Khảo sát dấu tích nhà Mạc ở đồi Diệm Xuân  (Vĩnh Tường -Vĩnh Phúc): Bài 2: Khám phá bí ẩn về nhân vật Mạc Kính Vũ

Theo cố GS TSKH Phan Đăng Nhật: 5 cuốn sử đều ghi, “sau thất bại năm 1677, Mạc Kính Vũ đi Long Châu (Trung Quốc)”. Đó là Lịch triều tạp kỷ, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Việt Nam sử lược, Việt sử yếu, Thanh thực lục. Những năm cuối đời, sau khi thất thủ ở Cao Bằng, Mạc Kính Vũ đi Long Châu, tiếp theo ông hoạt động như thế nào, ở đâu, không có sử sách nào ghi chép.

nha-mac-5-1621477832.jpg

Các ông Nguyễn Ngọc Sĩ 86 tuổi (thứ hai từ trái sang), trưởng chi gốc Mạc xóm 5, thôn Diệm Xuân; Nguyễn Tiến Quốc, 66 tuổi, cũng ở thôn Diệm Xuân là Phó chủ tịch Hội đồng Mạc tộc Vĩnh Phúc trao đổi với tác giả bài viết đầu năm 2021 tại đền thờ Nhà Mạc ở đồi thôn Diệm Xuân, xã Việt Xuân, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). Ảnh: Tiến Dũng chụp đầu năm 2021.

Trong Tập  IV “Nội chiến Nam - Bắc Triều”, ở Chương III “Hoàng hôn của Bắc Triều” trong bộ tiểu thuyết lịch sử 5 tập “Việt Nam diễn nghĩa” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành đầu năm 2020, tại các trang 390 – 391 viết (trích nguyên văn): “ Đinh Văn Tả hỏi:

- Mạc Kính Vũ chạy về đâu, nói ta tha mạng.

- Dạ tướng quân tha mạng, Mạc Kính Vũ đã chạy sang Long Châu - Trung Quốc rồi ạ!... Sau khi thám mã từ Long Châu về báo chính xác Mạc Kính Vũ trốn sang Trung Quốc, sống ẩn dật vì sợ nhà Thanh truy bắt, Đinh Văn Tả mới tin rằng thế lực nhà Mạc hoàn toàn chấm dứt ở Cao Bằng năm 1677, mặc dù vai trò chính trị quốc gia đã chấm dứt từ năm 1592. Ở Cao Bằng, nhà Mạc được thêm 3 đời vua kế tục nhau: Mạc Kính Cung (1592 – 1625), Mạc Kính Khoan (1625 -1638), Mạc Kính Vũ (1638-1677), cát cứ được 85 năm. Năm 1677 chấm dứt nội chiến Nam Bắc Triều”.

nha-mac-11-1621479645.jpg

Ông Nguyễn Tiến Quốc (thứ hai từ phải sang), Phó chủ tịch Hội đồng Mạc Tộc Việt Nam chỉ cho tác giả bài viết nơi từng đặt mộ Công chúa Mạc Kính Lan đã được di chuyển  từ năm 2017, cách đền khoảng 100 m để xây dựng đền thờ Nhà Mạc. Ảnh: Tiến Dũng chụp đầu năm 2021.

 Còn Mạc Văn Trang trong bài “Khánh thành đền thờ Nhà Mạc ở Vĩnh Phúc” phát trên Vanhien.vn ngày 21/4/2017 viết: “Nghiên cứu cho thấy khi thất thủ Cao Bằng (1677), không phải vua “Mạc Kính Vũ đã nhảy xuống sông tử vẫn” như “báo cáo thành tích” của quân sĩ do tướng Đinh Văn Tả chỉ huy, được ghi trong chính sử; Theo gia phả và truyền ngôn của 2 chi họ Nguyễn gốc Mạc ở Vĩnh Phúc, thì từ hàng chục năm, trước khi thất thủ Cao Bằng, Mạc Kính Vũ đã về đồi Xuân Sơn, nơi nhìn ra ngã ba sông Hồng và sông Lô, vị trí rất đẹp, xây ngôi chùa gọi là Xuân Sơn Tự và ông thường lui tới như một vị tu hành. Nhiều dấu tích và truyền ngôn cho thấy ông chọn Vĩnh Phúc là địa bàn chiến lược, chuẩn bị lực lượng lấy lại Thăng long, nhưng đã không thành. Cuối cùng ông tu hành, trụ trì tại Xuân Sơn Tự. Tại đồi này, sau phát hiện có mộ của vua Mạc Kính Vũ, hoàng tử Mạc Hữu Phát, công chúa Mạc Chính Lan…”

Tóm lại, sau 1677, vua Mạc Kính Vũ còn sống, sang Long Châu. Nhưng sau đó ông đi đâu vẫn còn là một khoảng trống, cần tìm hiểu làm rõ?

Để có một lời giải đáp ban đầu, cố GS TSKH Phan Đăng Nhật từng chủ trì Hội thảo “Nhà Mạc và hậu duệ ở Vĩnh Phúc” năm 2012 đã đồng ý với nhiều nhà khoa học với lập luận: “Vua Mạc Kính Vũ rút khỏi thành Phục Hòa và rút khỏi Cao Bằng, theo sông Lô, về vùng Bạch Hạc, ngã ba sông và mai danh ẩn tích, chờ thời tại vùng này”. Vì vậy, có thể suy đoán rằng, phải chăng Mạc Kính Diệu/Vũ có kế hoạch riêng nào đó, đã bí mật trở về Việt Nam khi đã biết chính thức được nhà Thanh sẽ phong cho mình làm Qui hóa tướng quân, toàn bộ công việc thì giao cho con là Mạc Nguyên Thanh cũng sẽ được nhà Thanh chính thức phong làm An Nam đô thống sứ. Phải chăng Mạc Kính Diệu vẫn duy trì phương thức chính trị của triều Mạc trước đây: Vua hiện tại rút về làm Thái thượng hoàng, còn người kế nghiệp thì lên ngôi. Nếu giả thiết này đúng, thì có thể lí giải được những truyền ngôn của con cháu nhà Mạc bấy lâu nay về việc một vua Mạc nào đó đã từ Cao Bằng bí mật trở về vùng đồng bằng vào khoảng đầu thập niên 1660.”

Như vậy, cũng như Mạc Kính Diệu vào năm 1661, đến lượt Mạc Nguyên Thanh vào năm 1680, các vua Mạc đều để lại những bí mật xung quanh cái chết của mình. Không rõ hai vị đã mất trong hoàn cảnh cụ thể như thế nào, ở đâu, mộ phần ra sao. Rất tiếc là người cháu Mạc Kính Thự cũng không thể tiết lộ về những bí mật đó.

Trong truyền ngôn của một số con cháu Mạc tộc Việt Nam thì, Mạc Nguyên Thanh (tức Mạc Kính Vũ) vào một năm nào đó không rõ đã rút khỏi Cao Bằng bằng đường thủy, theo sông Lô về vùng Bạch Hạc ngã ba sông, rồi mai danh ẩn tích chờ thời tại vùng này. Ông đóng giả làm sư, vào tu ở chùa Xuân Sơn (tên nôm là chùa Trống) hiện thuộc thôn Diệm Xuân, xã Việt Xuân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Tương truyền sau khi mất, ông được mai táng ở khu vực vườn sau chùa, nay vẫn còn [Nguyễn Minh Đức 2007: 581-583; Hoàng Lê - Nguyễn Minh Đức 2010: 375-379; Nguyễn Thị Hải 2010: 106].”

nha-mac-8-1621480001.jpg

Chùa Diệm Xuân, xã Việt Xuân (Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc) hay còn gọi là chùa Trống (Xuân Sơn tự) được xây dựng lại trên nền chùa cũ ở đồi cao hướng ra sông Hồng  bằng nguồn kinh phí xã hội hóa đang trong giai đoạn hoàn thiện. Ảnh: Tiến Dũng chụp đầu năm 2021.

 

Tập hợp các ý kiến thuộc nhiều góc độ, với phương pháp nghiên cứu tổng hợp liên ngành, cố GS TSKH Phan Đăng Nhật cho rằng,  có thể đề xuất giải đáp ban đầu: Sau khi đột ngột không xuất hiện, hoàng đế Mạc Kính Vũ bí mật về ẩn cư tại Vĩnh Phúc ngày nay, đã được nhân dân bảo vệ, giúp đỡ, để mưu tiếp tục sự nghiệp nhưng không thành và viên tịch tại đây.

(Còn nữa)

Đón đọc Bài 3: Dự án Cụm di tích lịch sử - văn hóa Chùa, Đền, Đình Diệm Xuân bao giờ thành hiện thực?