Khánh Hòa: Để xứng danh Xứ trầm hương

Câu ca “Khánh Hòa là xứ trầm hương” từ lâu đã trở thành lời quảng bá ấn tượng về một sản vật đặc trưng của vùng đất này. Tuy vậy, trong quá trình phát triển, ngành Trầm hương Khánh Hòa mới chỉ dừng lại ở mức độ tạo ra sản phẩm thương mại mà chưa chú trọng yếu tố giá trị văn hóa.

Trong truyền thuyết về Thánh Mẫu Thiên Y A Na, dân gian đã kể lại câu chuyện bà hóa thân vào khúc trầm hương tỏa hương thơm ngạt ngào. Trong cuốn Xứ Trầm hương, nhà thơ Quách Tấn có viết: “Khánh Hòa có một thứ lâm sản hết sức quý. Nhưng quý không phải là một nguồn lợi của nhân dân địa phương mà vì là một sản phẩm đặc biệt đã làm cho Khánh Hòa thơm danh trong nước và ngoài nước. Đó là trầm hương…”. Theo ông,  các địa phương khác cũng có trầm hương, nhưng không nhiều và không tốt bằng ở Khánh Hòa. Vậy nên, hễ nói đến trầm hương là nói đến Khánh Hòa.

Khách tham quan các gian hàng giới thiệu sản phẩm trầm hương tại triển lãm Linh thiêng xứ Trầm.

Khách tham quan các gian hàng giới thiệu sản phẩm trầm hương tại triển lãm Linh thiêng xứ Trầ


Xưa kia, vùng đất Khánh Hòa từng được coi là thủ phủ về trầm hương. Tuy nhiên, trong suốt một thời gian dài, những người làm nghề khai thác, chế biến, kinh doanh liên quan đến sản phẩm trầm hương dường như đã bỏ qua giá trị vô hình đó mà chỉ tập trung vào hoạt động thương mại. Cho đến thời điểm này, ở Khánh Hòa vẫn chưa có những nhà trưng bày, giới thiệu một cách trọn vẹn về nghề trầm hương theo dạng bảo tàng ngành nghề được các cơ quan chức năng công nhận, có chăng mới chỉ dừng lại ở một vài cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm trầm hương đủ tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.


Nhằm bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, ngành nghề truyền thống tiêu biểu của địa phương; góp phần thúc đẩy việc tuyên truyền, quảng bá sản phẩm trầm hương, mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với Hội Trầm hương Khánh Hòa tổ chức triển lãm Linh thiêng xứ Trầm. Theo kế hoạch, triển lãm kéo dài trong 1 tuần, nhưng vì diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên chỉ diễn ra được 1 ngày. Tuy nhiên, lần đầu tiên những hình ảnh, tư liệu, công cụ khai thác, chế tác sản phẩm, các mẫu sản phẩm, nguyên liệu… liên quan đến ngành nghề trầm hương được giới thiệu rộng rãi đến người dân và du khách cũng là một tín hiệu tích cực. Đến đây, bên cạnh được xem các sản phẩm trầm hương thật 100%, mọi người còn biết thêm về quy trình chế tác, khai thác, chế biến sản phẩm trầm hương.


Việc gắn nét đặc trưng văn hóa trong các sản vật trầm hương là cách để gia tăng giá trị của sản vật địa phương. Bởi khi đó, sản vật không còn thuần túy là vật phẩm thương mại mà còn là sản phẩm văn hóa mang màu sắc địa phương. “Việc tổ chức những hoạt động như triển lãm lần này rất có ý nghĩa đối với những người làm trong nghề trầm hương như chúng tôi. Hy vọng rằng, thời gian tới, việc giới thiệu, quảng bá giá trị, nét văn hóa trầm hương sẽ được tổ chức nhiều hơn để người dân, du khách trong và ngoài nước biết về trầm hương Khánh Hòa”, ông Trần Nhựt Trường - đại diện Cơ sở trầm hương Trường Phát (xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh) cho biết.

Nguồn: baokhanhhoa.vn