Lễ hội chùa Hương là một trong những lệ hội lớn nhất Việt Nam được tổ chức đầu năm cũng là lễ hội kéo dài nhất trong các lễ hội ở nước ta. Mỗi năm lễ hội chùa Hương thường khai hội từ hôm nay kéo dài 3 tháng, sẽ kết thúc vào 23/4 âm lịch.
Ông Đặng Văn Cảnh - Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tích cực phối hợp với các sở liên quan và hướng dẫn Công ty cổ phần Chùa Hương Xanh hoàn thiện đề án xây dựng xác định hướng tuyến, lộ trình và giá vận chuyển xe điện để tạo điều kiện cho du khách đảm bảo văn minh an toàn lịch sự. UBND huyện Mỹ Đức đã phối hợp với Sở Du lịch tổ chức học tập triển khai đến cán bộ công nhân viên chức Ban quản lý thắng cảnh hương sơn và nhân dân trên địa bàn xã Hương Sơn về Luật Di sản văn hóa, Luật Du lịch, Luật giao thông đường thuỷ nội địa, quy chế tổ chức lễ hội, văn hoá ứng xử, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, về công tác phục vụ tôn giáo, tín ngưỡng trong lễ hội.
Ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương) cho biết: Chúng tôi cũng khuyến cáo đến du khách về thăm quan thắng cảnh cần chủ động về việc phòng, chống dịch bệnh Covid- 19 theo khuyến cáo của ngành Y tế và chung tay giữ gìn môi trường ứng xử văn minh, lịch sự. Số điện thoại hỗ trợ du khách được công khai tại các điểm trong khu vực lễ hội, trên dòng suối, và tại địa chỉ web lehoichuahuong.vn. Giá cả dịch vụ của Ban tổ chức lễ hội Chùa Hương 2023 cũng có trên trang web lehoichuahuong.vn.
Ông Nguyễn Bá Hiển lưu ý: Ban quản lý khu di tích đã huy động và tuyên truyền cho bà con nhân dân trên 3.000 phương tiện đò thuyền và cũng tuyên truyền sơn màu xanh để đảm bảo thân thiện với môi trường .Còn về công tác đảm bảo an toàn thì chúng tôi cũng tuyên truyền mỗi thuyền đều có phao cứu sinh, và khuyến cáo người lái đò nhắc nhở du khách là không nên đánh bài ăn tiền trên thuyền, gây phản cảm và không vức rác trên dòng suối để đảm bảo công tác vệ sinh môi trường.Về vấn đề an toàn, có lực lượng Công an và lực lượng thanh tra giao thông đường thuỷ của thành phố cũng phối hợp với Ban tổ chức lễ hội Chùa Hương làm tốt công tác đảm bảo an toàn trên dòng suối phục vụ du khách đi lễ hội Chùa Hương theo đúng chủ đề của lễ hội là An toàn là hàng đầu.
Lễ hội chùa Hương thể hiện sự tín ngưỡng của Phật giáo Việt Nam, của các phật tử, du khách thập phương, cùng nhau tâm tịnh cầu nguyện, thắp hương, giải tỏa mọi phiền muộn, lo lắng trong lòng. Không khí trẩy hội chùa Hương hằng năm tạo nên một nét đẹp văn hóa thiêng liêng và độc đáo của dân tộc Việt và được lưu truyền qua nhiều đời.
Hành trình trẩy hội chùa Hương, điểm đến đầu tiên của du khách sẽ là đền Trình, hay còn gọi là Ngũ Nhạc Linh Từ, một ngôi đền nhỏ nằm dưới chân núi bên bìa phải của dòng suối Yến, cách bến đò khoảng 500m. Tiếp đến là chùa Thiên Trù. Chùa có kết cấu hài hòa từ tam bảo, tiền đường đến nhà thờ tổ, nhà thờ mẫu, nhà khách… Đứng giữa sân chùa có thể cảm nhận được sự tráng lệ, kỳ vĩ của cảnh chùa, núi non. Từ chùa Thiên Trù rẽ phải là hành trình đến động Hương Tích. Lối lên động quanh co, được phủ trắng bởi hoa đại. Nhìn từ bên ngoài, động như một cái hàm rồng khổng lồ, thênh thang và sâu hun hút vào hang động để thưởng ngoạn, và cất giữ muôn đời cho con cháu. Không khí mát lạnh cùng với những nhũ đá “long lanh như gấm dệt” làm cho Hương Sơn xứng tầm với tên gọi kỳ quan “Nam thiên đệ nhất động” của tạo hóa.
Chùa Giải oan cũng là một trong những địa điểm đáng chú ý trong quần thể Hương Sơn. Chùa được dựng ở lưng chừng núi Long Tuyền. Trước chùa có suối chín nguồn gọi là suối Giải oan. Trong chùa có một giếng nước trong vắt, quanh năm không bao giờ cạn. Tương truyền đây chính là nơi đức Bồ Tát Quan Âm Diệu Thiện đã dùng để tẩy sạch bụi trần trước khi vào cõi Phật.
Tạo hoá đã khéo bày đặt ở vùng này một sự hài hoà giữa núi non sông nước và con người đã thổi hồn vào những điều kỳ diệu đó, làm cho chúng thêm sinh động, đa sắc màu. Chính điều đó đã tạo nên một nét văn hoá của dân tộc Việt Nam, đó là nét văn hoá tín ngưỡng đạo Phật. Trải qua nhiều thế kỷ nó đã in đậm trong tâm thức của mỗi con người Việt Nam chúng ta khi đi trẩy hội chùa Hương.