đến còn nhiều, chú ý tiết kiệm gạo”. Bộ đội tên lửa phải chắt chiu, xác định thật kỹ mục tiêu mới nhấn nút nhả đạn từng phát một, nhưng hiệu suất chiến đấu vẫn rất hiệu quả. Điển hình là đêm 20 rạng sáng 21-12, nhiều tốp B-52 đang nối tiếp nhau bay vào không phận Hà Nội, trên bệ phóng của Tiểu đoàn 57, Trung đoàn 261 (Sư đoàn 361) chỉ còn hai quả đạn tên lửa.

Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt hạ quyết tâm đánh "quả một", nghĩa là mỗi lần dùng một quả. 5 giờ 9 phút, quả thứ nhất rời bệ, hạ một chiếc B-52; chưa đầy 10 phút sau, quả còn lại vút lên bầu trời, hạ thêm một chiếc B-52 nữa.

Đêm 19 và đêm 20-12-1972, Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257 (Sư đoàn 361) đã đánh 3 trận xuất sắc, khi chỉ với 6 quả đạn tên lửa tiêu diệt 3 "pháo đài bay" B-52 của Mỹ. Sau đó ít ngày, cũng bằng 2 quả tên lửa SAM-2, Tiểu đoàn 72, Trung đoàn 285 (Sư đoàn 363) quật ngã 2 chiếc máy bay ném bom hạng nặng này, một chiếc rơi ngay giữa lòng Thủ đô Hà Nội.

Điều đặc biệt là những quả đạn tên lửa SAM-2 ấy phần nhiều đã quá niên hạn sử dụng, Quân chủng Phòng không-Không quân đã nghiên cứu tìm cách tăng hạn, kéo dài tuổi thọ cho từng quả đạn bằng “quy trình lắp ráp ngược”. Tại các tiểu đoàn kỹ thuật của Trung đoàn 257, Trung đoàn 261, những quả đạn tên lửa sau khi được lắp ráp, nhanh chóng đưa lên xe chở về đơn vị chiến đấu và lập tức được nạp vào bệ phóng, lao vào không trung diệt “giặc trời” B-52.

Những thời điểm muôn vàn khó khăn khi lũ "giặc trời" tiến công Hà Nội, Hải Phòng, dù vũ khí, đạn dược thiếu thốn nhưng với tinh thần sáng tạo, sự mưu trí, lòng dũng cảm, những người lính phòng không, không quân đã buộc các "pháo đài bay" của đế quốc Mỹ phải phơi x.ác, làm nên huyền thoại "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không".

Theo ước tính của Mỹ, Việt Nam đã phóng khoảng 1.000 - 1.200 tên lửa sau 12 ngày đêm. Nghĩa là theo Mỹ ước tính thì lượng đạn tên lửa của Việt Nam đã sắp cạn kiệt, vì vậy có những ý kiến cho rằng nếu Hoa Kỳ kiên trì đánh phá thêm vài ngày thì có thể đã giành được chiến thắng.

Tuy nhiên theo thống kê của Quân đội Nhân dân Việt Nam, thực ra trong toàn chiến dịch họ chỉ phóng 334 đạn tên lửa SA-2 (bao gồm 241 tên lửa phóng ở xung quanh Hà Nội), bằng 60% dự trữ tên lửa tốt của Hà Nội, Hải Phòng.

Việc Hoa Kỳ ước tính sai số tên lửa đã phóng (cao gấp 3 lần so với thực tế) là do chiến thuật "bắn tên lửa giả" của Việt Nam (tên lửa vẫn nằm trên bệ phóng nhưng lại phát sóng điều khiển tên lửa ra ngoài để làm đội hình tiêm kích bảo vệ B-52 của Mỹ tưởng là tên lửa đang lao tới, phải tìm cách né tránh làm rối loạn đội hình).

Mặt khác, trong 12 ngày đêm, quân đội Việt Nam cũng phục hồi được hơn 300 tên lửa cũ để tái sử dụng, như vậy thực ra kho tên lửa dự trữ của Việt Nam chỉ sụt đi khoảng 6% (khoảng 30 quả).

Tuy dự trữ tên lửa trong kho còn nhiều, nhưng SA-2 là tên lửa phòng không thế hệ đầu, muốn sử dụng thì phải lắp ráp lại và bơm nhiên liệu. Đến ngày 24/12, một số đơn vị bị thiếu đạn trên bệ phóng do cục kỹ thuật không lắp ráp kịp. Tận dụng ngày nghỉ Noel (25/12), Việt Nam đã lắp ráp được hàng trăm quả tên lửa, nên từ ngày 26/12, tình trạng thiếu đạn trên bệ phóng đã được khắc phục. Số lượng đạn tên lửa mà các trung đoàn tên lửa phòng không quanh Hà Nội và Hải Phòng đang có đã lên đến hàng trăm quả.

Tại mỗi tiểu đoàn kỹ thuật đã có dự trữ hơn 60 quả đạn chưa lắp ráp. Đến đêm 29 tháng 12, các đơn vị tên lửa phòng không Hà Nội được lệnh bắn không hạn chế số lượng đạn tên lửa, không có chuyện bị thiếu tên lửa vào cuối chiến dịch.

Cùng với đạn tên lửa, Việt Nam đã sử dụng 2.036 viên đạn pháo 100mm, 15.669 viên đạn 57mm, 19.454 viên đạn 37mm, 1.147 viên đạn 14.5mm đã được bắn, chiếm 66% lượng dự trữ của Hà Nội và Hải Phòng.

Như vậy, nếu tiếp tục duy trì cường độ chiến đấu, Quân đội Nhân dân Việt Nam vẫn có đủ đạn dược để chiến đấu thêm 20 ngày nữa. Ngoài ra, trong trường hợp kho đạn tại Hà Nội-Hải Phòng cạn kiệt thì có thể huy động hàng trăm đạn tên lửa từ các kho ở Khu IV (Thanh Hóa, Nghệ An) để tiếp tục chiến đấu thêm khoảng 10 ngày. Chưa kể 2 trung đoàn tên lửa SA-3 mới có năng lực cao hơn SA-2 kèm thêm 200 tên lửa SA-3 được dự kiến sẽ đưa vào chiến đấu vào ngày 31 tháng 12 năm 1972.

Như vậy, tổng cộng lượng tên lửa dự trữ của Việt Nam có thể kéo dài chiến đấu thêm tới 40 ngày. Trên thực tế, khi các cuộc không kích của Hoa Kỳ tiếp diễn tại Khu IV trong tháng 1 năm 1973, các đơn vị tên lửa SA-2 của Việt Nam đóng ở Thanh Hóa vẫn đủ sức tiếp tục chiến đấu, bắn rơi và bắn hỏng thêm 4 chiếc B-52.

Ngoài ra, còn phải tính tới trường hợp Liên Xô sẽ đồng ý viện trợ cấp tốc tên lửa cho Việt Nam bằng máy bay vận tải tầm xa. Ví dụ như máy bay Antonov An-12 có thể chở theo 8 quả tên lửa SAM-2 tháo rời, chỉ cần 1 phi đội 10 chiếc là có thể chở sang Việt Nam khoảng 80 quả tên lửa mỗi ngày, nhiều hơn số tên lửa được sử dụng (30-40 tên lửa/ngày).

Trong trường hợp này thì Việt Nam sẽ có đủ tên lửa để kéo dài chiến đấu tới hàng năm, và nếu tốc độ B-52 bị bắn rơi được duy trì ở mức 3 chiếc/ngày thì không quân Mỹ sẽ mất hết sạch B-52 trong vòng 4 tháng, trước khi có thể làm cạn kho tên lửa của Việt Nam.

(Theo Tìm hiểu về chiến tranh VN)