Khánh Hòa: Hướng tới nền công nghiệp văn hóa

Trong báo cáo chính trị của Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVIII đã nêu rõ hạn chế trong lĩnh vực văn hóa: Chưa được quan tâm đúng mức, việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là đối với các công trình lớn do thiếu nguồn lực; và trong định hướng đến năm 2025 cũng nêu rõ: Quan tâm đầu tư các công trình văn hóa trọng điểm, các thiết chế văn hóa.

kh1-1626409078.jpg

Biểu diễn nhạc cụ dân tộc phục vụ khách du lịch tại Hội quán Hòn Chồng. (Ảnh chụp năm 2019)

Giàu tiềm năng…

Với bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời, hiện Nha Trang - Khánh Hòa vẫn còn lưu giữ những di tích, danh thắng độc đáo. Đó là hệ thống di tích liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu như Am Chúa, Tháp Bà Ponagar; đền thờ những nhân vật lịch sử như: Trịnh Phong, Trần Đường, Trần Quý Cáp; di tích liên quan đến lịch sử phong kiến với Phủ đường Ninh Hòa, Thành cổ Diên Khánh… Bên cạnh đó, Khánh Hòa còn lưu giữ được nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo như: Hô hát bài chòi, hát văn múa bóng, hát bội, đờn ca tài tử... 

Điểm qua một số nét đặc trưng để thấy tiềm năng văn hóa của xứ Trầm hương là nguồn tài nguyên phong phú để khai thác, trở thành nguồn lực kinh tế. Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Phó Giám đốc Sở Du lịch, thời gian qua, các loại hình văn hóa tại Khánh Hòa luôn gắn với hoạt động phát triển du lịch. Tuy nhiên, việc khai thác còn hạn chế, chưa phát huy hết giá trị của các loại hình văn hóa, nghệ thuật, di tích lịch sử, văn hóa vùng miền… Sản phẩm văn hóa nghệ thuật về đêm phục vụ du lịch còn hạn chế về cơ sở hạ tầng, chưa tạo được điểm nhấn với du khách, cần có sự đầu tư về quy mô và mang tính ổn định hơn để phát huy bản sắc văn hóa nghệ thuật truyền thống gắn với phát triển du lịch. 

Nhưng thiếu tiềm lực

Theo ông Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, hoạt động văn hóa lâu nay mới chỉ dừng lại ở việc bảo tồn, duy trì, còn việc phát huy vẫn khiêm tốn. Trên thực tế, với nguồn tài nguyên văn hóa phong phú, đa dạng của tỉnh, nếu biết cách khai thác đúng hướng sẽ tạo được nguồn thu cho ngân sách.

- Quan điểm về ngành công nghiệp văn hóa đã được Đảng ta đưa ra từ Hội nghị Trung ương 9 khóa XI năm 2014, với yêu cầu: Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa... Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, một lần nữa nhiệm vụ triển khai, phát triển công nghiệp văn hóa lại được Đảng ta xác định thành một nội dung trọng tâm trong thời gian tới. 

- Công nghiệp văn hóa ở nước ta được xác định bao gồm 12 lĩnh vực: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa.

Thế mạnh của tỉnh khi xây dựng công nghiệp văn hóa tập trung chính ở 2 lĩnh vực: Nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; du lịch văn hóa. Tuy nhiên, để có thể “hái ra tiền” từ các giá trị đó không phải chuyện đơn giản. Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh về đề án xây dựng bảo tàng mới của tỉnh, ông Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, một địa phương đặt du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn như Khánh Hòa nhưng lại chưa có một nơi xứng tầm để du khách đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, đời sống là vấn đề cần sớm được khắc phục. Cùng quan điểm đó, ông Bùi Kỳ Đà - Phó Giám đốc Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam từng chia sẻ, năm 2019, khi tổ chức triển lãm di sản văn hóa, du lịch biển đảo Việt Nam tại Khánh Hòa, trung tâm đã rất đắn đo trong việc chọn địa điểm. Vì ở Nha Trang - Khánh Hòa chưa có trung tâm triển lãm nên đành thực hiện ở sảnh của Trung tâm Hội nghị tỉnh. 

Theo họa sĩ Trần Hà - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, hoạt động sáng tác của đội ngũ họa sĩ, nhà điêu khắc, nhiếp ảnh của tỉnh thời gian qua rất sung sức và được giới chuyên môn cả nước đánh giá cao, nhưng bao năm nay, các triển lãm cá nhân hay tập thể của hội thực hiện trong những không gian nhỏ hẹp, vì vậy khả năng quảng bá, giới thiệu chưa như mong đợi. Đây cũng là một trong những lý do ngày càng có ít cuộc triển lãm tầm khu vực và quốc gia chọn Khánh Hòa làm nơi tổ chức. 

Theo ông Nguyễn Thanh Hà, trong định hướng phát triển ngành Văn hóa đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh sẽ thực hiện đầu tư xây dựng nhiều công trình thiết chế văn hóa quan trọng gồm: Trung tâm Biểu diễn nghệ thuật, Trung tâm Văn hóa, Bảo tàng mới của tỉnh; đồng thời thực hiện việc tôn tạo, quy hoạch lại khu vực di tích Thành cổ Diên Khánh và di tích Am Chúa để xứng tầm di tích cấp quốc gia. Tuy nhiên, kế hoạch trên là câu chuyện của tương lai. 

Nguồn: baokhanhhoa.vn